Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Chuyện buồn giáo dục

Giữa những bộn bề thế sự thì giáo dục lại thêm một chuyện buồn: Một HS lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì chưa biết đọc biết viết. Khảo sát tại chỗ cho thấy ngay cả tên mẹ mình em cũng không thể  viết được dù có người đánh vần cho từng chữ. (Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-o-mien-tay-3475970.html).

Chuyện buồn nhưng đâu phải hiếm, chỉ khổ là trường này đã bị lộ, còn nơi khác thì chưa. Nếu ngành giáo dục can đảm làm một cuộc tổng kiểm tra, chắc chắn số HS này không phải là ít. 

Áp lực của hàng loạt thành tích, danh hiệu phải đạt được hàng năm, dù muốn hay không đã đẩy thầy cô đến chỗ phải tập tành dối trá. Để trở thành trường tiên tiến, trường chuẩn quốc gia, trường được đánh giá ngoài, đạt chuẩn phổ cập… thì phải không có HS bỏ học hay ở lại lớp, hoặc có nhưng chỉ gọi là, rất ít, rồi tỷ lệ HS lên lớp thẳng, HS khá giỏi… làm sao không khỏi ít nhiều dối trá để có những con số tròn trĩnh đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chí từng danh hiệu? Còn nhớ một ông giám đốc Sở Giáo dục từng hùng hổ tuyên bố: “HS tiểu học thì không được ở lại lớp. Nếu có HS nào không đủ điều kiện lên lớp thì GV phải phụ đạo, phụ đạo trong năm không đủ thì phụ đạo trong hè. GV phụ đạo không được thì Hiệu Trưởng, Hiệu phó phụ đạo, làm thế nào để HS đủ điều kiện lên lớp thì thôi”. Cách chỉ đạo "quyết liệt" để đạt cho bằng được những chỉ tiêu thành tích của quan giám đốc như thế cũng đủ thấy áp lực đè xuống nhà trường như thế nào? Rồi chuyện một Phòng giáo dục đã phải khổ sở khi giải trình trước HĐND về việc vì sao tỷ lệ HS lên lớp thẳng toàn thành phố giảm 0,2% so với năm học trước? Cách chất vấn của các quan HĐND cho thấy tỷ lệ này chỉ được phép đi lên từng năm mà thôi bất kể tình hình kinh tế xã hội địa phương như thế nào! Rõ khổ cho giáo dục! Bây giờ chuyện vỡ lở đổ hết cho giáo viên thì tội, họ chẳng được lợi lộc gì trong rừng danh hiệu đó cả, họ cũng đã hết lòng dạy dỗ, cũng muốn thẳng tay để những HS yếu kém ở lại lớp, nhưng nào được? Trách Ban giám hiệu cũng vậy, họ cũng bị áp lực từ Phòng Giáo dục; trách Phòng Giáo dục thì họ lại bị áp lực bởi những chỉ đạo trời ơi đất hỡi từ các Ủy ban địa phương với những ông quan thích săn đuổi những tỷ lệ đẹp làm thành tích cho nhiệm kỳ của mình.  Giáo dục chưa bao giờ được độc lập để làm đúng nhiệm vụ chuyên môn của nó. Nó luôn bị chi phối bởi những cái ngoài giáo dục mà mỹ từ gọi là nhiệm vụ chính trị. Nghe thì có vẻ mơ hồ nhưng lại là cái mũ rất cụ thể sẵn sàng chụp xuống đầu ai đó đi ngược lại. 

Có lẽ giáo dục chỉ thực sự phát triển khi nó được xem, như lời quý ông Đinh La Thăng, là một khoa học không phụ thuộc vào ý thức chính trị hay ý chí chủ quan của ai khác. (http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bi-thu-thang-giao-duc-la-khoa-hoc-khong-phu-thuoc-y-chi-chinh-tri-633166.html). Nhưng chuyện này xem chừng còn khó hơn hái sao trời, vì mới đây nghe mọi người bàn tán rằng chỉ một cái ghế hiệu trưởng trường cấp 2 nào đó thôi mà một ông bí thư tỉnh đã phải gọi điện cho ông chủ tịch thành phố yêu cầu bố trí người nọ người kia theo ý mình rồi (?) Nghe vậy, đủ thấy việc ngành giáo dục có thúc thủ hay bỏ trận địa cũng chẳng lấy gì làm lạ!

