Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Lục bát có là thể thơ dân tộc?

Từ lâu tôi và có lẽ rất nhiều người vẫn đinh ninh lục bát là thể thơ dân tộc, chỉ mình mới có, nhưng khi đọc bài của tác giả Nguyễn Văn Tuấn - một GSTS y khoa nhưng lại rất ư văn nghệ, đang sống và làm việc tại Australia - tôi bỗng giật mình. Xin lưu lại để tham khảo  - songdinhbr’blog

Thơ lục bát là của người Chăm?
Từ lâu, tôi vẫn nghĩ thơ lục bát là thể thơ thuần Việt, nhưng đọc bài sau đây của Inrasara mới biết rằng suy nghĩ (hay niềm tin) của mình có thể sai. Có lẽ người Chăm sáng tạo ra thơ lục bát, và người Việt (Kinh) chỉ bắt chước và phát triển thêm mà thôi. Theo Inrasara thì chưa biết thơ lục bát của Chăm ra đời lúc nào, nhưng thể thơ này đã xuất hiện trong thời gian cuối thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 17. Có giả thuyết (Vũ Quang Việt) cho rằng thơ lục bát của VN “có thể phát triển sau khi Việt Nam bắt nhiều ca nhân Chăm đem về khu vực Sơn Tây. Chùa Thày cũng có tượng chim Garuda, là hình tượng của văn hóa Chăm và Ấn Độ.”
Ít ai đặt câu hỏi thơ lục bát xuất phát từ đâu. Nhưng ở miền Nam trước đây, Nhạc sĩ Phạm Duy trong một cuốn sách viết về dân ca có nói đến một bài hát Chăm soạn theo thể thơ kiểu lục bát.
Theo Nguyễn Đức Hiệp (Diễn Đàn) thì “Thể thơ Ariya tương tự như thơ lục bát Việt và Inrasara cho ta thấy qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, lục bát Việt và ariya Chăm có rất nhiều điểm giống nhau. Trong đó cái giống nhất là nhịp điệu của chúng. Thể thơ ariya đã được mang vào các tác phẩm về thơ ca trữ tình, tương tự như thể thơ lục bát trong những tác phẩm văn học Việt Nam như Bích câu Kỳ ngộ, Lục Vân Tiên hay Truyện Kiều. Tuy nhiên có điều khác biệt là ngoài Ariya Ppo Thien và Ariya Kei Oy của Ppo Thien (Thiên Sanh Tây), Ariya Rideh Apwei của Phú Bô, tất cả các tác phẩm văn học trước thế kỷ 20 kể cả ariya thơ ca trữ tình, sử thi Akayet đều là khuyết danh, không xác định được tác giả.”



Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Bài học về lòng yêu nước - Gioheomay

Ưu tiên giáo dục thanh thiếu nhi lòng yêu nước” _ đó là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2010 của Đoàn _ mà tại Hội nghị ban thường vụ TƯ Đoàn lần thứ 9 khóa IX, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thường đã nhấn mạnh .
Thảo luận chương trình công tác Đoàn, phong trào TTN , ông Ngọ Duy Hiếu bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rắng năm 2010 đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước , phải gắn việc tuyên truyền với các chương trình “Thắp sáng ước mơ Tuổi trẻ VN” tổ chức nhiều hoạt động , nhiều cuộc thi , diễn đàn trong các dịp lễ lớn…
 Cụ thể toàn Đoàn tập trung giáo dục lý tưởng, truyền thống , đạo đức lối sống cho TTN, tổ chức thực hiện các công trình thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các khó khăn,bức xúc của cộng đồng, tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Đoàn vững mạnh ; đánh giá giữa nhiệm kỳ việc triển khai thực hiên Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX.
 Toàn Đoàn phấn đấu 100% tỉnh, Thành Đoàn , Đoàn trực thuộc tổ chức tốt cuộc thi : Tìm hiểu 80 năm vẻ vang Đảng Cộng sản VN , cuộc thi tìm hiểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội , tổ chức thực hiện gắn biển 11 công trình TN cấp quốc gia ,80 công trình TN cấp tỉnh và 1000 công trình TN cấp cơ sở , tư vấn dạy nghề cho 1 triệu Đoàn viên , giới thiệu và giải quyết việc làm cho 500 000 TN , xây dựng mới 400 điểm tuyên truyền, phổ biến khoa học công nghệ và điểm truy cập Internet cho TN nông thôn, miền núi , kết nạp 1 triệu Đoàn viên mới và giới thiệu cho Đảng 300 000 Đoàn viên ưu tú
 Hôm nay 25.11 hội nghị tiếp tục thảo luận về các nội dung trên và nghị quyết sẽ phát huy vai trò xung kích của TN và lực lượng doanh nhân trẻ VN trong hội nhâp kinh tế Quốc tế  giai đoạn 2009 – 2012 .  -    Đ . Bình – Lâm Hoài (Báo Tuổi trẻ ngày 25/11)
Đọc chương trình hành động đang được thảo luận và sẽ được đưa ra thực hiện của TƯ Đoàn...tôi vẫn thấy có điều chi chưa thật sự thuyết phuc..vẫn còn đâu đó những cái lợn cợn làm tôi nghi ngờ tính hiệu quả của kế hoạch và mục đích tốt đẹp trên.
Trong tất cả các bài học …bài học về lòng yêu nước có lẽ là bài học dài nhất, tưởng chừng như khó dạy nhất nhưng lại đi từ những điều bình thường nhất , giản dị nhất và gần gũi nhất .

