Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Lại một chuyện buồn giáo dục

Tuổi trẻ online hôm nay đưa tin trường THPT Kiến Tường (Long An) sẽ đánh giá lại hạnh kiểm của nữ sinh “chê” bệnh viện.

Chuyện nghe thật tức cười, chẳng là em T, một nữ sinh lớp 12 của trường đã từng bị tai nạn và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười, TX Kiến Tường sau khi xuất viện em viết lên tài khoản facebook cá nhân nội dung: “Nói thật, thái độ phục vụ của bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sỹ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.

Vì dòng Stt này đăng trên Facebook mà học sinh T bị kỷ luật
Từ nhận xét trên, HS này bị nhà trường mời lên kiểm điểm, lập hội đồng kỷ luật em ở mức độ khiển trách và cuối năm hạ bậc hạnh kiểm từ Tốt xuống Trung bình (dù điểm trung bình các môn văn hóa cuối năm của em là 8,7, đạt khung Giỏi. Điều này cũng có nghĩa trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cuối năm em T có đạt bao nhiêu điểm đi nữa thì cũng chỉ được xếp tốt nghiệp loại Trung bình và rất thiệt thòi khi dự xét tuyển Đại học) với lý do vi phạm điều 41, Điều lệ nhà trường trung học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo . Cụ thể là đã có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook (Lưu ý: Điều 41, khoản 1 của Thông tư trên là cấm HS không được: “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác”).

Qua sự việc người ta thấy ngay nhà trường căn cứ vào điều 41 của Thông tư 12/2011/TT/BGDĐT để kỷ luật và hạ bậc hạnh kiểm HS này là hoàn toàn không đúng và quá tàn nhẫn, vì em này chỉ nhận xét cách hành xử của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên nơi em đã trải qua thời gian điều trị và chứng kiến. Nên nhớ với tư cách một bệnh nhân, tức là khách hàng sử dụng dịch vụ của bệnh viện, em T. hoàn toàn có quyền đưa ra những nhận xét, góp ý về chất lượng phục vụ. Người ta thắc mắc tại sao nhà trường không tìm hiểu ngọn nguồn để xem điều em phản ánh có đúng hay khộng mà vội vàng cho rằng em làm mất uy tín danh dự của bệnh viện rồi kỷ luật và hạ bậc hạnh kiểm em, trong khi ai cũng biết uy tín và danh dự của bệnh viện phụ thuộc phần lớn vào chất lượng phục vụ của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên!

Càng buồn cười hơn khi nhà trường đã kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm HS, giờ bảo muốn đánh giá lại thì HS phải làm đơn. Thật đúng kiểu tư duy ban phát xin - cho. Chợt nghĩ cứ theo đà này ông Nguyễn Thanh Chấn và những người dân bị án oan muốn được xin lỗi chắc cũng phải làm đơn xin tòa án chăng?

Một điều cũng cần suy nghĩ thêm, đó là một HS đã có điểm trung bình các môn cuối năm 8.7, đạt khung Giỏi, nghĩa là có quá trình học tập cả năm nghiêm túc thì ít khi có nhận xét hồ đồ, còn việc em T. xóa nội dung trên facebook thì chẳng qua vì em quá sợ cái quyền uy sinh sát của thầy cô, khi em đang là HS cuối cấp, kết quả hạnh kiểm và lời phê trong học bạ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai vào đời của em sau này, mà trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sắp tới.

Nói đi thì cũng phải nói lại, không ít người cho rằng thầy cô trường THPT Kiến Tường cũng bị áp lực từ đâu đó nên phải xuống tay với HS của mình, vì ai cũng biết một ông bà giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực quyền uy hơn rất nhiều so với một ông bà hiệu trưởng trường THPT. Càng quyền uy hơn nếu ông bà giám đốc này lại nằm trong BCH thị ủy, lúc đó ông bà Hiệu trưởng sẽ là đảng viên cấp dưới và nếu không biết làm vừa lòng cấp trên thì thân phận thế nào chắc ai cũng rõ! Như vậy, vì áp lực mà thầy cô phải ngậm miệng kỷ luật HS mình cho vừa lòng người ta chứ thầy cô đâu có ngu đến nỗi áp đặt một cách phi lý điều 41 của Thông tư 12 như thế!

