Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

97,59% hay bi nhiêu?

Quốc hội thông qua Hiến pháp, bảng điện tử hiển thị trong số 488 ông nghị tham gia thì có 486 ông nhấn nút OK, 02 ông không nhấn nút, và kết quả là 97,59%.

Lạ nhỉ, 486 trên 488 thì đúng ra là phải 99,59% chứ? Còn nếu bảo kết quả này là do tính trên tổng số đại biểu quốc hội khóa XIII, kể cả những ông nghị không dự họp lần này là 500 ông, thì cũng sai tuốt luốt!

Kết quả này không thể đổ lỗi cho năng lực tính toán của “đồng chí” phụ trách công nghệ thông tin của quốc hội được, bởi tất cả hệ thống đã được lập trình, hơn nữa ba cái công thức vặt này thì đứa trẻ lớp hai cũng quá rành.

Phải chăng hệ thống máy tính của quốc hội bị nhiễm virus, hay từ trước đến giờ ba cái tỷ lệ phần trăm này cũng chỉ là phán bừa mà chẳng cần căn cứ nào sất?

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Mua giường để vinh danh Việt Nam!

Cụ ông thích chơi trống bỏi ở Vũng Tàu vừa ký hợp đồng tậu một chiếc giường hoàng gia giá đến 6 tỷ bạc tận bên xứ sở sương mù Anh Cát Lợi, ngay sau đó cụ ông bèn “tuyên ngôn” rằng “mua giường không phải để nằm ngủ, (mà) mục đích mua (để) “vinh doanh” Việt Nam”. Báo Tiền Phong online đưa tin có sửa chánh tả và "tán" rõ hơn là để “vinh danh con người và đất nước Việt Nam”. Công nhận tờ báo này cũng giỏi đưa tin tầm cỡ "xe cán chó, chó cán xe" thiệt!

"Tuyên ngôn" trên Tiền phong online ngày 17/8/2013
Ngẫm nghĩ mãi mà không biết vì sao cái giường kia lại vinh danh được con người và đất nước Việt Nam? Hổng lẽ cứ mua đồ tốt của người ta về xài là được vinh danh sao? Vậy hà cớ gì mà không chịu mua nguyên chiếc phi thuyền hay hàng không mẫu hạm về để vinh danh cho hoành tráng?

Thưa cụ già thích chơi trống bỏi, tiền của cụ cụ xài, xài sao tùy ý, xài sao cho gái sướng (cụ thì cũng chỉ còn dùng tiền cho gái sướng thôi, chứ cái "của nợ" kia thì chắc đã teo từ tám kiếp, nếu có dùng viagra cũng chỉ mong đái đừng ướt dép mà thôi) và xài sao cho "vinh danh" bản thân là quyền của cụ. Còn riêng chuyện vinh danh Việt Nam thì hổng dám đâu, nói thế người ta cười chết cha! Hơn nữa chẳng ma nào muốn vinh danh từ cái giường của cụ cả, bởi lẽ trong thâm tâm người Việt thì cái giường dù là bạc tỷ đi nữa cũng chỉ là nơi ngủ nghỉ, làm tình và đẻ đái. Thế thôi!

Nói thiệt với cụ, ngày nay, bảy mươi chưa phải là già nhưng cũng hổng còn nhỏ nữa đâu. Người xưa thường bảo “thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”, nghĩa là ở tuổi bảy mươi con người đã đạt đến mức hoàn hảo về đối nhân xử thế, cho nên mọi việc làm tự nhiên theo tâm mà đều đúng với phép tắc quy củ, không bao giờ vượt khỏi khuôn khổ đạo lý. Dĩ nhiên muốn vậy thì trước đó bản thân phải được giáo dục đến nơi đến chốn, phải biết tu tâm dưỡng tánh, phải từng biết nếm trải và rút được những bài học làm người tử tế bao dung từ những nỗi ê chề đau đớn của cuộc đời. Tôi không biết nhiều về cụ, chỉ biết rằng cụ cũng đã từng khổ, trước hết là khổ tình vì nghe bảo cả năm bà vợ trước đều dứt tình mà bỏ cụ ra đi trong xót xa. Các bà ấy không chỉ dứt tình mà còn dứt cả tiền để cụ phải lận đận lao đao bao tháng ngày. Điều đó có lẽ đến giờ, cụ vẫn đau và hận?

Nhưng thôi, mọi sóng gió đều đã qua, cụ đã rất giỏi để làm ra tiền thì cũng phải rất giỏi để làm ra tình, trừ khi cụ là kẻ chả ra gì. Tình không chỉ là tình với các "cháu gái" mà là tình với đời, với người và nhất là để còn lại chút gì để nhớ để thương nếu mai này trăm tuổi, cái đó quan trọng hơn rất nhiều so với những siêu xe, siêu giường hay số thê thiếp "còn trinh" mà cụ từng mua được... Kinh kính cụ.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Buột mồm

Ngày xưa chưa xa lắm có ông đầy tớ buột mồm nói với bầy chủ “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Lúc bấy giờ, hoàn cảnh đó, thôi thì cũng được đi.

Sau đó và đến bây giờ mỗi khi mấy ông đầy tớ thấy mình không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của bọn chủ, thì bài ca muôn thưở vẫn là “phải có ý chí vượt khó, phải chủ động sáng tạo…” và kết lại là điệp khúc “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”(?)

Nhiều ông đầy tớ “nhai đi nhai lại” câu này mà chẳng hề biết rằng như thế là vô trách nhiệm và không sợ rằng bọn chủ cắc cớ hỏi lại “Vậy thì trời để làm cái quái gì?”. 

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Cảnh sát khóc!

Anh cảnh sát Sevilla khóc mếu máo trong vòng tay thông cảm
của những người dân biểu tình hôm 22/7 (Ảnh: 
ABC-CBSNews)
Nghe mà tưởng như chuyện cổ tích hay tiếu lâm tào lao gì đó, bởi nó hết sức tréo ngoe xét trong cái diễn biến thông thường của đời sống. Hơn nữa lại khóc ngay trong khi làm nhiệm vụ đàn áp đám dân chúng biểu tình phản đối tổng thống. Làm gì có chuyện lạ lùng đến hoang đường như thế? Từ lâu hình ảnh cảnh sát thường gắn liền với dùi cui, súng ống, hơi cay, vòi rồng và thái độ hạch sách mọi lúc, mọi nơi, thái độ đó đi kèm với gương mặt lạnh lùng đến vô cảm. Hơn nữa thực tế cho thấy trong bất kỳ cuộc đối đầu nào thì cảnh sát cũng luôn ở phía nhà nước và là công cụ đắc lực để đàn áp nhân dân.

