Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Cái cần lên thì đếch lên được


Thế là sáng nay, 24/2/2011, Bộ Tài chính đã quyết định cho phép tăng giá bán xăng thêm 2.900 đồng/lít, tức từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất của anh xăng dầu từ trước tới nay. Anh xăng dầu thích nhé!


Trước đó, ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt mức giá điện mới từ 1/3/2011 sẽ tăng 15,28% tương đương mức 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), như vậy là tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân năm 2010. Anh điên nặng vừa lòng nhẩy?

Nghe nói sắp tới đây Bộ GTVT lại thu phí bảo trì đường bộ đối với cả mô tô và xe gắn máy, mỗi chiếc từ 80.000 đến 150.000 đồng/tháng. Thế này thì chỉ có nước đi xe đạp hay bộ quách cho xong, nhưng không khéo họ cũng lại thu phí xe đạp và lô-ca-chân, bởi vẫn phải đi trên đường? Không hiểu Bộ GTVT nghĩ gì khi đề nghị mức thu phí bảo trì đường xá mỗi cái xe mô tô, gắn máy mà bằng 40% lương tối thiểu mỗi tháng thì làm sao mà dân sống? Hơn nữa nếu thu phí mà người lưu thông trên đường vẫn bị sụp ổ gà, bị cán đinh, bị rơi hố đen hoặc tắc nghẽn giao thông vì sạt lở đường... thì ai chịu trách nhiệm và bồi thường?

Trưa nay, vợ tui đi chợ về, giỏ thì nhẹ bâng mà mặt đờ đẫn như người lên đồng. Tui thấy mệt trong người bèn đo thử tăng-xông, thấy huyết áp cũng lên cao quá cỡ!

Thế là cái quái gì cũng lên chỉ có mỗi cái thằng lương ốm đói chết tiệt là nằm yên một chỗ thở phều phào chờ đến 1/5 để được húp thêm muỗng cháo loãng.

Có cái gì đó lờ mờ khó hiểu về những quyết định gọi là điều hành kinh tê vĩ mô... Chả lẽ mấy con gà sống thiến sót (GSTS) của ta toàn là học giả hết chăng? Ngẫm về các loại thuế bỗng nhớ bài Á tế á ca quá... Nhớ nhất cái câu Cái thuế kia mới thiệt lạ kỳ... Giờ thì cái lạ kỳ thời đó chỉ là chuyện vặt!

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Tự soi

 Nhân Valentine làm thơ con cóc tặng Vợ chơi ! 

Bởi có óng ánh sắc than ta mới hiểu thế nào là tinh khôi của tuyết
Nhờ có đêm đông ta mới nhớ ánh mai hồng
Như khi thấy vàng ròng ta mới biết đồng thau là giả
Nếu không có nhau ta đâu biết tình yêu!

Ai cũng cần có một nửa khác mình
Để tự soi vào, để hiểu mình hơn
Nếu chỉ có mỗi ta và... chỉ một
Thì đêm sâu đâu thao thức... bình minh?

