Trò chơi đánh đu dân gian |
Có người bảo Tết âm lịch là Tết truyền thống của dân tộc sao lại bỏ. Không nhớ cha ông ta từng nói: ”Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà” sao? Hay là mất gốc, hay muốn phủ nhận cội nguồn?
Không, gốc chẳng ai muốn mất, cội nguồn cũng chẳng ai phủ nhận. Và đúng là cha ông ta xưa kia ăn chơi hội hè cả tháng Giêng nhưng bởi xã hội Việt Nam bấy giờ chủ yếu là xã hội nông nghiệp, nông dân chiếm đến 95%, mọi hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội đều xoay theo thời vụ sản xuất. Mà đã theo thời vụ thì phải phụ thuộc vào thời tiết, phải “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm…” Thế nên, ăn Tết xong lại phải chờ thời tiết thuận hoà mới có thể ra đồng, mà chờ thì các cụ phải tìm cách vui chơi cho khuây khỏa (tuy thế nhưng chắc rằng các cụ ngày xưa ăn chơi cũng lành mạnh và văn hoá lắm chứ không xô bồ bát nháo, buôn thần bán thánh như bây giờ). Còn hiện nay nông nghiệp đã được khoa học kỹ thuật trợ giúp nên đã hoàn toàn khác, hơn nữa, xã hội hôm nay đâu chỉ có nông dân mà còn có công nhân, viên chức, thương gia, còn các cháu học sinh, sinh viên… chả lẽ cũng ăn chơi theo nông lịch như ngày xưa mãi?
Con gái út của tui mới mùng 4 tết đã soạn tập vở ra ngồi học. Tôi hỏi sao không đi chơi? Cô út bảo nghỉ hoài chán quá. Mà chán cũng là phải bởi ở tỉnh tui, các cháu HS năm nào cũng nghỉ Tết âm lịch đúng nửa tháng. Mấy ngày đầu các cháu còn háo hức đi chơi, mấy ngày sau năm khoèo ở nhà. Mà bọn trẻ thì xem TV, coi phim mãi cũng chán.
Chắc chắn nhiều người vẫn không muốn từ bỏ cái Tết âm lịch truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của mình (Năm ngoái, trong một cuộc lấy ý kiến về việc nên bỏ hay không việc ăn Tết âm lịch của một tờ báo mạng đã có hơn 60% người không đồng ý, mà tui tin rằng hầu hết những người vote trên mạng đều không phải là nông dân mà phần lớn là công chức! Bởi họ là những người ăn lương ba cọc ba đồng nên việc mong muốn được nghỉ càng nhiều càng tốt cũng là điều dễ hiểu!), song thiết nghĩ nhà nước mình nên tìm cách thu xếp việc vui chơi hội hè sao cho gọn lại, đừng tràn lan làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất, công tác, học tập... Bởi một nước nghèo, dân trí thấp kém, khoa học-kỹ thuật còn lạc hậu như ta mà đón những hai cái Tết cùng với bao nhiêu hội hè đình đám quanh năm như hiện nay thì e rằng khó mà giàu mạnh nổi. Cũng xin đừng dựa vào truyền thống, đừng vin vào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để làm nghèo đất nước. Vả lại một nước mà nghèo thì cũng khó mà bảo tồn được truyền thống và bản sắc cho đúng nghĩa!
Hôm kia anh bạn tui đi làm giấy tờ, nhưng vào chỗ nào cũng nghe các anh cán bộ bảo: “Thôi qua thứ hai chú tới làm luôn, hôm nay còn tết bọn nó chưa lên đâu”. Thế đấy, đã là mùng 8 tết, hết thời gian nghỉ theo quy định của Chính phủ đã hai ngày mà dư âm của ăn chơi hội hè dường như vẫn chưa chịu dứt. Thế là phải hết mùng thì các cơ quan nhà nước mới bắt đầu khởi động! Mà đó cũng mới chỉ là khởi động thôi, còn chạy hay không thì chưa chắc!