 Anh bạn mình có cô con gái đầu lòng rất dễ thương, tốt nghiệp phổ thông xong, không hiểu sao cháu lại muốn thi vào ngành cảnh sát. Anh bạn tôi lúc đầu còn phân vân lưỡng lự nhưng sau lại bảo nghề nào cũng là nghề, hơn nữa học ngành này vừa được nhà nước nuôi vừa lại chắc chắn ra trường có việc làm. Thế nhưng đến khi cháu tốt nghiệp và đi làm thì vẻ dễ thương hồn nhiên ngày xưa cũng không còn nữa mà thay vào đó là thái độ nghiêm nghị, cảnh giác đến lạnh lùng. Lạ quá, tại sao phải thế nhỉ? Nhiều lúc sang chơi tôi muốn hỏi bạn mình, nhưng lại thôi vì sợ anh buồn?

Còn chuyện cảnh sát khóc ở đây tuy lạ nhưng có thật, có điều nó xảy ra ở nước ngoài, không xa lắm đâu, Phi luật tân đấy thôi. Anh cảnh sát tên Sevilla đã bật khóc nức nở trong khi cố gắng ngăn cản dòng người biểu tình. "Tôi là một cảnh sát. Tôi chỉ đang làm công việc của mình", Sevilla nói trong nước mắt, để giải thích với những người biểu tình vì sao anh đang đối đầu với họ. Vụ biểu tình này xảy ra ở vùng Quezon thuộc thủ đô Manila của Philippine hôm 22/7/2013 khi những người dân bất bình với chính sách giảm nghèo đói kém hiệu quả của tổng thống Benigno Aquino.

Có lẽ phải gọi anh này là cảnh sát bồ tát mới đúng. Phải chi cảnh sát nào cũng có tấm lòng như anh thì đám thảo dân đỡ khổ biết chừng nào!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văn hóa cảm ơn xin lỗi!

Trưa nay xem TV trực tiếp phiên họp HĐND tỉnh BR-VT thấy ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo trả lời chất vấn mà thấy thương. Đại biểu hỏi vì sao trường xây tiền tỷ mà chất lượng thấp, lại nơi thừa, nơi thiếu; tại sao thiết bị dạy học kém chất lượng, cái cần thì không có, cái có lại không cần; tại sao nhà công vụ giáo viên mà giáo viên không vào ở, vân vân và vân vân. Ông giám đốc có lẽ cũng chuẩn bị kỹ lắm nhưng chủ tọa phiên họp lại bảo không cần đọc mà trả lời thẳng vào vấn đề; ông giám đốc lại vâng dạ và lại viện dẫn văn bản này văn bản nọ, chỉ đạo này chỉ đạo nọ, ông chủ tọa lại bảo ngắn gọn thôi vì không có thời gian… Ông giám đốc lại vâng dạ… cuối cùng thì ông cũng trả lời xong cùng với mồ hôi mẹ mồ hôi con, đến tội. Trước khi dứt lời, ông còn lịch sự nói về văn hóa cảm ơn, xin lỗi. Ông bảo văn hóa giáo dục là vậy, biết cảm ơn những người đã giúp mình, biết nhận lỗi khi mình sai sót và thế là ông cảm ơn tuốt tuồn tuột các lãnh đạo từ tỉnh đến huyện thị thành phố, đến các sở ban ngành đã quan tâm giúp đỡ cho giáo dục rất nhiều trong thời gian qua, nhờ thế mà giáo dục tỉnh nhà mới được nở mày nở mặt như hôm nay, rồi ông lại bảo những yếu kém, nếu có, là hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục, vì chưa tham mưu đầy đủ thấu đáo cho lãnh đạo để có những chỉ đạo kịp thời… Thấy ông nói mình chợt nhớ cụ cố nhà mình, mỗi khi có chuyện xảy ra cụ lại ngã lăn ra đất, tay đấm ngực bình bịch, miệng lẩm bẩm "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...".

Thấy ông giám đốc trả lời mà thương. Thương vì ông chẳng dám nói ra những điều ông thực nghĩ trong đầu (vì nói ra thì chỉ có “từ chết đến bị thương”). Thế nên ông đành rối rít cảm ơn những người đã dồn khó cho mình và thành khẩn nhận những lỗi ông chẳng hề gây ra. Hu hu…

Nhưng thưa ông giám đốc, cách hành xử ấy liệu có làm cử tri hài lòng hoặc làm thay đổi tình hình, hay cũng chỉ là giải pháp tình thế để không mất lòng cấp trên cùng các sở ngành liên quan và cũng để ông tạm yên vị nơi cái ghế vốn rất chông chênh bấy lâu nay?

Tôi không trách ông nhưng chỉ mạn phép nhận xét vài điều như sau:

 1/. Trả lời chất vấn trong phiên họp HĐND thì chỉ có đại biểu HĐND là cao nhất, sao ông cứ phải rào đón bằng kiểu thưa trình các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tinh mần chi cho nó vừa thừa vừa mệt?

2/. Trả lời chất vấn của đại diện cử tri thì cần chi phải khen câu chất vấn này hay, chất vấn kia sâu sắc làm gì cho nhiễu sự? Nói cho công bằng thì phần lớn nghị nhà ta là nghị gật, nhưng khổ nỗi trực tiếp truyền hình mà không nói thì sợ dân chê, thế nên nhiều nghị đành hỏi đại chứ có biết chi mô. Vậy nên khen làm gì để cho người ta bảo mình xun xoe nịnh nọt (Mà nói thiệt, giữa nghị trường mà khen kiểu đó nghe mắc cười lắm lắm).

