Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Sân si

Tui tắp vô một quán nước mía lề đường hỏi thăm nhà người bạn, một cha tóc muối tiêu, mặt nhăn nhúm, già chát trả lời: “Chú cứ đi thẳng, tới ngã tư quẹo phải là tới”. Mình nghĩ bụng: “Thằng cha này tự tin ghê nơi, dám gọi mình bằng chú, bộ nó không biết mình lớn tuổi hơn nó chắc?”. Tui cảm ơn rồi định đi nhưng nghĩ sao lại gọi ly nước mía ngồi uống.
Uống xong ly nước mía, tui gọi tính tiền. Cũng thằng cha tóc muối tiêu, mặt nhăn nhúm, già chát lúc nãy ra lấy tiền rồi lại mang  tiền dư lại trả và nói: Chú cho con gửi tiền thối!”. Chèng đéc ơi, thằng này bộ tưởng nó còn trẻ lắm sao mà dám xưng con với mình. Bộ tau già cỡ đó rồi hả mày? Thiệt bực mình.
Đến nhà người bạn, kể chuyện bực mình này, bạn tui cười rung râu: “Sao sân si dữ vậy cha”. Tui sửng cồ: “Tau ... tau mà sân si hả?”.

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Nỗi buồn tháng Tư

Hàng năm cứ gần đến ngày 30/4 tôi lại cảm thấy buồn, ai cũng bảo đó là một cảm giác lạ đời và ngược chiều, vì khi cả nước đều hân hoan chào mừng ngày giải phóng miền Nam, ngày hội toàn thắng của cả dân tộc mà mình lại buồn, có vấn đề gì về tư tuởng chăng?

Chẳng có gì về lập trường tư tưởng cả, mình vẫn là người Việt chính tông, vẫn yêu và gắn bó với dải đất hình chữ S này  dù còn bộn bề khốn khó, nếu không thì đã vượt biên từ lâu và giờ không biết chừng đã trở thành Việt kiều yêu nước rồi, thế nhưng vẫn cảm thấy có điều gì bất ổn. Trong những ngày tháng tư này có "triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn" (ý Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trong số triệu triệu đó có khoảng phân nửa là người miền Nam, phân nửa kia là người miền Bắc, hay nói một cách khu biệt hơn là phân nửa là người cách mạng, nửa kia là người … không phải cách mạng. Nói 50-50 như thế, bởi có chiến công nào mà không đi đôi với hy sinh mất mát, có khúc khải hoàn nào mà trước đó không phải dạo đầu bằng những khúc bi ca chiến trường. Cuộc chiến nồi da xáo thịt hơn 30 năm đã làm biết bao nhiêu gia đình tan tác, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em, bạn bè, đồng đội mất nhau và có người đã để mất cả chính mình… Chúng ta cũng không thể đem nỗi đau của người này để so sánh với nỗi đau của người khác và cũng chẳng ai có thể nói rằng nỗi đau của người này cao đẹp hơn nỗi đau của người kia... Tất cả đau thương từ chiến tranh đều chân thực và thiêng liêng, nó đứng ngoài mọi sự giả trá và toan tính.

Ở quê mình, những ngày này người ta liên tục mời nhau đám giỗ. Xứ này hồi ấy nhiều người chết lắm. Chết vì vào rừng tham gia cách mạng, chết vì đi lính cộng hòa, chết vì những quả pháo lạc loài rơi vào nhà giữa đêm khuya, chết vì bom mìn nổ trên đường phố, đồng ruộng giữa ban ngày, chết vì những ngày tháng tư trong dòng người hỗn loạn dẫm đạp nhau tìm lối sống, chết vì đói khát, chìm tàu trên đường lênh đênh vượt biển… Dù giỗ người bên này hay giỗ người bên kia, mọi người đều mời nhau ly rượu, người quê nghĩ nhiều đến cái tình, không sân si cách bức này nọ, vả lại những người có quyền kể lể nhất cũng đã nằm xuống và im lặng mãi mãi thì còn gì đáng để nói nữa đâu?

