Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Văn hóa ăn bớt

Thật sốc khi đọc bài viết của một bạn sinh viên như thế. Sốc bởi các bạn còn trẻ mà đã nhận ra rất trúng cái nét xấu đã trở thành tính cách của người Việt ta.
Thầy cô giáo lên lớp thì bớt xén giờ của học sinh. Công chức thì bớt xén 8 giờ vàng ngọc trong các cơ quan nhà nước. Người buôn bán thì cân-đong-đo-đếm bớt số lượng, khối lượng hàng hóa của người mua. Người sản xuất thì ăn bớt nguyên vật liệu, làm giảm chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận cho mình. Nhà thầu thì rút ruột công trình để cầu sập, đường lún. Quan chức thì ăn bớt công quỹ, công thổ ... Thôi thì đủ kiểu, tất cả đã trở thành thói quen, thành tập tính, đáng gọi là văn hóa lắm chứ.
Còn các nhà khoa học thì thế nào? Này nhé nếu bạn được mời dự một hội nghị nào đó, chắc chắn bạn sẽ nhận một thông báo triệu tập của Ban tổ chức về địa điểm và thời gian hội nghị. Nhưng đừng vội tin ngay, nếu họ thông báo hội nghị hai ngày thì chắc mẫm là chỉ một ngày, cùng lắm ngày rưỡi là xong. Nếu họ báo ba ngày thì cứ yên tâm chỉ hai ngày là xong tất tần tật. Nếu họ báo năm ngày thì chỉ ba hoặc ba ngày rưỡi là bế mạc vui vẻ … Bất kỳ hội nghị nào, ban tổ chức cũng quen bớt xén như thế (nhưng khi họ quyết toán kinh phí với nhà nước thì vẫn đủ số ngày theo thông báo). Nếu không nắm được qui luật đó đôi khi bạn sẽ lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Cuối năm rồi mình đi dự một hội nghị của Bộ tổ chức cho một số tỉnh thành phía Nam. Giấy báo và thời gian biểu làm việc là hai ngày (bốn buổi), nhưng Ban tổ chức “linh hoạt” chỉ làm một ngày rưỡi (ba buổi). Khi các đại biểu tỉnh xa muốn ở lại đủ hai ngày vì đã đặt sẵn vé tàu xe và cũng để thăm thú này nọ một chút thì hỡi ơi, bên lễ tân trả lời Ban tổ chức đã cắt tiêu chuẩn khách sạn ngay trưa đó mất rồi, và như vậy nếu muốn ở lại khách sạn chiều và tối đó thì đại biểu phải tự móc hầu bao. Ô hô thế là lỡ cỗ! (Nhưng đừng tưởng nửa ngày khách sạn nọ lại trở về ngân sách nhà nước đâu nhé!).
Trong một hội nghị khác, tôi thật sốc khi nghe một PGS.TS nói rằng khi ông tham gia hướng dẫn các học viên tại chức bảo vệ luận văn Thạc sĩ, ông và các GS khác được biết hễ học viên bảo vệ luận văn loại xuất sắc thì được địa phương thưởng 10 triệu, loại giỏi là 8 triệu, loại khá là 5 triệu…Ông bảo: “Nghe thế chúng tôi bảo nhau phải thay đổi tư duy ngay, không khéo mất tiền của học trò mình, giữa mỗi loại chênh nhau đến dăm ba triệu cơ đấy. Thế là chúng tôi cứ chấm xuất sắc hết cho các em nó nhờ!”. Có lẽ đây cũng là một kiểu ăn bớt mới mẻ, tinh vi hơn - ăn bớt hàm lượng tri thức, chất lượng trong luận văn tốt nghiệp, và ai sẽ là người lãnh đủ?
Có thể nói thói quen ăn bớt như thế xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và trong bất kỳ lĩnh vực nào. Có người giải thích đó là sự linh hoạt của người Việt mình. Đại loại như nếu hội nghị hai ngày mà rút lại ngày rưỡi cũng xong thì tội gì phải hành hạ nhau đủ cả hai ngày. Có người thì bảo ăn bớt là cách phản ứng tự vệ vì đồng tiền trả không tương xứng với thời gian, công sức ... thì tội tình chi rứa Huế ơi!. Thôi thà “linh hoạt” một tí mà mọi người được nhờ và cũng chết thằng Tây nào đâu mà nhặng lên!
Người Việt mình rất giỏi bao biện, tiếc rằng đó chỉ là cách bao biện của kẻ khôn vặt, khôn lỏi, khó mà làm được việc lớn!