3/. Còn cái “văn hóa cảm ơn xin lỗi” đầy chất nhún nhường của ông, xét cho cùng, đâu có thuộc “văn phong” nghị trường mà nó thuộc "văn phong" nơi công quyền, nơi cơ chế xin-cho đang ung dung ngự trị, nơi đầy rẫy những kẻ thoắt ẩn thoắt hiện sau những vạt áo ngắn trước, dài sau cùng câu cửa miệng "Cho em xin...".

4/. Thêm cái này ngoài lề một chút: Tôi thấy ông rất “máu me” công nghệ thông tin (cũng phải, vì cái này nhiều tiền mà chóng hỏng vô cùng) thế nên ông có vẻ rất thích việc gắn camera ở các lớp học mà theo ông nói tại nghị trường là để các ông bà hiệu trưởng chỉ cần ngồi ở văn phòng mà nắm được tất cả tình hình (?) Hình như ông cho rằng cái "hiện đại" đó sẽ đi liền với chất lượng giáo dục tầm cao? Vì vậy chỉ riêng cái này thì ông đã bày vẽ để nhiều trường moi túi phụ huynh lắm lắm mà rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì. Ông cứ bình tâm suy nghĩ và thử làm cái khảo sát xem có phải chất lượng nhà trường đi lên từ mấy cái camera theo dõi giáo viên và học sinh đó không? Theo tôi cái chủ yếu phải từ chất lượng người thầy, cái mà ông ít đề cập đến nhất (hình như sở trường của ông chỉ là xây dựng trường lớp và mua sắm thiết bị, máy móc).

Trách ông nhưng cũng thương ông, một trí thức mà phải xun xoe uốn lưỡi như thế kể ra cũng khổ tâm lắm lắm, nhưng vì “đại cục”, không thế không được. Thôi ông ạ, gặp thời thế thế thời phải thế. Ngày xưa Hàn Tín còn lòn trôn giữa chợ thì sao?

Tôi nghĩ mà thương cho ông và thương cả cái sự nghiệp mà ông đang là người đại diện. Hu hu…

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Mất cảnh giác

Mấy hôm nay cả nước chộn rộn vụ Arsenal du đấu tại Việt Nam. Mình dù già khú đế và không mê lắm Arsenal nhưng cũng mạng xem báo chí thả sức tung hê vung vít để biết mà đấu hót với lũ trẻ.

Buổi sớm Arsenal sang Hà Nội, cả đêm các fan Việt ta thấp thỏm ở phi trường để nhìn thần tượng. Rôi Arsenal dạo chơi thủ đô cũng làm đảo lộn cả Hà thành, có cậu Vũ Xuân Tiến, sinh viên dược, còn chạy rông cả 5 cây số đuổi theo chiếc bus chở đội tuyển, khiến ông HLV Arsène Wenger cảm động dừng xe mời lên giao lưu chụp ảnh tưng bừng. Rồi đến ngày thi đấu, lại cảnh vé chợ đen, chen lấn, cờ hoa, kèn trống mới hoành tráng làm sao. Người Việt ta mến khách đến tận tụy khiến Arsenal cảm động đến rơi nước mắt (đó là mình dựa theo logic mà đoán vậy thôi, chứ có thấy đâu). Tỷ số trận đấu là 7-1 chứ 70-1 cũng chẳng là cái đinh gì, miễn được thấy thần tượng, đá với thần tượng, ấy ấy với thần tượng là ngất ngư con tàu đi rồi. Ôi, thương thay thế kỷ vắng niềm vui… (Mượn ý thơ CLV)

Chỉ tiếc ngất ngư quá, say mê quá đến mất cảnh giác nên khi Arsenal về nước, mới té ngửa lão xăng nhà ta thừa dịp đẩy giá lên kỷ lục tự lúc nào. Ngao ngán như sau một bữa nhậu linh đình, lúc tỉnh dậy thấy đầu óc bải hoải tứ chi rã rời, lại thất thểu dắt xe ra cây xăng đổ năm chục ngàn đi làm thì chỉ thấy lưng lửng bình.

Chưa hết đâu, xăng mà tăng thì mọi thứ sẽ đều tăng, kể cả huyết áp, cholesterol và đường trong máu nữa. Thôi mình đi uống thuốc đây.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Khi hoàng gia học nghề nông

Mình nhớ, sau trận lụt kinh hoàng ở Thái Lan vào khoảng cuối năm 2011, xem tivi thấy đài HTV phỏng vấn ông nào đó người Thái, đang làm chuyên gia tư vấn cho Sài gòn về việc chỉnh trang quy hoạch đô thị. Ông bảo cách nay mấy chục năm nhà vua Thái Lan đã cảnh báo việc phát triển đô thị thiếu tính toán như hiện nay sẽ có nguy cơ ngập lụt lớn cho Băng Cốc vì các vùng đất ngập nước có vai trò trữ nước bị biến thành các khu công nghiệp, đồng thời xây dựng đô thị đã chặn mất ngã thoát nước tự nhiên ra vịnh Thái Lan. Và bây giờ quả đúng là như vậy! Ông chuyên gia này còn nói thêm sở dĩ Thái Lan sớm nổi tiếng về xuất khẩu lúa gạo và trái cây ngon ngọt là vì hầu hết thành viên hoàng gia Thái Lan đều xuất thân từ các học viện nông nghiệp.

Thì ra là thế, từ lâu họ đã xác định đúng thế mạnh của đất nước nên con vua cháu chúa đều học nông nghiệp. Học để hiểu biết và tìm cách giúp dân phát triển lúa gạo, hoa trái làm giàu đất nước. Chả trách nông sản xứ này vang danh thế giới và kinh tế họ phát triển hơn ta đến ba bốn chục năm. Còn ở ta... các cụ "hoàng gia" nhà mình biết học gì ngoài các lớp lý luận Mác - Lê nin, thế mới khố!!!

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Lại chuyện ủn ỉn!

