Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Tinh thần tiết kiệm

Mụ vợ Ba Nổ đi ruộng về thấy lão vẫn đang hoa tay múa chân ba hoa với tui về cái đám giỗ ông cố tổ hoành tráng ở nhà lão ngày hôm qua bèn la oai oái từ ngoài ngõ:
-       Trời ơi, ông lấy tiền đâu ra mà dám tổ chức đám giỗ với bia bủng, gà qué tốn kém cả mấy triệu bạc, trong khi nợ nần còn đăng đăng đê đê? 
Ba Nổ đúng là người bản lĩnh, lão cười khà khà, phả ra mùi bia Heineken còn thơm phức, quay qua nháy mắt nói nhỏ với tui: "Đúng là cái thứ đái không qua ngọn cỏ làm sao có tầm nhìn", và thủng thỉnh:
-       E… hèm…Cái gì... Bà nghe ai nói mà mấy triệu bạc? - Mụ vợ lão lại gào lên:
-       Thì hàng xóm đồn ùm lên cà. Họ nói thằng Ba Nổ nghèo rớt mồng tơi mà bày bặt chảnh. - Lão có vẻ tự ái liền vặc lại:
-       Chẳng có chuyện bày đặt mà cũng chẳng có chuyện tốn kém, bọn nào nói thế là không có cơ sở và có thể nói là thông tin hết sức sai lệch.
-       Nếu không sai lệch thì là bao nhiêu? Bao nhiêu? – Mụ vợ Ba Nổ lại tiếp tục gào lên.
-       Chà chà, tính tới thời điểm này tui chưa đủ khả năng để ước lượng được là bao nhiêu, bà thông cảm?
-       Trời ơi, ông tiêu pha vung vít kiểu gì mà đến giờ này còn không biết được đích xác là bao nhiêu? Chồng ơi là chồng? – Vợ Ba Nổ vẫn gào lên không mệt mỏi.
-       Bà yên tâm, không bao nhiêu đâu, phải nói là tui đã hết sức tiết kiệm?
-       Tiết kiệm là bao nhiêu?
-       Thực tình là tui cũng chưa thể hình dung là bao nhiêu, nhưng bà cần phải thấy là tui không uống rượu Tây mà chỉ uống bia Heineken thôi, thế là đã thể hiện tinh thần tiết kiệm lắm rồi. Vợ chồng mình cần phải khẳng định…
-       Khẳng định cái con khỉ! Ông có khùng không? Nhà đã nghèo, tiêu xài hoang phí đến độ không biết bao nhiêu, mà còn nói tiết kiệm…
-       Cái gì khùng? Nếu dzậy mà là khùng thì thiếu giống gì thằng còn khùng hơn tui gấp bội. Bà không tin cứ đọc báo mà xem. He he …
-       Trời ơi là trời…! – Mụ vợ Ba Nổ ôm đầu ngoe ngoảy bỏ đi một nước.

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Chuyện nhỏ?

TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp Quốc vương Brunei
Hôm nay báo chí và truyền hình đều đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp lãnh tụ các nước đến tham dự hội nghị cấp cao Asean lần thứ 17. Trong đó có Thủ tướng nước lớn Ôn Gia Bảo và Quốc vương Brunei Darussalam Hassanal Bolkiah. Việc đón tiếp ngoại giao của nước chủ nhà là bình thường nhưng tui chỉ chờ xem Thủ tướng nhà mình có nhân đây cảm ơn Quốc vương Brunei một tiếng về việc hải quân nước này đã cứu giúp 16 ngư dân Việt Nam bị nạn trên biển Đông vừa qua không. Theo tui, cảm ơn là hành động phải phép, nên làm cả về mặt tình cảm lẫn ngoại giao, đồng thời cũng để xem cái ông Ôn Gia Bảo kia suy nghĩ gì về việc 9 ngư dân Việt Nam đã bị "nước bự" bắt giam trái phép hơn một tháng và tịch thu cả ngư cụ lẫn lương thực, xăng dầu.
Chờ hoài nhưng chẳng thấy Thủ tướng nói gì tới, chỉ nói toàn chuyện to. Tui hơi bị hẫng.
Nhưng thôi, có khi đó cũng chỉ là chuyện nhỏ!