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Định Quán

Tôi mới có một chuyến đi Định Quán, nhân tiện ghé qua Long Khánh, La Ngà nơi ngày xưa gia đình tôi đã từng ở. Cũng chỉ là đi qua và thỉnh thoảng dừng lại hỏi thăm những người già một vài địa danh cũ để hình dung lại một thời tuổi thơ yêu dấu mà chớp mắt đã 50 năm, chưa một lần về lại. Càng đi càng thấy thương bố mẹ mình ngày ấy vất vả biết bao nhiêu? (Nhưng dòng La Ngà nay đã hoang tàn bởi những bè cá nhếch nhác trên sông, còn cái rạp hát Long Khánh và con ngõ vào nhà tôi ngày xưa cũng không còn lại chút dấu vết gì, tất cả đành gói lại cất vào kho ký ức xa xăm nhạt nhòa của đời mình! Đành vậy!). Còn mục đích chính là thăm mấy thằng em ở L.A vì một bước ngoặt của gia đình mà phải xa vợ con, kéo nhau lên rừng, tập tành làm rẫy ở một nơi xa lơ xa lắc cách nhà mấy trăm cây số. Mấy anh em ở với nhau một đêm, ngồi với nhau bên ly rượu chứng kiến cơn mưa rừng chưa từng có và cùng co ro trong âm thanh gào thét của gió, của nước, của cây cối bị va đập gãy đổ và cả trong cái câm nín đầy đe dọa của đêm tối… Trong cái ầm ĩ hỗn độn của trời đất đó chẳng ai nghe ai nói được gì, chỉ lặng lẽ uống và nhìn nhau. Chúng tôi ngồi nhìn bóng mình lung linh trên vách, mỗi người một suy nghĩ riêng và gặm nhắm nỗi buồn của chính mình. Tôi là người nông nổi, bồng bột nên ít nghĩ về số phận nhưng trong đêm hôm ấy nhìn mấy thằng em với những đôi vai còng xuống vì những vất vả cơm áo, những gương mặt nhàu nhĩ vì hạnh phúc mong manh của đời người chưa tìm được, tôi mới thấm thía cái gọi là số phận cùng cái sức nặng nhân sinh mà kiếp người phải gánh chịu…

Ngày mai chúng tôi sẽ về lại thành phố, trả lại cái mảnh đất mênh mông cây cỏ và đá núi này cho mấy đứa em, trả lại cả cái tịch mịch hoang sơ vốn có cho núi rừng, trả lại cả những nỗi buồn không ai gánh được cho ai. Có lẽ cùng với thời gian, tất cả rồi cũng sẽ trôi đi theo dòng chảy định mệnh của nó, và có thể ở khúc quanh nào đó của cuộc đời, hạnh phúc bất chợt hiện ra mỉm cười với những thằng em tôi, những kẻ cả đời hiền lành mà sao vất vả? Tất cả cũng chỉ là hy vọng và chờ đợi. Nhưng biết đâu nó đang đến và sẽ đến! Bởi tôi vẫn tin Thượng đế luôn công bằng!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Văn hóa tham nhũng

Nghe một cụ bảo “phải xây dựng văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng” sao tui thấy khó quá vì tham nhũng luôn có phép ẩn mình, thần thông biến hóa khôn lường nên dù khinh bỉ cỡ nào cũng đâu nhằm nhò gì nó! Hơn nữa tham nhũng bi giờ tràn lan như cỏ dại nên mình khinh nó thì ít, nó khinh lại mình thì nhiều!. Và khổ nỗi “các đối tượng tham nhũng hầu hết là đảng viên” chứ đâu ai xa lạ, mà nếu “cứ cách chức, kỷ luật thì lấy ai mà làm việc”. Bởi vậy, theo thằng tui, không trừ được thì phải tìm cách sống chung với nó (như sống chung với lũ vậy), bằng cách cố gắng xây dựng một thứ văn hóa tham nhũng "chuẩn mực" nào đó cho dân được nhờ. 