Kim Jong-un đã phê bình cấp dưới khi xem xét bản phương án thiết kế xây dựng câu lạc bộ đua ngựa chuyên nghiệp. Kim Jong-un cho hay, mặc dù chính ông đã cung cấp những tài liệu về trường đua ngựa chuyên nghiệp cho các bộ phận nghiên cứu, tham khảo, nhưng bộ phận này cơ bản đã không nghiên cứu nó”. (http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/The-gioi-trong-ngay/Kim-Jongun-chi-dao-xay-dung-cau-lac-bo-dua-ngua-chuyen-nghiep/295411.gd)

Nhìn cảnh thằng Ủn ngồi chễm chệ trên bàn độc, tay cầm que chỉ trỏ, đứng chung quanh là quần thần bô lão kính cẩn ghi ghi chép chép những lời tầm xàm bá láp của nó mà thấy tội cho các cụ, có lẽ các cụ cũng chửi thầm tiên sứ bố thằng nhãi ranh mất dạy, dân thì đói vàng mắt mà mày lại đi xây CLB cưỡi ngựa à!
Nhìn mà lộn ruột. Mình mà có quyền mình sẽ nhốt và bỏ đói thằng này cho đến chết, để xem lúc đó mặt mũi nó có còn cơng cơng nữa không?

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Bác Hồ là một "doanh nhân"?

Băng-rôn trước cổng Đài PTTH tỉnh BR-VT

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Thời sự

1/. Tuần trước báo chí cả nước rậm rịch thương cảm cho người nghệ sĩ già Văn Hiệp ra đi trong cô đơn nghèo khổ. Cả một đời làm nghệ thuật chân chính, cũng được học hành bài bản đàng hoàng tử tế, thế mà vẫn nghèo, vẫn trắng tay trước cả rổ danh hiệu mỹ từ mà nhà nước có thể nghĩ ra. Giờ thì người nghệ sĩ già đã đi rồi, ông chẳng cần gì nữa, chỉ một vai diễn trưởng thôn cùng với nụ cười hiền hậu cũng đủ để ông sống mãi trong lòng mọi người. Sau cụ Văn Hiệp lại đến cụ Hồ Kiểng, cũng ra đi trong nghèo khó cùng với trái tim nhân tạo nhưng luôn cháy bỏng với nghề. Với cụ Hồ Kiểng, mình đã hân hạnh gặp một lần trong đám giỗ nhà người bạn, mình cũng đã qua bàn chào cụ một tiếng và để được cụ cảm ơn và nở nụ cười hiền lành híp cả mắt. Bây giờ thì nụ cười ấy cũng đã lịm tắt.
Từ chuyện hai cụ nghệ sĩ già nghèo khổ lại nghĩ đến lớp ca sĩ mới lớn, vừa chập chững vào nghề cũng đã nhận vơ mình là nghệ sĩ, là sao này sao nọ, thậm chí có người chưa được ai biết đến tên tuổi hay giống đực giống cái, vậy mà sao họ giàu thế? Đi xe hơi, xài hàng hiệu, ngồi nhà hàng bốn năm sao, rồi fan club này nọ ì xèo. Lạ quá, phải chăng đó đặc thù của xã hội ta, kẻ thực tài thì vất vưởng khổ sở, kẻ bất tài cơ hội thì thăng tiến vùn vụt?

2/. Tuần này, các phương tiện truyền thông “hải lục không quân” của nhà nước ta đều dồn dập đưa tin về vụ đặt bom khủng bố tại giải marathon ở Boston, Mỹ làm nhiều người chết và bị thương. Trong cách đưa tin của một vài tờ báo vẫn phảng phất một chút gì đó như là hả hê vì có kẻ đã đánh được Mỹ, “tên đế quốc đầu sỏ” với nền kinh tế giàu có hùng mạnh bậc nhất, và cũng là pháo đài quân sự vững chắc nhất của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Đánh được Mỹ, từ trước đến nay hiếm lắm, chỉ có Việt Nam ta anh hùng, rồi bọn khủng bố Bin Laden và bây giờ đến bọn này (dù chúng chưa xưng danh). Chuyện bom kép ở Boston chưa nguội thì lại xảy ra vụ nổ nhà máy ở Texas mà người ta bảo rằng như vụ “nổ hạt nhân” làm bao nhiêu người chết, rồi ngay sau đó lại thêm vụ nổ súng bắn chết cảnh sát Mỹ ngay Viện khoa học công nghệ lừng danh M.I.T cũng ở Boston. Thế là người ta có dịp xâu kết vụ việc lại với nhau và không ít người hy vọng đây là chuỗi khủng bố liên hoàn để cái tát vào mặt Mỹ thêm trọng lượng. Mình thì căm thù lũ khủng bố tận xương tủy, dù cho chúng là con đẻ hay là ông cố nội của bọn ...ist nào đi nữa!

3/. Hôm nay lại thấy báo ta đưa tin hơn 18.000 trẻ em Triều Tiên mít tinh và thề sẽ đem cả tính mạng ra bảo vệ cho chủ tịch Kim Jung “Ủn”. Nghe mà buồn cho sự đê hèn đốn mạt của thằng ủn con lão ỉn này, đã hết cách sao mà phải lấy trẻ con làm lá chắn sống cho mình! Đến nước này thì có lẽ chú Ủn nhà ta cũng đang run sợ sau những trò lên gân của mình mất rồi. Xem clip thấy mặt mũi các cháu và cả người lớn trong đó có cả những sĩ quan quân đội trong buổi mít tinh “hoành tráng” sao mà tiều tụy, thê lương đến thế! Những gương mặt đó không chỉ biểu lộ sự cam chịu mà còn tuyệt vọng!
Người ta bảo thằng ủn này khi mới lên ngôi hứa sẽ đem lại hạnh phúc cho dân Triều Tiên, sao nó không làm nhỉ? Có gì khó đâu? Dễ ẹc, chỉ cần cái thân lợn ú của nó lăn đùng ra chết là cả mấy chục triệu dân Triều sung sướng ngất trời còn gì! Amen!

4/. Đang ngồi viết những dòng này thì chợt nhà bên xảy ra "chiến sự" ác liệt. Số là không hiểu vì sao mà mụ vợ lão hàng xóm đùng đùng đập vỡ đồ đạc và chửi bới anh chồng dữ dội. Chị vợ to xác thì vừa la hét ỏm tỏi, vừa đù má đù mẹ cả dòng họ anh chồng, anh chồng bé con thất thế nên nín khe. Có lẽ chủ trương nín nhịn để giữ gìn hòa khí không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc tình vợ chồng "môi hở răng lạnh". Bà cụ hàng xóm bên kia cũng lò dò bước qua "đề nghị hai bên hết sức kềm chế" nhưng cũng chẳng ăn thua gì, đồ đạc vẫn bị đập tơi bời. He he, giống i như là...