Ấy vậy mà khi nghĩ đến cậu em con ông chú từ LA về thăm người anh trai nằm ở nghĩa trang quân đội Thủ Đức nay là nghĩa trang Bình An mà thấy tội. Đi thăm anh mình nằm đó đã bao nhiêu năm mà phải nhìn trước nhìn sau và phải đút tiền cho mấy ông đội nón cối cha căng chú kiếc nói giọng trọ trẹ miền ngoài vào, nghênh ngang đón đường làm lũ đầu trâu mặt ngựa. Nghĩ mà buồn…

Từ đó đến nay cũng đã 35 năm nhưng sao cứ đến ngày tháng tư người ta lại cảm thấy chút gì đó nặng nề ảm đạm, khi thấy trên báo đài hào phóng sử dụng những “mỹ từ”: đế quốc, ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ-Thiệu, cút, nhào, bọn, chúng … thì làm sao không khỏi chạnh lòng! Thế nên trộm nghĩ, người Việt mình luôn tự hào là một dân tộc hiền hòa, vị tha kể cả đối với kẻ thù tàn bạo nhất thì nên chăng tìm một cách kỷ niệm như thế nào để người vui cứ vui nhưng đừng làm đau lòng thêm người khác, như lời một bài hát Bolero khi xưa: "… Nếu anh có về khi tan chinh chiến, xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em...".

Cứ ví dụ nôm na rằng hai anh em ruột thịt vì cớ nào đó mà xích mích đánh nhau đến vỡ đầu chảy máu, rồi làm hòa, chung sống yên lành. Ấy thế mà hàng năm mỗi người lại đem những vết thương của nhau ra mà xăm soi, rỉa rói thế này thế nọ thì vết thương kia làm sao mà lành được. Điều ấy có cái gì như nhẫn tâm và hình như nó không hợp với tấm lòng bao dung vị tha của ông cha mình từ ngàn xưa.

Thêm nữa, người ta thường bảo người già hay nghĩ về quá khứ, bởi họ chẳng còn gì trước mặt. Vậy chả lẽ đất nước mình già cỗi lắm hay sao mà cứ mải nghĩ về những hồi quang trong quá khứ. Giá mà mọi thời gian, công sức, tiền bạc ấy dành cho việc vun đắp tình cảm hòa hợp trong lòng tám mươi triệu người dân và chăm lo dựng xây dải đất này trở nên đẹp giàu thì hay biết chừng nào?

Bao nhiêu năm chìm ngập trong chiến tranh, người dân ở cả hai miền đều phải chịu đựng biết bao đau thương, mất mát. Đêm đêm, đâu đó vẫn còn nghe những tiếng thở dài não nuột của những người mẹ, người chị… thì xin đừng làm gì để tổn thương và mất mát cho nhau thêm nữa. 


Chữ trinh còn một chút này … (ND)

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Lee Myung-bak

Thấy cảnh ông tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khóc sụt sùi khi nói về vụ chìm tàu hải quân làm chết nhiều binh sĩ Hàn vào cuối tháng ba vừa qua, có người nói đó là ông ta khóc kiểu chính khách thôi, giống như diễn viên đang đóng tuồng vai người tử tế đó mừ, có gì lạ!
Mình nghĩ, ừ thì đóng tuồng cũng được, có hề chi, còn hơn nhiều kẻ cái mặt không thể đóng nổi vai tử tế, dù chỉ một lần, mà suốt đời cứ nhơn nhơn cái mặt ác ra thì sao?

Văn hóa ăn bớt

Thật sốc khi đọc bài viết của một bạn sinh viên như thế. Sốc bởi các bạn còn trẻ mà đã nhận ra rất trúng cái nét xấu đã trở thành tính cách của người Việt ta.
Thầy cô giáo lên lớp thì bớt xén giờ của học sinh. Công chức thì bớt xén 8 giờ vàng ngọc trong các cơ quan nhà nước. Người buôn bán thì cân-đong-đo-đếm bớt số lượng, khối lượng hàng hóa của người mua. Người sản xuất thì ăn bớt nguyên vật liệu, làm giảm chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận cho mình. Nhà thầu thì rút ruột công trình để cầu sập, đường lún. Quan chức thì ăn bớt công quỹ, công thổ ... Thôi thì đủ kiểu, tất cả đã trở thành thói quen, thành tập tính, đáng gọi là văn hóa lắm chứ.

