Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Nghe tin Thứ trưởng mất trộm


Báo Thanh niên hôm nay đưa tin: “Khoảng 2 giờ 45 phút ngày 18-3-2011, kẻ gian đã phá cửa đột nhập vào phòng làm việc tại trụ sở Bộ của ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, lấy đi khoảng 245 triệu đồng cùng 2.000 USD. Một số thông tin cho hay, khoản tài sản mất trộm nói trên là tiền tiết kiệm của ông Liên và giữ hộ dòng họ Hoàng. Được biết, trụ sở Bộ Tư pháp có lực lượng bảo vệ chuyên trách 24/24 giờ và có hệ thống camera an ninh nhưng không phát hiện được vụ mất cắp nói trên”.


Nghe tin mà tức cười! Một ông thứ trưởng mà lại lơ đễnh đến độ để quên tiền tiết kiệm của mình và tiền gửi của dòng họ ở văn phòng cơ quan. Mà số tiền đâu phải ít! Sao ông không cất ở két nhà, vừa kín đáo vừa chắc chắn, hoặc gửi tiết kiệm, vừa có lãi lại vừa an toàn? Mà họ Hoàng nhà ông cũng lạ thật, ai đời lại bắt một ông thứ trưởng thường trực, trăm công nghìn việc, đi giữ hộ tiền cho cả họ(!) Bộ cứ tưởng các ông lớn giữ là chắc ăn lắm sao? Lần này thì không chỉ mất tiền mà còn thêm khó xử cho ông thứ trưởng nhà mình nữa đấy, các bác họ Hoàng ơi!

Mà mấy thằng ăn trộm này cũng ghê gớm lắm đây, camera rồi bảo vệ chuyên trách 24/24 mà chẳng thể phát hiện ra chúng! Bọn này hẳn phải quen thuộc đường đi nước bước trong cơ quan ông lắm, thậm chí có khi chúng còn biết rõ tiền của ông là tiền gì nữa không biết chừng. Lợi hại quá!

Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến đùa với một vị quan tuần phủ bị mất cướp năm xưa:

                                  …Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
                         Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Nước Nhật vĩ đại từ những đứa trẻ

Từ Fukushima, Tiến sĩ Hà Minh Thành, một người Nhật gốc Việt, cảnh sát đặc phái hỗ trợ bảo đảm an ninh tỉnh đã có những dòng tâm sự về tình người và ý chí kiên cường của người dân Nhật Bản khiến chúng ta không thể không rơi nước mắt.Câu chuyện sau đây về một đứa trẻ 9 tuổi khiến mọi người phải khâm phục và xúc động.

Tôi được điều đến Fukushima hỗ trợ bảo đảm an ninh nhưng tình hình ở đây khá trật tự. Dân địa phương tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau rất tốt. Giả sử có ai muốn ăn cắp, ăn trộm cũng khó. Vì vậy, mấy ngày nay, tôi chủ yếu hỗ trợ mai táng người bị nạn và phân phát lương thực.


Một em bé Nhật đang xếp hàng để nhận nước sôi
Người chết nhiều quá! Ngày đầu cảnh sát còn mặc niệm và bật khóc trước cảnh tượng quá đỗi thương tâm nhưng bây giờ thì không còn thời gian để khóc nữa. Hôm 17-3, còn không có chỗ để hỏa táng những nạn nhân xấu số. Thật khủng khiếp!
Ký giả Vương Hy Văn của Thời Báo Hoàn Cầu - Trung Quốc hôm 17-3 theo tôi một ngày để lấy tin. Khi đi ngang qua ngôi nhà bị sập, vài chục triệu yen tiền giấy trôi ướt, nằm tứ tán cả bãi đất nhưng chẳng ai thèm nhặt.

Vương Hy Văn bỗng thốt lên: "50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc có thể đứng đầu thế giới nhưng chắc gì trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại".
Mấy ngày nay, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn. Nhưng có một chuyện khiến tôi - một tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai), tóc đã điểm bạc - phải hổ thẹn.

Tối 16/3, tôi được phái tới trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng, một cậu bé chừng 9 tuổi, mong manh chiếc áo thun và quần đùi trong cái rét căm căm. Cậu bé xếp hàng cuối cùng nên tôi sợ đến phiên nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên đi lại hỏi thăm.

