Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

"Giảm tải" và "Tích hợp"

Cố lên, Bộ đã "giảm tải", chỉ còn "tích hợp" thôi !
Bộ giáo dục thì luôn bảo sẽ giảm tải chương trình để giảm áp lực cho học sinh lẫn giáo viên. Nhưng thực chất thì thế nào?

1. Chương trình học trước đây từ 33 tuần lên 35 tuần, nay tăng lên 37 tuần. Thế là ngày xưa các cháu nhập học vào tháng 9 thì nay các cháu phải đi học từ tháng 8. Ngày xưa thầy trò có 3 tháng hè, nay chỉ còn 2 tháng, mất đứt một tháng (Đau xót nên cứ luôn mồm than thở “ai chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Bộ chứ ai mà còn phải hỏi?). Thế mà nếu có ai cắc cớ hỏi “Răng như rứa?”, thì chắc chắn Bộ sẽ điềm nhiên trả lời rằng giãn thời gian học cũng là một cách giảm tải chương trình cho các cháu. Vâng, về nguyên tắc thì đúng là thế, nhưng xét cho kỹ bản chất của nó thì không thế. Cũng giống như việc bắt một đứa bé uống một thìa muối. Mặn chát làm sao uống? Giải pháp là pha thêm nước để giảm độ mặn cho dễ uống. Nghe rất hợp lý, nhưng thử hỏi lượng muối vào cơ thể có giảm đi hay vẫn thế, và với lượng muối đó thì có hại gì cho đứa trẻ không? Thế nên cách giải thich của Bộ tưởng chừng hợp lý nhưng thực ra lại đầy chất nguỵ biện. Đúng như ông bà ta từng nói: “Lưỡi không xương ... À, không, miệng nhà quan ...”.

2. Rồi Bộ Giáo dục lại bảo giảm tải bằng cách đưa ra chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng đơn vị bài học để thầy cô căn cứ vào mức độ, yêu cầu tối thiểu đó mà dạy, không nâng cao quá khiến học sinh quá tải, cũng không hạ thấp khiến học sinh thiếu tải... Ấy thế mà, ngày xưa học môn nào là chỉ tập trung vào kiến thức môn đó, nay thì mỗi môn học lại phải gánh thêm đủ thứ trên đời, cái mà Bộ gọi là "tích hợp" hay 'lồng ghép", nào là phòng chống HIV-AIDS, An toàn giao thông, phòng chống ma tuý-tội phạm, rồi còn thêm giáo dục về đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, rồi giáo dục sức khoẻ giới tính, cộng thêm chương trình địa phương… Mới đây lại còn gánh thêm phần giáo dục kỹ năng sống nữa. Ô hô ... thế là ... chị ơi rụng bông hoa gạo ... Bộ chỉ cần vận dụng nội hàm của mấy mỹ từ “tích hợp”, "lồng ghép" thế là thầy và trò gánh è cổ. Không hiểu với 45 phút trên lớp của một tiết học thì thầy và trò sẽ làm thế nào để tích hợp và tiêu hoá tất cả những thứ hầm bà lằng đó? Và nếu có làm được thì bài học chắc sẽ như cái lẩu thập cẩm thôi?
Nếu có ai lại cắc cớ mà hỏi: Làm thế nào? Có quá tải không? Chắc chắn Bộ sẽ trả lời rằng quá tải hay không quá tải là tuỳ thuộc vào tài năng của người thầy. Vâng, chắc chắn là thế. Bộ cứ căng dây, thầy và trò sẽ cố gắng tập đi trên dây. Anh nào không có tài thì rớt, ráng chịu. Thế thôi ...

3. Tại sao như rứa? Xin thưa, mọi hình thức giảm tải hay tích hợp của Bộ đưa ra chỉ là biện pháp chữa cháy thôi, chữa cháy cho cái sản phẩm lôi thôi, đầy sạn của mình. Mà phàm đã là cách chữa cháy thì làm gì có tầm nhìn chiến lược lâu dài, thậm chí có khi còn sai lầm nữa. Giáo dục của ta cũng giống như một căn nhà hẹp, nay lại thêm người, nhưng không thể làm nhà khác to hơn nên đành phải cơi  nới đầu này đầu nọ, nay cái chái, mai cái bếp, ngày nọ cái gác, ngày kia cái hiên … cuối cùng cái nhà nhìn chẳng giống ai. Chương trình học của ta cũng vậy, khi vừa đưa ra đã có dấu hiệu lạc hậu và thiếu trước hụt sau, cái cần thì không có, cái có lại không cần, thế là đành “điều chỉnh” bằng cách nhét chỗ này một chút, nhét chỗ kia một chút. Nếu có ai cắc cớ hỏi sao dám nói về nền giáo dục "lâu đời và ưu việt" của ta như thế, thì xin thưa: hãy đọc thông điệp giáo dục thế kỷ XXI của Unesco thì thấy giáo dục mình thiếu hụt thế nào ngay ấy mà!

Thông điệp của Unesco là: “Học để biết, học để làm, học để thành người và học để cùng chung sống”. Vậy xin hỏi: “Nền giáo dục ta đang dạy các em học để làm gì?”.