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Rượu Vodka - Bánh Giầy dỏm

Vietnamnet đưa tin cái công ty AVINAA gì đó vừa chế tác một chai rượu kỷ lục cao hơn 5 mét, đựng hơn 4000 lít rượu vodka để cung tiến vua Hùng nhân dịp giỗ Tổ năm nay. Nhớ lại cặp bánh chưng, bánh giầy cung tiến năm ngoái tự dưng người ta thấy ớn. (Thiệt là căn bệnh kỷ lục và hám thành tích đã hết thuốc chữa: VN ta luôn to hóa những cái cần nhỏ và nhỏ hóa những cái cần to).
Nghe vụ chai rượu kỷ lục, blogger Nguyễn Văn Tuấn la làng: “Trong tình trạng rượu chè đang là vấn nạn xã hội mà con cháu của ngài lại cho ngài uống đến 4000 lít rượu! Làm gương kiểu này thật là làm gương xấu. Nhưng tôi nghĩ chắc chỉ là một chiêu tiếp thị và quảng cáo của công ti làm rượu thôi. Cứ nhìn cái logo rất to tướng thì đủ biết rằng chủ ý chắc chẳng phải là cúng bái vua Hùng đâu, mà chỉ muốn mượn thần thánh để bán vodka thôi”.

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2010

Hiệu trưởng từ chức


Nghe tin thầy Ngô Đức Bình, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lai, quận 8 từ chức mọi người đều hiểu và thông cảm với sự mệt mỏi, thất vọng và cả nỗi đau của người thầy đã từng 25 năm gắn bó với ngôi trường đầy khó khăn và những hiểm nguy luôn luôn rình rập. Trong bấy nhiêu năm thầy đã từng bị đánh trọng thương phải nằm bệnh viện, đã từng nhiều lần bị quăng nước tiểu, túi rác bẩn vào người, để mỗi lần ra khỏi cổng trường là phải bịt khẩu trang kín mặt và phải có những thầy giáo trẻ đi kèm về tận nhà. Thử hỏi một người không có lòng yêu nghề, thiếu dũng khí liệu có thể trụ lại ngần ấy năm ở ngôi trường Lê Lai, trên một địa bàn đầy nhiễu nhương phức tạp đến thế? Người ta sẽ tự hỏi chả lẽ những lần thầy hiệu trưởng bị đánh đến nỗi phải đi nằm viện, rồi bị kẻ khác quấy nhiễu xúc phạm một cách thô bạo mà UBND Phường 15, rồi Phòng Giáo dục quận 8, UBND quận 8 không hay biết gì? Hay các vị biết mà vẫn mũ ni che tai? Như vậy việc đổ lỗi cho Thầy Bình không báo cáo kịp thời, không giáo dục HS đến nơi đến chốn … là cách ứng xử thiếu trách nhiệm và đáng trách nhất của những người ở Phòng Giáo dục và UBND quận 8.
“Vai trò của người Thầy là phải giáo dục nhân cách, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đáng tiếc thầy cũng cảm thấy sợ hãi! Chúng tôi cần những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được học sinh trước những lời đe dọa”. Nghe lời phát biểu của bà Ngọc Bích, Phó chủ tịch quận 8 người ta cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Thử hỏi trong một xã hội mà ngay cả những chiến sĩ kiểm lâm, công an, những người được nhà nước trang bị vũ khí và đủ loại công cụ hỗ trợ mà còn bị kẻ xấu ngang nhiên hành hung, xâm hại tính mạng, thì hỏi một người thầy giáo yếu đuối, tay không làm sao có thể bảo vệ mình và học sinh mình khỏi những cơn hung bạo của kẻ xấu. Bà Bích bảo thầy Bình sợ hãi, và bà cần những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được học sinh trước những lời đe dọa. Vâng điều bà nói không sai, song thử hỏi trách nhiệm của bà là bảo vệ mọi công dân và tạo điều kiện an toàn thuận lợi cho họ lao động phục vụ xã hội, nhưng trách nhiệm đó bà không làm tròn và thế là bà quay lại đổ lỗi cho họ sợ hãi. Có phải là “Miệng nhà quan có gang có thép” và “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo” hay không?