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Tiền dự án: Tiền chùa?

Tiền chùa
Ngày 11/10/2010 vừa qua, đại diện cán bộ quản lý giáo dục các trường tiểu học thuộc 15 tỉnh thành khu vực phía Nam đã tham dự tập huấn về mô hình “Trường học mới” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghe đâu mô hình này đã được các quan chức Bộ ta khăn gói sang tận đất nước Colombia để học tập. Không biết việc học tập và áp dụng mô hình này vào Việt Nam hiệu quả đến đâu nhưng chỉ thấy cái hội nghị này hơi bị xài sang.


Nghe nói cả hội nghị gồm 60-70 đại biểu, tất cả chi phí ăn uống, khách sạn, tàu xe đi-về đều được Bộ ta lo chu đáo, nhưng Bộ còn phát thêm cho mỗi người 900.000 đồng để tiêu xài trong một ngày rưỡi (Giấy triệu tập là 2 ngày nhưng theo văn hoá ăn bớt là chỉ làm ngày rưỡi). Như vậy chỉ tính số tiền tiêu vặt cho đại biểu đã là sáu, bảy chục triệu đồng và tính bình quân mỗi ngày dự hội nghị đại biểu được lĩnh 600.000 đồng tiêu vặt. Có lẽ khó thấy hội nghị nào có tiêu chuẩn cao hơn thế. Và cũng chưa thấy ở đâu người ta xài tiền một cách vô tội vạ như vậy. Nghe nói các đại biểu khi ký tên nhận tiền, người thấy ngượng, người thấy mắc cười. Nhưng cái mắc cười hơn là mỗi đại biểu khi nhận tiền chỉ ký tên thôi chứ cột số tiền thì phải để trống(?)
Không nói cũng biết lý do xài sang này là do nguồn tiền của dự án, cuối năm phải giải ngân cho kịp, mà từ lâu người ta đã quan niệm tiền dự án là “tiền chùa”, thế nên mới có chuyện đẻ ra cái hội nghị vô thưởng vô phạt để lấy cớ chi tiền. Vậy nên đại biểu tuy mừng nhưng họ cũng chỉ được một còn mừng lớn là nhà chủ dự án, bởi họ phải được cả trăm, còn dân và nước thì chẳng được gì mà lại còn mất nữa!
Không biết những người có trách nhiệm có biết chuyện này chăng? 

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

9 và 16

Bà con trông ngóng người thân trở về (Báo TT)
Mãi đến tối nay, trong một bản tin ngắn phần thời sự, VTV mới hân hoan đưa tin nhà nước ta sẽ cho tàu ra đón 9 ngư dân Lý Sơn bị TQ bắt giữ vừa được trao trả. Dự kiến chiều nay (25/10), tàu cứu hộ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam sẽ đến tọa độ được hai bên thống nhất để nhận bàn giao chín ngư dân này. Có thể đến chiều 26/10 đoàn cứu hộ sẽ về đến cảng Dung Quất, Quảng Ngãi. Như vậy sau một tháng rưỡi vừa bị bắt, bị giữ, rồi được cứu, được giúp, (gọi chung là bị bắt), 9 ngư dân này mới sắp sửa được đoàn tụ gia đình.


Cần nhắc lại rằng, trước đó, ngày 11/9/2010, chín ngư dân trên tàu QNg-66478 của ông Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện Lý Sơn- Quảng Ngãi) đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị người hàng xóm Trung Quốc bắt giữ. Qua đấu tranh ngoại giao, mãi đến ngày 11/10, phía Trung Quốc mới chịu thả vô điều kiện tàu và chín ngư dân trên. Tuy nhiên, sau khi rời đảo, thì tàu của các ngư dân này lại tự nhiên chết máy, trôi tự do trên biển và lại được một tàu tuần tra của Trung Quốc phát hiện, đưa trở lại vào đảo Trụ Cẩu (thuộc quần đảo Hoàng Sa) từ 14/10 cho đến nay.