Cậu bé kể lúc động đất và sóng thần ập đến, cậu đang học thể dục. Cha làm việc gần đấy. Từ ban công lầu 3 của trường, cậu bé nhìn thấy người cha mắc kẹt trong chiếc xe bị cuốn phăng theo dòng nước. Nhà nằm sát bờ biển nên mẹ và em chắc cũng không kịp thoát thân. Cậu bé quay người, lau vội dòng nước mắt, giọng run run khi nhắc về người thân.

Nhìn thấy cậu bé lạnh run lập cập, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người cậu rồi đưa khẩu phần ăn tối cho cậu bé. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn.

Tôi nghĩ chắc nó sẽ ngấu nghiến ăn ngay. Nhưng cậu bé ôm bao lương khô, để vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Trước ánh mắt sững sờ của tôi, cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ!".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi để giấu nước mắt. Không ngờ một cậu bé 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một tiến sĩ như tôi bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.

Nhật Bản - một dân tộc với những cậu bé 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu như thế.

                                                                                Nguồn: từ Vnmedia.vn

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại

Xin đăng lại bài này để bày tỏ niềm kính phục đối với một đất nước vĩ đại, một dân tộc vĩ đại.

Mấy mẹ con trong một trại cứu nạn
3:40 chiều hôm qua (Thứ Bảy, 12/3/2011) đã xảy ra một vụ nổ trong một toà nhà gần lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Nguyên nhân của vụ nổ là do khí hydro thoát ra từ lò đã hoà với khí oxy trong không khí gây phản ứng toả nhiệt (exothermic reaction) hay phản ứng cháy (combustion reaction). Nhà máy điện nguyên tử Fukushima có hai tổ hợp: Fukushima Daiichi (Fukushima 1) và Fukushima Daini (Fukushima 2), gồm tất cả 6 lò phản ứng, và là một trong 25 nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhà mà được thiết kế chịu được động đất 7.9 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng giáng xuống Nhật Bản một ngày trước đó có sức mạnh tại tâm động đất (cách bờ 126 km) 9 độ Richter, vượt hơn 30 lần sức chịu đựng theo thiết kế nhà máy.  Vào đến bờ, sức mạnh của động đất còn khoảng 6.5 – 7 độ Richter. Vụ nổ đã làm mái cùng toàn bộ phần tường bao bọc phía trên toà nhà đó vỡ tung, chỉ còn trơ ra cái khung sắt. Nhưng lò phản ứng số 1 không bị hư hại và phóng xạ thoát ra không lớn. Thực tế ngay sau vụ nổ người ta đo thấy các nguyên tố phóng xạ giảm đi so với trước vụ nổ, và mật độ phóng xạ không tăng lên. Hiện thời mức độ phơi nhiễm phóng xạ lên một người trong một ngày bên ngoài nhà máy bằng mức độ phơi nhiễm cực đại mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ một người có thể chịu trong một năm. Vào 8:30 sáng hôm nay phóng xạ ngay bên ngoài nhà máy điện nguyên tử Fukushima đo được là 1024 microsieverts, tức hơn gấp đôi mức cho phép trong vòng một tiếng. Tuy nhiên một giờ sau, con số đó đã giảm xuống còn 70 microsieverts. Khoảng 200,000 người dân được sơ tán ra ngoài vùng bán kính 20 km quanh Fukushima 1 và Fukushima 2.
Tuy lõi các lò phản ứng không (chưa) chảy (hoặc có thể mới chỉ bị chảy một phần) nhưng người ta chưa làm nguội được chúng nên tất cả vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người ta đã bơm nước biển và nước ngọt vào để làm nguội lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm cứu lõi lò khỏi bị nóng chảy.  Đó là biện pháp cuối cùng và có lẽ sẽ làm hai lò này ngừng hoạt động vĩnh viễn, miễn là thảm hoạ hạt nhân đừng xảy ra. Nước Nhật đã ban bố tình trạng hạt nhân khẩn cấp. Từ ngày mai, 14/3/2011, điện sẽ bị cắt luân phiên trên toàn vùng Kanto.
Người lính Nhật cõng cụ già ra khỏi đống hoàng tàn đổ nát
Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.
Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). 
Thủ tướng Naoto Kan, người sẽ tái thiết nước Nhật
từ những hoang tàn đổ nát
Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Tin tức và hình ảnh được cập nhật từng phút. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.
Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.
Nguyễn Đình Đăng
Tokyo 13/3/2011

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Sự khiếp nhược?

