Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Lại chuyện tuyển dụng công chức

Thế là cháu gái hàng xóm nhà tôi trượt chân công chức trong đợt tuyển dụng này. Cháu khóc, khóc rất nhiều, khóc không phải vì mình bất tài, kém cỏi mà khóc vì uất ức trước sự bất công đến trơ trẽn, bỉ ổi.

Sau đợt thi tuyển, cháu hí hửng cầm trong tay phiếu báo với kết quả điểm số cao nhất trong số những người xin tuyển dụng vào cùng một vị trí. Căn cứ quy chế xét tuyển đã được công bố trước đó, cháu chắc mẩm sẽ có được một việc làm sau 5 năm ra trường thất nghiệp và phải bương chải làm đủ thứ để phụ giúp cha mẹ già nuôi hai đứa em còn đang đi học. Niềm phấn khích khiến mặt mũi cháu lúc nào cũng tươi roi rói, cháu còn tìm đến nơi mình sắp sửa tập sự làm việc, dù chỉ dám đứng ngoài nhìn vào, rồi tính toán đường đi mỗi ngày sao cho tiết kiệm xăng xe, rồi chuẩn bị quần áo, giày dép cho ngày ra mắt đồng nghiệp… Thấy cháu vui, mình cũng vui lây và mừng cho gia đình cháu. Nào ngờ…

Cháu vừa khóc vừa bảo khi niêm yết kết quả tuyển dụng thì người ta không công bố điểm, nhưng so với bảng kết quả trước đó thì thấy những người thấp điểm lại trúng tuyển còn hầu hết những người cao điểm lại hỏng. Cha mẹ cháu sang nhà tôi hỏi sao lại có chuyện lạ đời như thế, tôi chẳng biết trả lời thế nào. Có lẽ do lam lũ làm ăn nên họ đâu biết mấy hôm nay báo chí đang lùm xùm chuyện một ông chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra thành uỷ Hà Nội nào đó vừa xì ra chuyện có người mất cả trăm triệu cho một suất công chức ở thủ đô mà còn chưa nên cơm cháo gì. Rồi mới năm ngoái đây cũng chuyện tuyển dụng, một ông phó phòng nội vụ của thị xã này đã bị bắt tại chỗ vì đang nhận tiền lót tay…

Hẳn nhiên ai cũng hiểu đó là lợi quyền của những kẻ tuyển dụng, họ đã nhận phong bì, đã hàm ơn ai đó và bây giờ là lúc phải trả và cả những suy nghĩ hẹp hòi cục bộ địa phương nữa. Bày ra việc tuyển dụng này nọ chỉ để che mắt thiên hạ và qua mặt những quy định của Chính phủ.

Nhưng các quan tuyển dụng đâu hiểu hết những tai hại của việc họ làm. Vì một lẽ x, y, z nào đó họ phải gạt bỏ một kết quả công bằng với những con người có năng lực thực sự thì cũng có nghĩa là họ đang đưa thêm vào guồng máy công chức vốn đã rệu rã hiện nay những kẻ hèn kém, những kẻ thuộc nhóm 30% chẳng biết làm gì chỉ ngồi chơi ăn lương bằng tiền thuế của dân.

Hơn nữa, đó đâu chỉ là cướp đi công việc của một người, mà còn là chà đạp danh dự, nhân phẩm và niềm tin của một lớp người trẻ đang chập chững bước vào đời với biết bao hoài bão và khát vọng.

Thật đáng buồn!

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Văn hoá cổ động


Có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam ta, hoặc cùng lắm là Bắc Triều tiên nữa, là có cảnh cổ động viên mang theo hình lãnh tụ vào sân bóng. Có thể có người cho đó là một nét đẹp văn hoá, thể hiện tinh thần dân tộc, lòng kính yêu lãnh tụ. Và họ lấy hình ảnh lãnh tụ làm biểu tượng để kêu gọi, động viên các cầu thủ hoặc để kêu gọi lòng tự hào dân tộc, thống nhất hành động của các cổ động viên…

Gì thì gì nhưng tui cứ cảm thấy "lấn cấn" thế nào ấy, bởi ngoài ta ra chẳng có cổ động viên nước nào mang theo hình lãnh tụ đi cổ động thể thao cả. Như vậy chẳng lẽ những người dân nước khác không biết yêu kính lãnh tụ của họ, hoặc họ không có lòng tự hào dân tộc?

Bác Hồ đã yên nghỉ xin hãy để bác nghỉ yên, đứng lôi kéo bác vào những chuyện vui chơi giải trí, nơi mà nhiều người còn xem như chiếu bạc để ăn thua, thậm chí có khi còn là nơi của những hành vi bạo lực côn đồ giữa những đám cổ động viên kém văn hoá.

Còn nhớ SeaGames 25 ở Lào, các cổ động viên ta cũng có "truyền thống" mang theo hình lãnh tụ để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá, nhưng rồi lại “lôn xộn, mất trật tự và hung hãn” khiến các bạn Lào phải từ chối thẳng thừng không bán vé cho cổ động viên Việt Nam. Thế là càng ê chề nhục nhã và thế là “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” !