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

"Trường học thân thiện, học sinh tích cực"

















Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghĩ gì? (Ảnh Mai Thanh Hải)

Thế giới hoang mang vì một đứa trẻ to xác bốc đồng

Nửa đêm Ủn ta đùng đùng ký lệnh báo động tên lửa chiến lược!
Đến nước này thì đành phải: "Có ai đi chợ mua tôi đồng hành"!



Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Một bài viết cảm động về Trường Sa

Xương máu Trường Sa và sự…hổ thẹn
Bài của Kim Dung
Trong hồn người có ngọn sóng nào không? Câu hỏi đó bỗng dưng giờ được hỏi cho rất nhiều người đang sống.
Hoàng Sa- Trường Sa mãi mãi là vết thương nhức buốt với mọi con tim người dân Việt, dù  25 năm đã trôi qua, kể từ cái ngày 14/3/1988 đẫm máu ấy.

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc…
Cái ngày mà 64 người lính Việt, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, và lòng yêu Tổ quốc, đã lần lượt ngã xuống trước súng, lưỡi lê, đại liên và pháo 37 li cùng mưu đồ xâm chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam) của phía Trung Quốc.
Và những ngày này- tháng 3/2013, máu từ vết thương Trường Sa lại rỉ.

Không chỉ thế, mà còn có nước mắt chảy ngược vào trong của bao người thân và đồng đội họ, của những con dân Việt luôn khắc khoải nỗi đau Trường Sa, tại buổi lễ tưởng niệm lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng sáng ngày 14/3 mới đây…

Còn nếu ai có dịp xem clip được phát đi trên YouTobe, chứng kiến những giây phút cuối cùng của những người lính Việt trên đảo, cùng chiếc tàu HQ 604 dần chìm xuống…, sẽ hiểu vì sao hàng ngàn bài viết trên các báo, trên các trang mạng xã hội như tiếng thét bi thương, bi phẫn trước chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm.

Ám ảnh xa xót nhất với người viết bài là câu chuyện vòng tròn bất tử Gạc Ma, câu chuyện lá cờ Tổ quốc.
Đó chính là khí phách nước Việt khổ đau.
Không nổ súng, để tránh “bị kiếm cớ” leo thang xung đột, ngày 14/3 năm ấy, họ- những người lính Việt đã phải nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo. Cái “vòng tròn người” đơn độc thật mong manh và bất lực, trước những kẻ xâm chiếm hung hãn, vũ khí trang bị đầy đủ.
Lần nào viết bài về Hoàng Sa- Trường Sa, người viết bài cũng  viết trong sự nghẹn ngào. Khi thấy những người lính can đảm quá, mà cũng cô đơn quá…
Nhưng cái vòng tròn đó mãi mãi bất tử trong lòng những người đang sống.