Nhưng nói gì thì nói, một khi thầy cô đã cúi đầu trước quyền lực để bắt HS mình phải ngậm miệng làm ngơ trước những điều chướng tai gai mắt kể cả những oan khuất cho bản thân thì có nghĩa là thầy cô đã muốn sản phẩm của mình cũng trở thành những kẻ hèn như chính mình hiện nay! Vậy thì đáng buồn cho giáo dục biết bao nhiêu!
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170602/se-danh-gia-lai-hanh-kiem-cua-nu-sinh-che-benh-vien/1324977.html

P/S: Sáng nay (03/6), cũng theo TTO, nữ sinh T được xếp lại hạnh kiểm Khá nhưng phụ huynh vẫn không đồng tình. Cũng qua bài báo lại thấy thêm những khuất tất trong việc thực hiện quy chế của trường THPT Kiến Tường, như: lập hội đồng kỷ luật mà không có mặt phụ huynh của em T, sau đó cũng không thông báo kết quả kỷ luật (Mẹ em T. cố liên lạc với nhà trường để xin cho em…, bà cũng không biết rằng bị kỷ luật thì sẽ hạ bậc hạnh kiểm…) và cuối năm cũng không thấy nhà trường tổ chức phiên họp xét lại kỷ luật cho em T. theo quy định tại Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục (Lưu ý: Thông tư này tuy cũ nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào thay thế)! Lạ, vậy mà bà Hiệu trưởng vẫn nói việc thực hiện kỷ luật em T. đúng quy trình! (Lại thêm vụ việc đúng quy trình mà sao thấy trật lất!)
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170602/xep-lai-hanh-kiem-nu-sinh-che-benh-vien-tren-facebook-loai-kha/1325160.html

Những chuyện tầm phào

Chuyện 1: Gần đây báo chí và mạng xã hội ồn ào việc ông chủ tịch thành phố Sài Gòn đề xuất văn phòng nên mua cho mỗi vị Phó chủ tịch một cái đồng hồ để giờ nào việc đó, tránh làm việc theo giờ giấc dây thun. Ngay một anh ngốc nghếch hay một đứa trẻ con cũng biết đó là cách nói bóng gió để nhắc nhở cách làm việc khoa học, tôn trọng giờ giấc chứ chẳng ai nghĩ là thành phố sẽ phải chi ra một khoản tiền để mua đồng hồ cho các quan chức theo nghĩa đen cả. Ấy thế mà nhiều bộ óc cả nghĩ lại cho rằng ông Chủ tịch đề xuất mua đồng hồ thật, rồi từ đó mà suy luận rằng đồng hồ cho lãnh đạo chắc phải là đồng hồ xịn, đắt tiền, rằng là chi tiêu lãng phí tiền thuế của dân… Vậy là từ một cách nói bóng gió họ đẩy lên thành một giải pháp “làm nghèo đất nước”, “lạ lùng”, “quái đản”, “ngỡ ngàng”… 

Chuyện 2: Chuyện ông Thủ tướng Phúc tặng ông TT Trump cái đèn dầu trong chuyến thăm Mỹ vừa qua cũng tạo thành “cơn bão mạng” bàn tán đủ kiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của món quà… Người thì bảo chiếc đèn này không phải của Hoa Kỳ mà có xuất xứ từ Ba Lan, có người lại bảo nó được làm từ mấy nghệ nhân Hàng Thiếc (Hà Nội), rồi lại có ý kiến cho rằng đó là đèn được bán ra từ hiệu Hoa Ky (Hàng Trống, Hà Nội)... Còn ý nghĩa món quà thì ôi thôi đủ kiểu… Thôi thì, dù xuất xứ ở đâu đi nữa nhưng cả trăm năm nay chiếc đèn đó, ở Việt Nam cũng đã chết tên “đèn Huê Kỳ” (cũng như cứ xe gắn máy thì gọi là xe Honda vậy, bất kể là Suzuki, Yamaha hay Kawasaki) thế nên cứ trong ý tứ mà suy thì xét cho cùng món quà ấy vẫn mang những thành ý tốt đẹp cho cả hai bên: người tặng lẫn người nhận, khác hẳn trò xỏ lá trẻ con của món quà mà người ta tặng ông nghị sĩ John Mc Cains năm nào.