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Thua là do lão Dylan Kerr

HLV thể lực Dylan Kerr, đích danh thủ phạm?
Sau trận thua đội hình 2 của Thái Lan 3-1 tối qua, một lần nữa, ông trưởng đoàn Ngô Lê Bằng lại lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì đã chơi quá tệ ở cả ba trận đấu. Ngay cả sì-pích-cơ thuộc tập đoàn “nổ” VTV tối qua cũng cảm khái mà thốt lên đại để rằng: con đường của đội tuyển VN quá ngắn ngủi, cả ba tháng tập luyện mà đã vội về nước chỉ sau ba trận đấu (ý sì-pích-cơ này là đội tuyển VN vắn số, chết yểu đấy!). Cũng trong cuộc “bình loạn” sau trận đấu, các “chiên da” trên VTV cũng kết luận rằng việc tập thể lực quá sức cần thiết là nguyên nhân chính dẫn đến sự xoay trở nặng nề, thiếu linh hoạt khiến các cầu thủ không kịp lấy lại phong độ và dẫn đến những trận thua ngớ ngẩn…


Tui thì chả biết ra răng nhưng chợt hiểu rằng: Một khi thất bại thì điều quan trọng nhất không phải là “đứng lên làm lại” mà chủ yếu là phải tìm ra ngay một nguyên nhân nào đấy và đá ngay nguyên nhân đó cho kẻ nào đó, không phải là ta, cũng không thuộc phe ta. Ở đây thì việc tập thể lực quá lố rõ ràng là nguyên nhân chính, thuộc về ông HLV ngoại, lão Dylan Kerr. Đúng rồi, tất cả do lão Dylan Kerr... muôn sự do lão Dylan Kerr... Lão ta không thể cãi vào đâu được. Mà có cãi cũng đếch ai thèm nghe. Một khi đá được trái bóng trách nhiệm đó đi thì coi như xong, lương tâm ta lại thanh thản nhẹ nhõm, và tối tối ta lại cùng nhau say sưa bên những tiệc tùng chè chén… 

Và như vậy, kính thưa các bác hâm mộ, có phiền hà gì cứ lôi lão HLV người Anh đó ra mà chửi! Chúng tớ vô can, chúng tớ chỉ biết nhận tiền lương, tiền thưởng và các khoản bồi dưỡng thôi. He he…

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Nền bóng đá chờ thời

Đã lâu chẳng buồn xem đội tuyển Việt Nam đá nữa, bởi cầu thủ ta đá thì chẳng ăn ai mà “chảnh” và ăn chơi thì siêu hạng, còn anh VTV nhà mình mỗi lần đội tuyển Việt Nam đá thì lại được dịp nổ văng mạng, nghe lùng bùng cả lỗ tai.


 Tối qua, mở TV , tình cờ gặp trận Việt Nam – Philippine, bèn xem. Xem vì một lẽ cả ta và anh này đang cùng “lợi ích nhóm” về biển Đông và đang cùng “hằm” anh Tàu, chỉ khác là anh ba Phi “hằm” thì ra mặt chửi, còn ta nuốt hận vào lòng cho tròn đạo “tình hữu nghị thắm thiết lâu đời” và “16 chữ vàng”.

TTK Ngô Lê Bằng và HLV Phan Thanh Hùng
Kết cục, gần cuối trận Việt Nam ta lại ôm hận vào lòng như năm nào: phơi áo trước anh ba Phi một trái. Bình luận sau trận đấu, các anh VTV bảo rằng vẫn còn hy vọng và chờ đợi vào trận Thái Lan gặp Myanma. Nhưng tối đó, vô phúc, anh Thái lại đè bẹp bác dầu cù là Mạc su bốn trái không gỡ. Bình luận cuối trận đấu các anh VTV lại bảo vẫn chưa hết hy vọng vì có thể Thái Lan gặp ta trận cuối, họ sẽ thả, thả để dưỡng quân vào vòng trong vì họ đâu cần đá nữa!

Ôi chao, sao mà nền bóng đá ưu việt lại thảm hại đến thế! Đá bóng mà không dựa vào sức mình chỉ biết chờ thời, chờ kẻ nọ thua người kia, chờ kẻ kia thả cho mình... Hòa với Myanmar, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng xin lỗi người hâm mộ, thua trước Philippine, HLV Phan Thanh Hùng xin nhận trách nhiệm và lại rút ra được nhiều bài học. Bóng đá chờ thời nên chỉ thấy toàn lời xin lỗi và rút ra hết bài học này đến bài học khác...  Ấy thế mà để nuôi dưỡng nền bóng đá chờ thời đó, mỗi năm ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ phải mất biết bao nhiêu tiền của. Tiền để đầu tư sân bãi, tiền để nuôi các siêu sao “ăn chơi”, đua đòi xế hộp, tiền để thuê các huấn luyện viên cả tây lẫn ta và tiền để nuôi cả bầu đoàn thê tử của đội tuyển và quan chức VFF…

Hát rằng: Hỡi ơi, lương thì ngất trời còn phong độ thì nhất thời nên cả đời ta cứ xìu xìu ển ển... Hát hết nổi vì buồn lại kèm theo buồn nôn nữa!

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Tội nghiệp dân Mỹ!


Nhìn cảnh cử tri Mỹ và cả giới truyền thông thức thâu đêm hồi hộp chờ đợi từng phút, từng phút kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây giữa hai ông Obama và Mitt Romney mà thấy thương! Họ mù tịt về kết quả, mãi đến giờ chót mới được biết rồi oà lên nghẹn ngào, sung sướng! Sao đời họ khổ thế, bầu cử tổng thống mà đến giờ chót mới biết được kết quả ai thắng ai thì khổ quá! Dân Mỹ đúng là những kẻ không được làm chủ đất nước mình! Sống như vậy thì sống làm gì cho khổ! Thương thay!







Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Ngậm tăm


Người Việt ta có thói quen dùng tăm để xỉa răng sau khi ăn, có lẽ vì thói quen từ xa xưa, hơn nữa tăm tre lại sẵn, rẻ và tiện so với dùng chỉ nha khoa, nước xúc miệng hay chải  răng, nhai kẹo…Cách nào cũng được miễn là đạt được mục đích. Tuy nhiên nhiều người Việt ta lại có một thói quen lạ lùng là ngậm tăm trong miệng. Ngậm trong toillet thì kệ anh, trong nhà cũng mặc, nhưng ngậm tăm đi lại ngênh ngang ngoài đường hoặc nơi công sở thì nhìn hết sức kì quái. Thử theo dõi từ một quán ăn ra mà xem, dù toàn những quý ông, quý bà với đầy đủ váy vủng, suit, cà vạt… nhưng người nào trên miệng cũng ngậm một cây tăm và cứ thế mà chạy xe trên đường, về nhà hoặc tới nơi làm việc. Hình như họ ngậm tăm để cho mọi người biết rằng mình vừa được ăn thì phải? Thậm chí có người vừa ngậm tăm vừa nói chuyện với người khác. Nhìn cái tăm chạy qua chạy lại trên đôi môi bóng nhẫy thấy vừa bất lịch sự lại vừa mất vệ sinh quá thể!

Nhớ câu chuyện bố kể khi mình còn nhỏ. Có anh nọ nhà nghèo sặc máu, ngày hai bữa chưa đủ dính răng chứ nói gì đến ăn sáng. Thế nhưng sáng nào anh ta cũng đứng trước ngõ, miệng ngậm sẵn cây tăm tre, hễ thấy ai đi qua anh ta đều lên tiếng: “Gớm, bác đã ăn sáng chưa mà đi làm sớm thế?” rồi cầm cây tăm đánh qua đánh lại "tanh tách, tanh tách" trên hàm răng cải mả, cứ như một điệu nhạc vui sau khi được no nê. Khi thấy hết người qua ngõ, anh ta lại chạy vội vào nhà tu vài ngụm nước vối để xoa diu cái bụng lép kẹp đang sôi lên sùng sục. 

Có lẽ do đói nghèo mà miếng ăn đã trở thành một thứ được phô ra để thể hiện giá trị con người, thế nên mới có chuyện về cái anh chàng nghèo nhưng sĩ diện hảo kia, còn thời nay chả lẽ các nam thanh nữ tú của ta cũng vẫn sĩ diện về miếng ăn đến thế hay sao?

Nói chuyện này với một ông anh, anh ta bảo: "Mày cứ nhìn xem, cứ mười thằng  ngậm tăm thì có đến chín thằng rưỡi là bắc kỳ". Tôi bảo: "Tôi cũng là bắc kỳ mà tôi có ngậm tăm đâu?".  Ông anh lại bảo: "Tại vì mày vào Nam lâu quá rồi, con ạ".

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Dân biểu hay Chính phủ biểu?

Tuổi trẻ cuối tuần kỳ này (ra ngày 21/11/2012) đăng lại mấy tiểu phẩm báo chí của nhà văn Vũ Trọng Phụng thật hay, xét đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Như tiểu phẩm “Bỏ dân biểu chính phủ cử là phải” đăng trên Hà Nội báo từ năm 1936, thời mà nền dân chủ ở  ta còn chập chững. Nguyên văn tiểu phẩm như sau:
“Mới đây trong buổi họp thường niên của Viện dân biểu có nhiều ông xin bỏ hạng dân biểu do chính phủ cử ra đi. Bỏ đi là phải, đã là người thay dân mà sao lại do chính phủ cử ra được? Nếu thế thì phải gọi là chính phủ biểu mới được chứ? Bỏ đi!” (trích Đếm sỉa… Người và vật, Hà Nội báo, s. 44, 4-11-1936).
Đọc lại tiểu phẩm báo chí cách nay 76 năm, có thể thấy ngay từ thời bấy giờ, ông cha ta cũng đã ý thức được vai trò của các ông nghị, những người thay mặt dân, giữ quyền lập pháp trong nền tam quyền phân lập của một xã hội dân chủ. Ngày nay, xét cho cùng thì hầu hết những ông nghị của ta đều do chính phủ cử ra mà thôi. Vậy thì so với 76 năm trước, nền dân chủ của ta cũng chưa có gì tiến triển à?

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Chuyện học tập suốt đời

Sáng nay mình được gọi đi dự lễ “Phát động tuần lễ học tập suốt đời”. Buổi lễ thật rình rang với văn nghệ văn gừng, hết của các cháu học sinh lại đến các cụ ông cụ bà, rồi diễn văn khai mạc, rồi các ban ngành phát biểu, rồi thông điệp... nghe cứ xủng xà xủng xoảng những chữ nghĩa. Một thứ lễ có cũng được mà không có cũng chẳng chết thằng Tây nào. Ai cũng mong ngóng được về, thế nên tiếng vỗ tay lớn nhất chính là tiếng vỗ tay của bà con khi nghe ban tổ chức tuyên bố bế mạc.

