Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Obama và Medvedev






























































Những bức ảnh cho thấy những nhân vật thực sự lớn có thể bàn chuyện lớn ở một nơi không cần lớn.
Tổng thống Barack Obama (Mỹ) và Tổng thống Dmitry Medveded (Nga) cùng ngồi vào bàn như mọi người, vừa ăn hamburger vừa bàn công việc thật tự nhiên trong một quán ăn ở Arlington (Mỹ), chung quanh mọi người vẫn ăn uống và làm việc bình thường. Đáng chú ý là hai đồng chí chóp bu này không đặt bàn riêng hay phòng VIP có máy lạnh, dù trời có vẻ nóng đấy nhé!
Ăn xong TT Obama tự trả tiền và hai ông tổng rời quán, khoác áo lên vai đi dạo trong công viên.
Đáng tiếc là không thấy ai làm hộ các ông tổng những việc lặt vặt như trả tiền, cầm áo giúp... Về khoản này e rằng hai đồng chí chóp bu này thua hẳn các quan nhà ta!

Vuvuzela và Vêtêvêzela!

Nhà đài VTV chuẩn bị bình luận world cup

Sáng uống cà phê, một anh bạn hỏi tui: “Mấy bữa nay ông có xem đá bóng không?”, tui bảo: “Sao không, bộ ông tưởng tui mù bóng đá vì IQ thấp à?”. Anh bạn hỏi tiếp: “Thế ông có cảm nhận gì không? “. Tui hỏi lại: “ Chắc ông muốn nói về tiếng kèn vuvuzela của CĐV Nam Phi chớ gì? Ừ, thì thức khuya mà nghe tiếng kèn vu vu inh tai liên tục cũng thiệt là nhức đầu khó chịu. À, mà nghe nói nhiều đội tuyển đã lên tiếng phản đối rồi đó.” Ông bạn tui bảo: ”Đâu chỉ vuvuzela không thôi mà còn tiếng kèn vêtêvêzela nữa cũng làm bực mình đâu kém”. Tui ngạc nhiên: “Ụa, cái kèn đó là cái kèn nào sao tui không biết cà, ông có lộn không?”. Ông bạn tui thủng thẳng nói: “Đó là cái kèn của nhà đài vêtêvê (VTV) bình lựng quơn cúp đó, mấy cha bình lựng kiểu gì mà nói liên tu bất tận không để cho khán giả có khoảng lặng thời gian nào mà xem trận đấu, để suy nghĩ từng đường bóng, thấm thía từng cái hay cái đẹp cũng như những cảm xúc  vui buồn trong bóng đá.

Cách bình lựng kiểu lắm mồm với toàn những câu vô thưởng vô phạt (VD: "Sắp tới, khi gặp đội Đức có lẽ đội Anh sẽ phải đấu một trận quyết tử". Bố khỉ, vào đến vòng knock-out thì đội quái nào không quyết tử mà còn phải có lẽ với không lẽ?) cũng gây khó chịu chẳng khác nào tiếng kèn vuvuzela. Chỉ có điều vuvuzela thì gây khó chịu cho cầu thủ và khán giả trên sân, còn vêtêvêzela thì  gây khó chịu cho khán giả xem truyền hình Việt Nam”. Tụi gật gù: “Ừ hén, đúng là ông bà ta từng nói đa ngôn tất xảonói lắm mất hay, ừ mà cái dzụ này hình như là đặc điểm vùng miền đó nheng ông, thậm chí có mấy cha bình lựng viên VTV mời khách đến trường quay để nhờ phân tích, bình luận trước và sau trận đấu, nhưng mấy cha này còn giành nói nhiều hơn cả khách mời mới là kỳ chớ!”. Ông bạn tui vỗ đùi cái đét rồi phán: “Có gì đâu mà kỳ, bộ ông không biết nói thì dễ hơn làm à? Thế nên mới có chuyện cha nào cũng tranh nhau nói chớ có cha nào tranh nhau làm đâu!’. Hết ý…

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Coi quơ cúp hồi xưa đã hơn bi giờ