Nhưng ông Dương Lúa, một ngư dân từng có kinh nghiệm bị Trung Quốc bắt giữ khi đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa, quả quyết rằng: “Hầu như tàu cá nào bị Trung Quốc bắt giữ, đến lúc thả cũng đều bị tịch thu phương tiện liên lạc, ngư cụ, hút bớt nhiên liệu … Tàu của anh Lưu chắc cũng không ngoại lệ” (Tuổi trẻ cuối tuần). Thế là rõ thủ đoạn khốn nạn của ông hàng xóm, cái ông đã từng ngang tàng tuyên bố: "Ta là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đơn giản đó là một thực tế" (Tuổi trẻ cuối tuần).

Cũng theo tin khác thì khoảng 8g30 ngày 22/10/2010, mười sáu ngư dân (gồm 15 người ở Lý Sơn Quảng Ngãi và 01 người ở Ninh Thuận) cùng đi trên tàu Hoà Hải (QNg 0106 – TS) gặp nạn trên biển Đông và được tàu hải quân Brunei cứu chiều ngày 19/10, sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, vợ của thuyền trưởng tàu Hoà Hải thì 16 ngư dân này sau khi được cứu đã được phía Brunei đưa về tạm trú tại một khách sạn ở Brunei, trong khi chờ làm thủ tục bay về Việt Nam (Sài Gòn tiếp thị).

Thật lạ! Cũng cùng là ngư dân đảo Lý Sơn, cùng đánh bắt trên vùng biển nước mình và gặp nạn, nhưng số phận họ thật khác nhau. Người thì bị bắt giữ hơn tháng trời rồi còn bị tịch thu tài sản đến thân sơ thất sở. Kẻ thì được cứu giúp, cho ở khách sạn, rồi đưa về bằng máy bay. Đúng là con người có số. Số may gặp người tốt, số rủi gặp bọn lưu manh. Lần này bà con huyện đảo Lý Sơn chắc sẽ có nhiều chuyện kể về khách sạn Brunei và trại giam của ông hàng xóm lắm đây! Và lúc này ai còn dám bảo số chín là số đẹp?