Nghe bảo mô hình xã hội học tập suốt đời ở nhiều nước phát triển đã thực hiện từ lâu và rất có hiệu quả như Nhật, Úc, Hoa kỳ, Anh và các nước Bắc Âu... Tuy chưa có quốc gia nào tuyên bố về tiêu chí đạt trình độ xã hội học tập, nhưng họ đều đã có những chính sách thiết thực nhằm giúp người dân có được cơ hội học tập suốt đời. Nhờ đó mà nâng cao hiểu biết, nâng cao năng lực xã hội, giúp con người nắm bắt tốt hơn vận mệnh của mình, mở rộng tầm nhìn, giảm thiểu những ách tắc xã hội, cuộc sống người dân ngày càng phong phú hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn.

Ngồi dự lễ, nghe tiếng được tiếng mất, rồi ngẫm nghĩ ở các quốc gia đó họ trọng cái thực học. Học để hiểu biết, học để làm việc, học để hoàn thiện kỹ năng sống, vì thế mà họ có nhu cầu học tập suốt đời và đã học là học thực chứ không học giả. Còn ở nước ta, một nước vốn chuộng bằng cấp, xem bằng cấp là cây thước duy nhất đo giá trị của bản thân, của gia đình và cả dòng họ, dẫu rằng học cũng chỉ là học giả và bằng cũng là bằng giả! Thử hỏi một xã hội như thế thì đẻ đâu ra được cái xã hội học tập suốt đời? Anh công chức một khi đã lọt vào được một cái “ghế” nào đó thì cố "chạy chọt" cho được một mảnh bằng tương ứng. Khi đã kiếm được mảnh bằng thì y nghiễm nhiên tồn tại lâu dài và chẳng cần phải học quái gì thêm cho đến ngày về hưu (Vả lại, đi học là dễ có thằng cướp “ghế” lắm!). Cái cơ chế bổ nhiệm quan chức của mình cũng lạ lắm. Nếu anh thuộc “phe ta” thì anh sẽ được ấn vào một cái “ghế” nào đó, thiếu cái gì thì bổ sung từ từ, thiếu “đỏ” thì chạy, thiếu bằng thì mua, cái nào cũng có người bán, chỉ cần cái bằng... lòng của anh Hai, chị Ba nào đó là phải thứ thiệt! Thế nên ở ta không cần học suốt đời, học chỉ tổ mệt chứ bổ béo gì mà ham, mà chỉ cần học vừa đủ cho từng giai đoạn, cho từng nhiệm kỳ, làm tới đâu, học tới đó. Còn một khi đã hết nhiệm kỳ hay về hưu thì coi như xong "bổn phận" với dân với nước, anh nào cũng vội vàng tìm cách hưởng thụ những đồng tiền đã tích cóp được trước đó. Thế nên học làm mẹ gì cho mệt! Ông bà ta chẳng từng bảo học cho lắm tắm cũng ở truồng là gì!

Sáng nay, trong buổi lễ phát động phát điếc có một bác được các em-xi giới thiệu là đại diện cho người học lên phát biểu, nghe bảo bác này nay đã vào loại U70, nhưng khi về hưu bác mới bắt đầu đi học đại học và còn chuẩn bị học cao học nữa, hơn nữa còn nghe nói bác đang nghiên cứu sâu về tin học, thế mới kinh! Tưởng là ai, té ra đó là bác CL, gõ máy chữ nhà mình. Ai chứ bác này mình rành sáu câu. Chất lượng “nổ” của bác thuộc hàng đại bác, con cái bác hơn chục đứa, hình như là mười hai thì phải, “quậy” thì khỏi chê, học hành thì “hết biết”, toàn thi lại và ở lại lớp, rồi buồn tình bỏ học ngang xương, thế mà bác nói nhờ học mà mình làm gương cho con cháu... He he, tài thật! Nhớ khi xưa bác kể chuyện một vụ mất cắp máy đánh chữ ở một cơ quan nọ, công an huyện vào cuộc điều tra tới điều tra lui rồi lấy dấu chân, dấu tay, thế mà vẫn thua. Phải đến khi công an tỉnh xuống lấy dấu... mông thì mới tìm ra thủ phạm. Ơ hay chả lẽ bọn trộm khi "thi hành án" chúng nó cởi truồng ngồi vào ghế à? Anh em nghe bác kể mà ngớ người, tưởng bác đùa, té ra bác nói thiệt 100%, bác bảo kỹ thuật lấy dấu mông trong khoa học hình sự là mới nhất và chỉ có cấp tỉnh trở lên mới đủ phương tiện máy móc thực hiện. Mình bán tín bán nghi đem hỏi mấy thằng bạn công an, bọn này tưởng mình nói xỏ bèn xầm mặt lại, mình phải phân bua mãi và kể lại chuyện bác CL nhà mình. Bọn công an cười ngất, vừa cười vừa chửi “Mẹ kiếp, láo thật, láo thật”. Nghe bác phát biểu xong mình biết ngay là bác phịa nhưng mấy cu cậu ở địa phương thì mặt cứ đực ra và vênh váo rằng xã mình có một tấm gương tiêu biểu về học tập suốt đời đáng để cho nam phụ lão ấu phải noi theo. Nghĩ mà thương cho mấy anh nhẹ dạ bị trúng quả lừa của bác CL nhà mình.

