Nhớ những năm 80, khu phố tui có khoảng ba bốn mươi hộ toàn công nhân viên nhà nước nghèo kiết xác. Cả xóm chỉ một hai nhà có được ti vi, mà cũng chỉ là ti vi nghĩa địa 14 inch trắng đen thôi. Lúc đó Liên Xô chưa tan rã, cứ mỗi lần diễn ra World cup, Euro hoặc các cúp C1, C2, C3 ai cũng cầu mong đội tuyển Liên Xô hoặc các CLB Dynamo Kiev, Spartac Maxcova … có mặt để dân Việt Nam ta được tiếp sóng coi ké, bởi nếu đại ca Liên Xô mà vắng bóng thì cũng đồng nghĩa là không có sóng siếc gì để coi cả. Ngày đó cứ trước mỗi lần tiếp sóng (hoặc chôm sóng) qua vệ tinh của đồng chí Liên Xô vĩ đại các nhà đài cứ luôn mồm trấn an “chúng tôi vẫn đang tiếp tục dò sóng nhưng chưa có tín hiệu, xin các bạn xem đài kiên nhẫn chờ đợi …” mỗi lần thế là mỗi lần thấp thỏm, thấy mà tội, mà thương và cám cảnh cho cái phận nghèo.
Hồi ấy World cup hoặc Euro thực sự là một ngày hội, chỉ một cái ti vi 14 inch trắng đen mà đến mười mấy, hai mươi anh tín đồ túc cầu giáo tập trung bình luận trước trận đấu, rồi chia phe cá độ (độ chỉ là vài điếu thuốc lá, mấy ly cà phê đen tự pha thôi chứ ngày ấy tiền đâu mà hoang) rồi hồi hộp nín thở theo dõi, rồi hò reo đến tức cả ngực, rồi thất vọng, bực mình, giận dữ, rồi xuýt xoa tiếc rẻ vỗ đùi mình đen đét, đấm lưng thằng ngồi bên cạnh bình bịch... Dĩ nhiên là trận nào có Liên Xô thì cả lũ phải cầu cho Liên Xô vào sâu sâu để còn được xem nhiều nhiều, thế nhưng Brazil, Achentina, Ý … vẫn là những đội bóng đầy mê hoặc, không thể không ủng hộ, nhưng khổ nỗi nhiều khi chính những tên tuổi này lại vùi dập đội tuyển Liên Xô nhà mình và như vậy cũng có nghĩa là vùi dập luôn cả ước mơ của những người hâm mộ Việt Nam khiến cuộc vui phải đứt gánh giữa đàng.
Nhớ kỳ World cup tổ chức ở Mexico 1986 - hình như đây là kỳ world cup đầu tiên Việt Nam mình được xem truyền hình trực tiếp qua vệ tinh của các đồng chí Liên Xô vĩ đại - bọn tui tập trung nhà thằng A, đối diện nhà tui, lúc đó đâu chừng 11, 12 giờ khuya gì đó, truyền hình đang chiếu trận tứ kết giữa Pháp và Brazil thì phải. Hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều pha bóng thót cả tim, nhưng điện bỗng dưng tắt phụt, cả khu mất điện, tối om om. Lúc ấy cả mấy chục nhà chỉ xài chung có mỗi cái công-tơ điện và dây điện cứ lòng thòng kéo từ nhà này sang nhà khác. Thế nên hễ có sự cố là ảnh hưởng cả khu. Cả bọn bực tức ùa ra sân, ánh đèn pin loang loáng soi từng khu nhà, còn hơn cả bắt trộm, để truy tìm nguyên nhân, miệng thằng nào cũng làu bàu chửi rủa thằng khốn nạn nào xài điện vô ý thức làm chập mạch cháy đường dây cả xóm. Thế là trận đấu ở bên kia bán cầu vẫn diễn ra tưng bừng nhưng lại thiếu sự chứng kiến của của bọn tui chỉ vì sự cố chập điện, vài ba thằng lọc tọc về nhà lấy xe đạp để chạy đi tìm chỗ xem tiếp. Tui vì con còn nhỏ nên đành ngậm ngùi trở về nhà. Vừa mở cửa, tui bỗng giật mình khi phát hiện nồng nặc mùi khói khen khét. Chết mẹ! Thôi rồi! Nguyên nhân là từ nhà tui chớ đâu xa. Số là, lúc chặp tối nhà nào cũng xài điện nên điện áp yếu, ai cũng phải xài bình tăng điện áp-survolteur đèn mới sáng nổi (lúc đó chưa có cái ổn áp tự động như bi giờ). Nhưng đến khuya mọi người tắt đèn đi ngủ, điện áp tăng trở lại, nhưng vì mải coi đá bóng tui có nhớ gì nữa đâu mà về chỉnh lại bình tăng. Thế là cháy survoltuer, chập mạch, mất điện cả xóm. Tôi vội vàng chạy ra gặp các chiến hữu còn đang xôn xao bàn tán ngoài đường để phân bua, nhận khuyết điểm và hứa sáng mai sẽ sửa lại đường dây. Cả bọn đành ngậm ngùi thông cảm cho cái lỗi rất ngoài ý muốn, hơn nữa cũng vì thấy tui thành khẩn khai báo và trước đó tui cũng là thằng chửi rủa nhiệt tình nhất. Sáng hôm sau, may là chủ nhật nên cả xóm lại cùng nhau sửa lại đường dây, chuẩn bị cho bữa tiệc bóng đá buổi tối. Bấy giờ anh nào cũng nghèo, cũng khổ như nhau nên dễ dàng thông cảm và chia sẻ khó khăn. Nghĩ lại thấy mà thương!
Bây giờ khu phố tui, đường mở rộng hơn, nhà nào cũng xây lại, cao ngất, to đùng, rào cao cổng kín, các nhà vẫn kề sát vách nhau mà tự dưng trở nên cách trở, ít có dịp qua lại kể cả ngày tư ngày tết. Dĩ nhiên cái ti vi bi giờ là chuyện nhỏ, nhà nào mà chả có, mà toàn loại LCD to tổ bố, màu mè tưng bừng, nhưng đến mùa quơ cup mỗi anh lại cô đơn ngồi nhà, một mình, một máy, chẳng còn cái cảnh cả xóm quây quần lại để hò hét, để vui buồn với quả bóng lăn ở tận đẩu tận đâu. Lâu lâu thấy buồn mấy thằng lại rủ nhau tập trung ở cái quán nào đó vừa xem, vừa nhậu, vừa la hét cho đỡ ghiền, đỡ nhớ ngày xưa. Thế nhưng vẫn thấy không khí đó nó nhàn nhạt làm sao ấy, chẳng còn được như xưa. Phải chăng lúc đó mình còn trẻ, còn bi giờ mình đã già? Hay là lúc này lòng mình đã khác?