Mục tiêu của kẻ xâm lược, còn là cướp lá cờ Tổ quốc được cắm trên rạn đá san hô của đảo, biểu tượng chủ quyền nước Việt. Một phát đạn bắn xuyên qua đầu Trung úy Trần Văn Phương- người cầm cờ. Anh gục xuống.
Nhưng,“tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh, bồng bềnh trong nước loang máu. Anh Lê Hữu Thảo lao tới ôm thi thể đồng đội đang cuộn trong lá Quốc kỳ.
Thấy thế, lính Trung Quốc xông vào cướp cờ. Nhanh như cắt trung sỹ Nguyễn Văn Lanh giành được lá cờ.
Một tay anh giương cao ngọn cờ, một tay anh cầm xà beng chống đỡ đối phương. Thấy không thể chiến đấu trực diện với người lính kiên cường Việt Nam, lính Trung Quốc đã đâm lén từ phía sau và nã đạn vào anh Lanh”.
Cuộc chiến không cân sức, thì kết quả trận chiến nghiêng về kẻ mạnh.
Nhưng khí phách anh hùng, xả thân vì đất nước, của những người lính Việt tuổi đời quá trẻ, còn mạnh hơn tất cả.
Biển Đông từ ngày ấy như càng mặn đắng. Nước mắt những người đang sống. Và “nước mắt” cả những người đã khuất…
Bỗng nhớ tới hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Những “linh hồn” chim cuốc cuốc dưới biển sâu vẫn đang đau lòng nhớ đảo, nhớ nhà…
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh, và tất cả những người lính trên con tàu HQ 604 đã xả thân đến giây phút cuối cùng để giữ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước. Đâu phải để 25 năm sau, một lá cờ “lạ” bé tí tẹo, cắm vô duyên trong những cuốn sách giáo dục cho trẻ em Việt, khiến dư luận xã hội nổi giận thực sự.
Ở đây là lá cờ Trung Quốc cắm ở cổng trường học, trong cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân trí, loại sách tham khảo dành cho trẻ mầm non, được biên dịch từ tài liệu nước ngoài.
Đây cũng không phải vụ việc đầu tiên. Trước đó, đã hai lần, những lá cờ xa lạ được trưng lên, lạc lõng, khiến xã hội hết sức phẫn nộ.
Và cũng không phải chỉ riêng cuốn sách phát triển thông minh một cách…u tối kiểu này, mới đây, trước áp lực dư luận, Bộ GD và ĐT đã phải có công văn, yêu cầu các NXB kiểm tra các nội dung “không phù hợp”. Mới hay một loạt sách cho trẻ em (của nhiều NXB) bị phát hiện biên soạn cẩu thả từ sách Trung Quốc.
Thậm chí có cuốn, như bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” (NXB Mỹ thuật, tập 2), có câu Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng. Phần minh họa có hình lá cờ Việt Nam để trẻ tô màu, nhưng ngay bên cạnh là hình lá cờ …Trung Quốc. Hay những người biên tập nhận thức rằng, cả hai cờ là …một, đều là cờ đỏ, có sao vàng?
Điều đáng hổ thẹn, việc phát hiện cờ Trung Quốc trong cuốn sách của NXB Dân trí, lại có cả em bé mới 5 tuổi, tức là lứa tuổi mới kịp làm quen để phân biệt được cờ Việt Nam và cờ nước khác. Trong khi người lớn như bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB này thì thanh minh, thanh nga:
Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì… nặng nề.
Có thể, hình ảnh đó thật…nhẹ nhàng với những người kinh doanh sách tham khảo, mà đồng tiền luôn là mục tiêu cao nhất. Nhưng nó rất nặng nề, vì làm tổn thương đến tình cảm của người dân, nhất là trong những năm tháng này, chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước bị đe dọa xâm lấn. Vì nó không phải, trước hết là về đạo lý thông thường.
Nhà giáo Phạm Toàn đã nhận xét: Những người làm cái đó (in bộ sách có cờ Trung Quốc) là thiếu cả nhạy cảm về chính trị, và thiếu cả cái tình cảm về dân tộc nữa.
Chưa nói là những điều… u tối khác của cuốn sách, như ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VH- GD- TTN và NĐ của Quốc hội đã vạch ra, khi trả lời phỏng vấn báo SGGP: Cái sai của cuốn sách này khiến dư luận bất bình, đó là sự thiếu minh bạch, nhập nhèm trong giới thiệu nội dung. Nếu đã tuân theo bản quyền, NXB (Dân trí) phải nói rõ cuốn sách dựa trên nội dung của Bộ GD Trung Quốc, được giới thiệu bởi các tác giả Trung Quốc, như thế mới sòng phẳng.
Đáng chú ý nữa, theo Bộ chủ quản, qua kiểm tra hợp đồng, thấy phía đối tác (Trung Quốc) cho phép NXB (Dân trí) được điều chỉnh nội dung.
Tất cả những sai sót muôn vẻ của các NXB khiến xã hội có quyền đặt câu hỏi: Đó là sự thiếu hiểu biết, sự vô cảm, hay vô trách nhiệm? Hay là tất cả? Chả lẽ câu hỏi cũng chính là câu trả lời!
Lại chợt nhớ bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, viết về sinh tử của những người lính Việt trước linh thiêng của lá cờ Tổ quốc, trước linh thiêng chủ quyền biển đảo, có câu thơ- câu hỏi đau nhói lòng:
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Sự hổ thẹn nhân danh…đủ thứ danh?
Trong hồn người có ngọn sóng nào không? Câu hỏi đó bỗng dưng giờ được hỏi cho rất nhiều người đang sống.
Một trong số đó, có lẽ là ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế, người được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ năm 2010, đang trở thành “nhân vật hot” của một vụ khiếu nại- vì bị tố là khai man thành tích.
Gian dối lâu nay đã trở thành chuyện thường ngày ở…xã hội. Mà cái gốc của nó luôn gắn liền chữ lợi (tiền).
Chả thế, trong câu chuyện với phóng viên báo Songmoi.vn, dịp kỷ niệm 12 ngày đêm chiến thắng B52 năm 2012, cựu phi công Vũ Đình Rạng, đã bộc bạch rằng, để được phong anh hùng, chi phí cho việc này tốn khá nhiều tiền khiến ông từ chối (?)
Có điều trong vụ ông Hồ Xuân Mãn, “đối tượng” tố cáo sự gian lận, lại chính là những người… đồng chí của ông, từng giữ các chức vụ chủ chốt của huyện Phong Điền. Cũng là địa bàn ông Hồ Xuân Mãn hoạt động trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Như ông Lê Văn Uyên- Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy (1967-1975); ông Hồ Văn Nghĩa, Trưởng ban An ninh huyện (1969-1973), Hoàng Văn Phận, Trung đội trưởng Công binh LLVT huyện (1969-1973), Hoàng Tiến Dũng, Đội phó LLVT huyện (1967-1975), Hoàng Phước Sum, Đội trưởng An ninh huyện (1970-1975)…và nhiều người nữa.
Họ bức xức vì báo cáo thành tích của ông Hồ Xuân Mãn khai man tới 17 điểm.
Tỷ như, ông Mãn khai từ 1969 đến 26.3.1975, ông tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự. Theo tố cáo, từ 1969 đến tháng 11.1971, ông Mãn ở Quảng Bình và làm cần vụ nên không thể tổ chức đánh trận. Mặt khác, từ 1972 – 1975, các xã Phong An và Phong Sơn chỉ đánh hơn 20 trận chứ không có chuyện đánh tới 100 trận…
Ngoài ra, những người tố cáo còn đưa ra một số dẫn chứng nói rằng, ông Mãn đã kê khai thành tích có yếu tố “cướp công” đồng đội.
Tỷ như, trận đánh ở Bù Mạ, thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (giết chết tên ác ôn Nguyễn Công Đẳng) là do ba du kích xã này đánh mìn, hiện hai người còn sống, một người đã hy sinh. Đâu phải do ông Hồ Xuân Mãn..v.v…và v.v…
Chưa kể, ông Hồ Xuân Mãn kê khai trận ““giết ấp trưởng ác ôn” Hoàng Sớm, tự hào là “làm quần chúng nức lòng”, trong khi có tới gần chục người dân thường, trong đó có cả trẻ em, chết oan vì trận đánh này. Chiến tranh vốn có những đau xót, rủi ro. Nhưng liệu quần chúng có thực nức lòng được không, nếu có tới gần chục lương dân thiệt mạng. Cái nhìn về “thành tích” của ông sao lạnh băng và khốc liệt vậy?
Đáng chú ý, đơn khiếu nại gửi đi, và những người khiếu nại, trước sự việc “quá tam ba bận” vẫn không nhận được sự trả lời sòng phẳng, rõ ràng, mới đây, họ lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần thứ tư, lên tới những cấp cao hơn. Những đồng đội của ông còn đề nghị Tỉnh ủy mở cuộc đối chất với ông Hồ Xuân Mãn. Thậm chí họ đề nghị được kiện ra tòa án binh hoặc toà án dân sự.
Chưa rõ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế sẽ giải quyết vụ việc này ra sao, thì mới đây, báo Dân Việt đưa tin, một số cựu chiến binh trong vụ tố cáo này như ông Hoàng Phận, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, họ nhận được một số cuộc gọi của người lạ dọa dẫm sẽ thuê xã hội đen xử, hoặc đến tận nhà …khuyên nhủ không nên khiếu nại.
Nếu đúng vậy, thì chả lẽ, thay cho tình đồng đội sống chết có nhau trong chiến tranh, bây giờ, người ta dám giơ ra tình…xã hội đen.
Nếu như những người tố cáo ông Hồ Xuân Mãn phạm tội nói sai, vu khống, chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tòa án lương tâm.
Còn nếu họ đúng, thì liệu ông Hồ Xuân Mãn có xứng danh Anh hùng nữa không? Nếu không, trong đội ngũ này, vong linh những Anh hùng đã khuất, và những Anh hùng chính trực còn sống, sẽ rất tủi hổ. Dư luận xã hội đang chờ câu trả lời…
Chợt nhớ, cách đây ít lâu, Nghệ nhân dân gian hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu đã qua đời. Số phận một người đàn bà tài hoa, dù được phong là nghệ nhân, vẫn khổ cho tới lúc từ biệt cõi đời. Khổ như những làn điệu xẩm rút ruột, tài hoa đấy nhưng cũng bi ai đấy.
Những làn điệu xẩm của kiếp người “hành khất”, nương nhờ vào lòng từ thiện của đồng loại. Cái khổ đó như Trời định.
Còn ông Hồ Xuân Mãn đang phải khổ do … “nhân định”. Ông khổ bởi lòng tham cái danh, cái lợi lớn quá, cho dù ông đã từng đứng dưới ít người, đứng trên triệu người.
Những ngày này, Trường Sa sống trong tâm thức của hàng triệu con tim nước Việt.
Xương máu Trường Sa, hay xương máu những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến vì tự do, độc lập chủ quyền Tổ quốc, đều linh thiêng. Xin đừng vô tình, vô cảm, và vô nghĩa – với họ!
Kỳ Duyên/Kim Dung http://hieuminh.org/2013/03/16/xuong-mau-truong-sa-va-suho-then/