Thôi hãy để bà Bích sang một bên vì bà là quan mà quan thì xưa nay hiếm khi đứng cùng phía với dân, nhất là khi dân khó khăn hoạn nạn. Hãy trở lại với những người ở Phòng giáo dục quận 8. Không biết họ suy nghĩ gì trước tình cảnh bẽ bàng của thầy Bình. Cùng trong ngành, những người hiểu thầy Bình nhiều nhất sẽ nói sao trước nhận định của bà Phó chủ tịch quận 8. Thầy Bình là người vô trách nhiệm? Hay thiếu năng lực chuyên môn? Hay yếu nghiệp vụ quản lý? Ai sẽ trả lời được những câu hỏi này khi biết rằng trước khi thầy Bình về trường THCS Lê Lai thì ngôi trường này yếu kém về mọi mặt, có năm phải thay đến 3 hiệu trưởng. Nhưng từ khi thầy Bình về thì chất lượng HS của trường thuộc loại Khá hơn so với nhiều trường khác và Trường Lê Lai trở thành trường tiên tiến cấp Quận rồi trường tiên tiến cấp thành phố (?) Với bấy nhiêu thành tích chẳng lẽ không đủ để yêu cầu người ta có nhận định đúng về đồng nghiệp mình hay sao? Tôi cũng hiểu rằng sẽ khó có ai dám đứng ra bênh vực thầy Bình, bởi ai cũng phải lo cho sự an nguy của chính mình. Nhiều khi (chứ không phải đôi khi) chính miếng cơm manh áo và chút quyền lợi làm cho người ta hèn đi và buộc phải quay lưng bỏ mặc bạn bè, đồng nghiệp cô đơn giữa hoạn nạn. Thật đáng buồn!
Trở lại chuyện có thầy giáo bảo: “Không hiểu sao Thầy Bình làm hiệu trưởng ở trường này đến 25 năm?”. Đây cũng là điều khác thường vì theo Điều lệ trường trung học thì mỗi Hiệu trưởng chỉ làm tối đa 2 nhiệm kỳ ở một trường, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, vị chi tối đa 10 năm. Thế mà thầy Bình được “ưu ái” đến 5 nhiệm kỳ, tổng cộng 25 năm (này đừng tưởng bở, 25 năm là bằng 1/3 đời người sống thọ đấy). Phải chăng vì thầy Bình là người duy nhất có thể “trấn giữ” được nơi này hay trường này “xương xẩu” quá chẳng ai dám về, hay Phòng Giáo dục và UBND quận 8 cũng đã quên mất thầy Bình và quên cả những nguyên tắc về luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ? Thiết nghĩ theo quy định cứ 5 năm phải làm hồ sơ bổ nhiệm lại hiệu trưởng một lần thì Phòng Giáo dục không thể nào quên được ngoại trừ có gì khuất lấp và việc UBND Quận 8 ký quyết định bổ nhiệm thầy Bình đến 5 lần tại một trường cũng lại là một cái sai nối tiếp cái sai!
Đấy, nếu nói đến đầu đến đũa thì sai là sai bao người nhưng hậu quả thì chỉ một người gánh chịu! Đúng là một người vì mọi người …
Thôi, với Thầy  Ngô Đức Bình thì xin bày tỏ lòng kính trọng và chia sẻ với Thầy mọi nỗi thất vọng, mệt mỏi, chán chường và cả cái bạc bẽo nghiệp dĩ.
Còn với trường THCS Lê Lai thì mong sớm tìm được người Hiệu trưởng như ý bà Ngọc Bích, đó là phải mạnh dạn, không biết sợ hãi, dám bảo vệ học sinh trước những đe dọa… Chưa biết ai sẽ kế vị thầy Bình nhưng chắc người này sẽ phải rất đô con, có võ, cỡ tứ đẳng huyền đai Taekwondo trở lên, có thói quen mặc áo giáp trong người, được trang bị roi điện hoặc súng bắn đạn cao su và không biết chừng lúc nào cũng có dăm ba vệ sĩ kè kè chung quanh …

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

BT Nguyễn Thiện Nhân: thăng tiến hay "bỏ trống mà chạy lấy dùi"?