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Ăn chơi

Trò chơi đánh đu dân gian
Mấy người ở nước ngoài về ai cũng bảo dân mình sướng nhất, chẳng thế mà mới đây mấy cái viện khảo sát của của Mỹ (Gallup), của Pháp (BVA) đều đưa ra kết luận người Việt mình có chỉ số lạc quan cao nhất thế giới là gì (?). Mà quả là sướng thiệt vì quanh năm dân ta toàn ăn và chơi. Vừa ăn Giáng sinh, lại ăn liền tết Tây, rồi ăn tết Âm lịch thật hoành tráng, sau Tết âm lịch lạiđủ thứ lễ hội nào là lễ hội chùa Hương, hội xuân Yên Tử, rồi lại đến giỗ tổ vua Hùng... Nghe nói cả nước mỗi năm có khoảng 8000 lễ hội, như vậy mỗi ngày bình quân diễn ra hơn 20 lễ hội và nếu chỉ để các lễ hội đó diễn ra một cách bình thường thôi thì mỗi năm cũng đã tốn kém hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhìn sang các nước khác như Nhật Bản chẳng hạn, họ đã mạnh dạn chuyển sang chỉ ăn mỗi cái Tết dương lịch, như vậy có lẽ ở Châu Á chỉ còn có ta và vài ba nước vẫn ăn cả tết âm lịch, như Trung Quốc, Hàn Quốc (?)
Có người bảo Tết âm lịch là Tết truyền thống của dân tộc sao lại bỏ. Không nhớ cha ông ta từng nói: ”Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà” sao? Hay là mất gốc, hay muốn phủ nhận cội nguồn?
Không, gốc chẳng ai muốn mất, cội nguồn cũng chẳng ai phủ nhận. Và đúng là cha ông ta xưa kia ăn chơi hội hè cả tháng Giêng nhưng bởi xã hội Việt Nam bấy giờ chủ yếu là xã hội nông nghiệp, nông dân chiếm đến 95%, mọi hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội đều xoay theo thời vụ sản xuất. Mà đã theo thời vụ thì phải phụ thuộc vào thời tiết, phải “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm…” Thế nên, ăn Tết xong lại phải chờ thời tiết thuận hoà mới có thể ra đồng, mà chờ thì các cụ phải tìm cách vui chơi cho khuây khỏa (tuy thế nhưng chắc rằng các cụ ngày xưa ăn chơi cũng lành mạnh và văn hoá lắm chứ không xô bồ bát nháo, buôn thần bán thánh như bây giờ). Còn hiện nay nông nghiệp đã được khoa học kỹ thuật trợ giúp nên đã hoàn toàn khác, hơn nữa, xã hội hôm nay đâu chỉ có nông dân mà còn có công nhân, viên chức, thương gia, còn các cháu học sinh, sinh viên… chả lẽ cũng ăn chơi theo nông lịch như ngày xưa mãi?
Con gái út của tui mới mùng 4 tết đã soạn tập vở ra ngồi học. Tôi hỏi sao không đi chơi? Cô út bảo nghỉ hoài chán quá. Mà chán cũng là phải bởi ở tỉnh tui, các cháu HS năm nào cũng nghỉ Tết âm lịch đúng nửa tháng. Mấy ngày đầu các cháu còn háo hức đi chơi, mấy ngày sau năm khoèo ở nhà. Mà bọn trẻ thì xem TV, coi phim mãi cũng chán.
Chắc chắn nhiều người vẫn không muốn từ bỏ cái Tết âm lịch truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của mình (Năm ngoái, trong một cuộc lấy ý kiến về việc nên bỏ hay không việc ăn Tết âm lịch của một tờ báo mạng đã có hơn 60% người không đồng ý, mà tui tin rằng hầu hết những người vote trên mạng đều không phải là nông dân mà phần lớn là công chức! Bởi họ là những người ăn lương ba cọc ba đồng nên việc mong muốn được nghỉ càng nhiều càng tốt cũng là điều dễ hiểu!), song thiết nghĩ nhà nước mình nên tìm cách thu xếp việc vui chơi hội hè sao cho gọn lại, đừng tràn lan làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất, công tác, học tập... Bởi một nước nghèo, dân trí thấp kém, khoa học-kỹ thuật còn lạc hậu như ta mà đón những hai cái Tết cùng với bao nhiêu hội hè đình đám quanh năm như hiện nay thì e rằng khó mà giàu mạnh nổi. Cũng xin đừng dựa vào truyền thống, đừng vin vào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để làm nghèo đất nước. Vả lại một nước mà nghèo thì cũng khó mà bảo tồn được truyền thống và bản sắc cho đúng nghĩa!
Hôm kia anh bạn tui đi làm giấy tờ, nhưng vào chỗ nào cũng nghe các anh cán bộ bảo: “Thôi qua thứ hai chú tới làm luôn, hôm nay còn tết bọn nó chưa lên đâu”. Thế đấy, đã là mùng 8 tết, hết thời gian nghỉ theo quy định của Chính phủ đã hai ngày mà dư âm của ăn chơi hội hè dường như vẫn chưa chịu dứt. Thế là phải hết mùng thì các cơ quan nhà nước mới bắt đầu khởi động! Mà đó cũng mới chỉ là khởi động thôi, còn chạy hay không thì chưa chắc! 

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Hoa đào năm ngoái?

Bạn bè tôi mỗi lần gặp nhau, sau chầu lai rai mấy chai bia lại rủ nhau nghêu ngao dăm ba bài karaoke để hả hơi lại sức. Của đáng tội trong nhóm cũng có vài người biết hát nhờ vào chút giọng giời ơi và hát lâu nên quen nhạc, quen lời, biết ngân nga đúng nhịp đúng phách nên xem ra cũng có phần thuận nhĩ. Nghe nhau hát rồi bốc thơm lẫn nhau miết đâm ra nghiện, lâu không có lại thấy nhơ nhớ. Nhưng đến năm nay khi mấy anh em ngồi lại với nhau, nhìn những cái đầu bạc phếch cố kéo căng gân cổ để giữ làn hơi vốn đã yếu nay lại khàn khàn như giây đàn cũ, tôi mới cảm nhận hết cái sức nặng chồng chất của tuổi già đã đè lên cả bọn. Vậy mà cứ người nào hát xong thì cả bọn lại trầm trồ, xuýt xoa, tưởng như chẳng có ai, kể cả đám con hát trẻ, có thể hát hay được đến vậy. Tôi cũng là người được khen nhưng thú thật khi liếc thấy các cháu gái tiếp viên cứ nhìn nhau tủm tỉm cười thì tôi đồ rằng, đó chỉ là một thứ ảo tưởng, như thứ hoa đào năm ngoái của cụ Nguyễn mấy trăm năm trước, thứ hoa của những mộng tưởng xa xăm, một thứ lưu hương mà thôi! Cái hay ho trẻ trai của ngày xưa, nếu có, cũng không còn nữa rồi. Tất cả đã trở nên nhạt nhoà và dĩ vãng!