Ảnh trên báo Thanh niên kèm theo bài báo Vòng hoa trên biển ...
Buổi sáng mở tờ Thanh Niên (số ra thứ Hai, ngày 14.3.2011) thấy ngay trang nhất bài “Vòng hoa trên biển Trưng Sa” và dưới tựa đề là dòng chữ nhỏ hơn:  “Đúng ngày này 23 năm trước hơn 60 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa khi bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Xúc động lẫn hào hứng vội mở trang 5 đọc tiếp, càng đọc càng thy đau buồn cho những mất mát hy sinh của người lính biển, nhưng cũng càng ngỡ ngàng đến nóng mặt khi cả một bài báo chiếm gần 2/3 trang giấy mà không hề thấy một từ ngữ nào gọi đúng tên kẻ thù năm xưa đã xâm lược vùng biển đảo và đã giết chết 60 người lính của mình. Kẻ đó là ai mà ngay trong bài điếu văn tưởng niệm đọc ngay trên tàu, trong tiếng khóc sụt sùi của mọi người, giữa vùng biển còn đầy những chiến tích, người ta cũng chỉ dám gọi chung chung là nước ngoài, họ. Một cảm giác khó thở, đau đớn, tức giận ...

Bọn chúng là gì mà ghê gớm thế và chúng ta, những người hôm nay, liệu có thể thực hiện được lời hứa trang trng như đã nêu trong bài điếu văn (Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, và xây dựng Trường Sa trở thành huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”) khi mà ngay tên kẻ thù ta cũng không dám gọi? Không lẽ tư tưởng thiên triều và mặc cảm chư hầu, nhược tiểu vẫn còn lơ lửng đâu đó? Thật không thể hiểu nổi một đất nước, một dân tộc đã từng kiêu hãnh đánh bại cả một âm mưu đồng hoá-xâm lược thâm độc, hèn hạ và tàn bạo của bao triều đại Trung Quốc trong hàng ngàn năm lại có lúc nhún nhường và khiếp nhược đến thế!

Và càng không thể hiểu nổi khi buổi trưa về nhà mở Thanhnien online xem thêm thì thấy bài báo trên đã bị gỡ mất (?)

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Lẩn thẩn cuối tuần

1/. Vừa viết một đoạn về những “ranh” hài nhảm nhí và “mất dạy” (xin lỗi vì không còn từ nào chính xác hơn) của làng hài miền Nam, nhưng lại thấy không bõ công nên lại xoá. Rồi lại chợt nghĩ chắc gì điều mình ghét, mình thương, mình tâm niệm đã đúng. Cũng như có mỗi cái chuyện về “nước ròng” mà đến mới đây, trong một buổi sáng sớm đi bộ, ngang qua cầu sông Dinh, nghe ông bạn nói chuyện, mình mới hiểu rằng mấy chục năm nay mình đã nhầm lẫn. Nghĩ mà thấy buồn cho mớ kiến thức hổ lốn và hết sức nông cạn của mình, ấy thế mà cũng mất bao nhiêu năm ăn học cơ đấy! Hơn nữa tội gì mà phải nói về những kẻ mình ghét (ghét thì hãy đừng nghĩ tới và xoá khỏi bộ nhớ là xong) trong khi thế giới này còn biết bao chuyện đáng nói, đáng phải quan tâm. Gần nhất là trận siêu động đất dẫn đến sóng thần ở Sendai, Nhật bản. Bao nhiêu người chết, mất tích và hoạn nạn cần giúp đỡ... Vậy mà mình yên ổn ngồi nhà, lỡ coi phải vài màn hài nhảm nhí đã bực mình chửi vung xít chó. Sao thế nhỉ, lẩm cẩm rồi ư?

2/. Hôm qua, con gái không về, bảo phải ở lại đón sếp từ Nhật sang. Thấy thương con cuối tuần phải lủi thủi đi làm. Rồi lại nghe động đất 8,9 độ Ricter và sóng thần hãi hùng ở miền Bắc nước Nhật. Vội vàng mở NHK, CNN xem tường thuật trực tiếp (xem thôi vì nghe có hiểu mô tê gì đâu) thấy mà rùng mình, Sendai như bị nhấn chìm trong hoả ngục và đại hồng thuỷ, mình hình dung quang cảnh ngày tận thế có lẽ cũng chỉ kinh hoàng đến cỡ ấy mà thôi. Gọi điện cho con bảo về đi chắc tình hình này sếp chẳng qua được đâu, họ phải lo cho gia đình họ đã chứ! Con bảo vẫn phải chờ vì đó là nguyên tắc (?)