Giả dụ như trước kia vụ việc đó ăn 10 đồng giờ chỉ ăn 5 đồng thôi, hoặc công khai giá "lót tay" có cạnh tranh lành mạnh hoặc né đừng ăn mấy cái nhà tình thương, tình nghĩa, bỏ qua mấy cái lẻ tẻ như trợ cấp dân nghèo, dân bị thiên tai... tội nghiệp họ. Kèm theo đó là thái độ lịch sự niềm nở giữa người ăn và kẻ đút, đồng thời cam kết ăn đồng chia đủ, không thưa kiện bêu riếu nhau để bọn quần chúng nó biết. Như vậy có phải là ta đã hình thành được một nét văn hóa mới, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung đầy bản sắc của xã hội ta không hẻ?

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Ngụy biện?

Ngài Mutai cười vui vẻ khi được lính cõng trên lưng
Có anh Ba ở xứ Mantrá (đừng lộn với xứ Mancha quê hương hiệp sĩ Don Quixote của nhà văn Tây Bán Nhà Cervantes) đi công cán nước cờ Huê, vào thăm mấy cái nghĩa trang xứ này. Khi về, ngồi trong bàn nhậu tổng kết chuyến công du với đám đàn em, nói: “Phải công nhận nghĩa trang tụi nó đơn giản mà đẹp thiệt, nhưng khi tao thấy mấy cái chữ đồng gắn trên bia mộ thiêu thiếu, hỏi ra mới biết cũng bị bọn trộm cắp gỡ bán dze chai mất tiêu. ĐM, tao nghe mà mừng rơn bay. Dzậy là ở Mỹ cũng có trộm cắp chứ riêng gì xứ mình?”. Nói xong anh Ba vỗ bàn cười ha hả. Đám đàn em cũng vỗ tay cười hả hả rồi cùng nhau nâng ly chúc mừng: "Dzô... dzô... dzô...!".

Giờ xem ảnh cha thứ trưởng Bộ Tái thiết Nhật Bản Shunsuke Mutai được cấp dưới cõng qua một vũng nước trong lần đi thăm thị trấn Iwaizumi, tỉnh Iwate, nơi vừa trải qua cơn bão Lionrock  đầu tháng 9 này (nguồn: http://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-chuc-nhat-ban-bi-chi-trich-vi-de-cap-duoi-cong-qua-vung-nuoc-1049384.tpo), lại có người mừng thêm phát nữa vì đâu chỉ có mỗi quan chức nhà mình mới bắt cấp dưới cõng trên lưng? Ù pá, dzậy mà bọn báo chí cứ la lối rùm beng, làm mất hết uy tín cán bộ! (https://www.vietbao.org/2016/05/hai-nguoi-dan-ong-di-oto-duoc-cong-qua-nuoc-ngap-o-ha-noi/)

Càng nghĩ càng thấy mừng vì với cái đà này thì chẳng bao lâu mình sẽ ngang hàng và hổng chừng dzọt qua mặt luôn cái đám cường quốc kia! Hehe!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Giai thoại

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Nghe chuyện quý ông Barack Obama bị cu Tập Cận Bình chơi đểu trong nghi thức đón tiếp ở hội nghị Hàng Châu (TQ) lại nhớ đến những giai thoại ứng xử giữa triều đình Trung Hoa với các sứ thần Đại Việt ta thời trước. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những trò tiểu nhân làm bẽ mặt nhau hoặc đối đáp xỏ xiên, ăn miếng trả miếng từng câu chữ... nhiều chuyện thấy ti tiện nhỏ nhen, thậm chí còn tục tằn thô lỗ không xứng tầm phương diện quốc gia, như kiểu một bên xì hơi, một bên vạch quần tè (Lôi động Nam bang, Vũ quá Bắc hải…), bây giờ đọc lại thấy buồn cười cứ như chuyện trẻ con. Không biết những giai thoại này có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng vẫn có thể nói bản chất bọn Tàu từ xưa đến nay vẫn thế, không hề thay đổi. (Thế mà có thời người ta cho rằng những trò láu cá vặt như thế là trí tuệ siêu việt đáng cho hậu thế học hỏi! Giai thoại cụ Trạng Quỳnh nhà mình cũng sêm sêm cỡ đó!).

Ai chả biết Tàu là xứ đông dân nhất thế giới, diện tích lãnh thổ cũng hàng tốp ba, văn minh thì khoe đi trước thiên hạ cả chục ngàn năm, nhưng xét cho cùng thì vẫn tính khí của bọn trẻ trâu to đầu láo xược, bảo sao chẳng ai nể phục? Muốn cường thịnh như Mỹ, Đức..., chú Tàu này phải thể hiện đẳng cấp của mình bằng những giá trị đích thực nào đó thay vì chỉ dựa vào mớ mánh khóe vặt vãnh hèn hạ hay những thủ đoạn của bọn lưu manh hạ cấp như hiện nay?