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Tìm cách “gỡ” từ gốc

TT - Toàn dân đang mong mỏi một cuộc cải cách giáo dục thành công để nước ta có một nền giáo dục “trung thực, lành mạnh và hiện đại”, như ý kiến rất xác đáng của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Muốn vậy cuộc cải cách sắp tới phải khắc phục được những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước ta lạc hậu, thiếu trung thực và kém lành mạnh.
Bớt áp đặt
Phụ huynh chầu chực xin cho con được đi học
Cơ chế quản lý điều hành giáo dục hiện nay vẫn nặng tính chất quan liêu bao cấp. Mọi việc được quyết định ở cấp trên, được chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính hay phong trào. Cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành. Khi cấp trên muốn đạt chỉ tiêu cao nhất, cấp dưới phải cố đạt 100% hoặc xấp xỉ tỉ lệ đó, bất kể hoàn cảnh và điều kiện như thế nào.
Chính những áp lực do cơ chế này tạo ra đã dẫn tới “bệnh thành tích”, thể hiện rõ qua hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, “bằng thật học giả” và kết quả cao chót vót của các kỳ thi. Cơ chế quản lý điều hành đã làm nền giáo dục trở nên thiếu trung thực.
Khi “bệnh thành tích” kết hợp với nạn tham nhũng và tiêu cực, giá trị đích thực của giáo dục càng bị tổn hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cơ chế này tạo nên sự độc quyền cung cấp học vấn theo lối áp đặt từ trên xuống. Cả nước áp dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD-ĐT ban hành. Giáo viên chỉ được sử dụng cuốn SGK duy nhất đó để giảng dạy theo chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”.
Sự chỉ đạo này biến giáo viên thành công cụ thuyết minh SGK, hạn chế mọi khả năng sáng tạo của họ, dẫn tới tình trạng “thầy đọc trò chép” để học sinh học thuộc lòng như vẹt. Đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên rất khó xoay xở vì vẫn phải bám sát SGK.
Mặc dù bộ tuyên bố không coi SGK là “pháp lệnh” nữa, kêu gọi “nói không với đọc chép”... nhưng lại phát hành sách Chuẩn kiến thức - kỹ năng để làm “pháp lệnh” thay cho SGK, mọi sự vẫn nguyên như cũ.
Cơ chế này cần được tháo gỡ bằng cách giảm bớt những chỉ tiêu, quyết định của cấp trên áp đặt cho cấp dưới; trao quyền tự chủ và tự quyết định cho những người trực tiếp làm việc ở cơ sở mà quan trọng nhất là giáo viên.
Tránh lẫn lộn chức năng
Việc Đảng dự kiến “sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” cho thấy tính cấp bách của vấn đề.
Chương trình học hiện hành (sản phẩm của cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vừa mới hoàn thành) có rất nhiều thiếu sót và nhược điểm đã bị xã hội phê phán: quá tải đối với học sinh nhưng lại kém hiệu lực, nặng tính hàn lâm khoa cử mà nhẹ tính thực hành, thiếu gắn kết và ứng dụng vào đời sống...
Các thiếu sót và nhược điểm đó đều có chung một nguyên nhân: chương trình được xây dựng thiếu cơ sở khoa học. Chương trình của mỗi môn học được giao cho các chuyên gia của môn học đó soạn thảo mà thiếu sự chủ trì của các nhà giáo dục chuyên ngành phát triển chương trình học.
Bởi thế, các nguyên lý của ngành khoa học này không được áp dụng trong việc xây dựng chương trình học đó, nên mọi mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đều bị bỏ qua.
Bên cạnh đó còn có sự lẫn lộn về chức năng giữa chương trình học với SGK. Quán triệt triết lý và các nguyên lý giáo dục, chương trình học vạch rõ tôn chỉ của nền giáo dục, mục đích của từng cấp học và mục tiêu của từng môn học. Từ đó, chương trình quy định nội dung các môn học (với tổng thời gian dành cho nó), chỉ dẫn các phương pháp dạy học và cách thức đánh giá trình độ học sinh.
Chương trình học chính là văn kiện pháp lý để cung cấp cho giáo viên thực hiện, để quản lý giáo dục và tổ chức thi cử. Tuy nhiên, ở nước ta chương trình học chỉ được dùng làm đề cương biên soạn SGK, rồi trao luôn chức năng của chương trình học cho SGK khi nó được coi là “pháp lệnh”.
Sự lẫn lộn này rất tai hại vì nó ràng buộc giáo viên vào một cuốn SGK duy nhất, mà lẽ ra họ chỉ phải thực hiện đúng chương trình, còn sử dụng SGK nào thuộc về quyền lựa chọn của họ.
Tiến sĩ giáo dục LÊ VINH QUỐC      (Nguồn Tuoitre online: http://tuoitre.vn/Giao-duc/407010/Tim-cach-%E2%80%9Cgo%E2%80%9D-tu-goc.html)

Vẫn là một phong cách đẳng cấp

Theo VNN từ 1/10, tiến sĩ Ng Eng Hen - Bộ trưởng Giáo dục Singapore tham gia vào thế giới blog. Trong 20 ngày, ông đã đưa lên 8 entry, và entry sau cùng đăng vào 20/10. Ngay trên cùng của trang blog, là dòng chữ lớn “Những phản ánh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục” và bên phải trang là những bức ảnh của ông tươi cười, thân thiện với học sinh. Các entry của Bộ trưởng Giáo dục Singapore xoay quanh chủ đề: Nhà trường, giáo dục đại học, giáo viên và cộng đồng.

Trang đầu blog của Bộ trưởng Giáo dục Singapore
Trong các entry TS Ng Eng Hen cho hay, ông tận dụng mọi cơ hội để đến thăm các ngôi trường. Trong entry thứ 4, lần thăm Trường Trung học Jurong West trong nước, TS. Ng Eng Hen cho biết, ông muốn ghé thăm các trường học để biết được các hoạt động của giáo viên và học sinh, cũng như tìm hiểu xem các chính sách của Bộ tác động đến họ như thế nào và họ đang cần sự hỗ trợ gì từ Bộ.

Nói về các giá trị trong nhà trường, và dẫn giải cho việc quyết định đưa ra "Quyền Công dân và Giáo dục Tính cách" (CCE) của Bộ Giáo dục. Theo ông, CCE có thể là giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục quốc gia, tình cảm xã hội trong học tập và các dự án tham gia của cộng đồng.

Cốt lõi của vấn đề này là các giá trị nuôi dưỡng tính cách một cách tích cực và cam kết quyền công dân. Hiệu trưởng sẽ giúp giáo viên tận dụng tối đa các khoảnh khắc có thể dạy dỗ học sinh.