3/. Trưa nay, lúc 9g15 đang ở văn phòng thì nhận điện của TT ở Tokyo gọi về. TT đi Mỹ, quá cảnh ở Tokyo và kẹt luôn ở đó vì động đất, em bảo thật kinh hoàng, tưởng chết tại Nhật mất rồi. Sợ nhưng lại rất hào hứng khi nói về sự bình tĩnh, trật tự, an toàn và tinh thần tương trợ của người Nhật. Mình cười bảo em xem chỗ đó người ta có gắn bảng gia đình văn hoá hay khu phố văn hoá gì không? Tú Thanh cười bảo nếu có gắn chắc em cũng không biết  vì đâu hiểu tiếng Nhật? Em lại bảo xe cộ trên đường vẫn lưu thông trật tự, người dân vẫn xếp hàng , không chen lấn, xô đẩy, to tiếng; hành lý để không sợ mất trộm; rồi những đội thiện nguyện đi giúp đỡ cho người già, trẻ em, phụ nữ, họ cung cấp thức ăn, nước uống, lo chỗ sưởi ấm, túi ngủ (trời bên ngoài lạnh 40C mà), rồi cho gọi điện thoại miễn phí để liên lạc với người thân, gia đình... tất cả đều nhẹ nhàng, lịch sự, tử tế. Mình lại bảo không may cho em là nước Nhật chưa có cơ chế gắn bảng văn hoá đấy, nếu họ mà được gắn bảng như ở ta thì chắc còn phục vụ ác liệt hơn nhiều. Hết giờ, về nhà lại mở TV xem tình hình Nhật thế nào? Người ta bình luận rằng người Nhật giỏi vì đã trang bị rất kỹ cho dân những kiến thức về phòng chống thiên tai nên thiệt hại như thế vẫn là ít, nếu xảy ra ở nước khác thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Lại nghe đại diện sứ quán ta ở Nhật hào hứng báo tin rằng cho đến nay theo thông báo của phía Nhật thì không có người Việt Nam nào thiệt mạng trong trận động đất này. Cách nói hình như không kiềm chế được sự vui mừng nên trở thành bất nhẫn trước nỗi đau thương quá lớn của người Nhật. TV lại chiếu hình ảnh những đoàn thiện nguyện người Nhật đi cứu nạn nhân động đất ở Christchurch, New Zealand, nay được lệnh trở về để cứu nạn dân mình, họ ngỡ ngàng khi thấy TV đang chiếu cảnh hoang tàn đổ nát nơi quê nhà.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Sendai kinh hoàng

Động đất và sóng thần kinh hoàng ở phía Bắc Nhật Bản vừa xảy ra chiều nay

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Tờ báo kỷ lục

Hôm nay, ngày 10/3/2011, tại cung Văn hoá Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, tờ báo giữ nhiều kỷ lục nhất nước, trong đó có kỷ lục ít người tìm đọc nhất, ít xuất hiện trên các sạp báo tư nhân nhất, được bao cấp nhiều nhất, ít quảng cáo nhất (hình như không có thì phải), có lực lượng quan chức nhiều nhất... tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên (11/3/2951 – 11/3/2011) và đón nhận huân chương HCM lần thứ II. Chúc mừng!

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Chuyện lớn, chuyện nhỏ?

Người ta đội mưa đội gió để theo dõi tình hình cụ rùa

Cả nước như đang lên cơn sốt về chuyện cụ rùa hồ Gươm bị ghẻ lở đầy mình. Để cứu cụ, người ta thành lập cả một Uỷ ban hẳn hoi, gồm những vị chức sắc chính quyền, những thương gia thành đạt, những nhà khoa học uyên thâm... để vạch lộ trình, lên phương án quây bắt, chữa trị và chăm sóc cho cụ rất ư là kỳ khu. Không hiểu nếu may mắn chữa lành vết thương thì cụ rùa nhà ta còn sống được bao lâu nữa và tuổi thọ của dòng họ nhà cụ là bao nhiêu, chẳng lẽ có thể thoát khỏi cái vòng tuần hoàn sinh-lão-bệnh-tử ư? Chẳng cần biết đến điều đó, họ đau xót, cuống cuồng chỉ vì vai trò tâm linh của cụ trong truyền thuyết hồ Gươm, nhiều người khẳng định rằng cụ chính là rùa thiêng, là linh hồn của Hồ Gươm và không thể hình dung thủ đô Hà Nội như thế nào nếu không còn cụ (?). Cụ thiêng thế nên người ta cho rằng cứu cụ là việc lớn, cần kíp phải làm và do đó mọi tin tức liên quan đến sức khoẻ của cụ luôn được các báo đài đưa tin kịp thời để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... rất ư là dân chủ!