Đừng làm chủ nhà khó xử!


Nhà cậu em chúng tôi hay tiếp khách, khi thì bạn bè, khi thì học trò. Cậu bảo có người đến thăm là rất đáng quý, bạn bè là niềm vui và tự hào của mỗi gia đình, song đôi khi cũng có những bất tiện mà “nếu không nói ra thì không ai hiểu”. Tôi bảo sao lại thế? Cậu bảo anh nghĩ xem, cả buổi đi làm, trưa về vợ chồng con cái vội vã lao vào lo cơm nước để ăn còn tiếp tục đi làm, đi học buổi chiều. Thế mà khách khứa và học trò cứ nhè ngay cái thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó mà thăm viếng mới chết chứ! Khách đã đến thì phải tiếp vì không thể bất lịch sự mời khách về hoặc hẹn khách khi khác ... (sự ngại ngần, cả nể này xét cho cùng cũng là cái dở của người mình?). Thế là bữa cơm gia đình đành phải trễ nãi. Và sự trễ nãi đó lại kéo theo đủ thứ hệ luỵ, nó như hiệu ứng dây chuyền trên bàn domino vậy. Nào là mất giờ nghỉ trưa, trễ giờ đi học, đi làm của con cái vợ chồng, rồi ảnh hưởng hiệu quả làm việc, học tập và cả cảm giác bực mình, khó chịu có khi đeo đẳng suốt cả ngày... Hoặc nhà ai, thỉnh thoảng chả có những bữa tiệc mà tính chất của nó chỉ cần những người trong gia đình tham dự, vậy mà có khách tình cờ đến chơi, biết thế nhưng vẫn cứ ngồi ì chờ dự luôn thể. Chủ nhà chẳng biết ăn nói làm sao, thật dở khóc dở cười...
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần thấy anh em chúng tôi định đến nhà ai, mẹ tôi luôn dặn có đến nhà ai thì phải biết liệu chừng giờ giấc nào cho thuận tiện, tránh giờ cơm nước hay giờ nghỉ ngơi của người ta. Hoặc đã đến chơi rồi thì cũng phải ý tứ xem chừng, nếu gần tới giờ cơm hoặc thấy chủ nhà có vẻ bận rộn việc gì đó thì nên xin phép ra về. Đừng làm chủ nhà phải khó xử! 
Điều nhỏ nhặt ấy bây giờ liệu có còn mấy người nhắc nhở con cháu mình?

Những chiếc vỏ kẹo


      Hồi trong năm bên vợ tôi đón gia đình một người em gái bên Đức về chơi, họ gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, trong đó có một cậu út 5 tuổi đang học mẫu giáo bên đó. T, tên cậu bé, là một đứa trẻ rất hiếu động, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, lúc nào cũng chạy lên chạy xuống, táy máy xem xét hết cái này đến cái khác. Hôm gia đình người em gái ghé thăm chúng tôi, cậu bé nghịch ngợm sao đó làm ướt cả quần áo. Sợ cháu nhiễm lạnh, vợ tôi bèn thay đồ cho cháu và giặt ngay bộ quần áo ướt để kịp sấy khô cho cháu mang về. Trước khi giặt vợ tôi cẩn thận lục túi quần, túi áo xem có sót đồ vật gì không nhưng chỉ thấy toàn vỏ giấy kẹo chocolate và singum. Thấy lạ vợ tôi hỏi sao con bỏ vỏ giấy kẹo vào túi quần thế này. Cậu bé nhìn vợ tôi chằm chằm mà không trả lời. Mẹ cậu bé cười cười bảo nó ăn kẹo trên xe nhưng không có giỏ rác nên nó bỏ vỏ kẹo đỡ vào túi đó mà. 

      Tôi nghe mà giật cả mình. Thì ra người ta đã kịp dạy trẻ con ngay từ khi đi nhà trẻ thói quen không bỏ rác bừa bãi, và thói quen ấy đã trở thành hành động phản xạ tự nhiên, không cần phải lý giải, không cần phân tích, thế nên điều vợ tôi hỏi bỗng trở thành lạ lẫm “tại sao lại không thế” đối với cậu bé 5 tuổi, cái tuổi chỉ biết ăn, chơi và đi nhà trẻ...


      Việc tưởng như nhỏ nhặt, tầm thường thế mà rất nhiều người lớn bên mình được học hành, bằng cấp hẳn hoi vẫn không sao làm được. Thế mới lạ chứ?