Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Chuyện buồn giáo dục

Giữa những bộn bề thế sự thì giáo dục lại thêm một chuyện buồn: Một HS lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì chưa biết đọc biết viết. Khảo sát tại chỗ cho thấy ngay cả tên mẹ mình em cũng không thể  viết được dù có người đánh vần cho từng chữ. (Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-o-mien-tay-3475970.html).

Chuyện buồn nhưng đâu phải hiếm, chỉ khổ là trường này đã bị lộ, còn nơi khác thì chưa. Nếu ngành giáo dục can đảm làm một cuộc tổng kiểm tra, chắc chắn số HS này không phải là ít. 

Áp lực của hàng loạt thành tích, danh hiệu phải đạt được hàng năm, dù muốn hay không đã đẩy thầy cô đến chỗ phải tập tành dối trá. Để trở thành trường tiên tiến, trường chuẩn quốc gia, trường được đánh giá ngoài, đạt chuẩn phổ cập… thì phải không có HS bỏ học hay ở lại lớp, hoặc có nhưng chỉ gọi là, rất ít, rồi tỷ lệ HS lên lớp thẳng, HS khá giỏi… làm sao không khỏi ít nhiều dối trá để có những con số tròn trĩnh đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chí từng danh hiệu? Còn nhớ một ông giám đốc Sở Giáo dục từng hùng hổ tuyên bố: “HS tiểu học thì không được ở lại lớp. Nếu có HS nào không đủ điều kiện lên lớp thì GV phải phụ đạo, phụ đạo trong năm không đủ thì phụ đạo trong hè. GV phụ đạo không được thì Hiệu Trưởng, Hiệu phó phụ đạo, làm thế nào để HS đủ điều kiện lên lớp thì thôi”. Cách chỉ đạo "quyết liệt" để đạt cho bằng được những chỉ tiêu thành tích của quan giám đốc như thế cũng đủ thấy áp lực đè xuống nhà trường như thế nào? Rồi chuyện một Phòng giáo dục đã phải khổ sở khi giải trình trước HĐND về việc vì sao tỷ lệ HS lên lớp thẳng toàn thành phố giảm 0,2% so với năm học trước? Cách chất vấn của các quan HĐND cho thấy tỷ lệ này chỉ được phép đi lên từng năm mà thôi bất kể tình hình kinh tế xã hội địa phương như thế nào! Rõ khổ cho giáo dục! Bây giờ chuyện vỡ lở đổ hết cho giáo viên thì tội, họ chẳng được lợi lộc gì trong rừng danh hiệu đó cả, họ cũng đã hết lòng dạy dỗ, cũng muốn thẳng tay để những HS yếu kém ở lại lớp, nhưng nào được? Trách Ban giám hiệu cũng vậy, họ cũng bị áp lực từ Phòng Giáo dục; trách Phòng Giáo dục thì họ lại bị áp lực bởi những chỉ đạo trời ơi đất hỡi từ các Ủy ban địa phương với những ông quan thích săn đuổi những tỷ lệ đẹp làm thành tích cho nhiệm kỳ của mình.  Giáo dục chưa bao giờ được độc lập để làm đúng nhiệm vụ chuyên môn của nó. Nó luôn bị chi phối bởi những cái ngoài giáo dục mà mỹ từ gọi là nhiệm vụ chính trị. Nghe thì có vẻ mơ hồ nhưng lại là cái mũ rất cụ thể sẵn sàng chụp xuống đầu ai đó đi ngược lại. 

Có lẽ giáo dục chỉ thực sự phát triển khi nó được xem, như lời quý ông Đinh La Thăng, là một khoa học không phụ thuộc vào ý thức chính trị hay ý chí chủ quan của ai khác. (http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bi-thu-thang-giao-duc-la-khoa-hoc-khong-phu-thuoc-y-chi-chinh-tri-633166.html). Nhưng chuyện này xem chừng còn khó hơn hái sao trời, vì mới đây nghe mọi người bàn tán rằng chỉ một cái ghế hiệu trưởng trường cấp 2 nào đó thôi mà một ông bí thư tỉnh đã phải gọi điện cho ông chủ tịch thành phố yêu cầu bố trí người nọ người kia theo ý mình rồi (?) Nghe vậy, đủ thấy việc ngành giáo dục có thúc thủ hay bỏ trận địa cũng chẳng lấy gì làm lạ!