Vâng, còn ba cái chuyện như thằng Trung Quốc (chứ không phải thằng Hải Nam) liên tục vi phạm chủ quyền của ta ở quần đảo Trường Sa; rồi chuyện giá xăng, giá điện, giá gaz, giá đủ thứ ... tăng đồng loạt, khiến dân tình khốn đốn... chỉ là chuyện nhỏ, lẻ tẻ như ba cái mụn ghẻ, chẳng có gì mà ầm ĩ!

Hoan hô tinh thần lạc quan vô bờ bến của dân ta!

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Em-xi

Tạ Bích Loan và Lại Văn Sâm, những M.C lắm mồm và tưởng mình có duyên nhất
của VTV, những kẻ phỏng vấn mà luôn nói nhiều hơn người được phỏng vấn...
thế nên có người nhận xét: "M.C Việt thừa tự tin mà thiếu tự trọng...".
Cả hai tài năng này đều được đào tạo từ Nga-la-xô ...

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Lòng đố kỵ

Mai Hương và Uyên Linh của VNIdol 2010
Làng ca nhạc, vài ba tháng gần đây, từ lúc Việt Nam Idol 2010 kết thúc, người ta dễ dàng thấy cái tên Trần Nguyễn Uyên Linh được báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tới tấp. Phải công nhận là nghệ thuật lăng-xê thời buổi công nghệ thông tin biến hoá khôn lường vô cùng lợi hại.
Mình không phải là người thường xuyên theo dõi thời sự âm nhạc nên không biết cô gái trẻ kia có sơ xuất gì với các đấng bề trênthượng đế không mà bom đạn dư luận trút xuống đầu cô bé dữ dội đến thế!
Đầu tiên là ai đó ác khẩu đem so sánh Uyên Linh với các ca sĩ lão làng thường được gọi là diva như Mỹ Linh, Thanh Lam... khiến các fan của các diva này nổi giận chửi bới ầm ĩ và tung ra hẳn một game ném trứng thối, rồi đến chuyện người ta bảo Uyên Linh bắt đầu có dấu hiệu “chảnh” của bệnh ngôi sao (?), rồi Uyên Linh  đòi cát xê cao ngất ngưỡng (?), rồi Uyên Linh với nghi vấn hát nhép bài “Đường cong” trong cuộc thi NVIdol, rồi lại Uyên Linh vi phạm bản quyền cũng với bài Đường cong khiến ca sĩ Thu Minh và ông nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nào đó lên tiếng đòi nhờ luật pháp can thiệp, gần đây nhất là ồn ào chuyện Uyên Linh tài năng cỡ bao nhiêu mà được đề cử giải cống hiến …
Nghĩ mà thấy tội cho cô gái lỡ leo lưng cọp này. Cha ông ta thường nói Chữ tài đi với chữ tai một vần thiệt đúng không sai, nên ngay sau khi đoạt giải Việt Nam Idol thì cô liên tục bị dư luận vùi dập. Nếu đó là những kẻ vô công rồi nghề hoặc các bà cô chuyên buôn dưa lê thì không nói làm , đây lại là các bậc đàn anh đàn chị trong giới nghệ sĩ, những người ít nhiều đã thành danh, họ cũng không ngần ngại đưa ra những lời chê bai dè bỉu, nào là chưa thấy sự tinh nhanh, chưa được đào tạo bài bản, chưa có gì xuất chúng, thiếu cá tính, bắt chước Mỹ Linh, đoạt giải do may mắn chứ không phải tài năng...!
Giá mà các đàn anh đàn chị rộng lượng hơn đưa tay dìu dắt đàn em, chỉ bảo thêm cho em nó về con đường nghệ thuật và cả con đường sống, để mai sau, khi mình già, hết hơi, nó thay mình làm đẹp cho đời bằng lời ca tiếng hát thì hay và đẹp đẽ tình đời biết bao nhiêu!
Giá mà các ông nhà báo lá cải cũng đừng vắt tim óc mình vào những mẩu tin giật gân rẻ tiền để câu khách thì cô gái kia đâu phải ngậm ngùi đau khổ cho sự thành danh của mình?
Nhưng chợt nghĩ, giả sử không phải là Uyên Linh mà là cô gái trẻ Văn Mai Hương đạt ngôi vị cao nhất trong Viêt Nam Idol 2010 thì sao nhỉ? Chắc chắn Mai Hương sẽ không phải chịu cay đắng như Uyên Linh. Vì sao? Đơn giản chỉ vì Mai Hương ở phía Bắc, được đào tạo bài bản từ trường nghệ thuật quân đội, dù hát chưa hay, nhưng lại là con nhà nòi, ít nhiều có mối quen biết và đồng hương với các diva, mà người Bắc ta vốn quý trọng tình đồng hương đồng khói, dù đó chỉ là giai đoạn tình cảm đầu tiên cho phải đạo thôi, còn sau đó thì sẵn sàng cạn tàu ráo máng, triệt hạ nhau không thương tiếc!
Nghĩ mà sợ cho lòng đố kỵ của con người. Càng đáng  sợ hơn khi lòng đố kỵ lại khoác thêm chiếc áo tình đồng hương, thứ mà trong chính trị, khi phê phán nhau, người ta gọi là tính cục bộ địa phương.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Vì sao ông ra đi?