Chỉ thế thôi, chuyện có gì mà ầm ĩ, mà “âm mưu”, mà “diễn biến” đến thế? 

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Tư duy quần áo

Tục ngữ có câu Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng ở ta vẫn còn nhiều người tư duy không qua nổi cái quần, cái áo. Nghe bảo ở Hà Nội nếu một người ăn mặc xuềnh xoàng hoặc đi xe loại cà tàng mà vào nhà hàng thì sẽ bị bảo vệ “sa thải” ngay từ vòng gửi xe. Mới đây lại một GS trẻ của ĐH Hoa Sen ở Sài Gòn bị ném đá tơi bời vì tội dám mặc quần đùi khi lên lớp thực hiện một bài giảng, dù thanh minh thanh nga cỡ nào thì ông thầy vẫn bị phang túi bụi bởi người ta đưa ra cái lý do nặng ngàn cân là Truyền thống 4000 năm văn hóa, rồi Y phục xứng kỳ đức… , dù ai cũng biết rằng biện minh bằng lý do truyền thống là một kiểu ngụy biện trước làm sao sau làm vậy và kiểu ngụy biện này thường được bảo vệ quyết liệt, sống mái bởi những bộ óc sống lâu cũ kỹ, nó thẳng tay xóa bỏ mọi cách nghĩ mới mẻ, khác biệt và giết chết mọi sáng kiến từ trong trứng nước, vì đó là kiểu tư duy theo tôn ti, không chấp nhận trứng mà đòi khôn hơn rận. 

Mới đây ông tân Bí thư thành ủy Sài Gòn gặp gỡ 80 thanh niên ưu tú tiêu biểu của thành phố. Vì gặp thanh niên nên ông mặc chiếc áo xanh Đoàn và Vietnamnet khen vội bằng cái title “Chiếc áo đặc biệt của Bí thư TP.HCM và cuộc khảo sát bất ngờ”  rồi chapeau bên dưới in đậm: “Không phải veston đóng hộp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mặc chiếc áo truyền thống của Đoàn thanh niên trong cuộc gặp gỡ đại diện thanh niên TP.HCM sáng nay, mang tinh thần đối thoại hứng khởi đúng chất cán bộ Đoàn, truyền lửa đến các bạn trẻ”. Không biết có tí hứng khởi nào được mang đến từ chiếc áo xanh kia không, nhưng sao vẫn thấy giông giống trước đây mỗi lần quan chức dự lễ hội của thiếu niên, bao giờ cũng quấn trên cổ chiếc khăn quàng đỏ thắm, có khi hứng lên còn tung tăng cùng các cháu nhảy điệu sol đố mì, chợt nghĩ vui rằng cứ theo đà này thì khi đi gặp hội phụ nữ chắc sẽ mặc áo dài, nếu đi gặp đồng bào dân tộc sẽ khoác lên người bộ đồ thổ cẩm… Cách suy nghĩ và hành động như thế rất dễ dắt người ta cắm cúi đi theo vết xe cũ, dù chiếc xe đi trước có đổ chổng vó đi nữa.

Một ông GS trẻ mặc quần đùi làm phương tiện truyền đạt cách thức thoát khỏi mọi ràng buộc của thói quen, kinh nghiệm để có được tư duy sáng tạo và cũng một ông GS không còn trẻ mặc cái áo của Đoàn để hy vọng mình mang đến sinh khí của tuổi trẻ, nhưng hai người lại hổng giống nhau chút nào!

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Hương sen

Buổi chiều đi thể dục ngang qua bàu sen thấy một cành sen ai bỏ nằm chơ vơ bên vệ đường, ông nghĩ chắc lại lũ trẻ con nghịch ngợm hay đám trai gái hái sen chụp hình tự sướng rồi vất lại đấy. Nhìn sen, chợt nghĩ đến câu thơ Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa trong Truyện Kiều, ông đã toan bước đi, nhưng rồi lại thấy thương nhành hoa lẻ loi tội nghiệp kia bèn nhặt lên. 

Về nhà, ông lấy một cốc nước sạch cắm cành sen vào và đặt lên bệ cửa sổ trong phòng ngủ.