"CCE cũng không thể thay thế vai trò của các bậc phụ huynh. Khi ở nhà, cha mẹ chính là người chịu trách nhiệm truyền tải các giá trị sống cho con em mình. Điều này thực sự sẽ giúp con em chúng ta vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn" - Bộ trưởng Giáo dục Singapore kết luận. (nguồn VNN)


Từ suy nghĩ đến hành động vẫn là một phong cách có đẳng cấp.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Cổng làng

Một cổng làng bỏ hoang trên bờ đê sông Đuống
Họa sĩ Quách Đông Phương làm một việc đáng nể là đã chụp được hơn 700 bức ảnh về những cổng làng, cổng đình, cổng ngõ, cổng nhà cổ ở các làng quê Việt Nam, chụp để lưu giữ hồn quê, để biết yêu quê hương từ những gì thật bình thường giản dị và quen thuộc hàng ngày.
 Nhìn những chiếc cổng cổ kính rêu phong cái còn cái mất, cái hoang tàn trơ trọi trên đê sông  thấy chạnh lòng. Nói như nhà văn Tô Hoài: “Chỉ là cái cổng nhưng nghĩ kỹ ra lại là nét đẹp của phong tục, của truyền thống...”. Vâng, chỉ là cái cổng thôi nhưng nó chất chứa cả một thế giới tâm linh đất lề quê thói của mỗi vùng đất... Nhìn cái cổng làng cổng ngõ với bao dấu vết thời gian trên đó, người ta sẽ tự hỏi nó đã từng chứng kiến bao nhiêu dâu bể cuộc sống. Những ai đã từng đi qua cánh cổng này, những mối tình trai gái nào e ấp qua cánh cổng kia, những người mẹ, người vợ nào tựa cửa đợi con, đợi chồng, những đứa trẻ nào ngày xưa đánh đáo, bắn bi, chơi ô ăn quan dưới tán đa bên cổng làng … Tất cả những con người ấy bây giờ ở đâu? Càng nghĩ, càng thấy thương, thấy nhớ và tiếc nuối cho một thời đã qua không bao giờ trở lại.
Và trong số những chiếc cổng làng của hoạ sĩ họ Quách tôi cảm thương nhiều hơn cho chiếc cổng làng hoang tàn trên đê sông Đuống ... một phế tích sừng sững, cô quạnh mà trên mình là lau lách đè nặng và trên đầu là bóng cả của không gian lẫn thời gian ...

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Kinh hoàng Boxite

Liệu kịch bản này của Hungary có lặp lại ở Tây nguyên?





































Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Nói không với "nói không"!

Nói không thì dễ ợt ...
Mô hình “Nói không với x,y,z …” nở rộ chưa từng thấy. Dường như người ta tin rằng cứ phát động “nói không” với một thói hư tật xấu nào đó là mọi thứ đâu sẽ vào đấy và xã hội sẽ trở nên tốt đẹp. Thế nên nhà nhà nói không, ngành ngành nói không. Không tin thử vào google gõ hai chữ nói không mà xem!

Ngành giáo dục sau bao năm thả diều bắt bướm bèn phát động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”, nay thấy các cháu uỵch nhau quá lại phát thêm “Nói không với bạo lực học đường”. Hội Phụ nữ thấy chị em ta bị bọn phàm phu tục tử đối xử thô lỗ bèn tuyên bố: “Nói không với nạn bạo hành gia đình”. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì có: “Nói không với phòng nhanh vượt ẩu”, “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”. Ngành Y tế thì: “Nói không với thuốc lá”, “Nói không với ma túy”, “Nói không với rau bẩn”, “Nói không với tôm bơm tạp chất”. Bên môi trường thì “Nói không với túi nilông”, nhà nước thì “Nói không với tham nhũng”...

Thế nhưng ai cũng biết nói thì dễ làm mới khó. Vậy nên, mùa thi cử đến chuyện chạy chọt vẫn diễn ra đều đều; rồi thuốc lá, ma túy vẫn bày bán công khai; bia rượu thì doanh số tăng vọt, người say vẫn liêu xiêu đầy đường lớn, đường nhỏ; còn các ông chồng thì vẫn tiếp tục say xỉn và làm bá chủ giang sơn gia đình, và tham nhũng... thì khỏi nói, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc…

Vậy là bao nhiêu phong trào nói không ra đời, ngốn bao tiền của công sức mà vẫn chỉ là nói không!

