Từ lâu tôi và có lẽ rất nhiều người vẫn đinh ninh lục bát là thể thơ dân tộc, chỉ mình mới có, nhưng khi đọc bài của tác giả Nguyễn Văn Tuấn - một GSTS y khoa nhưng lại rất ư văn nghệ, đang sống và làm việc tại Australia - tôi bỗng giật mình. Xin lưu lại để tham khảo - songdinhbr’blog
Thơ lục bát là của người Chăm?
Từ lâu, tôi vẫn nghĩ thơ lục bát là thể thơ thuần Việt, nhưng đọc bài sau đây của Inrasara mới biết rằng suy nghĩ (hay niềm tin) của mình có thể sai. Có lẽ người Chăm sáng tạo ra thơ lục bát, và người Việt (Kinh) chỉ bắt chước và phát triển thêm mà thôi. Theo Inrasara thì chưa biết thơ lục bát của Chăm ra đời lúc nào, nhưng thể thơ này đã xuất hiện trong thời gian cuối thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 17. Có giả thuyết (Vũ Quang Việt) cho rằng thơ lục bát của VN “có thể phát triển sau khi Việt Nam bắt nhiều ca nhân Chăm đem về khu vực Sơn Tây. Chùa Thày cũng có tượng chim Garuda, là hình tượng của văn hóa Chăm và Ấn Độ.”
Ít ai đặt câu hỏi thơ lục bát xuất phát từ đâu. Nhưng ở miền Nam trước đây, Nhạc sĩ Phạm Duy trong một cuốn sách viết về dân ca có nói đến một bài hát Chăm soạn theo thể thơ kiểu lục bát.
Theo Nguyễn Đức Hiệp (Diễn Đàn) thì “Thể thơ Ariya tương tự như thơ lục bát Việt và Inrasara cho ta thấy qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, lục bát Việt và ariya Chăm có rất nhiều điểm giống nhau. Trong đó cái giống nhất là nhịp điệu của chúng. Thể thơ ariya đã được mang vào các tác phẩm về thơ ca trữ tình, tương tự như thể thơ lục bát trong những tác phẩm văn học Việt Nam như Bích câu Kỳ ngộ, Lục Vân Tiên hay Truyện Kiều. Tuy nhiên có điều khác biệt là ngoài Ariya Ppo Thien và Ariya Kei Oy của Ppo Thien (Thiên Sanh Tây), Ariya Rideh Apwei của Phú Bô, tất cả các tác phẩm văn học trước thế kỷ 20 kể cả ariya thơ ca trữ tình, sử thi Akayet đều là khuyết danh, không xác định được tác giả.”
Thể thơ lục bát gieo vần theo công thức chuẩn bb tt bb / bb tt bb tb (b = thanh bằng, t = thanh trắc), nhưng trong thực tế tôi thấy có đến 20 biến thể khác. Trong bài này, Inrasara cho biết người Chăm ngoài cách gieo vần thanh bằng và hiệp vần ở chữ thứ 4 dòng câu 8, và cả vần thanh trắc nữa (còn nười Việt thì tuyệt đại đa số ở chữ thứ 6 dòng bát mà Chăm hầu như không có). Thú vị!
Nói tóm lại, những “phát hiện mới” này cho thấy thơ lục bát không phải do người Việt sáng tạo ra; chủ nhân của thể thơ này chính là người Chăm.
NVT
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=186315&ChannelID=7
Lục bát có phải là thơ thuần Việt?
TP - Mãi đến hôm nay, đa số người vẫn còn nghĩ lục bát là thuần Việt, “bản sắc độc đáo riêng của người Việt”.
Có riêng một cõi đâu mô! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc có cấu trúc mỗi khác (đa âm/ đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi! Lục bát Chăm với tên gọi ariya cũng vậy, so với Việt đã có sự sai lệch nhất định.
Cho dù đến nay chưa có tài liệu nào xác minh thời điểm ra đời của lục bát Chăm. Thế nhưng ngay từ cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Chăm đã có mặt.
Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng, đủ thấy lục bát Chăm đã có mặt sớm như thế nào rồi. Tiếng Chăm đa âm tiết nên lục bát khi thì gieo vần theo lối đếm âm tiết, khi thì theo dạng nuốt âm - là điều lục bát Việt không có.
Còn việc lục bát Chăm gieo vần lưng, chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát, thì ta đã thấy xuất hiện trong lối gieo vần xưa trong ca dao Việt:
Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kơu lo yaum sa urang
Kiểu như:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Chăm còn gieo cả vần bằng lẫn vần trắc nữa, rất linh hoạt. Hiện tượng này dù hiếm nhưng không phải không từng xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:
Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi (Ca dao)
Ngoài các kiểu lục bát kể trên, Chăm còn có thể pauh catwai (biến thể từ ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất qua giọng điệu.
Lục bát Chăm và Việt, dù chưa thể khẳng định được ai có trước ai có sau, nhưng điều chắc chắn là có sự ảnh hưởng và tác động qua lại. Học tập lẫn nhau. Như giới làm thơ Chăm và chục năm qua đã học làm thơ theo thể lục bát thuần Việt: chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát. Không hay sao?
Inrasara