Tối hôm ấy, ông có một giấc mơ đầy hương sen. Bát ngát...

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Pháp và tân Tổng thống

Có lẽ anh em bạn bè cùng trang lứa với chúng tôi đều có ấn tượng với nước Pháp.

Nước Pháp qua sách vở, báo chí, phim ảnh là kinh đô ánh sáng, là tháp  Eiffel  của ông kỹ sư cùng là người thiết kế Cầu Tràng Tiền ở Huế, là bác sĩ Yersin với Đà Lạt mộng mơ, là Sa Pa sương mù, là đường thiên lý Bắc Nam với những con đèo quanh co hùng vĩ như đèo Cả, Hải Vân, Ngoạn Mục; là những kiệt tác kiến trúc như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, Bảo tàng Nghệ thuật, Nhà hát thành phố và cơ man những dinh thự cổ còn lại ở Sài Gòn, Hà Nội và rải rác trên khắp đất nước này.

Ha ha, chỉ hết mười cây?
Thuở nhỏ, nước Pháp với tôi còn là bộ truyện tranh Tintin; là bộ sách giáo khoa tiếng Pháp Cours de Langues de Maugers; là Louis Pasteur, Marie Curie; là Victor Hugo, Honoré de Balzac, Albert Camus;  là những tài tử điệnảnh như Alain Delon, Brigitte Bardot và nhất là ông hề Louis de Funès…

Có lẽ chúng tôi chưa là nạn nhân nên không biết thực dân Pháp tàn ác, man rợ đến đâu nhưng chắc chắn món "đặc sản" này, người Pháp không thể qua mặt bọn giặc Tàu bẩn thỉu đê tiện từ thời Bắc thuộc ngàn năm đến biên giới 1979 và cả hiện nay lẫn mai sau...

Những lúc có dịp đi trên con đường thiên lý Bắc Nam, nhìn những công trình kiến trúc, đường sá, cầu cống, hải đăng... mà người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nay còn lưu dấu, tôi lại thầm cảm ơn nước Pháp cùng nền văn minh sáng chói của họ, bởi có lẽ nhờ đó, nếu không, mảnh đất hình chữ S này sẽ còn chìm đắm dài lâu trong buổi sơ khai tăm tối.

Ấn tượng về nước Pháp mạnh mẽ như thế nên đôi khi cũng cảm thấy buồn (sẽ có người sẽ bảo buồn chi lãng xẹt dzậy? Thây kệ!) vì thấy nước Pháp ngày một già cỗi, bảo thủ, phân hóa, lạc hậu và nhạt nhòa trong một thế giới phát triển như vũ bão và nhất là mới đây lại thấy một nước Pháp yếu đuối run rẩy trước những đợt khủng bố hèn hạ của bọn Hồi giáo cực đoan.

Đúng là nước Pháp cần một làn gió mới trong nền chính trị già cỗi hiện nay và tân Tổng thống Emmanuel Macron, 39 tuổi (vẫn thủy chung với bà vợ lớn hơn 24 tuổi! Nể!), trẻ trung nhất trong lịch sử, liệu có đáp ứng kỳ vọng của người dân Pháp hay không thì còn phải chờ đợi? Nhưng dù sao cũng chúc mừng nước Pháp đã chọn được một tân Tổng thống cho mình một cách văn minh, dân chủ và hợp hiến. Hy vọng ông Emmanuel Macron sẽ là một vị Tổng Thống mạnh mẽ, năng động, cởi mở và đưa nước Pháp đoàn kết “Tiến bước” (En March). Amen!

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Bỏ xừ các bác dân rồi!

Ảnh chụp bản tin sáng ngày 05/5/2017 của Tuổi trẻ online

Ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã khẳng định: "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". (http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170504/vu-dong-tam-neu-sai-chung-ta-nhan-loi-dan-sai-dan-chiu-trach-nhiem/1308912.html)

Lỗi = sai sót, nhận lỗi là nhận sai sót. (Chỉ thế thôi!)

Trách nhiệm = sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, phải đảm bảo đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu hậu quả. (Theo Từ điển Tiếng Việt, Hội Ngôn ngữ)

Vậy là:
Chúng ta nhận lỗi” nhẹ nhàng,
Dân chịu trách nhiệm” thì ngàn cân treo!