Hồ Như Hiển
Đôi lời phi lộ của Blog Phamvietdaonv: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thuyên chuyển công tác. Ông thôi không kiêm nhiệm chức Bộ trưởng và nghe đồn ông sẽ chuyển sang đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Có một thời mỗi lần mở Cổng điện tử Chính phủ, người đọc thường xuyên thấy hình ảnh ông xuất hiện ở vị trí trang trọng góc trái. Dân chuyên quan sát chính trường vỉa hè đồn rằng: Ông sắp kế nhiệm chức Thủ tướng cũng nên…
Ông Nguyễn Thiện Nhân đã ra đi, để lại sau ông hàng loạt những tuyên ngôn, tuyên bố, những chính sách đối với ngành giáo dục-đào tạo do ông khởi xướng rất chi là vang động y như trống hội khai trường. Chưa ai tổng kết được những chính sách, chủ trương liệu pháp có vẻ sốc mà ông đề ra đó cho đến lúc ra đi hiệu quả được bao nhiêu phần trăm? Do vậy, việc thuyên chuyển của ông dân vỉa hè có người thì đoán ông thăng tiến; có kẻ lại đoán ông rút sớm để tạo khoảng trống cho đám con cha, cháu ông có chỗ mà ngoi lên; cũng có người bảo ông Nguyễn Thiện Nhân “bỏ trống mà chạy lấy dùi”…
Ông tá hỏa chuyển đi vì thấy ngành mà ông phụ trách ngày càng oánh nhau to: học trò oánh học trò, đến học trò gái cũng chơi nhau như xã hội đen; rồi thì học trò oánh thầy, thầy oánh học trò, thầy mua dâm học trò… linh tinh hết cả lên.
Chúc ông thượng lộ bình an và chân cứng đá mềm khi bước sang cương vị mới. Ở cương vị mới ông nên phát ít thôi, nhưng phát cái gì thì làm cho chắc cái đó rồi hẵng phát tiếp! Khi phát nhiều mà động không kịp thiên hạ lại cho là ông quen “đánh trống bỏ dùi”???
Phạm Viết Đào

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Nhớ cô bạn răng khểnh!

Sáng qua, nhận tin nhắn của LHS bên VT báo bạn mất. Đột ngột quá. Nghe bảo tối trước đó lúc 22g00 bạn còn nói chuyện với chị Ch. Vậy mà 22g45 bạn đã đi rồi. Đi vì tràn dịch màng phổi. Bàng hoàng quá, chẳng làm được gì cả buổi!

Nhận thêm tin nhắn của VTM, mình gọi lại để hỏi thêm, cũng không biết gì hơn ngoài nội dung LHS báo với mình.

Nhớ lại tối đó mình đi ngủ rất sớm nhưng đến gần nửa đêm chợt thức giấc rồi không ngủ lại được nữa. Trằn trọc mãi, bực mình, định dậy pha cafe thức luôn đến sáng. Nhưng chắc do mệt nên khoảng gần 2 giờ sáng mình thiếp đi. 4g30 lại thức dậy đi thể dục. Phải chăng bạn muốn báo cho anh em bạn bè?

Có lẽ từ khi ra trường đến giờ mình không gặp lại bạn. Những người khác thì còn thỉnh thoảng. Còn bạn thì mình chỉ nghe tin hoặc hỏi thăm qua bạn bè khác. Hình như sau này bạn không đi dạy nữa? Nghĩ cũng tệ, chỉ cách nhau vài chục cây số mà mấy chục năm không gặp được nhau. Hình như cái bọn khoá mình nó tệ thế đấy! Không biết mình có tệ thế không?