Kể chuyện để thấy cái “học tập suốt đời” của mình là như vậy đấy, cũng vẫn chỉ là giả thôi!

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tàn nhẫn và khốn nạn!

Triều Tiên tặng thưởng bé gái xả thân cứu ảnh lãnh tụ
Ngày 28/6/2012 Tuổi trẻ online (TTO) và nhiều tờ báo khác (như Tiền phong online) đưa tin: ”CHDCND Triều Tiên vừa vinh danh một bé gái 14 tuổi đã chết đuối trong dòng nước lũ khi cố gắng cứu những bức chân dung của các lãnh tụ đất nước Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.
Nhật báo của Đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun ngày 26-6 cho biết bé gái Han Hyon Gyong đã được tặng Giải thưởng thiếu niên danh dự Kim Jong Il sau khi thiệt mạng vì cố gắng vớt các bức ảnh của hai vị lãnh tụ trong dòng nước xiết.
Cha mẹ của em, thầy giáo và bốn người khác ở ngôi trường em đang học, bao gồm các lãnh đạo đoàn thanh niên ở lớp và trường, cũng sẽ được thưởng, theo bản tin trên mạng của báo Rodong Sinmun. Ngoài ra, ngôi trường Han đang học sẽ được đặt lại theo tên em để tưởng niệm sự anh hùng của em, tờ báo viết.
Han thiệt mạng ngày 11-6 khi cố cứu các bức chân dung của ông Kim Nhật Thành và Kim Jong Il trong ngôi nhà bị lũ lụt của em ở huyện Sinhung, thuộc tỉnh miền đông Nam Hamkyong.
Tờ báo Rodong ca ngợi hệ thống ở Triều Tiên đã "nuôi dưỡng nên những trẻ em như thế". Được biết gia đình Kim đã nối nhau lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lập quốc vào năm 1948 và các bức chân dung của hai nhà lãnh đạo quá cố Kim Nhật Thành và Kim Jong Il được coi là thiêng liêng ở nước này.
Trước kia từng có các câu chuyện về việc người lớn xả thân cứu ảnh lãnh tụ, nhưng đây là lần đầu tiên có tin về một bé gái hành động tương tự. Năm 2007, Hãng tin nhà nước KCNA cho biết một nông dân đã mất vợ và con trai trong trận lở đất, nhưng cứu được các bức ảnh chân dung lãnh tụ. Một công nhân nhà máy cũng cứu được các bức ảnh, nhưng mất đứa con gái 5 tuổi của ông”.
HẢI MINH

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tính thượng tôn pháp luật


Dạo này hiện tượng người dân chống lại người thi hành công vụ xảy ra như ăn cơm bữa. Nhẹ thì chửi mắng, hơn nữa thì tát tai, nặng hơn thì dùng hung khí rượt đuổi, chân tay đấm đá, hất văng lên ca-pô xe, thậm chí nhiều vụ còn xả súng bắn giết cả công an, cảnh sát. Người thi hành công vụ được luật pháp thừa nhận lại có công cụ trấn áp trong tay mà còn như thế, thử hỏi những người dân chân yếu tay mềm làm sao bảo vệ được mình. Chán nhất là những kẻ cứ mở mồm ra là bảo do các phần tử xấu xúi giục, kẻ địch kích động… Nói thế thì biết thế chứ xấu là ai, địch là ai thì cũng chẳng có ông bà nào nói ra môn ra khoai được.

Chỉ có điều cần phải nhìn nhận là những người thi hành công vụ nhiều khi hành xử chưa chuẩn mực, thiếu tôn trọng người dân, thậm chí có người còn ngang nhiên hạch sách nhũng nhiễu, hối lộ khiến dư luận bất bình. Sang Thái Lan, thấy đường phố rất ít cảnh sát, nhưng khi gặp cảnh sát thì thấy lực lượng này chủ yếu giúp dân qua đường, xách hàng từ siêu thị ra xe, hay gọi giúp taxi… Thế nên cảnh sát họ đúng là bạn dân, còn ở ta nhìn anh cảnh sát, anh công an người ta cứ có cảm giác sờ sợ, rồi đến những nơi có cảnh sát công an làm việc, thấy mặt các anh chị cứ lạnh như tiền, nói năng thì hách dịch, cộc lốc, nụ cười dường như chưa bao giờ trú ngụ trên gương mặt, thì thử hỏi dân nào dám mon men đến làm bạn? Xét cho cùng ở xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu. Nhưng xấu tốt là do một phần lớn ở định chế xã hội, phần lớn được tạo nên bởi tính nghiêm minh của pháp luật. Thử hỏi nếu người ta cứ hành xử kiểu “luật pháp bất vị thân” thì liệu có ai dám ngang nhiên phạm pháp rồi vỗ ngực xưng tên là con ông này cháu bà kia? Chắc chắn hiện tượng đó phải bắt nguồn từ tiền lệ.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi người rất kém. Từ người dân bình thường đến cả quan chức, dường như ai cũng sẵn sàng làm trái với pháp luật khi có thể, nhẹ thì vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, nặng thì tham ô, móc ngoặc, cắt xén công thổ làm đồn điền trang trại gia đình, nặng hơn thì như Vinalines, vinashin... Những vi phạm phổ biến đến độ mà ông Nguyễn Sinh Hùng bảo là nếu cứ sai là xử thì lấy đâu người mà làm việc, rồi Ông Trương Tấn Sang bảo bây giờ dân không sợ một vài con sâu mà là sợ một bầy sâu…

Lại nói về định chế xã hội, không phải ta không có, nhưng không nghiêm túc, không kiên quyết, người ta cũng đề ra những nền móng, nhưng thiếu sức mạnh ý chí của cả một xã hội, do đó cứ có cảm giác như người ta sợ “thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ” vậy, mà đã sợ thế thì làm sao có những thanh gỗ thẳng thớm để cho ra những sản phẩm đẹp đẽ chất lượng?