Thôi thì đành chờ ai đó phát động phong trào "Nói không với nạn nói không" (nói mà không làm) vậy! Nhưng lại e rằng phong trào này cũng chỉ là nói suông thì sao? 
Hơn nữa nói không với một thói xấu hay một tội ác nào đó, suy cho cùng cũng mới chỉ là việc quay lưng, thờ ơ với nó. Trong một xã hội đầy những cái ác cái xấu thì liệu hành động đó đã đủ hay chưa?

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Không lời

...chuối ba hương, xôi nếp ngọt, đường mía lau ... vất vưỡng lề đường (?)

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

May mà còn cặp loa

Alô ... Alô... bà con yên tâm, còn loa là còn tất cả!
Trận lũ lịch sử nhấn chìm cả một khúc ruột miền Trung đau thương. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò và cả con người, tất cả đều chìm sâu trong biển nước. Nhưng... may thay … vẫn còn … cặp loa.

Alô, alô, bà con yên tâm, bà con yên tâm, còn loa là còn tất cả...

Ban phát hay cứu trợ?

Ban phát hay cứu trợ?
Hình ảnh một đức ông trung niên béo tốt phương phi, đeo kính mát, áo quần phẳng phiu, cổ đeo máy ảnh, đứng xõng lưng trên ghe đưa túi quà cứu trợ (chắc cũng chỉ mấy gói mì tôm loại bèo nhất) cho một người đàn ông ôm tấm ván lội lóp ngóp dưới dòng nước lũ đục ngầu, phía sau lưng là túp lều tranh điêu tàn, xiêu vẹo đã ngập chìm trong nước lũ. Do đứng xõng lưng nên cái tay người cầm quà đưa cao quá tầm người nhận.

Nhìn hình ảnh người đàn ông dưới nước cố với tay để lấy được gói quà từ bàn tay ban phát trên cao mà giận sôi máu! Tại sao thằng cha khỉ gió này không ngồi hẳn xuống sạp ghe để gói quà gần tay người bị nạn hơn. Hắn sợ ngồi xuống thì nhăn li quần? Sợ bẩn quần áo? Hay hắn đang tạo dáng cho người phụ nữ ngồi phía sau giơ điện thoại đi động chụp ảnh, phục vụ cho ý đồ nào đó? Liên tục nhiều bức ảnh trên một trang blog cho thấy tư thế của cha nội này đều như vậy.

Đây hoàn toàn là sự ban phát chứ không phải cứu trợ!

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Bớt vui

Thế là đại lễ bớt vui bởi những đau thương mất mát xảy ra liên tục trong những ngày qua, nào là lũ lụt miền Trung làm chết, mất tich, bị thương gần trăm mạng người rồi đến vụ nổ kho pháo hoa chuẩn bị mừng đại lễ ở Hà Nội cũng làm chết thêm mấy người nữa, trong đó có cả mấy người nước ngoài.
Vui làm sao được khi nhìn cảnh người dân miền lũ đói rét, tang thương, con mất cha, vợ mất chồng, tài sản ky cóp cả đời cuốn theo dòng nước, những cặp mắt thất thần của người già, những đám trẻ co ro trong đói lạnh …

Đôi khi thầm trách sao cụ Lý Thái Tổ không phù hộ cho con cháu? Nhớ ngày cụ từ Hoa Lư về Thăng Long mở mang bờ cõi xây nền tự chủ, tính kế lâu dài, nên cháu con làm đại lễ, sao cụ nỡ hững hờ ghẻ lạnh? Nhưng tại cụ hay tại lũ con cháu chúng ta? Người xưa bảo “Thiên nhân tương ứng”, phải chăng chúng ta đang có gì sai trái với tổ tiên?

Một tin vừa nghe rất đáng hoan nghênh là thường trực Thành ủy Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa ở toàn bộ 29 điểm tối chủ nhật này để dành tiền gửi cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Quyết định này của Thành uỷ Hà Nội có thể làm một số người hụt hẫng và cũng có thể làm Hà Nội bớt đi vẻ tưng bừng rực rỡ của lễ hội, bớt đi một chút vui. Nhưng chắc chắn sẽ làm rất, rất nhiều người Việt Nam yên lòng. Và có lẽ cả cụ Lý Thái Tổ nữa...