Chuyện không vui ở quê ta

Thành lập đoàn giải quyết tố cáo đối với ban Thường vụ tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu
SGTT - Uỷ ban kiểm tra Trung ương vừa có quyết định số 1913 thành lập đoàn giải quyết khiếu nại tố cáo đối với ban Thường vụ tỉnh uỷ và cá nhân các ông Nguyễn Tuấn Minh, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh uỷ; ông Trần Minh Sanh, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, uỷ ban kiểm tra Trung ương đã nhận nhiều đơn của các đảng viên, các vị lão thành cách mạng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tố cáo những cá nhân trong ban Thường vụ và lãnh đạo tỉnh này có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án. Một trong nhiều nội dung tố cáo đó đã được Thanh tra Chính phủ kết luận là có sai phạm.
Trong đơn “tố cáo tham nhũng và bao che tham nhũng” do ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1952, đảng viên, trung tá quân đội, từng công tác văn phòng tiếp công dân UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói lãnh đạo tỉnh này đã “sửa đổi quy hoạch, biến công viên thành nhà ở lãnh đạo” tại dự án trung tâm thương mại Vũng Tàu.

Tản mạn về nghệ sĩ

Vào khoảng năm 73, 74 gì đó, trên một tờ báo văn nghệ của Sài Gòn người ta có  hỏi một nhà văn rằng: “Nghệ sĩ là người như thế nào?”, ông nhà văn đó trả lời không biết đùa hay thực rằng: “Nghệ sĩ là người luôn xài những đồ rẻ tiền!”. Không hiểu sao tôi nhớ mãi câu trả lời này cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi luôn coi nghệ sĩ gần như những bậc thần thánh. Các nhà văn, nhà thơ Mai Thảo, Nhã Ca, Phạm Công Thiện, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng … rồi các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương … các ca sĩ Thái Thanh, Hà Thanh, Sĩ Phú … luôn là những thần tượng và cao vời vợi. Nhớ có lần đi Vũng Tàu với lũ bạn, tối vào một quán cà phê, chọn một góc ngoài vườn ôm ghi-ta ngồi hát nho nhỏ với nhau những bài du ca, đang hát bỗng có một người đàn ông trung niên ôm chai rượu Martell ra mời mỗi đưa một ly và nói “Chào những người bạn văn nghệ”. Mời rượu xong ông trung niên nọ lại lững thững đi vào. Thằng bạn là dân thổ địa Vũng Tàu thầm thì: “Nhà thơ LQ đấy”. Trời ơi cả bọn ngỡ ngàng đến ngộp thở và câu “Chào những người bạn văn nghệ” vừa nãy bỗng tăng ép phê lên tột độ. Cã lũ sướng rêm, cả đêm không ngủ được và hình ảnh người nghệ sĩ tối hôm đó luôn lưu lại trong ký ức chúng tôi như một kỷ niệm đẹp và lãng mạn.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Chuyện công đoàn