Lại nhớ lan man từ cái gọi là giai thoại của bọn Tàu đến giai thoại của Ta. Sau 30.4, bọn mình phải tâp trung nửa tháng để sinh hoạt chính trị dân chủ (chứ không gọi là học tập cải tạo - lại chuyện câu chữ thôi) được mấy đồng chí cán bộ miền bắc vào kể cho nghe nhiều giai thoại cũng thú không kém:

Giai thoại 1: Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp Thủ tướng VNDCCH lúc bấy giờ là ông Phạm Văn Đồng liền hỏi: “Ngài có bằng tiến sĩ không, thưa thủ tướng?”, ông Phạm Văn Đồng mỉm cười khinh khỉnh và đủng đỉnh trả lời: “Tôi không là tiến sĩ nhưng tôi đẻ ra mấy đứa tiến sĩ!”. Chẳng là ông Kissinger bấy giờ là tiến sĩ, còn ông Phạm Văn Đồng thì nghe bảu có mấy người con học tiến sĩ ở Liên Xô về. Cách trả lời của ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng được các đồng chí cán bộ phân tách rằng thật thâm thúy vì cụ này đã xem tên tiến sĩ ngạo mạn kia chỉ đáng con mình, gọi nó là "đứa" (cho nó chết!), cách trả lời như thế là chửi trên mả bố nhà nó mà nó không thể bắt bẻ được, đồng thời vẫn đúng phép tắc ngoại giao (He he, tài quá xá cỡ!). Nhưng nghe hơi là biết chém gió liền vì chỉ có Việt Nam ta mới có truyền thống khoe học hàm, học vị, chức tước chứ Mỹ và phương Tây nó đâu để ý mấy cái “râu ria” đó!

Giai thoại 2: Một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng Ngoại trưởng Kissinger trên một chuyến chuyên cơ, khi máy bay hạ cánh, Thủ tướng đứng lên thì bất ngờ đít quần bị một cái đinh ở ghế ngồi lòi lên móc rách một mảng. Ngoại trưởng Kissinger ngồi bên cạnh bèn cười và chỉ ngay chỗ đít quần bị rách của thủ tướng và hỏi đểu: “Thưa ngài, liệu đây có phải bộ mặt thật của XHCN miền Bắc hay không?”. Lần này Thủ tướng lại mỉm cười "khi dễ" và khoan thai trả lời: “Không, ông tiến sĩ ạ, vì chỉ các ông mới quan niệm đây là cái mặt, còn chúng tôi chỉ gọi nó là cái mông đít thôi”. Kissinger tái mặt và chuồn mất(!) He he thánh thật! Ghế máy bay mà có đinh lòi lên móc rách quần và thế quái nào mà ngoại trưởng Mỹ lại đi chung máy bay với Thủ tướng VNDCCH (cứ làm như đi xe đò). Hơn nữa, trong ngoại giao mà các bố xỏ xiên xách mé nhau như mấy bà ngoài chợ?