Ông Calisto đại sứ của bia Zorok
Thế là cuối cùng ông Calisto cũng phải bỏ của chạy lấy người. Lý do cuộc tháo chạy khá bất ngờ này  theo ông là vì: “Dư luận đã không công bằng khi đánh giá về thất bại của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2010”. Và rằng: “Tôi và các cầu thủ đã cố hết sức nhưng vì rất nhiều lý do, đội tuyển đã không thành công. Nhưng ngoài VFF, tất cả đã đã không chia sẻ với tôi. Họ chỉ trích, lên án và trút trách nhiệm lên đầu tôi. Đã gắn bó với Việt Nam hơn 10 năm, đã cùng tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á nhưng chỉ sau một thất bại tất cả đã quay lưng với tôi. Áp lực đó quá kinh khủng và tôi muốn rời ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam”. Vâng đó là lý lẽ của ông Tô, nhưng có lẽ mọi người còn nhớ đã nhiều lần ông tuyên bố rằng là một HLV chuyên nghiệp thì việc đối đầu với sức ép dư luận là tất nhiên. Hơn nữa, với ông, một HLV trưởng, được VFF tin tưởng giao toàn quyền quyết định thì trách nhiệm thành bại của đội tuyển phải thuộc về ông cũng là lẽ thường tình, ở đâu dư luận mà chẳng thế, đâu chỉ riêng Việt Nam? Thêm nữa, thử nghĩ với mức lương kỷ lục 24.000 USD/tháng (hơn nửa tỷ đồng Việt Nam) chưa kể nhà ở, xe cộ đi lại, vé máy bay về phép hàng năm, trong khi Việt Nam là nước nghèo, thu nhập của người dân bình quân chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng, cũng đủ hiểu ông được ưu ái đến chừng nào. Quyền lợi cao vòi vọi tất nhiên phải đi đôi với trách nhiệm tương xứng, đó vừa là lẽ công bằng, vừa là đạo lý..


Chỉ có điều nhiều người vẫn không tin cái lý lẽ mà ông  đưa ra là do áp lực và sự thiếu đồng cảm của dư luận xã hội, mà họ cho rằng: Một là ông đã thấy được một kết cục không thể lay chuyển của bóng đá Việt Nam do khủng hoảng lực lượng cầu thủ trong nước. Hai là ông đã tự thấy mình đã hết những chiêu thế để đưa đội tuyển cấp quốc gia lên một tầm cao mới trong khu vực. Ba là, ông đang nhắm vào một hợp đồng khác béo bở hơn ở đâu đó không phải ở Việt Nam chăng? Là một HLV chuyên nghiệp, thì những toan tính đó cũng là thường tình, chỉ mong ông đừng chơi kiểu “Bậu gieo tiếng xấu cho rồi bậu đi” thì tội lắm

Ngẫm nghĩ lại thấy thương cho nhãn hiệu bia Zorok, bởi khi ông Tô đi rồi thì còn ai uống nữa không?