        Nghe thế có người không hiểu chắc sẽ chụp mũ: thằng cha này hoài cổ, hay bất mãn chế độ...! Không, tội chết. Tui nói rõ ràng và đầy đủ hơn là ngày xưa nghèo, thiếu thốn ti vi nhưng coi quơ cúp thì đã hơn bây giờ rất, rất nhiều. Chuyện đó thì dám chắc trăm phần trăm, thằng nào muốn cãi tui cãi tới bến!
        Nhớ những năm 80, khu phố tui có khoảng ba bốn mươi hộ toàn công nhân viên nhà nước nghèo kiết xác. Cả xóm chỉ một hai nhà có được ti vi, mà cũng chỉ là ti vi nghĩa địa 14 inch trắng đen thôi. Lúc đó Liên Xô chưa tan rã, cứ mỗi lần diễn ra World cup, Euro hoặc các cúp C1, C2, C3 ai cũng cầu mong đội tuyển Liên Xô hoặc các CLB Dynamo Kiev, Spartac Maxcova … có mặt để dân Việt Nam ta được tiếp sóng coi ké, bởi nếu đại ca Liên Xô mà vắng bóng thì cũng đồng nghĩa là không có sóng siếc gì để coi cả. Ngày đó cứ trước mỗi lần tiếp sóng (hoặc chôm sóng) qua vệ tinh của đồng chí Liên Xô vĩ đại các nhà đài cứ luôn mồm trấn an “chúng tôi vẫn đang tiếp tục dò sóng nhưng chưa có tín hiệu, xin các bạn xem đài kiên nhẫn chờ đợi …” mỗi lần thế là mỗi lần thấp thỏm, thấy mà tội, mà thương và cám cảnh cho cái phận nghèo.
        Hồi ấy World cup hoặc Euro thực sự là một ngày hội, chỉ một cái ti vi 14 inch trắng đen mà đến mười mấy, hai mươi anh tín đồ túc cầu giáo tập trung bình luận trước trận đấu, rồi chia phe cá độ (độ chỉ là vài điếu thuốc lá, mấy ly cà phê đen tự pha thôi chứ ngày ấy tiền đâu mà hoang) rồi hồi hộp nín thở theo dõi, rồi hò reo đến tức cả ngực, rồi thất vọng, bực mình, giận dữ, rồi xuýt xoa tiếc rẻ vỗ đùi mình đen đét, đấm lưng thằng ngồi bên cạnh bình bịch... Dĩ nhiên là trận nào có Liên Xô thì cả lũ phải cầu cho Liên Xô vào sâu sâu để còn được xem nhiều nhiều, thế nhưng Brazil, Achentina, Ý … vẫn là những đội bóng đầy mê hoặc, không thể không ủng hộ, nhưng khổ nỗi nhiều khi chính những tên tuổi này lại vùi dập đội tuyển Liên Xô nhà mình và như vậy cũng có nghĩa là vùi dập luôn cả ước mơ của những người hâm mộ Việt Nam khiến cuộc vui phải đứt gánh giữa đàng.
        Nhớ kỳ World cup tổ chức ở Mexico 1986 - hình như đây là kỳ world cup đầu tiên Việt Nam mình được xem truyền hình trực tiếp qua vệ tinh của các đồng chí Liên Xô vĩ đại - bọn tui tập trung nhà thằng A, đối diện nhà tui, lúc đó đâu chừng 11, 12 giờ khuya gì đó, truyền hình đang chiếu trận tứ kết giữa Pháp và Brazil thì phải. Hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều pha bóng thót cả tim, nhưng điện bỗng dưng tắt phụt, cả khu mất điện, tối om om. Lúc ấy cả mấy chục nhà chỉ xài chung có mỗi cái công-tơ điện và dây điện cứ lòng thòng kéo từ nhà này sang nhà khác. Thế nên hễ có sự cố là ảnh hưởng cả khu. Cả bọn bực tức ùa ra sân, ánh đèn pin loang loáng soi từng khu nhà, còn hơn cả bắt trộm, để truy tìm nguyên nhân, miệng thằng nào cũng làu bàu chửi rủa thằng khốn nạn nào xài điện vô ý thức làm chập mạch cháy đường dây cả xóm. Thế là trận đấu ở bên kia bán cầu vẫn diễn ra tưng bừng nhưng lại thiếu sự chứng kiến của của bọn tui chỉ vì sự cố chập điện, vài ba thằng lọc tọc về nhà lấy xe đạp để chạy đi tìm chỗ xem tiếp. Tui vì con còn nhỏ nên đành ngậm ngùi trở về nhà. Vừa mở cửa, tui bỗng giật mình khi phát hiện nồng nặc mùi khói khen khét. Chết mẹ! Thôi rồi! Nguyên nhân là từ nhà tui chớ đâu xa. Số là, lúc chặp tối nhà nào cũng xài điện nên điện áp yếu, ai cũng phải xài bình tăng điện áp-survolteur đèn mới sáng nổi (lúc đó chưa có cái ổn áp tự động như bi giờ). Nhưng đến khuya mọi người tắt đèn đi ngủ, điện áp tăng trở lại, nhưng vì mải coi đá bóng tui có nhớ gì nữa đâu mà về chỉnh lại bình tăng. Thế là cháy survoltuer, chập mạch, mất điện cả xóm. Tôi vội vàng chạy ra gặp các chiến hữu còn đang xôn xao bàn tán ngoài đường để phân bua, nhận khuyết điểm và hứa sáng mai sẽ sửa lại đường dây. Cả bọn đành ngậm ngùi thông cảm cho cái lỗi rất ngoài ý muốn, hơn nữa cũng vì thấy tui thành khẩn khai báo và trước đó tui cũng là thằng chửi rủa nhiệt tình nhất. Sáng hôm sau, may là chủ nhật nên cả xóm lại cùng nhau sửa lại đường dây, chuẩn bị cho bữa tiệc bóng đá buổi tối. Bấy giờ anh nào cũng nghèo, cũng khổ như nhau nên dễ dàng thông cảm và chia sẻ khó khăn. Nghĩ lại thấy mà thương!
         Bây giờ khu phố tui, đường mở rộng hơn, nhà nào cũng xây lại, cao ngất, to đùng, rào cao cổng kín, các nhà vẫn kề sát vách nhau mà tự dưng trở nên cách trở, ít có dịp qua lại kể cả ngày tư ngày tết. Dĩ nhiên cái ti vi bi giờ là chuyện nhỏ, nhà nào mà chả có, mà toàn loại LCD to tổ bố, màu mè tưng bừng, nhưng đến mùa quơ cup mỗi anh lại cô đơn ngồi nhà, một mình, một máy, chẳng còn cái cảnh cả xóm quây quần lại để hò hét, để vui buồn với quả bóng lăn ở tận đẩu tận đâu. Lâu lâu thấy buồn mấy thằng lại rủ nhau tập trung ở cái quán nào đó vừa xem, vừa nhậu, vừa la hét cho đỡ ghiền, đỡ nhớ ngày xưa. Thế nhưng vẫn thấy không khí đó nó nhàn nhạt làm sao ấy, chẳng còn được như xưa. Phải chăng lúc đó mình còn trẻ, còn bi giờ mình đã già? Hay là lúc này lòng mình đã khác?

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Đội hình vô địch thế giới!





















Đội tuyển trong mơ! Làm sao thắng nổi đội này ta?