Chúng ta là nói chung các cụ từ xã, đến huyện, đến thành phố, đến TW, nhưng cũng chả là ai cả vì khi cần thiết các cụ sẽ dùng kỹ thuật xóa phông để mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm; còn Dân thì rất cụ thể, đó là các bác ở Đồng Tâm, cụ thể hơn là những người như cụ Kình, bà Lan...

Đừng ai bảo rằng bộ trưởng ta nhỡ mồm vì không biết dùng từ nhé (không khéo cũng tiến sĩ đấy)! Vậy nên, xem chừng phen này các cụ nhà dân nguy to rồi!

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Nhân dân là ai?

Dù bây giờ người ta có thể thấy từ nhân dân xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, nào: Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Kiểm lâm nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân… nhưng thực sự nó vẫn là một từ biến hóa khó xác định nhất.

Hôm qua ở khu phố người ta thu tiền quốc phòng, phòng chống bão lụt, khuyến học, dân phòng, vì người nghèo… thì nhân dân là tất cả, không chừa một ai, họ thu từ đầu phố đến cuối hẽm, từ kẻ sang đến người hèn, kẻ có học đến thất học, từ nhà lá đến villa, biệt thự… tất tần tật!

Còn hôm nay khi người ta bảo có cán bộ trên trung ương hay trên tỉnh về gặp gỡ nhân dân, lấy ý kiến một vấn đề gì đó, thì nhân dân chỉ còn là một thiểu số những người “đáng tin cậy”. Đó là những ông bà từng có chức có quyền nay đã về hưu hay những người  buôn bán có máu mặt hoặc giàu có theo kiểu “nhà mặt phố, bố làm to”… như ông thiếu tá biên phòng, bà phó chánh án, chú bí thư, ông A chủ tiệm vật liệu xây dựng, chị B chủ hiệu thuốc tây, Bà C tiệm vàng, cô D cây xăng, thằng X con ông Y… Còn những người như thím Năm bán cháo đầu ngõ, ông Bảy vá xe đầu đường, chị Hai bán vé số, chú Mười thợ hồ và cả ông thầy giáo già về hưu, ngoài đảng… lúc này lại không còn trong diện nhân dân nữa!

Mới đây cả nước rộn lên vụ toàn dân Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội) một lòng nổi dậy chống bọn tham ô cưỡng đoạt đất đai thì người ta lại thấy lấn cấn cái nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” được ghi trong Hiến pháp và Luật đất đai năm 2013. Nội dung đó nói rằng: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nói như vậy nghĩa là nhân dân vẫn chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trên chính mảnh đất mà họ đã tốn biết bao mồ hôi, tiền của và cả xương máu ra để khai khẩn, giữ gìn, chăm bón bao đời nay. Lúc này nội hàm từ nhân dân trong cái nguyên tắc sở hữu toàn dân cũng chỉ còn là một thiểu số có chức quyền nhân danh Nhà nước đại diện sở hữu, còn tầng lớp nhân dân thực sự thì lại trở nên vô hình và nằm ngoài rìa cuộc chơi bởi cái nguyên tắc sở hữu kỳ lạ đó! 

Ngẫm nghĩ thấy thật đúng khi một nhà thơ viết về nhân dân: 
Khi là cây mác cây chông,
Khi thành biển cả, khi không là gì. (Thường dân - Nguyễn Long).

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Lạ!

Vậy là vụ án mấy thằng nhỏ chăn bò bị cho là ỉa bậy một đống tổ chảng giữa sân đình làm thúi um cả xóm Lềnh cuối cùng cũng bị các già làng mần tới nơi tới chốn. Thằng Cù Loi được xác định là đầu têu thì bị cách chức tổ trưởng tổ chăn bò và cả cái chức tổ trưởng tổ thu gom phân bò cho hợp tác xã hồi đó. Nói hồi đó là vì bi giờ thằng Cù Loi đã lớn, nhà lại giàu, trâu bò hàng trăm con thuê cả đống người chăn, nó cũng đã ra dáng công tử, đâu còn đi chăn bò hay đi lượm phân bò cho hợp tác xã như xưa nữa. Bi giờ, đứa nào có ý xỏ xiên nhắc lại chuyện hồi đó làm nó quê xệ là nó nổi xung úynh sặc máu. Mấy thằng bạn đi theo nó đương nhiên cũng bị lột sạch mấy cái chức tổ viên tổ chăn bò và thu gom phân bò ngày ấy. Nhưng lạ, mặt mũi mấy thằng này vẫn tỉnh queo, chắc vì thấy cái khăn quàng chưa bị anh phụ trách trên xã thu lại, dù cái khăn đó, nếu còn giữ chắc cũng đã thành màu cháo lòng và tụi này cũng đâu còn cái tuổi để quàng khăn.