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Hãy bỏ kỳ thi Tú tài cho đỡ tốn kém


Sáng nay các báo đưa tin kết quả tốt nghiệp phổ thông ở nhiều tỉnh thành đạt tỷ lệ đáng ngưỡng mộ là 99,9%, song song đó là vụ Đồi Ngô ngày càng có vẻ lùm xùm hơn.

Nhân dịp này xin hỏi Bộ Học nhà ta có nên “cố đấm ăn xôi” để duy trì một kỳ thi tốn kém cả ngàn tỷ đồng của nhà nước và của phụ huynh mà Bộ lại hoàn toàn mất khả năng kiểm soát và kết cục là chỉ để tìm ra được vài phần trăm thí sinh không đạt yêu cầu tốt nghiệp.

Mục tiêu quá nhỏ nhưng biện pháp lại quá lớn nên trở thành hoang phí và lãng xẹt. Thiết nghĩ với mục tiêu này chỉ cần tổ chức hình thức xét tốt nghiệp là đủ, và như vậy có khi khả năng sàng lọc còn chuẩn xác và công bằng hơn. 

Kính mong Bộ Học xem xét cho dân nhờ mà Bộ cũng đỡ phần tai tiếng.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Vì sao?


Phát biểu của bác Dương Trung Quốc chiều ngày 07/6/2012 tại Quốc Hội đáng đề người ta suy ngẫm: Vì sao đất nước giải phóng 40 năm rồi mà con đường sắt huyết mạch Bắc - Nam vẫn như thời người Tây dương cai trị? Vì sao thành tựu hiện đại hoá, công nghiệp hoá của bao nhiêu năm xây dựng CNXH chỉ là những hình ảnh đổ vỡ của Vinashin, Vinalines…? Vì sao người nông dân thiệt thòi nhất, ít được hỗ trợ nhất lại là những người làm nên những thành tựu hơn hẳn những tập đoàn kinh tế nhà nước đồ sộ? Rồi vì sao cán bộ ta ai cũng được trang bị những kiến thức về an ninh quốc phòng mà lại ngây ngô đến nỗi để cho bọn người “nước lạ” nhảy vào đóng đô ngay trên những vùng trọng yếu của an ninh đất nước? Rồi vì sao mà bộ máy chuyên chính của ta thì nhẹ nhàng lịch sự với kẻ thù song lại vô cùng cứng rắn với nhân dân... vân vân và vân vân...

Tôi vẫn ngóng chờ Quốc Hội trả lời những câu hỏi nhức nhối của bác. Nhưng bác Dương ơi, tôi đồ rằng, có lẽ đây cũng là loại câu hỏi mà “cổ kim hận sự thiên nan vấn” mà Cụ Nguyễn Du ngày xưa đã từng phải ngậm ngùi? Nếu thế thì chúng ta chỉ có nước suy mà ngậm thôi, bác nhỉ!

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Bỏ quách cho xong


Chuyện này đâu chỉ mỗi Bắc Giang?
Lại một mùa thi không êm ả do sự cố xảy ra ở Bắc Giang. Nhưng cứ thử lướt qua những comments sau mỗi bài báo mạng thì ai cũng hiểu thực ra chuyện ấy đâu chỉ có mỗi Bắc Giang… Nhưng khổ nỗi là điều ấy thì ai cũng hiểu chỉ Bộ mình không hiểu (?). Thế nên Bộ mới "giật mình", mới ngỡ ngàng, mới nghiêm túc kiểm tra, rồi hứa kiên quyết xử lý và "rút kinh nghiệm"… Ha ha đúng là cái Bộ học nhà ta chỉ toàn lẽo đẽo chạy theo đuôi chứ chẳng được tích sự gì. Thiết nghĩ sự đã vậy thì Bộ cũng nên dũng cảm xin với Chính phủ cho bỏ quách kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này đi cho xong, vừa đỡ phiền toái với điều ong tiếng ve, vừa đỡ tốn kém bao nhiêu tiền của của nhân dân. Nếu làm được điều này thì Bộ học nhà ta ít nhất trong đời cũng có một lần dám ngẩng đầu cùng với "thiên hạ đại loạn" vậy.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Tắt một nụ cười

Chiều đi làm về thấy cả xóm xôn xao bàn tán có người hàng xóm mất tích. Người ta bảo ông K dậy đi thể dục từ 4 giờ sáng và cho đến giờ vẫn chưa về. Chuyện khiến người ta bàn tán đủ kiểu, có người bảo hay là ông theo bồ nhí, có người thì rành rẽ hơn bảo rằng mấy hôm nay ông ấy buồn vì bệnh hoạn gì đó sợ ổng nghĩ quẩn rồi lang thang đâu đó... Bà vợ thì khóc lóc đi báo công an, rồi lại sốt ruột quá nên đi xem thầy bói. Thầy phán về đi 7 giờ tối ổng về. Mà thật khoảng gần 7 giờ người ta vớt được xác ông ở bờ sông. Công an mổ tử thi xét nghiệm thì bảo ông bị đột quỵ và ngã nhào xuống nước.