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Thương - ghét

Mình khoái bóng đá, nhất là bóng đá quốc tế nhưng lại không khoái lắm anh chàng Cristiano Ronaldo, cầu thủ số 1 thế giới mới đầu quân về Real Madrid bởi anh chàng này có vẻ hay chanh chảnh và có gì đó như thiếu tinh thần thượng võ với những xảo thuật trên sân cỏ và cả ngoài đời, rồi cũng từ đó mà sùng lây cả Sir Alex Ferguson, HLV Manchester United vì ông này đã từng làm mình làm mẩy và dọa sẽ từ chức nếu lãnh đạo CLB để Cristiano Ronaldo rời khỏi M.U. Thế nhưng khi xem trận Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà thấy anh chàng này bị kèm chặt chẳng làm ăn gì được đến nỗi báo chí chê bai đủ điều lại thấy tội, rồi đến tối qua khi xem trận Bồ Đào Nha gặp Bắc Triều Tiên, nhìn cảnh Ronaldo chạy lên chạy xuống, loay hoay tìm cách ghi bàn vào lưới đối phương để xả xui mà cứ hết xà ngang lại cột dọc từ chối, nhìn nụ cười héo hắt của chàng ta sao mà thương quá, dẫu rằng lúc đó đồng đội của anh đã thi nhau tạt những 5 xô nước lạnh ngắt (5-0) vào ý chí nghị lực của các cầu thủ Triều Tiên, thế nhưng chân sút số 1 của Bồ, của Real và cả thế giới vẫn cứ “vô duyên”, thấy mà tội. Mãi đến phút 88, khi nỗ lực cuối cùng được đền đáp, chàng Rô cũng đưa được bóng vào lưới đối phương ghi điểm 6-0, ống kính zoom cận cảnh, nhìn nụ cười không tươi lắm, như pha chút tẽn tò, ngượng ngùng kể cả biết lỗi về việc ghi bàn muộn màng, chậm trễ của anh chàng lúc này sao mà thấy thương và cám cảnh cho cuộc đời cầu thủ trên sân với tất cả vinh quang và cay đắng.
Trước khi vào trận mình ủng hộ Bồ vì không ưa cái đất nước Triều Tiên của lão Kim Jung-Il bụng ỏng đít teo độc tài phong kiến, thế nhưng khi đội Triều Tiên thua phơi bụng đến 7 bàn thì lại thấy tội, nhìn anh chàng số 9 Jong Tae Se đầu trọc vùng vẫy trong tuyệt vọng thấy mà thương!
Cũng thế, mình có bao giờ nghe hoặc mê Hồ Ngọc Hà, cô ca sĩ nổi tiếng chỉ vì đôi chân dài và gương mặt đẹp chứ ca hát thì có ra gì, thế nhưng gần đây khi nghe những kẻ tự xưng nhà báo gây scandal bới móc đời tư cô nàng thì mình lại thấy tởm. Khinh làm sao những kẻ bất tài nên phải dùng hạ sách moi chuyện gầm giường người khác để kiếm chút tiền còm và tiếng tăm. Và lại thương cho cô nàng Hà Hồ, thân gái lúc này chống chèo yếu ớt trước cuồng phong dư luận.
Có người bảo sao cha này lộn xộn quá, lúc thì thương, lúc thì ghét? Ừ thì thế mới là người chớ! Đời có ai ghét suốt mà cũng có ai thương suốt đâu? Chẳng phải sư tổ Đồ Chiểu cũng từng nói “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” đó sao?

Fan lạ




Phóng viên Joan I. Garcia-Ochoa của Radio Marca của TBN đã khám phá ra là toàn bộ số Cổ động viên CHDCND Triều Tiên trên khán đài SVĐ Nam Phi không phải là người Triều Tiên mà là diễn viên của Trung Quốc được một công ty thuê và tuyển chọn nghiêm ngặt dưới sự tài trợ của … UB Thể Thao Trung Quốc. Tít của bài báo là "Không phải Fan Triều Tiên mà là Fan Trung Quốc" còn cái chapeau của bài là "Một công ty đứng ra tuyển lựa. Tất cả được trang bị đồng bộ và KHÔNG một người BẮC TRIỀU TIÊN nào đến Nam Phi xem bóng đá cả". Cơ quan XN Cảnh Nam Phi cũng xác nhận thông tin này... Đúng là fan "lạ".
Không biết thực hư thế nào, song xem chừng ông anh Trung Quốc và đàn em Bắc Triều Tiên thì luôn là bậc thầy trong những trò đểu cáng và lừa bịp.
Nguồn: http://nhacsituankhanh.multiply.com

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Biểu quyết hay không biểu quyết

Nhìn bảng điện tử hiện thị kết quả biểu quyết việc thực hiện siêu dự án Đường sắt cao tốc 56 tỷ đô-la trong phiên họp quốc hội ngày 19/6/2010 vừa qua chắc có nhiều người cũng thắc mắc như tui. Vấn đề không phải là kết quả không tán thành của đa số đại biểu quốc hội đối với dự án “siêu khủng” này mà ở khía cạnh khác. Đó là:
1.  Thứ nhất là, tại sao vấn đề lớn lao đến thế mà chỉ có 82,96% đại biểu có mặt để biểu quyết, thế còn 17,04%  đại biểu kia ở đâu? Đi đâu? Làm gì? Tại sao không có mặt? Chẳng lẽ nhiệm vụ lớn lao và cao cả nhất của một đại biểu quốc hội không phải ở nghị trường này và trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng” thế này hay sao? Nên nhớ 17,04% là khoảng 90 đại biểu, gần một cơ số đại đội chớ đâu ít!
2.  Thứ hai là, tại sao có đến 82 đại biểu có mặt (chiếm tỷ lệ 16,63%) mà không biểu quyết? Chả lẽ một vấn đề đã được nhiều đại biểu cả phe tán thành lẫn phe không tán thành cùng phân tích, rồi báo chí mổ xẻ, các nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia bàn luận sôi nổi cả tháng trời mà vẫn chưa làm các vị đại biểu này hiểu rành rẽ thấu đáo hay sao? Hay đây là cách né tránh trách nhiệm, vì xét cho cùng thì tán thành hay không tán thành đều chịu trách nhiệm với lịch sử. Các vị này sợ mình quyết định sai lầm và con cháu sau này sẽ phán xét hay các vị ngủ quên trong thời điểm biểu quyết? Tui thì nghĩ thẳng ruột ngựa rằng thà trốn họp đi shopping, đi thăm bà con, đi ăn chơi xả láng sáng về sớm … thì thôi, chứ đã có mặt thì phải bấm Yes hay No. Thế mới xứng mặt đại biểu quốc hội chớ! Về mặt này thì tui hoan nghênh cả đại biểu tán thành lẫn không tán thành vì họ đã biểu lộ chính kiến rõ ràng trước một vấn đề quan trọng của đất nước. Và đó cũng là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước của người đại biểu quốc hội.
Thử hỏi nếu đa số đại biểu đều vắng mặt trong những lần biểu quyết (giống như nghị viện Nga) hoặc đa số đại biểu có mặt tại nghị trường đều “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” và không biểu quyết thì con thuyền đất nước mình sẽ trôi về đâu nhỉ?

