Nhìn bảng điện tử hiện thị kết quả biểu quyết việc thực hiện siêu dự án Đường sắt cao tốc 56 tỷ đô-la trong phiên họp quốc hội ngày 19/6/2010 vừa qua chắc có nhiều người cũng thắc mắc như tui. Vấn đề không phải là kết quả không tán thành của đa số đại biểu quốc hội đối với dự án “siêu khủng” này mà ở khía cạnh khác. Đó là:
1. Thứ nhất là, tại sao vấn đề lớn lao đến thế mà chỉ có 82,96% đại biểu có mặt để biểu quyết, thế còn 17,04% đại biểu kia ở đâu? Đi đâu? Làm gì? Tại sao không có mặt? Chẳng lẽ nhiệm vụ lớn lao và cao cả nhất của một đại biểu quốc hội không phải ở nghị trường này và trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng” thế này hay sao? Nên nhớ 17,04% là khoảng 90 đại biểu, gần một cơ số đại đội chớ đâu ít!
2. Thứ hai là, tại sao có đến 82 đại biểu có mặt (chiếm tỷ lệ 16,63%) mà không biểu quyết? Chả lẽ một vấn đề đã được nhiều đại biểu cả phe tán thành lẫn phe không tán thành cùng phân tích, rồi báo chí mổ xẻ, các nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia bàn luận sôi nổi cả tháng trời mà vẫn chưa làm các vị đại biểu này hiểu rành rẽ thấu đáo hay sao? Hay đây là cách né tránh trách nhiệm, vì xét cho cùng thì tán thành hay không tán thành đều chịu trách nhiệm với lịch sử. Các vị này sợ mình quyết định sai lầm và con cháu sau này sẽ phán xét hay các vị ngủ quên trong thời điểm biểu quyết? Tui thì nghĩ thẳng ruột ngựa rằng thà trốn họp đi shopping, đi thăm bà con, đi ăn chơi xả láng sáng về sớm … thì thôi, chứ đã có mặt thì phải bấm Yes hay No. Thế mới xứng mặt đại biểu quốc hội chớ! Về mặt này thì tui hoan nghênh cả đại biểu tán thành lẫn không tán thành vì họ đã biểu lộ chính kiến rõ ràng trước một vấn đề quan trọng của đất nước. Và đó cũng là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước của người đại biểu quốc hội.
Thử hỏi nếu đa số đại biểu đều vắng mặt trong những lần biểu quyết (giống như nghị viện Nga) hoặc đa số đại biểu có mặt tại nghị trường đều “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” và không biểu quyết thì con thuyền đất nước mình sẽ trôi về đâu nhỉ?