Ai cũng biết công đoàn ở ta chỉ là một tổ chức hữu danh vô thực, vô lực, vô quyền, nhất là cái anh công đoàn của các cơ quan hành chính hoặc sự nghiệp. Bởi ở người thì anh cán bộ công đoàn là người của nghiệp đoàn, hưởng lương từ nghiệp đoàn nên họ làm việc độc lập và đủ tư cách để lên tiếng bênh vực quyền lợi người lao động khi cần thiết. Còn ở ta, anh cán bộ công đoàn cũng như bao anh cán bộ nhân viên khác đều ăn lương nhà nước, nếu là công chức; hoặc ăn lương ông chủ, nếu là tư nhân, vậy thử hỏi có thằng điên nào dám lên gân đấu tranh với nhà nước hoặc ông chủ nếu muốn cho nồi cơm của mình được yên ổn? Một công nhân đã nói với báo chí rằng: Công đoàn ở Việt nam không giống như nghiệp đoàn ở các nước phương Tây. Công đoàn ở đây nó giống như công đoàn của chủ chứ không phải là công đoàn của công nhân. Nó chỉ bênh vực quyền lợi của chủ chứ không bênh vực quyền lợi của công nhân.”Thế là tuy cương lĩnh công đoàn ghi rành rành là đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…. Nhưng thôi đành lòng làm ông bù nhìn đứng giữa mênh mông đất trời để ... chẳng biết làm gì!

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Trung Quốc trong mắt Nhật Bản, cách nhìn tạo ra số phận

Một bài viết hay của  Nguyễn Lương Hải Khôi đáng để suy ngẫm về nhiều vấn đề, trong đó có văn hoá Việt... (Nguồn: Tuần Việt Nam, vietnamnet)
LTS Tuần Việt Nam: Thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, xem sự trỗi dậy của Trung Quốc có tính cách thời đại, đang bàn thảo sôi nổi về tác động này. Định vị Trung Quốc đang trở thành một chủ đề nóng ở nhiều nước trong khu vực.

Bài viết dưới đây đưa ra một góc phân tích về cách nhìn Trung Quốc của Việt Nam và Nhật Bản thời phong kiến. Đây là góc nhìn riêng của tác giả cần được tranh luận, làm sáng tỏ thêm. Mời bạn đọc phản biện bài viết này.






 Nếu như lịch sử hiện đại của các nước Đông Á (Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) là lịch sử quan hệ với Phương Tây, thì trong các thời kỳ tiền hiện đại, lịch sử của Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản là lịch sử của mối quan hệ với Trung Quốc.



Trong thời đại ngày nay, khi Trung Quốc đang ôm tham vọng giành lại vị trí lịch sử đặc biệt trước đây. Để định vị chính mình, Việt Nam không thể không định vị Trung Quốc. Chúng ta hãy thử nhìn lại lịch sử, tham chiếu Nhật Bản, một nước cũng là láng giềng Trung Quốc như Việt Nam, nền văn minh cũng sinh sau đẻ muộn như Việt Nam, và quy mô quốc gia cũng nhỏ bé như Việt Nam, đã định vị Trung Quốc như thế nào trong một bối cảnh lịch sử tương tự như Việt Nam.





Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Cung chúc tân xuân

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Thèm quê

Cứ vào dịp cuối năm khi nghe ai đó bảo về quê ăn Tết là tôi lại có cảm giác hụt hẫng. 
Hụt hẫng bởi có lẽ tôi là một trong số ít người thiếu may mắn khi không có quê để đi, về. Tôi cứ ao ước phải chi mình có một nơi nào đó gọi là quê để cũng được như mọi người tất tả sắm sanh quà bánh, rồi vất vả loay hoay với tàu xe để về quê ăn tết. 
Về quê, chỉ hai tiếng bình thường thế thôi sao mà thiêng liêng và xa vời đến thế. Về quê để được đắm mình trong không gian sực nức mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, mùi ngai ngái của những con đường đất lồi lõm dấu châu trâu bò; ẩn mình trong cái bát ngát xanh của những rặng tre, đồng lúa, liếp rau, bờ giậu và của những ao chuôm quanh nhà. Để được chuyện trò thăm hỏi họ hàng, để con cái mình được gọi những tiếng "Ông, Bà, Cậu, Mợ ..." và đêm về nằm trong gian nhà họ đơn sơ nhưng ấm mùi khói hương thoang thoảng, với tiếng lửa reo lách tách của nồi bánh chưng đang sôi ngoài hiên, rồi được thấm thía cái rét của miền quê và cuộn mình trong chăn nghe tiếng mưa xuân rả rích trên những tàu chuối sau nhà cùng tiếng côn trùng đếm nhịp thời gian ...
Có lẽ do thèm quê nên tôi luôn cho rằng ký ức tuổi thơ đẹp đẽ nhất bao giờ cũng thuộc về những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên nơi làng quê, nơi chúng được thả diều, chăn trâu, bắt dế, chơi trò đánh trận giả trên những triền đồi đầy sim; nơi mà cứ ngày rằm hoặc lễ, tết người trong làng đều tụ tập về ngôi chùa cổ thơm lừng mùi hoa đại, nghe tiếng kinh kệ, ăn bữa cơm chay, hoà mình trong không gian tâm linh thần thánh mà vẫn cảm thấy cái gần gũi, ấm áp của người quê, tình quê ...
Thèm, thèm ghê lắm, nhưng quê vẫn là một chốn quá xa vời! Thôi thì đành về trong tâm tưởng vậy! 
(28 tết Canh Dần)

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Xem biểu diễn nhạc Phạm Duy

Yêu nhạc Phạm Duy và cũng yêu cả GS Nguyễn Huệ Chi nên rất thích thú khi tình cờ đọc được bài viết "Xem biểu diễn nhạc Phạm Duy" của GS về đêm nhạc “Ngày trở về”. Thích thú vì có nhiều điều lâu nay vẫn băn khoăn, nhờ đọc bài này mà ngộ. Xin lưu lại bài viết của GS để thỉnh thoảng đọc lại.
Tối hôm 27 tháng Ba năm 2009, tôi đã làm một việc động trời: đi xem buổi biểu diễn ca nhạc “Ngày trở về” lần đầu của Pham Duy ở Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Tôi đã gợi ý với một người bạn lớn tuổi tìm cách xoay vé, nhưng anh có vẻ không mặn mà - mỗi vé bét nhất cũng 400.000đ, đối với trí thức Việt Nam nhất là trí thức đất Bắc không biết xoay xở giữa thời buổi kinh tế thị trường nhộn nhạo đâu phải là chuyện nhỏ (Ôi tình cảnh của trí thức chúng ta được “trọng thị” như hàng ngũ thứ ba: công, nông, trí !). Nhưng vốn mê nhạc tiền chiến, trong đó có nhạc Phạm Duy, hơn nữa cũng muốn “tìm lại mình” trong một không gian và thời gian “đã mất”, dầu chỉ trong khoảnh khắc, nên tôi và vợ tôi đã kiếm cho được vé và đến được Nhà hát. Chỉ còn 15 phút nữa trước giờ biểu diễn rạp vẫn lưa thưa. Vợ chồng tôi đâm lo. Nhìn xuống thấy nhiều mái đầu bạc mà chúng tôi để ý thấy có mái đầu của GS Hoàng Tụy, vợ tôi nói: “Sẽ đau nhất không phải cho Phạm Duy mà cho Hà Nội là sau 60 năm “xa cách” vì nhiều lý do, nay trở về thì người đời đã quên Phạm Duy”. Tôi thầm nghĩ: Chẳng lẽ chỉ lớp già mới còn muốn đến với Phạm Duy sao? Không có lẽ ! Hóa ra, quả là chúng tôi đã… bé cái nhầm. Đúng vào khoảng 15 phút cuối cùng ấy, người ta mới bắt đầu dồn đến, ào ạt, lộn xộn - một phần cũng do trời mưa - điền hết vào những hàng ghế trống, khiến cho rạp đầy ắp, và không chỉ người già mà người trẻ đến rất đông. Đa số thanh niên chen nhau ở “chuồng gà”. Chúng tôi đưa mắt cho nhau thở phào !