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

IQ và AQ

Phải nói ngay để các cháu học sinh phổ thông không lẫn lộn giữa ông IQ của ta với nhân vật AQ của nhà văn Lỗ Tấn bên Tàu nhé!
AQ là nhân vật chính trong tiểu thuyết “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn ra đời ở đầu thế kỷ XX, nhân vật này mang một tính cách an phận, luôn bằng lòng với những gì mình có, luôn tự an ủi mình bằng “phép thắng lợi tinh thần”, dù có bất kỳ điều tồi tệ nào xẩy ra, kiểu như “Nó đánh mình thì như nó đánh bố nó”. Thế là yên tâm, thế là sung sướng để cho chúng đánh mình, chửi mình thỏa thích. AQ là sản phẩm của xã hội Trung Hoa sau cuộc Cách mạng Tân Hợi nửa vời năm 1911, nhưng cũng chính là hình ảnh u mê trì trệ của dân tộc này suốt mấy ngàn năm dưới chế độ phong kiến.
Còn IQ của Việt Nam ta thì xuất hiện vào thế kỷ XXI, thành phần công chức, nhà có bát ăn bát để, tốt nghiệp đại học hẳn hoi (Dù rằng nói như GSTS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân là cần phân biệt loại học trước làm quan và loại học sau khi làm quan. Nhưng gì gì thì cũng học cả thôi, bằng cấp như nhau, lương lậu như nhau, có khi còn hơn nữa ấy chứ!). Trong phiên họp quốc hội tháng 6/2010 vừa qua, khi bàn về việc có làm hay không làm siêu dự án đường sắt cao tốc với tổng kinh phí đến 56 tỷ USD (mà hoàn toàn đi vay cả) thì nhân vật này lại nổi tiếng với phát ngôn xanh rờn và rất IQ là : "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".
Câu nói của IQ thì các cháu học sinh phải hiểu là Việt Nam ta đã thuộc hàng có chỉ số IQ cao trên thế giới, thì phải có đủ thứ, chẳng hạn bây giờ là đường sắt cao tốc, rồi ngày nào đó là tàu vũ trụ, tàu ngầm nguyên tử, rồi sản xuất máy bay siêu thanh khổng lồ, rồi dự án di dân lên mặt trăng, sao hỏa … tất tần tật phải có. Và như vậy Việt Nam ta đương nhiên phải là một nước giàu có, hùng mạnh và phát triển ngang hàng với các siêu cường Na uy, Pháp, Đức, Nhật, Trung quốc ... Còn cái anh Mỹ kia chỉ là tép riu, vì chưa phát triển được hệ thống đường sắt cao tốc và dân Mỹ ắt hẳn có chỉ số IQ thấp lắm!. Và như vậy câu nói của IQ là tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu nước và tự hào dân tộc tột độ, dù rằng hiện nay ta chưa có gì cả. Nhưng cứ yên tâm, có IQ là có tất cả. Đừng no đã có đảng no rồi (Hà Lam Linh lói hơi ngọng ấy mà!). Như vậy câu nói của IQ và AQ câu nào hay hơn, khí phách hơn?
Cũng xin đề nghị với các thầy cô giáo dạy văn khi ra đề kiểm tra cần giúp các cháu phân biệt rõ ràng đừng để các cháu lẫn lộn giữa hai nhân vật điển hình này. Xin cảm ơn thầy cô.
Chúc các cháu một mùa thi thành công và có những bài làm gần với bài mẫu nhất!

Về Đất Mũi Cà Mau


Đất Mũi, doi đất tận cùng đất nước chỉ có lèo tèo mấy chục nóc gia, thế mà
có đến 2 nhà hàng nổi rất 
hoành tá tràng cắm trực tiếp xuống biển, đầy đủ
các loại bia, rượu, mồi mỡ và các cô gái cười tươi như hoa.


Mốc tọa độ quốc gia có gắn chữ nổi bằng đồng vẫn bị chôm hết các
dấu ở hàng chữ lớn "Toạ độ quốc gia", còn hàng chữ "nghiêm cấm
phá hoại" phía dưới thì mất hẳn một mẫu tự A ở chữ "hoại".
(trong ảnh là 2 người đẹp: Xuân An và Khánh Hạ)






















Làng chài Đất Mũi chỉ vài chục nóc nhà, xa xa ngoài khơi là đảo Hòn Khoai, căn cứ của
  cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiển khởi xướng, do đó mới có
tên là huyện Ngọc Hiển.













Còn đây, Đất Mũi nhìn từ vệ tinh

Bến đò Năm Căn, nơi gặp một cô giáo già dạy tiểu học, nghỉ hè bán thêm vé số dạo để
 nuôi con, cô đã sống ở đây 30 năm nhưng chưa từng biết đến Đất Mũi, dù chỉ cách đó 

chừng 30 km đường sông.


Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Định nghĩa về tự do

Câu nói của ông Nelson Mandela - người đã từng bị giam cầm 27 năm vì những hoạt động kiên cường chống chủ nghĩa Apartheid và là Tổng thống của nền dân chủ Nam Phi đầu tiên từ năm 1994 đến năm 1999 -  được khắc ghi ngay trên bức tường trước cổng ra vào Viện Bảo Tàng Kỳ Thị Chủng Tộc ở Johannesburg tại Nam Phi : "To be free is not merely to cast off one’s chains, but to live in a way that respects and enhances the freedom of others" (Được tự do không có nghĩa chỉ có chính ta thoát khỏi gông cùm, mà là sống một cuộc sống luôn tôn trọng và biết cải thiện sự tự do cho người khác).


Một định nghĩa về tự do đáng để suy ngẫm.


Nguồn: Blog Trinh Hoi (VOA)

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay?

Nhà công tử Bạc Liêu nay thành khách sạn nhà hàng

Đi qua Bạc Liêu ghé thăm nhà chàng công tử lẫy lừng ngày xưa mà thấy buồn. Cả một dinh cơ đồ sộ, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và tuyệt đẹp về mặt kiến trúc nằm bên bờ sông Bạc Liêu đang được biến thành một tổ hợp khách sạn, cửa hàng ăn uống. Căn phòng làm nơi thờ với  2 bức tượng vợ chồng ông Trần Trinh Trạch, song thân của công tử Bạc Liêu chẳng ai hương khói. Chung quanh khu nhà chính người ta đang đào mương và đặt đường ống dẫn nước. Khách vào uống cà phê,  ăn nhậu rồi tiêu tiểu khạc nhổ thô lậu ngay chốn di sản mà nhờ nó người ta mới biết đến mảnh đất Bạc Liêu lặng lẽ này. Thiết nghĩ, dù là đại điền chủ, rồi khét tiếng về ăn chơi nhưng gia đình công tử Bạc Liêu vẫn có những đóng góp nhất định cho cách mạng, thế mà … Mình chỉ là người qua đường nhìn cảnh tang thương mà còn cảm thấy bùi ngùi huống hồ con cháu nhà họ!

