Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Sự khiếp nhược?

Ảnh trên báo Thanh niên kèm theo bài báo Vòng hoa trên biển ...
Buổi sáng mở tờ Thanh Niên (số ra thứ Hai, ngày 14.3.2011) thấy ngay trang nhất bài “Vòng hoa trên biển Trưng Sa” và dưới tựa đề là dòng chữ nhỏ hơn:  “Đúng ngày này 23 năm trước hơn 60 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa khi bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Xúc động lẫn hào hứng vội mở trang 5 đọc tiếp, càng đọc càng thy đau buồn cho những mất mát hy sinh của người lính biển, nhưng cũng càng ngỡ ngàng đến nóng mặt khi cả một bài báo chiếm gần 2/3 trang giấy mà không hề thấy một từ ngữ nào gọi đúng tên kẻ thù năm xưa đã xâm lược vùng biển đảo và đã giết chết 60 người lính của mình. Kẻ đó là ai mà ngay trong bài điếu văn tưởng niệm đọc ngay trên tàu, trong tiếng khóc sụt sùi của mọi người, giữa vùng biển còn đầy những chiến tích, người ta cũng chỉ dám gọi chung chung là nước ngoài, họ. Một cảm giác khó thở, đau đớn, tức giận ...

Bọn chúng là gì mà ghê gớm thế và chúng ta, những người hôm nay, liệu có thể thực hiện được lời hứa trang trng như đã nêu trong bài điếu văn (Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, và xây dựng Trường Sa trở thành huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”) khi mà ngay tên kẻ thù ta cũng không dám gọi? Không lẽ tư tưởng thiên triều và mặc cảm chư hầu, nhược tiểu vẫn còn lơ lửng đâu đó? Thật không thể hiểu nổi một đất nước, một dân tộc đã từng kiêu hãnh đánh bại cả một âm mưu đồng hoá-xâm lược thâm độc, hèn hạ và tàn bạo của bao triều đại Trung Quốc trong hàng ngàn năm lại có lúc nhún nhường và khiếp nhược đến thế!

Và càng không thể hiểu nổi khi buổi trưa về nhà mở Thanhnien online xem thêm thì thấy bài báo trên đã bị gỡ mất (?)