Riêng đống phân tày hoày, bự chảng giữa đình, ruồi nhặng vi vu như sáo và bốc mùi nồng nặc khiến ai đi qua cũng phải lắc đầu bịt mũi thì còn y nguyên đó, vẫn ngang nhiên chễm chệ và ngày đêm gửi hương theo gió mà không ai dám động đến! Thế mới lạ!

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Tào lao thế sự!

Chung quanh Ủn toàn những lão tướng mặt mày héo hắt,
không ai có nổi nụ cười dù là gượng gạo trong buổi lễ 
Trưa nằm xem CNN tường thuật lễ duyệt binh mừng ngày Thái Dương, tức là ngày sinh của Kim Nhật Thành (15/4), ông nội của thằng cu Ủn hiện nay. Nhìn cảnh diễu võ dương oai với đủ loại xe tăng tàu bò, tên lửa và những đội quân trùng trùng điệp điệp hàng ngũ thẳng tắp đi đứng như robot giữa quảng trường mênh mông mà kinh (và cũng khinh, khinh vì dân đói đến vàng cả mắt không lo, lại đi lo những chuyện ruồi bu. Chắc chắn sau buổi lễ cực kỳ tốn kém này, bữa cơm người dân Triều Tiên đã hẻo càng hẻo hơn). Lại nghe thêm những bình luận đủ kiểu từ đài phát thanh cột đèn đến báo đài chính thống, báo mạng… về khả năng nổ ra chiến tranh hột nhơn giữa Mỹ và Triều Tiên… Mọi giọng điệu đều sặc mùi âm mưu của những cái đầu “có lý luận”, trong đó không ít kẻ có ý tưởng chờ đợi Trai Cò oánh nhau để ngư ông đắc lợi (?)

Nhìn cảnh cu Ủn đứng trên khán đài với mái tóc chẻ giữa, mặt heo, bụng phệ thấy phát ghét. Cùng trên khán đài với nó là những lão tướng mặt mày nhăn nheo, không ai nở nổi một nụ cười dù gượng gạo, chợt phát hiện một điều là chung quanh thằng này chẳng có ai trẻ cả, có lẽ nó nghĩ đám trẻ không ai tài ba ngoài nó, hay nó nghĩ các lão tướng hom hem kia mới là trung thành với nó, nhưng cũng có thể nó sợ ai đó trẻ đẹp sẽ làm lu mờ nó thì sao? Vì nói thiệt, để tìm một thằng xấu hơn nó quả là rất khó! Đếch biết, chỉ đoán mò thế thôi!

Nhưng việc nổ ra chiến tranh thì mình chả tin. Anh Trump nhà mình chẳng qua cũng chỉ tung vài đòn gió dọa thằng nhãi Ủn một tí sau khi đã nói qua với sư phụ nó là anh Tập. Còn việc đánh Triều Tiên thì có thể thắng nhưng sau đó thì sao? Ai sẽ gánh trách nhiệm nuôi 25 triệu sinh linh Triều Tiên đang đói nghèo trong rơm rạ. Sự chênh lệnh kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là quá lớn (khác hẳn Tây Đức và Đông Đức thời điểm 1990). Trong khi Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế đứng hàng 12 thế giới với những tập đoàn công nghiệp khổng lồ như Samsung, Hyundai, LG… thì ở Triều Tiên vẫn đói nghèo triền miên đến độ năm nào cũng phải vác rá đi xin gạo cứu tế. Thử hỏi liệu người dân Hàn quốc đã sẵn sàng chịu hy sinh mức sống sung túc hiện tại để nuôi thêm mấy chục triệu người anh em bên kia bức màn sắt? Còn châu Âu sau những khủng hoảng kinh tế liên miên, EU đang có nguy cơ tan rã sau Brexit, rồi vấn nạn di dân Hồi Giáo, khủng bố IS… liệu có còn hơi sức để mở hầu bao gánh vác thêm vấn đề Triều Tiên? Mà nếu không cưu mang nổi những người mình đã ra tay cứu vớt thì cuộc chiến này có ý nghĩa gì nữa và còn đâu mặt mũi của Mỹ và thế giới tự do?