Lại nghe nói ở Tiền Giang có nhà hát mang tên Hoàng Việt, nhằm tôn vinh người nhạc sĩ tài hoa của quê hương Cái Bè với khúc Tình ca và  bản giao hưởng Quê hương bất hủ. Nhà hát này được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước vừa làm tụ điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho nhân dân trong vùng, vừa làm nơi hương khói thờ phượng người nhạc sĩ tài ba của quê hương. Thế nhưng mới đây người ta cũng lại đem bán đứt nhà hát này cho tư nhân để xây dựng cửa hàng buôn bán xe gắn máy kiếm lời, còn bàn thờ nhạc sĩ thì được đem đi “cất” trong hội trường Ủy ban xã để chờ ngày... tàn lụi?
Nghĩ mà buồn và sợ! Nhỡ sau này con cháu cũng đối xử với chúng ta như thế thì sao nhỉ? Chẳng phải là ngày mai bắt đầu từ hôm nay sao?

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Vai trò của đạo Phật trong xã hội hiện nay

Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến
It is when the horizon is darkest and human reason is beaten down to the ground that the faith shines brightest and comes to our rescue.
(Chính khi chân trời trở nên u ám nhất và khi lý trí con người bị đập vỡ nát tan tành thì niềm tin lại bừng lên sáng chói và cứu rỗi chúng ta.)
Mahatma Gandhi[1]
Chùa Cổ Loa
Sự băng hoại đạo đức, sự phá sản những giá trị tinh thần trong xã hội chúng ta hiện nay đang gióng lên những hồi chuông báo động. Xã hội chúng ta đang đứng trước những cơn địa chấn tinh thần khiến toàn thể toà lâu đài đạo lý của cha ông bị lung lay dữ dội. Bức tranh truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời đã loang lở quá nhiều. Luân thường bị đảo lộn, giềng mối bị xới tung. Từ gia đình đến học đường, từ cá nhân đến xã hội, đâu đâu cũng có thể thấy những mảng xám đen về đạo đức. Bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày như cơm bữa. Con người đâm ra dửng dưng trước mọi biến cố. Những tin tức đáng kinh hãi về vấn đề đạo lý đăng tải trên báo cũng chỉ được đọc với thái độ hững hờ, như tin móc túi hay giật dọc. Mấy chục năm qua, đời sống vật chất tuy có được nâng cao, nhưng chua xót thay khi đời sống tinh thần lại ngày càng xuống dốc. Ngay cả giáo dục và y tế -hai môi trường được xem như là sự phản ánh lương tri của mọi xã hội trong mọi thời đại- cũng diễn ra cảnh bạo lực, thậm chí còn bị biến thành một thương trường suy đồi về đạo đức. Trí tuệ và mạng sống con người – những thứ được xem là cực kỳ cao qu‎ý – cũng trở thành những món hàng kinh doanh, được mua bán bằng tiền, thậm chí được trao đổi bằng cả thân xác. Người người đều hối hả chạy theo cuộc sống vật chất, dùng mọi thủ đoạn để chiếm hữu, để hưởng thụ, để tranh danh đoạt lợi, biến cuộc đời thành một bãi chiến trường theo kiểu “đấu tranh sinh tồn” của Darwin. Mọi giá trị tinh thần, mọi tiêu chuẩn đạo lý, mọi thước đo nhân phẩm trong cuộc sống dường như đều được quy thành vật chất, và giá trị con người được tính tỷ lệ thuận theo độ dày của những xấp giấy bạc.
Đằng sau sự háo nhoáng giả tạo, quá đỗi giả tạo của một xã hội chỉ biết chú tâm vào tiêu dùng và hưởng thụ, là cảnh sa mạc hoang lương của đời sống tinh thần và đạo lý. Chưa bao giờ sinh hoạt tinh thần và đời sống văn hóa lại xuống thấp đến thế. Khoảng mười năm gần đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng thấy khẩu hiệu “văn hóa” ở khắp mọi nơi. Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xóm văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, bưu điện văn hóa, công viên văn hóa …. Chữ “văn hóa” đã bị lạm dụng đến mức chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được đời sống văn hóa của chúng ta đã có vấn đề trầm trọng, như một người đau răng thì chỉ luôn nghĩ đến cái răng đau. Chưa bao giờ tính ích kỷ cá nhân, sự dửng dưng vô cảm, sự tham lam chiếm hữu và hưởng thụ, sự dối trá lọc lừa, sự tàn bạo nhẫn tâm và sự trơ tráo lại tràn lan trong xã hội chúng ta nhiều đến thế, chưa bao giờ tình người lại thiếu vắng đến thế. Cuộc sống thực dụng, quá đỗi thực dụng, đã khiến tiếng những đồng tiền rơi xủng xoẻng át đi tiếng nói của lương tri. Thủ đoạn lọc lừa cùng sự trơ tráo đã trở thành tấm giấy thông hành trong cuộc sống, khiến ai nấy đều co cụm lại để tìm chỗ trú an toàn, và nhìn chung quanh với đôi mắt ngờ vực, đầy ác cảm.
Mọi nỗ lực vãn hồi đạo lý theo kiểu khẩu hiệu hoặc phong trào đều như muối bỏ bể, vì chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không phải phần gốc, giống như để làm nguội một nồi nước đang sôi trên bếp, thay vì tắt lửa, chúng ta chỉ biết tất bật châm thêm nước. Châm nước xong, nồi nước có thể dịu lại một lúc nhưng rồi sẽ tiếp tục sôi. Căn nguyên sâu xa, theo thiển ý, là do xã hội chúng ta hiện nay đang thiếu một sự định hướng tinh thần chân chính. Có một giai đoạn chúng ta đã quá vội vã và hăng hái một cách sốc nổi trong việc đạp đổ những giá trị văn hóa và tâm linh truyền thống để thay thế vào đó bằng những giá trị được cho là mới mẻ. Chúng ta xóa bỏ những cái “bất biến” để chỉ chạy theo những thứ “tùy duyên”. Chúng ta nghĩ rằng có thể xây dựng được một xã hội hoàn toàn mới bằng niềm tin tất thắng đầy cảm tính ngây thơ, bằng những lý ‎luận chắc nịch tưởng chừng không thể lay chuyển nổi. Chúng ta dự đoán đà tiến hóa của lịch sử chỉ thuần bằng lý luận theo kiểu lập trình trong máy tính, để rồi khi cơn thủy triều thời gian nhanh chóng cuốn sạch đi những gì ta khổ công tạo dựng và cố gắng níu kéo bằng mọi cách, ta mới thấy rằng cuộc sống vẫn cứ âm thầm trôi theo một chiều khác hẳn với những bài bản trong lý thuyết. Khi cơn thủy triều thời gian rút xuống, dưới đáy cuộc sống lại hiện ra, ẩn hiện trong những lớp phù sa, những giá trị mà ta ngỡ rằng có thể vất bỏ đi. Giờ đây chúng ta lại hối hả đi nhặt nhạnh những mảnh vụn đó để chắp vá lại, với ước mong tái tạo được hình tượng ban đầu. Nhưng những hình tượng chắp vá đó chỉ còn là hình thức, mà đã đánh mất hoàn toàn phần tinh thần, là phần đem lại giá trị đích thực cho hình tượng đó. Xã hội chúng ta đang có nguy cơ đối diện với cái mà thánh Gandhi gọi là “chân trời đen tối nhất”, hay một biến cố tương tự với cái mà mà triết gia Heidegger gọi là “sự tăm tối âm u trên cõi thế” (die Verdüsterung der Welt)[2], nhưng thực tế còn nguy hiểm hơn, khi bên cạnh sự suy đồi tinh thần thì “sự tăm tối âm u” đó lại kéo theo sự suy đồi của đạo lý.