Tội nghiệp ông bạn K hàng xóm, tuy không thân nhưng chung một phố nên cũng thường gặp, mỗi lần gặp bao giờ cũng chào nhau một tiếng. Gần chục năm trước,  vợ chồng anh từ Suối Nghệ lên đây thuê nhà, ngày ngày gói bánh giò cho chị vợ đem bán dạo nuôi con ăn học, mấy đứa con lớn có gia đình lần lượt ra riêng, dạo này chỉ còn vợ chồng anh và đứa con út ngô nghê bệnh hoạn. Nghèo khổ nhưng ông bạn hàng xóm của tôi sống rất vô tư và lạc quan, cứ mỗi chiều sau khi cơm nước xong người ta lại thấy anh ôm cây đàn ghi ta cà mèn ra nghêu ngao trước cửa. Buổi sáng anh dậy thật sớm để nấu bánh rồi tập thể dục luôn, người ta đi bộ còn anh thì chạy huỳnh huỵch có vẻ sung sức lắm, gặp ai trên đường anh cũng nhe răng cười một cái thật hiền, thật dễ thương…

Nụ cười ấy bây giờ đã tắt.

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Cắt béng đi là xong!

Cuối cùng mình phải buộc lòng mà gửi cái meo cho anh bạn nhà thơ dở hơi của mình để nói rằng xin đừng làm phiền tôi nữa. Có lẽ hắn ta tiếp nhận với thái độ nghiến răng ken két và chửi thề vung vít “mẹ... mẹ...” nhưng cố nén lại để ngay sau đó phản hồi bằng lời lẽ giận dỗi "không bao giờ, không bao giờ...". Kệ, nhưng tôi không thể chịu đựng nổi cái kiểu ăn theo nói leo và cái chứng giả vờ vĩ cuồng của anh bạn mình nữa. Chẳng hiểu anh ta là ai mà cứ tự cho mình là đã trả lời hết cuộc phỏng vấn này phỏng vấn nọ, hết trả lời thư độc giả trong nước đến ngoài nước. Mà trăm phần trăm là do anh ta tưởng tượng thế thôi, chứ ngữ ấy thì ngay cả loại độc giả “đi ngoài ra nước” (chứ không phải đi ra nước ngoài nhé) cũng chẳng có!


Khổ quá, dạo này có lẽ vì thấy thơ vè hoài mà chẳng ai đoái hoài, nên buồn tình lão bèn biến mình thành một nhà “dân chủ” đưa tin về các cuộc biểu tình yêu nước ở trong nước, ngoài nước (mà anh ta cho rằng tất cả đều là bè bạn và có liên hệ với mình), rồi vỗ ngực tuyên bố mình là người không theo phe nào, rồi vung vít về lòng yêu nước, về tình cảm với nhân dân, thề trung thành với nhân dân, rồi cũng đòi hỏi dân chủ dân chiếc... Đến chết cười! Bố khỉ, lão này mà dây vào phe nào thì phe đó chắc chắn đi tong ngay tắp lự.

Thôi anh bạn mình cũng không đáng để nói nhiều, suy cho cùng thì chẳng ai để ý đến những kẻ gàn dở, nhưng cuộc sống có khi cần họ cho đỡ buồn. Biết vậy, nhưng nhiều lúc thấy phiền và spam quá, cắt béng đi là xong!

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Ông "Gu-gờ chấm Tiên lãng"

Ông "Gu-gờ chấm Tiên Lãng"

Lão này mặt mũi cũng bảnh trai, ăn mặc cũng bảnh choẹ, nhưng trí não thì có vấn đề (dù rằng nghe nói lão đã cố mua bằng được mấy cái bằng cử nhân, tiến sĩ gì đó), đặc biệt năng lực tin học thì khỏi nói, lão vừa sáng tạo ra một mạng tìm kiếm mới tầm cỡ thế giới mang tên "Gu-gờ chấm Tiên lãng" (google.tienlang).

Đất cảng có một lão khùng.
Ngu ngơ lại tỏ anh hùng. Thật nguy!

Đáng tự hào cho thành phố Hoa phượng đỏ quê ta!