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

"Giảm tải" và "Tích hợp"

Cố lên, Bộ đã "giảm tải", chỉ còn "tích hợp" thôi !
Bộ giáo dục thì luôn bảo sẽ giảm tải chương trình để giảm áp lực cho học sinh lẫn giáo viên. Nhưng thực chất thì thế nào?

1. Chương trình học trước đây từ 33 tuần lên 35 tuần, nay tăng lên 37 tuần. Thế là ngày xưa các cháu nhập học vào tháng 9 thì nay các cháu phải đi học từ tháng 8. Ngày xưa thầy trò có 3 tháng hè, nay chỉ còn 2 tháng, mất đứt một tháng (Đau xót nên cứ luôn mồm than thở “ai chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Bộ chứ ai mà còn phải hỏi?). Thế mà nếu có ai cắc cớ hỏi “Răng như rứa?”, thì chắc chắn Bộ sẽ điềm nhiên trả lời rằng giãn thời gian học cũng là một cách giảm tải chương trình cho các cháu. Vâng, về nguyên tắc thì đúng là thế, nhưng xét cho kỹ bản chất của nó thì không thế. Cũng giống như việc bắt một đứa bé uống một thìa muối. Mặn chát làm sao uống? Giải pháp là pha thêm nước để giảm độ mặn cho dễ uống. Nghe rất hợp lý, nhưng thử hỏi lượng muối vào cơ thể có giảm đi hay vẫn thế, và với lượng muối đó thì có hại gì cho đứa trẻ không? Thế nên cách giải thich của Bộ tưởng chừng hợp lý nhưng thực ra lại đầy chất nguỵ biện. Đúng như ông bà ta từng nói: “Lưỡi không xương ... À, không, miệng nhà quan ...”.

2. Rồi Bộ Giáo dục lại bảo giảm tải bằng cách đưa ra chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng đơn vị bài học để thầy cô căn cứ vào mức độ, yêu cầu tối thiểu đó mà dạy, không nâng cao quá khiến học sinh quá tải, cũng không hạ thấp khiến học sinh thiếu tải... Ấy thế mà, ngày xưa học môn nào là chỉ tập trung vào kiến thức môn đó, nay thì mỗi môn học lại phải gánh thêm đủ thứ trên đời, cái mà Bộ gọi là "tích hợp" hay 'lồng ghép", nào là phòng chống HIV-AIDS, An toàn giao thông, phòng chống ma tuý-tội phạm, rồi còn thêm giáo dục về đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, rồi giáo dục sức khoẻ giới tính, cộng thêm chương trình địa phương… Mới đây lại còn gánh thêm phần giáo dục kỹ năng sống nữa. Ô hô ... thế là ... chị ơi rụng bông hoa gạo ... Bộ chỉ cần vận dụng nội hàm của mấy mỹ từ “tích hợp”, "lồng ghép" thế là thầy và trò gánh è cổ. Không hiểu với 45 phút trên lớp của một tiết học thì thầy và trò sẽ làm thế nào để tích hợp và tiêu hoá tất cả những thứ hầm bà lằng đó? Và nếu có làm được thì bài học chắc sẽ như cái lẩu thập cẩm thôi?
Nếu có ai lại cắc cớ mà hỏi: Làm thế nào? Có quá tải không? Chắc chắn Bộ sẽ trả lời rằng quá tải hay không quá tải là tuỳ thuộc vào tài năng của người thầy. Vâng, chắc chắn là thế. Bộ cứ căng dây, thầy và trò sẽ cố gắng tập đi trên dây. Anh nào không có tài thì rớt, ráng chịu. Thế thôi ...