Suốt một thời gian dài, chúng ta chưa hiểu đầy đủ về bản chất con người, nên chúng ta muốn vượt qua giai đoạn làm người để trở thành những anh hùng. Chúng ta tưởng có thể dùng lý trí để xoay chuyển càn khôn, đem lý luận để chuyển dời lịch sử. Những gì không hiểu được đều bị chúng ta phủ định sạch trơn, theo kiểu vua quan triều Nguyễn cho rằng cái đèn chúc ngược mà vẫn sáng chỉ là trò lừa bịp, hay cậu học trò cấp 2 cho rằng các phương trình vi phân chỉ là điều vô bổ. Sự tự mãn đã đẩy xã hội chúng ta rơi vào sự ấu trĩ, giống như một đứa bé, sau khi dùng ná cao su bắn chết được một con chim, bèn giương ná lên trời và tin rằng có thể bắn rụng cả vầng trăng. Với những quan điểm cực đoan về tôn giáo và mơ hồ về sự phát triển thực tế của cuộc sống, chúng ta vội vã phủ nhận những giá trị văn hóa tâm linh, vì cho rằng lòng kính tín siêu nhiên có thể trói buộc tâm thức con người trong sợ hãi, không cho con người tiến đến tự do. Chúng ta không hiểu rằng làm một con người chân chính khó hơn làm một thiên thần. Chừng nào con người còn là con người với tham- sân-si, thì sự sợ hãi từ lòng kính tín siêu nhiên đó là điều cần thiết giúp con người biết kiềm chế dục vọng để tự mình đi theo con đường đạo lý, giống như một cậu học trò nghịch ngợm không dám làm điều càn quấy trước vị thầy đức độ nhưng nghiêm khắc. Lịch sử nhân loại cho thấy lòng kính tín siêu nhiên, mặc dù lắm phen bị lạm dụng, vẫn góp phần điều hòa được những giếng mối đạo lý trong xã hội, giúp xã hội ổn định mà không cần đến sự ước thúc của pháp luật. Tín đồ Thiên chúa giáo sẽ khoan hòa hơn nếu biết tin sợ đức Chúa Trời, tín đồ Tin Lành sẽ nhân ái hơn nếu biết tin sợ đức Jésus, tín đồ Hồi giáo sẽ tốt đẹp hơn nếu biết tin sợ đức Ala, tín đồ Phật giáo sẽ thuần thành hơn nếu biết tin vào Phật pháp. Ở xã hội Á Đông, hơn mấy ngàn năm qua, nhiều người dù không theo một tôn giáo nào thì vẫn tin vào ông Trời và sợ luật nhân quả. Ngay cả kẻ nắm toàn quyền sinh sát trong tay như các ông vua Trung Quốc thời phong kiến vẫn phải có đấng Tối cao để sợ. Nhiều người không hiểu thâm ý của hai chữ “Thiên tử ” nên vội vàng cho đó là lối thậm xưng đầy huênh hoang của kẻ nắm quyền cai trị. Vua là kẻ nắm toàn quyền sinh sát trong tay, không có gì khiến “ông trời con” kia sợ hãi nữa. Mà khi không có gì để sợ hãi thì “ông trời con” kia sẽ biến thành thiên thần hoặc biến thành ác quỷ, mà chắc chắn đến 99,9% là biến thành ác quỷ, nên người xưa phải đặt ra khái niệm “thiên tử” để khống chế vua. Mỗi khi có thiên tai bão lụt đẩy nhân dân vào cảnh khốn khó, các vị quan thường vin vào cớ đó, xem như là lời răn đe cảnh cáo của “ôngbố vua ” là ông Trời để can ngăn vua bớt hoang dâm, mà lo tu nhân tích đức. Vua vẫn phải có cái để sợ là ông Trời thì mới có thể tự kiềm chế được mình mà thành ông vua tốt. Khi con người luôn thấy mình là những kẻ anh hùng vĩ đại, muốn bắt lịch sử và vũ trụ phải cúi đầu, thì họ sẽ không sợ gì cả. Nhưng khi một xã hội không còn cái gì để sợ nữa, khi không còn một thế lực siêu nhiên nào có thể ước thúc hành vi con người được nữa thì xã hội đó sẽ có nguy cơ đối mặt với sự hỗn loạn và suy đồi. Một xã hội chỉ có thể sống an vui tự tại mà không cần đến sự kính tín siêu nhiên, khi nào xã hội đó gồm toàn những triết nhân thấu đạt được lẽ sinh tử huyền vi hay những bậc chân nhân giác ngộ.
Có một thời, thế giới phương Tây tôn vinh thuyết tiến hóa Darwin, xem như là một thắng lợi vẻ vang của nhân loại. Sinh học chi phối tư tưởng triết học phương Tây trong thế kỷ 19, giống như vai trò của toán học trong thế kỷ 17. Con người tưởng mình sẽ là những chủ nhân ông thực sự của vũ trụ để kiến tạo nên một thế giới hoàn hảo, khi giao trả Thượng đế lại cho những kẻ được xem là mê tín nhảm nhí. Nhưng những bậc trí giả phương Tây đã nhanh chóng nhận ra rằng học thuyết của Darwin, bên cạnh những ý nghĩa tích cực về khoa học, đã vô tình góp phần đẩy xã hội phương Tây đến bờ vực thảm họa về đạo đức, khi những giá trị tối thượng của cuộc sống được đánh giá theo những tiểu chuẩn lạnh lùng của sinh học. Thần thánh bỏ đi, nhường chỗ cho lý trí và quy luật sinh học, điều đó đã khiến cõi thế mất đi sự hòa điệu và biến thành một bãi chiến trường khốc liệt.
Văn hào Pháp Voltaire có một câu nói nổi tiếng “Nếu Thượng đế không tồn tại thì ta nên tạo ra Ngài” (Si Dieu n’existait pas, il faudrait l’inventer). Câu này đã được văn hào Dostoievski triển khai như là tư tưởng chủ đạo trong tiểu thuyết vĩ đại “Anh em nhà Karamazov”. Văn hào Nga này đã cảnh báo nếu con người sống với tư tưởng “nếu không có Thượng đế thì tất cả đều được phép làm” (Si Dieu n’existe pas, tout est permis) thì sẽ không có gì có thể ngăn cản được con người tự tàn sát lẫn nhau cho đến kẻ cuối cùng, và ông cho rằng “Ngày phán xét cuối cùng” phải được đưa ra như là điểm dừng cho sự xuống dốc của đạo đức. Nếu tôi sinh ra một cách ngẫu nhiên để chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi, rồi sau đó là Hư vô theo kiểu “Après nous le déluge!”, thì việc gì tôi lại không hưởng thụ, cho dầu sự hưởng thụ đó được trả giá bằng nước mắt, bằng sự khổ đau thậm chí bằng cả cái chết của những người đồng loại? Nhân vật Smerdiakov giết cha nuôi là Fiodor Karamazov để cướp của cũng chỉ vì cái tư tưởng “Tout est permis” khủng khiếp này. Trong thời gian qua, đã có không ít những Smerdiakov gây nên biết bao chuyện hãi hùng trong xã hội chúng ta.