Bây giờ ngồi viết những dòng này, mình cố nhớ lại chỗ ngồi của bạn ngày xưa trong lớp, nhưng chịu, gần ba mươi năm rồi còn gì! Thế nhưng mình vẫn nhớ mãi hình dáng người bạn gái nhỏ nhắn dịu dàng có biệt danh “L. răng khểnh” với đôi môi luôn đỏ thắm, hay cười. Nhớ cả những dòng lưu bút bạn viết cho mình. Nhớ nhất cái kỷ niệm về một buổi trưa, khi học năm hai, bạn và mấy người bạn gái cùng lớp bảo mình ở lại trường để hỏi thăm về một “chuyện vừa buồn cười, vừa vớ vẩn”, (mà nghiệm lại đời mình sao hay gặp phải những “chuyện vừa buồn cười và vớ vẩn” đến thế!, Riêng chuyện này về sau mới biết do mấy thằng bạn quỉ sứ bày ra để phá mình!). Hôm ấy chỉ mấy bạn gái kia hỏi mình về nhiều chuyện, cứ như lấy khẩu cung vậy (!) riêng bạn là im lặng và cuối cùng thì bạn nói rất nhỏ nhẹ: “Mình tin N”. Ngắn gọn và giản dị nhưng đủ để mình cảm thấy vui và nhẹ lòng...

Viết đến đây thì nhận điện VTM hẹn sang viếng bạn. Sáng mai, 05/4, gia đình và bạn bè đã phải đưa bạn đi rồi. Thế gian này lại trống thêm chỗ của bạn. Thôi, cầu nguyện cho bạn thanh thản hạnh phúc nơi xa xăm nào đó, người bạn gái dịu dàng có chiếc răng khểnh của tôi!

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Quốc sỉ ?





Đây là ảnh chụp trang web của UBND tỉnh Lạng Sơn với công văn yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”. (Ảnh trên RFA)

Thực hư như thế nào không biết vì khi lên Web của xứ Lạng thì không còn, có lẽ đã bị gỡ bỏ, mà cái kiểu âm thầm gỡ bỏ chắc phải có gì khuất tất? Nếu quả thực thì hết biết !


Nhưng biết đâu đây lại là "âm mu diễn biến huề bình" của địch thì sao? 

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Chuyện cá tháng tư mất dạy và vô luân trên VietNamnet

Bắt gặp chồng cùng con gái vào nhà nghỉ!
Cập nhật lúc 10:25, Thứ Năm, 01/04/2010 (GMT+7)
Phi vào nhà nghỉ tìm chồng
Chị Huệ, một nhân viên văn phòng, kể câu chuyện cười như mếu của mình trong một ngày cá tháng tư trước. Trưa hôm đó đi làm về, chị về nhận được tin nhắn của chồng và con gái lớn đang học tại một trường cấp 3 là cả hai bố con đều không về ăn cơm trưa. 
Đang lúi húi cho quần áo vào máy giặt thì chị nhận được điện thoại của cô bạn thân bảo rằng vừa thấy chồng chị đèo một cô gái rất trẻ đi vào nhà nghỉ ở đường Phạm Văn Đồng. Người bạn khẳng định nhìn đúng là biển số của con xe Lead nhà chị. 
Chị run lẩy bẩy đánh rơi cả điện thoại, bỏ cả nồi cơm đang sôi dở, con cá đang nhảy trong thau nước, chị tức tốc lao đến nhà nghỉ theo thông tin cô bạn thân "mật thám" cung cấp.
Gạt cả nhân viên nhà nghỉ đang cản, chị Huệ lao thẳng vào phòng và tá hoả khi thấy chồng và con gái đang rũ rượi cười như “địa chủ được mùa ngô”.
"Nạn nhân" của 2 bố con khóc ngon lành trong ngày Cá tháng tư, dù biết là đùa nhưng tối ấy chị đã cho cả 2 bố con nhịn cơm tối cho hả giận.
Bình: Chuyện này có thật không? Nếu thật thì đây là một trò đùa vô cùng mất dạy và vô luân. Chuyện đùa ngày Cá tháng tư thì thiếu gì mà Vietnamnet phải đưa lên loại chuyện này? Hay quan điểm của VNN là những chuyện vô luân cũng có thể vui đùa? Và người ta cũng không thể hiểu nổi hai bố con nhà kia nghĩ gì khi nghĩ ra trò đốn mạt đến thế, chẳng lẽ họ không biết câu "Đùa gặp mùa thành thật"? Hay cả hai cũng có mầm mống vô luân? Tởm!