Giai thoại 3Chuyện về Tạ Đình Đề, một siêu điệp viên cỡ 007 được cục tình báo Mỹ (CIA) đào tạo. Khóa này có đúng một trăm học viên, chiêu mộ từ khắp nơi trên thế giới, được đào tạo bằng những phương pháp và kỹ thuật tiên tiến nhất nhưng cũng tàn bạo nhất của bọn đế quốc. Sau mấy năm trời huấn luyện cật lực, đến ngày tốt nghiệp cả trăm học viên bị nhốt trong một cái phòng lớn, khóa kín cửa, cúp điện, trong phòng tối đen như mực tàu. Trước đó mỗi người được phát một khẩu súng ngắn và 20 viên đạn. Nhiệm vụ họ là phải tìm cách mò mẫm trong bóng tối bắn hạ những kẻ khác để mình sống sót (Không khác gì mấy cụ hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, kinh quá!). Sau một hồi bắn nhau loạn xạ, cuối cùng trong phòng chỉ còn sót lại hai người, 98 kẻ kia đã chết thẳng cẳng. Khi hai kẻ cuối cùng này cùng giơ súng lên định hạ nhau trong trận chung kết “một sống một mái” thì may thay, súng cả hai cùng hết đạn (Hú hồn!). Đèn bất ngờ bật sáng, tiếng vỗ tay khen  ngợi vang dội, CIA cho cả hai cùng tốt nghiệp hạng xuất sắc. Đó chính là Tạ Đình Đề và Giang Thanh (Ù pá, đế quốc Mỹ chơi ác thiệt!), Nghe bảu nàng Giang Thanh xinh hơn hoa hậu hoàn vũ, nhận sự vụ lệnh về Tàu giết Mao chủ tịch, còn Tạ Đình Đề về Bắc Việt ám sát Bác Hồ. Riêng Giang Thanh khi về Tàu đã bị Mao ta nhanh chóng khuất phục, lấy làm vợ, ngày đêm làm tình làm tội đủ kiểu (lão làm cho Mỹ bẽ mặt mà. Hehe!) Nghe bảo Mao này cả đời không đánh răng, mồm thối kinh khủng! Thật đáng kiếp cho mụ Giang Thanh, ai bảo làm tay sai cho đế quốc!
Lại kể về Tạ Đình Đề ba lần lẻn vào Phủ chủ tịch ám sát Bác Hồ. Lần đầu lão lẻn vào trốn trên nóc nhà chờ thời cơ ra tay hạ thủ. Hôm ấy đến giờ cơm, kẻng đánh 3 tiếng keng keng keng, bác Hồ bỗng bảo người cận vệ dọn thêm bát đũa trên bàn ăn. Anh cận vệ ngạc nhiên hỏi:
-   Thưa Bác, hôm nay có ai nữa đâu mà dọn thêm bát đũa ạ? - Bác ôn tồn bảo:
-   Chú cứ dọn đi, hôm nay Bác có khách quý, chú ấy đến nãy giờ rồi! - Anh cận vệ ngơ ngác!
Bát đũa dọn xong, Bác hướng lên mái nhà gọi to:
-   Chú Đề còn nằm trên đó làm gì sao không xuống ăn cơm cho nóng?
Đề nằm trên nóc nhà giật nẩy mình nhưng vốn là một tình báo lão luyện nên vẫn trấn tĩnh dùng thuật khinh công tung người nhẩy xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, đĩnh đạc ngồi ăn cơm và thú thật kế hoạch ám sát Bác. Nghe xong Bác cười bảo:
-   Bác biết lâu rồi! Thôi lần này chú đã bị lộ. Bác để chú về, lần sau chú phải khéo hơn cơ!
Úi mẹ! Đề nghe Bác nói thế thì vừa sợ đến vãi trong quần vừa hoan hỉ mừng rỡ, bèn vội vàng thanh kiu Bác rồi vận khí phi thân chuồn ra khỏi Phủ chủ tịch nhanh như một làn khói (Ơ hay, lão này chuồn đi đâu được nhỉ? Chả lẽ ra sân bay Nội Bài mua vé máy bay về Mỹ hay xuống Khâm Thiên thuê khách sạn nghỉ ngơi để hôm sau quay lại tiếp? Không ai trả lời được, hành tung xem chừng còn bí hiểm hơn điệp viên James Bond 007!)
Lần thứ hai Đề lẻn vào nấp trên máng xối. Lần thứ ba lại lẻn vào nấp trong tủ quần áo (không biết đám cận vệ của Bác ở đâu mà hớ hênh thế nhỉ?) nhưng lần nào cũng bị Bác phát hiện, gọi xuống ăn cơm, kiên trì binh vận, kêu gọi Đề “tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Nghe rằng đến lần thứ ba thì Tạ Đình Đề quỳ sụp xuống chân Bác lạy như tế sao, xin được quay đầu về với chánh nghĩa quốc gia và nguyện làm trâu ngựa hầu hạ Bác suốt đời. Cảm động vì tài năng và tâm thành của Đề, Bác cho y làm cận vệ ngày đêm bên Bác! He he, cụ Bác nhà mình cũng thánh thật! 

Kể ra lúc mới giải phóng dân miền Nam được nghe cán bộ miền Bắc chém gió nhiều chuyện rất ngô nghê nhưng cũng thiệt dzui, kiểu: Hà Nội ti vi chạy đầy đường, Kem Tràng Tiền để cả ngày không chảy... Giờ mà ai tập hợp lại có thể in thành sách, bảo đảm best seller!