Trừ những bậc chân sư giác ngộ hoặc những kẻ vĩ cuồng ấu trĩ, con người phần lớn vẫn là những sinh vật yếu đuối, về thể xác lẫn tinh thần. Khi bị quăng ném vào “cõi người ta”, con người thường thấy mình quá bé nhỏ nên đâm ra hoang mang giữa vũ trụ mịt mùng, do đó họ vẫn luôn cần đến điểm tựa là một đấng Siêu nhiên. Triết học hay tôn giáo ra đời cũng chỉ để giúp con người nguôi đi phần nào cái cảm thức hoang mang đó, trong việc tìm ra một chỗ “an thân lập mệnh”. Ngay cả những kẻ thời trai trẻ xông xáo trong đấu trường của L‎ý trí, chỉ tin duy nhất vào khoa học, thì đến lúc cuối đời vẫn cần đến một đức tin. L‎ý trí dù mãnh liệt đến mấy cũng khó lòng giúp con người thoát được cảm thức hoang mang trước Hư vô, khi cận kề cái chết, hoặc khi đối mặt với những vấn đề phi lý trong cuộc sống, mà ta không sao lý giải nổi. Đó là cơ duyên để chúng ta lắng nghe thế giới tâm linh lên tiếng. Chỉ khi nào mạch nguồn tâm linh sâu thẳm trong mỗi người được khai mở thì tâm thức người đó mới thực sự được nâng cao để nhận ra những giá trị chân chính của cuộc sống. Những giá trị đó không phải được tôn vinh bằng những danh từ sáo rỗng, mà phát khởi từ những gì sâu thẳm nhất trong ta, do đó nó mới có giá trị trường cửu. Khi nào chúng ta chỉ biết chạy theo những giá trị phù du của vật chất, xem đó là những giá trị tối thượng trong cuộc sống thì tâm trí chúng ta vẫn luôn hỗn loạn bởi khát vọng chiếm hữu và hưởng thụ. Và sự hỗn loạn trong tâm trí chúng ta phóng chiếu thành sự hỗn loạn trong xã hội. Do đó, sự hỗn loạn trong xã hội chỉ có thể chấm dứt khi sự hỗn loạn trong nội tâm mỗi người chấm dứt. Mà sự hỗn loạn trong nội tâm mỗi người chỉ có thể chấm dứt khi con người có được sự định hướng tinh thần chân chính. Để góp phần vãn hồi sự suy đồi đạo đức trong xã hội hiện nay, có lẽ chúng ta phải cần đến một cái gì đó vượt lên trên lý trí : tiếng nói của tôn giáo trong thế giới tâm linh.
Chừng nào con người còn tồn tại trên trái đất, chừng nào những cảm thức về sự phi lý diêu mang của cõi thế, những cảm thức hoang mang về vũ trụ mịt mùng còn nảy sinh, có nghĩa là những khắc khoải siêu hình còn tồn tại, thì ngày đó tiếng nói của tôn giáo vẫn còn vang lên trong thế giới tâm linh. Mọi tôn giáo chân chính luôn nâng cao đời sống tâm linh cho con người, giúp con người hướng thiện và đem lại bình yên cho cõi thế. Nó chỉ trở nên suy đồi khi bị lạm dụng để biến thành một thế lực phục vụ cho thần quyền hoặc thế quyền.
Để có thể cứu vãn nền đạo lý đang có nguy cơ đổ nát, phải chăng đã đến lúc xã hội chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của tâm linh? Thế nhưng giữa thời đại mà khoa học được xem như chiếc đũa vạn năng để giải quyết nhiều vấn nạn cho nhân loại, thì liệu có một tôn giáo nào có thể giúp chúng ta kiến tạo nên một nhân sinh quan hay một thế giới quan khoa học mà vẫn đáp ứng được những khát vọng tâm linh cùng những yêu sách về đạo lý? Theo nhà vật lý thiên tài Einstein thì câu trả lời sẽ là Phật giáo[3]. Câu trả lời này đã gây ra nhiều tranh luận về nguồn gốc và nội dung của nó. Người viết đã đề cập đến vấn đề tế nhị này một lần[4], nên ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điểm : tại Việt Nam, Phật giáo gần như đã gắn liền với lịch sử dân tộc, giống như Thiên chúa giáo với lịch sử các dân tộc Âu châu, như Hồi giáo với lịch sử các nước khối Á Rập hay vùng Trung Á, cho nên Phật pháp dễ dàng thẩm thấu vào lòng người dân Việt. Do đó, đối với một xã hội và nền văn hóa đã bao đời chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo và Phật giáo như nước ta thì nội dung câu nói của nhà bác học Einstein, bên cạnh ý nghĩa triết học, còn mang ý nghĩa thực tiễn.
Với vô lượng pháp môn, Phật pháp luôn đáp ứng được vô lượng căn cơ của chúng sinh tìm cầu giác ngộ. Thế giới Hoa Nghiêm đem lại cho con người một kiến trúc vũ trụ vĩ đại; tư tưởng Bát Nhã đưa con người vào một thế giới siêu việt nhị biên; pháp môn Tịnh độ giúp mọi người tìm được an lạc tâm linh bằng cách niệm hồng danh chư Phật; Thiền tông đem lại một nhãn quan bình đẳng giữa Sinh Tử với Niết Bàn; Tứ diệu đế và Bát chính đạo chỉ ra chân tướng của cuộc sống, đồng thời vạch ra con đường để con người theo đó mà đi đến giải thoát; thuyết Thập nhị nhân duyên trình bày toàn bộ vũ trụ theo một cấu trúc toàn bích, trong đó mọi sự vật đều liên quan chặt chẽ với nhau theo luật nhân quả. Phật pháp đem đến cho nhân loại một cái nhìn như thực về bản chất vô thường của cuộc sống để con người có thể từ bỏ tham dục và mở rộng lòng ra với mọi người. Mỗi cá nhân như một viên gạch, muốn gắn kết tất cả các viên gạch đó lại với nhau để kiến tạo nên một ngôi nhà chung mang tên Nhân Loại, thì con người phải cần đến chất xi măng, đó là tâm Đại Bi của Phật pháp hoặc lòng Bác Ái của chúa Jésus. Nhưng trước hết và trên hết, đạo Phật vạch ra chánh đạo để con người tìm về phần tối linh trong tự thân, đó là Phật tính. Trong vũ trụ không có gì là tối linh ngoài cái tối linh trong tâm ta. Giáo lý về Phật tính sẽ góp phần nâng cao tầm nhận thức để con người xác lập được một thế giới quan và một nhân sinh quan khoan dung, thấm nhuần hương vị giác ngộ và từ bi của đạo Phật. Chỉ những nền đạo lý xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm của tâm linh mới có thể tác động sâu xa đến xã hội được.
Kể từ khi ánh sáng giác ngộ từ Tuệ trí siêu việt của đức Phật bừng lên dưới gốc cây Bồ Đề cách đây hơn hai ngàn năm, cho đến nay nó vẫn tiếp tục tỏa sáng những chân trời tư tưởng và tâm linh của nhân loại. Tại những thời buổi điên đảo nhất hay tại những “chân trời u ám nhất” như hiện nay, thì ánh sáng đó lại càng cần thiết hơn nữa cho xã hội chúng ta, cho toàn nhân loại, để chúng ta có thể cảm nhận được – như lời thánh Gandhi- “niềm tin lại bừng lên sáng chói và cứu rỗi chúng ta”.
Hàng ngàn năm qua, tiếng chuông chùa trong bóng chiều hôm đã đồng vọng như một sức mạnh tâm linh bàng bạc trong lòng người dân Việt, thì bây giờ chúng ta còn cần nó vang vọng hơn nữa để cảnh tỉnh con người ra khỏi bến mê, để hướng thiện và cùng nhau xây dựng lại từ những muôn ngàn đổ vỡ. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có bậc long tượng nào trong Phật giáo hiện nay hội đủ tâm lực, trí lực và pháp lực trong việc hoằng dương Chánh pháp để giúp điều đó trở thành hiện thực? Câu trả lời vẫn còn đang nằm ở phía trước.
Cuối cùng, bài viết xin được kết thúc bằng lời nói của bác sĩ P.Dahlke:
Sự thô bạo hung ác được ướp hương hoa của nền văn minh chúng ta đặt nền tảng trên những nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống, từ đó đã kéo theo sự đánh giá sai lầm về những giá trị của cuộc sống. ….
Chính ở điểm này giáo lý đức Phật đã đến như một bậc đạo sư, một nhà giáo dục, một nhà cách mạng thay đổi các giá trị, tóm lại như là phúc âm cho tư tưởng và tạo ra một bước ngoặt mới cho “cuộc đấu tranh sinh tồn” mù quáng, mà tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào như những kẻ điên cuồng.[5]
Phật đản 2554
Nguồn: Phần chính của bài viết đã đăng trên Văn hóa Phật giáo 106/2010. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.