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Bố tiên sư thơ!

Phướn thơ mà in chữ vàng trên vải đỏ, lại có lù lù ngôi sao vàng năm cánh
trông cứ tưởng là biểu ngữ xuống đường của hội  các nhà thơ ngu ngơ
 nào đó đòi Hiến pháp phải được viết bằng thơ cho hoành tráng! He he!
Một phướn thơ gọi là "hay" được chọn để chuẩn bị thả lên trời xanh nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tại Văn Miếu, Hà Nội trong dịp Nguyên tiêu Quý Tỵ.

Xét cho cùng chẳng cái quái gì có khả năng làm bẩn Văn Miếu và bầu trời hơn là thứ thơ "dại" này, thứ cảm xúc vớ vẩn của những thằng ngớ ngẩn mà cứ ngỡ mình là tài năng! Vừa điên vừa hề!




Văn hóa Bắc Kinh?
























Tấm giấy thông báo trước cửa một tiệm ăn nhanh”"Snacks Bắc Kinh”, gần khu vực Tử cấm thành, Trung Quốc: “Cửa hàng này không tiếp đón người Nhật – người Philippines – người Việt Nam và CHÓ”. Ba nước nêu trên hiện có tranh chấp chủ quyền, hay đúng hơn là bị xâm phạm thường xuyên bởi chính quyền Trung Quốc.

Rose Tang – tác giả bức ảnh là người Mỹ gốc Hoa đang sinh sống tại New York. Bức ảnh được chụp vào ngày 21/2/2013 trong khi cô đang công tác tại Bắc Kinh. Cô chia sẻ thêm trên facebook cá nhân:
“Bạn có thể chia sẻ nó, xin vui lòng chia sẻ nó với mọi người càng nhiều càng tốt, tôi hy vọng các phương tiện truyền thông và áp lực từ công chúng sẽ dạy cho những người này một bài học.”
“Lý do khiến cho sự thù hận/chủ nghĩa dân tộc được xây dựng và khuyến khích bởi đảng (cộng sản TQ) là vì nó (ĐCSTQ) muốn dùng khía cạnh bẩn thỉu của con người để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn nạn tham nhũng, bất công, khủng hoảng môi trường, v.v…”

“Of course you can share it, please share it with as many people as possible, i’m hoping pressure from the public and media will teach these guys a lesson.
The very reason why such hatred/nationalism is cultivated and encouraged by the party is because it needs to use such an ugly aspect of human life to divert public attention from corruption, injustice, environmental crises, etc…”

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Chân đất và cách mạng?

Hôm nay trên Vietnamnet có bài viết Bộ trưởng đi chân đất làm cách mạng giáo dục.(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109571/bo-truong-di-chan-dat-va-lam-cach-mang-giao-duc.html). Mới đọc tựa mình tưởng bài báo viết về một bộ trưởng nào đó thời chiến tranh gian khổ phải chân lấm tay bùn cấy cày cùng với bà con ở các vùng quê sơ tán. Nhưng thật bất ngờ là bài báo nói về ông Bộ trưởng đương kim Phạm Vũ Luận nhà ta. “Cánh phóng viên chúng tôi còn ấn tượng hơn khi thấy, trong buổi họp, Bộ trưởng thường bỏ dép để đi…chân đất, ngay cả khi ra ngoài nghe điện thoại. Sau này, khi tới phỏng vấn ông ở Bộ GD-ĐT, chúng tôi mới biết, khi làm việc, ông cũng hay “đi chân đất cho thoáng” như vậy”.

Chẳng hiểu bài báo có ba que xỏ lá không khi khen ông có tật hay đi chân đất ở phòng làm việc và ngay cả khi họp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với Bộ Khoa học công nghệ và các trí thức, xem như đó là một thói quen đầy chất bình dân của một vị quan thượng thư. Theo tôi chỉ mỗi chi tiết này đã cho thấy tác phong thiếu nghiêm túc và chuyên nghiệp của một Bộ trưởng, thử hỏi nếu các thầy cô giáo dưới quyền ông đi dép lẹp xẹp đến trường rồi đi chân không trong lớp cho mát thì ông bộ trưởng sẽ phản ứng như thế nào, hay lúc đó ông lại đùng đùng phát động ngay phong trào "Nói không với đi chân đất"?