3. Tại sao như rứa? Xin thưa, mọi hình thức giảm tải hay tích hợp của Bộ đưa ra chỉ là biện pháp chữa cháy thôi, chữa cháy cho cái sản phẩm lôi thôi, đầy sạn của mình. Mà phàm đã là cách chữa cháy thì làm gì có tầm nhìn chiến lược lâu dài, thậm chí có khi còn sai lầm nữa. Giáo dục của ta cũng giống như một căn nhà hẹp, nay lại thêm người, nhưng không thể làm nhà khác to hơn nên đành phải cơi  nới đầu này đầu nọ, nay cái chái, mai cái bếp, ngày nọ cái gác, ngày kia cái hiên … cuối cùng cái nhà nhìn chẳng giống ai. Chương trình học của ta cũng vậy, khi vừa đưa ra đã có dấu hiệu lạc hậu và thiếu trước hụt sau, cái cần thì không có, cái có lại không cần, thế là đành “điều chỉnh” bằng cách nhét chỗ này một chút, nhét chỗ kia một chút. Nếu có ai cắc cớ hỏi sao dám nói về nền giáo dục "lâu đời và ưu việt" của ta như thế, thì xin thưa: hãy đọc thông điệp giáo dục thế kỷ XXI của Unesco thì thấy giáo dục mình thiếu hụt thế nào ngay ấy mà!

Thông điệp của Unesco là: “Học để biết, học để làm, học để thành người và học để cùng chung sống”. Vậy xin hỏi: “Nền giáo dục ta đang dạy các em học để làm gì?”.

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Khai hội ngàn năm vẫn là áo dài

Lại áo dài và chân dài
Tôi không phải người Hà Nội nhưng vẫn thấy vẻ đẹp của Hà Nội là vẻ đẹp cổ kính của những Tháp Rùa-Hồ Gươm, Văn Miếu-Quốc tử giám, Ô Quan Chưởng, Nhà thờ lớn Hà Nội.., của những con đường không quá rộng, cũng không quá ồn ào nhưng rợp bóng cây xanh và râm ran tiếng ve trong những trưa hè, là vẻ quyến rũ đến say đắm của những buổi sớm mùa thu sương giăng lãng đãng mặt hồ và hương hoa nồng nồng, ngai ngái trên các nẻo đường, góc phố. Và sức hấp dẫn của Hà Nội cũng là sức hấp dẫn của sự tiềm ẩn bên trong, tích tụ suốt chiều dài lịch sử ngàn năm dựng nước. Sức mạnh đó thâm trầm, uy nghiêm chứ không phô phang ồn ào hào nhoáng bên ngoài như Sài Gòn. Cũng vì thế mà tôi lại thấy những bức ảnh đen trắng về Hà Nội bao giờ cũng đẹp hơn những bức ảnh màu rực rỡ, bởi nó thể hiện được vẻ sâu lắng của vùng đất kinh kỳ mà hồn thiêng sông núi, dân tộc đã bao đời hội tụ. Yêu Hà Nội thế nên nếu có ai hỏi điểm du lịch nào ý nghĩa nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Hà Nội”, dẫu rằng tôi đã ra Hà Nội lắm lần, lần nào cũng bằng một niềm háo hức mới mẻ của buổi ban đầu, nhưng mỗi khi trở về đều xót xa cảm nhận rằng cái tình người Hà Nội đang ngày càng phai nhạt...


Càng yêu Hà Nội lại càng thấy đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội có cái gì đó chưa ổn, vì nó chưa làm bật được tầm vóc, thần thái của Hà Nội ngàn năm văn vật. Đêm khai hội lại vẫn là màn trình diễn các loại áo dài của các cô gái chân dài trên cầu Thê Húc giữa Hồ Gươm, từ áo dài truyền thống đến tân thời, cách điệu, từ kín đáo đến hơ hở… Rồi ở vườn hoa Lý Thái Tổ là những tiết mục múa quạt, múa trống kết hợp với nhạc cụ các dân tộc, rồi lại múa lân-sư-rồng … Vẫn là những hình ảnh hết sức quen thuộc mà người ta có thể tìm thấy ở bất kỳ lễ hội nào, ở bất kỳ địa phương nào, đâu cứ phải chờ đến đại lễ ngàn năm!

Xem trực tiếp truyền hình đêm khai hội thấy chưa vui và thoả lòng. Nhưng thôi, mới chỉ là đêm đầu tiên trong lịch trình mười ngày lễ hội. Hãy chờ xem và hy vọng sẽ có những màn trình diễn tân kỳ, độc đáo, xứng tầm lịch sử, thể hiện nội lực của ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.