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Thương nhớ Whitney Houston

Whitney Houston, một tài năng vĩ đại, vừa qua đời sáng ngày 11/02/2012

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Lễ hội Minh thề ở quê mẹ


Cột đá thề ở Chùa Hòa Liễu
Quê Mẹ mình có lễ hội Minh thề thật độc đáo. Độc đáo vì trong tháng Giêng này đâu đâu cũng tổ chức lễ hội cầu tài cầu lộc, còn lễ hội ở đây lại thề nguyền cho sự ăn ở trong sáng, minh bạch, không tơ hào công sản, không bức hại dân lành…
Lễ hội diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ. Lễ hội là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách. Tương truyền, chùa Hoà Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của tu tạo ngôi chùa cổ. Thái Hoàng Thái Hậu còn xuất tiền mua ruộng cúng dâng Tam Bảo, nhiều người thấy thề cũng noi theo. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ… Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. Và, lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Trong lễ hội có nghi thức quan trọng nhất là việc đại diện hội đồng bô lão đọc Văn hội Minh thề, trong đó nêu rõ: mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… kẻ nào làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…
Lễ hội Minh thề năm nay đến thật đúng lúc khi mà các quan chức Hải Phòng đang gồng mình chịu trận trước búa rìu dư luận cả nước về vụ cưỡng chế đất đai của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ cũng phải trực tiếp vào cuộc bằng việc chủ trì một phiên họp để nghe các quan chức Hải Phòng giải trình sự việc. Chợt nghĩ nếu được phép mình sẽ đề nghị Thủ tướng đưa cái hội nghị này ra ngay Chùa Hòa Liễu Kiến Thụy, Hải Phòng để họp và để cho các quan chức Hải Phòng tuyên thệ ngay cột đá thề chùa Hòa Liễu như trong lễ hội Minh thề xem sao nhỉ? Nếu thật vậy thì có lẽ các vàng mấy cha này cũng chẳng dám thề thốt, bởi chưa kịp mở lời thì thánh thần đã vật chết tươi.
Sang năm có dịp về quê, mình sẽ cố gắng ở lại để dự lễ hội Minh thề này xem thế nào, có đông như lễ hội xin ấn đền Trần hay lễ hội chùa Hương không? Nói thế thôi chứ chắc rằng làm sao mà đông được, bởi đầu năm người ta chen lấn nhau đi giành tài giành lộc chứ ai lai đi thề rằng mình không tơ hào của công, không ức hiếp nhân dân. Bởi từ lâu ai cũng hiểu rằng nếu không tơ hào của công, không cướp của dân thì các quan chức nhà ta làm sao mà giàu nhanh đến thế, và cũng đâu phải vô tình mà từ xưa ông bà ta đã dạy: Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Hàng xóm mới

Ngày xưa trong Quốc văn giáo khoa thư có câu chuyện “Mạnh mẫu tam thiên” (Mẹ Mạnh tử ba lần dời nhà) rất cảm động về tấm lòng người mẹ với con mình. Khi nhà ở gần nghĩa địa, mẹ thầy Mạnh Tử thấy không ổn khi con cứ đào, chôn, lăn, khóc như những hình ảnh thường thấy trong các đám ma. Dọn qua nơi khác, mẹ thầy Mạnh Tử vẫn thấy không ổn khi nhà cạnh chợ, con lại học theo thói buôn bán điên đảo. Dọn tiếp lần nữa đến gần trường học, khi ấy Mạnh mẫu mới yên tâm khi thấy con mình bắt đầu biết nói điều hay lẽ phải...
Mới đây tui vừa có hàng xóm mới, chẳng biết gia đình này ở đâu tới chỉ biết anh chồng có vẻ nhỏ nhắn hiền lành tóc cũng hoa râm như tui, chị vợ to con hơn nhưng không biết mặt mũi ra sao vì lúc nào cũng như ninja trùm kín mặt, cỡi Air Blade bay vù vù như phù thuỷ. Vợ chồng họ có hai đứa con, một đang học tiểu học và một đang trung học. Anh chồng hôm mới dọn đến, gặp tôi trước cổng thì gật đầu chào, tôi cũng cúi chào đáp lễ rồi lên xe đi làm.
Thế mà tối qua, lúc đang đứng sau nhà, tui bỗng giật nảy khi nghe tiếng the thé đầy uy lực của chị vợ vang lên:
 -  Sao cha không tắm đi mà lảng dzảng hoài, nhìn phát mệt dzậy?
 -  Thì tui đang định lau nhà cái đã. Tiếng anh chồng nhỏ nhẹ ngoan hiền như ma-sơ.
 -  Xiii… mệt, dẹp đi... để đó tui, tắm đi cho rảnh! Còn thằng kia nữa sao mày chưa tắm, lẹ đi để tao còn dọn dẹp…
Ái chà, anh chồng bị dũa ở phần đầu là chắc cú rồi, còn thằng kia nữa chắc là thằng nhóc con mới đi học về còn đang mải chơi gì đó nên cũng bị lạc đạn cùng với ông già tía nó. Như dzậy nó và tía nó đều gộp chung là những thằng cả! Chà cái dụ này là tình hình Cu ba hơi căng thẳng à nghen!
Tui nhớ có nhà tâm lý nào đó từng nói rằng trong mỗi người vợ đều có một người mẹ. Vậy nên có những phụ nữ thương chồng như con cái, cũng chửi bới mắng mỏ thậm chí có bà còn sử dụng cả đòn roi với chồng, nhưng thực bụng thì họ thương chồng dữ lắm. Hổng biết mấy cha đó nói có đúng không nhưng để chắc ăn tui vội vàng khép cánh cửa bếp thông lên nhà trên lại. Cũng may, lúc này vợ tui đang tòng teng võng trên nhà xem ti-vi nên bả chưa nghe được nội dung “sanh hoạt chánh trị” của hàng xóm nãy giờ. Chớ bả mà nghe rồi bắt chước thì có nước tui phải dọn nhà đi nơi khác như mẹ thầy Mạnh tử quá! Mà thời nay dọn nhà ba lần chắc gì đã ổn. À, mà quên, tui làm gì có quyền dọn nhà bởi bà xã tui là chủ hộ khẩu mà!


Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Happy new year 2012