Bài báo còn tán dương thêm rằng GS Phạm Vũ Luận là "một trong số rất ít Bộ trưởng gọi học sinh bằng một từ rất đời thường là “các cháu”. Ơ hay, không gọi "các cháu" thì gọi bằng gì, chả lẽ gọi "chúng mày"? Khen thế có ác không cơ chứ?

Nhưng cái thành tích chói lọi nhất của bài báo này là nói "ông thích đi chân đất và ra những quyết định làm thay đổi giáo dục". Chẳng hiểu từ lúc lên bộ trưởng đến nay ông Luận đã làm được cái gì gọi là thay đổi giáo dục? Hay sự thay đổi đó là việc sau vụ Đồi Ngô, ông cho phép thí sinh mang camera vào phòng thi, rồi việc ông cho rằng bài thi môn lịch sử có quá nhiều điểm 0 cũng là chuyện bình thường thôi?

Thiết nghĩ đã không có thì thôi, còn cố nặn ra để tán dương nhau có khi lại bằng giết nhau không biết chừng!

Khổ thân cho ông Luận nhà tôi, nhưng liệu ông có thấy khổ hay nghe khen cũng lại thấy sương sướng? Cứ tưởng ngày xưa chỉ có mỗi ông Tố Hữu bắt ông Phạm Tuân "đi dép lốp mà lên tàu vũ trụ", nào ngờ bây giờ lại có một ông bộ trưởng khoái đi chân đất để làm cách mạng giáo dục. Ôi chu choa, kinh!

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Bên thắng cuộc?

Mai là 17/2, thời điểm mà 34 năm trước bọn Trung Quốc đã ồ ạt kéo quân sang cướp phá các tỉnh biên giới phía Bắc với chiêu bài "dạy Việt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình. Dưới đây là vài hình ảnh oanh liệt của bên thắng cuộc:






























































Và vài bức tranh cổ động chống bọn bành trướng Trung quốc năm 1979 còn sót lại hiếm hoi, nhưng chẳng tấm nào thấy khí thế cả, cứ xìu xìu thế nào ấy. Chỉ mỗi tranh đầu tiên là dám ghi thẳng thừng bọn phản động Trung quốc xâm lược, thế nhưng gương mặt tươi tỉnh của anh bộ đội cùng với nắm đấm đưa lên cứ như là hoan hô vậy(?)














































Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Có kẻ tâm thần trong quốc hội?

Nửa người nửa ngợm: Hoàng Hữu Phước
Tôi không biết nhiều về tay Hoàng Hữu Phước này, chỉ thấy lão ghi rõ trên blog mình đang là đại biểu quốc hội khóa XIII, là CEO, có bằng MIB, và đã từng là GV trường CĐSP thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, như vậy kể ra cũng liệt vào hạng có học thức và địa vị trong xã hội, những kẻ như thế thường có phong thái và lời lẽ đàng hoàng tử tế, khác hẳn bọn vô học đầu đường xó chợ, y phục xứng kỳ đức mà! Hơn nữa trong các bài viết trên blog thấy tay này rất sính luận bàn về triết học đông tây kim cổ, thích viện dẫn lời Khổng tử, Kinh cựu ước, tự nhận mình là kẻ "hành xử theo dũng khí của thần nhân và tư cách cao trọng của thánh nhân",  và luôn khoe mình là học trò của bậc sư phụ kỳ tài Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Quang Tô nào đó (!)
Thế nhưng tình cờ lần theo mấy đường link, bị đọc mấy bài viết của lão trên http://hhphuoc.blog.com. Lần đầu đọc bài chửi xối xả thằng nhãi ranh Huy Đức với Bên thắng cuộc tôi đã thấy buồn cười và đồ rằng lão này không được bình thường lắm, nhưng khi đọc đến bài Dương Trung Quốc, tứ đại ngu và cụm bài Tôi và tổng thống Saddam Hussein, Tôi và Bùi Giáng, Tôi và Lê Công Định... thì tôi tin chắc tay này tâm thần nặng lắm rồi, khó có thuốc chữa, đồng thời cũng chẳng hiểu vì sao những "dân Sài Gòn thứ thiệt" lại bầu hắn vào Quốc hội?
Tôi không bênh ông Huy Đức hay ông Dương Trung Quốc, tôi chỉ thấy cần phải xem lại tư cách của tay nghị này qua lời lẽ và thái độ tranh luận, phản biện thể hiện trong những bài viết trên blog nơi lão ta ghi rõ rằng “Blog Giao Lưu Của Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước Với Cử Tri Toàn Quốc”. Thiết nghĩ Quốc hội cần giám định sức khỏe tâm thần để bãi nhiệm lão này ngay, tuy những chuyện điên khùng của hắn chẳng khiến ai bận tâm, bởi ai đi chấp một kẻ bệnh hoạn, song để nó sẽ làm bẩn nghị trường và làm xấu hình ảnh người người đại biểu quốc hội.
Có người lại bảo hay tay này là một thứ chim mồi? Tôi không tin, vì không ai chọn loại chim mồi như thế và dù một chim mồi có kém cỏi đến đâu cũng không thể lựa chọn một thái độ ngu xuẩn với lời lẽ quàng xiên như vậy!
Ai không tin cứ vào blog của y xem, lời lẽ văn phong sặc mùi cái bang giang hồ kiếm hiệp! Điên lắm!

Viết tiếp ngày 20/02/2013:

Mấy hôm nay có lẽ nghị Phước ăn không ngon ngủ không yên bởi có quá nhiều ý kiến đòi bãi nhiệm lão nghị khùng này. Theo GS Thuyết bài học lần trước chưa làm Phước sáng mắt nên tật ngông cuồng lại tiếp tục, đến lần này thì dù có tâm thần cũng phải ê mặt, lại còn làm xấu hổ cả vợ con họ hàng và cả bậc đại sư phụ kỳ tài VNCH của mình nữa.

Xin kiến nghị Quốc hội: nếu bãi nhiệm thì xin cho nghị Phước này sang Triều Tiên sinh sống, bởi nơi đó cũng có nhiều chính khách hàm hồ, hiếu chiến và tửng từng tưng như Phước vậy!
Thật đúng là Bệnh tòng khẩu nhập,  họa tòng khẩu xuất!