Hơn nữa lão Trump mới lên, còn chân ướt chân ráo, phe Dân chủ vẫn đang chống phá, lão lại chưa đủ uy tín để kết nối được các đồng minh thân cận lâu năm, một số chính sách an sinh xã hội hậu ObamaCare vẫn chưa đâu vào đâu… thì làm sao dám mạo hiểm đổ cả núi tiền vào cuộc chiến chưa rõ hồi kết này để có thể thân bại danh liệt?

Thế nên, ở thời điểm này, chưa thể có chiến tranh Mỹ - Triều. Chờ xem!


Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Nghe zậy mà không phải zậy!

Hoa cây Lê-ki-ma (còn gọi cây trứng gà).
Nhìn hoa kiểu này thì thấy khó mà cài lên tóc được rồi!
Mấy tuần nay người ta ồn ào đủ kiểu, đủ giọng về chuyện cái Clip mấy ông văn nghệ sĩ nói về việc chị Võ Thị Sáu không bình thường. Với tui thì chuyện này xưa như trái đất, chẳng có gì mới mẻ. Ba zợ tui từng dạy học ở trường TH Phước Thọ, Đất Đỏ và bấy giờ chị Sáu chuyên trị món chuối nướng trước cổng trường này. Tui lại quen một cô giáo tên NTBN nhà ở sát cạnh nhà bà Võ Thị Bảy (em chị Sáu) ở Đất Đỏ bây giờ; rồi tui và một thằng bạn thân nữa đã từng ăn cơm và ngủ một đêm ở nhà ông Cai Tổng Tòng vào năm 1974, nhà ông ngay chợ Phước Hải (Đất Đỏ) vậy mà trong phim và nhiều tờ báo bảo ông này bị chị Sáu ném lựu đạn giết chết từ năm 1948. Tui cũng đã từng đọc một bài báo đăng trên Văn nghệ thời ông Nguyên Ngọc là Tổng biên tập thì phải, nói rằng ở Côn Đảo thời bấy giờ không có một cây Lê-ki-ma (hay còn gọi là Cây trứng gà) nào cả để chị Sáu có thể hái hoa cài lên mái tóc khi trên đường ra pháp trường như đã viết trong sách giáo khoa cho học trò đọc ra rả, và ngay nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, người viết bài hát nổi tiếng Biết ơn chị Võ Thị Sáu năm 1957 mà đài Phát thanh Đất Đỏ đang dùng làm nhạc hiệu, lúc bấy giờ ông vẫn ở miền Bắc, chưa một lần đặt chân đến Côn Đảo và hoàn toàn chưa biết cây Lê-ki-ma là cây gì!

Một ông anh là chuyên viên phòng phổ thông SGD (giờ đã về hưu) sau khi xem cái Clip, hốt hoảng gọi cho tui bảo thật là chuyện động trời, và tàn nhẫn với cô Sáu quá! Hèn chi có lần lão ta xuống làm việc với một ngôi trường mang tên Võ Thị Sáu khi vui chuyện bèn bảo với tay hiệu trưởng rằng sao các ông không dựng tượng chị Sáu đặt ở sân trường, tay Hiệu trưởng người Nam bộ cười cười bảo: “Nghe zậy chứ hổng phải zậy nheng anh!”.

Với tui chuyện chị Sáu có anh hùng hay không chẳng có gì quan trọng nữa rồi (Chỉ còn là vấn đề đạo đức xã hội và lương tâm những người chép sử, mà cái này bây giờ lại quá hiếm!). Cái quan trọng hơn bây giờ là hãy trả lại sự yên tĩnh cho người đã khuất là chị Sáu và đừng làm gì để tổn thương thêm những người trong gia đình chị. Bởi xét cho cùng chị Sáu và gia đình chị hoàn toàn không có lỗi.