Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Nỗi buồn tháng Tư

Hàng năm cứ gần đến ngày 30/4 tôi lại cảm thấy buồn, ai cũng bảo đó là một cảm giác lạ đời và ngược chiều, vì khi cả nước đều hân hoan chào mừng ngày giải phóng miền Nam, ngày hội toàn thắng của cả dân tộc mà mình lại buồn, có vấn đề gì về tư tuởng chăng?

Chẳng có gì về lập trường tư tưởng cả, mình vẫn là người Việt chính tông, vẫn yêu và gắn bó với dải đất hình chữ S này  dù còn bộn bề khốn khó, nếu không thì đã vượt biên từ lâu và giờ không biết chừng đã trở thành Việt kiều yêu nước rồi, thế nhưng vẫn cảm thấy có điều gì bất ổn. Trong những ngày tháng tư này có "triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn" (ý Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trong số triệu triệu đó có khoảng phân nửa là người miền Nam, phân nửa kia là người miền Bắc, hay nói một cách khu biệt hơn là phân nửa là người cách mạng, nửa kia là người … không phải cách mạng. Nói 50-50 như thế, bởi có chiến công nào mà không đi đôi với hy sinh mất mát, có khúc khải hoàn nào mà trước đó không phải dạo đầu bằng những khúc bi ca chiến trường. Cuộc chiến nồi da xáo thịt hơn 30 năm đã làm biết bao nhiêu gia đình tan tác, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em, bạn bè, đồng đội mất nhau và có người đã để mất cả chính mình… Chúng ta cũng không thể đem nỗi đau của người này để so sánh với nỗi đau của người khác và cũng chẳng ai có thể nói rằng nỗi đau của người này cao đẹp hơn nỗi đau của người kia... Tất cả đau thương từ chiến tranh đều chân thực và thiêng liêng, nó đứng ngoài mọi sự giả trá và toan tính.

Ở quê mình, những ngày này người ta liên tục mời nhau đám giỗ. Xứ này hồi ấy nhiều người chết lắm. Chết vì vào rừng tham gia cách mạng, chết vì đi lính cộng hòa, chết vì những quả pháo lạc loài rơi vào nhà giữa đêm khuya, chết vì bom mìn nổ trên đường phố, đồng ruộng giữa ban ngày, chết vì những ngày tháng tư trong dòng người hỗn loạn dẫm đạp nhau tìm lối sống, chết vì đói khát, chìm tàu trên đường lênh đênh vượt biển… Dù giỗ người bên này hay giỗ người bên kia, mọi người đều mời nhau ly rượu, người quê nghĩ nhiều đến cái tình, không sân si cách bức này nọ, vả lại những người có quyền kể lể nhất cũng đã nằm xuống và im lặng mãi mãi thì còn gì đáng để nói nữa đâu?

Ấy vậy mà khi nghĩ đến cậu em con ông chú từ LA về thăm người anh trai nằm ở nghĩa trang quân đội Thủ Đức nay là nghĩa trang Bình An mà thấy tội. Đi thăm anh mình nằm đó đã bao nhiêu năm mà phải nhìn trước nhìn sau và phải đút tiền cho mấy ông đội nón cối cha căng chú kiếc nói giọng trọ trẹ miền ngoài vào, nghênh ngang đón đường làm lũ đầu trâu mặt ngựa. Nghĩ mà buồn…

Từ đó đến nay cũng đã 35 năm nhưng sao cứ đến ngày tháng tư người ta lại cảm thấy chút gì đó nặng nề ảm đạm, khi thấy trên báo đài hào phóng sử dụng những “mỹ từ”: đế quốc, ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ-Thiệu, cút, nhào, bọn, chúng … thì làm sao không khỏi chạnh lòng! Thế nên trộm nghĩ, người Việt mình luôn tự hào là một dân tộc hiền hòa, vị tha kể cả đối với kẻ thù tàn bạo nhất thì nên chăng tìm một cách kỷ niệm như thế nào để người vui cứ vui nhưng đừng làm đau lòng thêm người khác, như lời một bài hát Bolero khi xưa: "… Nếu anh có về khi tan chinh chiến, xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em...".

Cứ ví dụ nôm na rằng hai anh em ruột thịt vì cớ nào đó mà xích mích đánh nhau đến vỡ đầu chảy máu, rồi làm hòa, chung sống yên lành. Ấy thế mà hàng năm mỗi người lại đem những vết thương của nhau ra mà xăm soi, rỉa rói thế này thế nọ thì vết thương kia làm sao mà lành được. Điều ấy có cái gì như nhẫn tâm và hình như nó không hợp với tấm lòng bao dung vị tha của ông cha mình từ ngàn xưa.

Thêm nữa, người ta thường bảo người già hay nghĩ về quá khứ, bởi họ chẳng còn gì trước mặt. Vậy chả lẽ đất nước mình già cỗi lắm hay sao mà cứ mải nghĩ về những hồi quang trong quá khứ. Giá mà mọi thời gian, công sức, tiền bạc ấy dành cho việc vun đắp tình cảm hòa hợp trong lòng tám mươi triệu người dân và chăm lo dựng xây dải đất này trở nên đẹp giàu thì hay biết chừng nào?

Bao nhiêu năm chìm ngập trong chiến tranh, người dân ở cả hai miền đều phải chịu đựng biết bao đau thương, mất mát. Đêm đêm, đâu đó vẫn còn nghe những tiếng thở dài não nuột của những người mẹ, người chị… thì xin đừng làm gì để tổn thương và mất mát cho nhau thêm nữa. 


Chữ trinh còn một chút này … (ND)