[1] Interview with Dr. John Mott, Young India, 1929 March 21
[2] “Sự suy đồi tinh thần trên quả đất này đã đi xa đến mức các dân tộc bị đe doạ đánh mất luôn cả sức mạnh tinh thần cuối cùng, sức mạnh giúp họ có thể nhận ra và đánh giá được sự suy đồi ấy (…). Sự khẳng định đơn giản này hoàn toàn không có liên quan gì với tính bi quan cũng như tính lạc quan theo khái niệm văn hóa, bởi vì sự tăm tối âm u của cõi thế, chư thần đã bỏ đi, quả đất bị tàn phá, con người kết bè nhóm, mọi thứ sáng tạo phiêu bồng đều bị ngờ vực hận thù, tất cả những điều ấy, trên toàn trái đất này, đã đạt mức tương xứng đến nỗi các phạm trù ấu trĩ như bi quan hoặc lạc quan đều trở nên lố bịch từ lâu.” Martin HeideggerEinführung in die Metaphysik, Vittorio Klostermann, GA40, 1983, tr.41)
[3] “Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng đế được xây dựng theo hình ảnh con người, và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thể Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là đạo Phật” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism.)
[4] Xin xem “Diệu quán sát trí: từ một góc nhìn”, Nguyệt san Văn hóa Phật giáo, số 65/2008
[5] P. DahlkeĐạo Phật và khoa học, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr.362-363
·