Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Tìm cách “gỡ” từ gốc

TT - Toàn dân đang mong mỏi một cuộc cải cách giáo dục thành công để nước ta có một nền giáo dục “trung thực, lành mạnh và hiện đại”, như ý kiến rất xác đáng của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Muốn vậy cuộc cải cách sắp tới phải khắc phục được những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước ta lạc hậu, thiếu trung thực và kém lành mạnh.
Bớt áp đặt
Phụ huynh chầu chực xin cho con được đi học
Cơ chế quản lý điều hành giáo dục hiện nay vẫn nặng tính chất quan liêu bao cấp. Mọi việc được quyết định ở cấp trên, được chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính hay phong trào. Cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành. Khi cấp trên muốn đạt chỉ tiêu cao nhất, cấp dưới phải cố đạt 100% hoặc xấp xỉ tỉ lệ đó, bất kể hoàn cảnh và điều kiện như thế nào.
Chính những áp lực do cơ chế này tạo ra đã dẫn tới “bệnh thành tích”, thể hiện rõ qua hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, “bằng thật học giả” và kết quả cao chót vót của các kỳ thi. Cơ chế quản lý điều hành đã làm nền giáo dục trở nên thiếu trung thực.
Khi “bệnh thành tích” kết hợp với nạn tham nhũng và tiêu cực, giá trị đích thực của giáo dục càng bị tổn hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cơ chế này tạo nên sự độc quyền cung cấp học vấn theo lối áp đặt từ trên xuống. Cả nước áp dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD-ĐT ban hành. Giáo viên chỉ được sử dụng cuốn SGK duy nhất đó để giảng dạy theo chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”.
Sự chỉ đạo này biến giáo viên thành công cụ thuyết minh SGK, hạn chế mọi khả năng sáng tạo của họ, dẫn tới tình trạng “thầy đọc trò chép” để học sinh học thuộc lòng như vẹt. Đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên rất khó xoay xở vì vẫn phải bám sát SGK.
Mặc dù bộ tuyên bố không coi SGK là “pháp lệnh” nữa, kêu gọi “nói không với đọc chép”... nhưng lại phát hành sách Chuẩn kiến thức - kỹ năng để làm “pháp lệnh” thay cho SGK, mọi sự vẫn nguyên như cũ.
Cơ chế này cần được tháo gỡ bằng cách giảm bớt những chỉ tiêu, quyết định của cấp trên áp đặt cho cấp dưới; trao quyền tự chủ và tự quyết định cho những người trực tiếp làm việc ở cơ sở mà quan trọng nhất là giáo viên.
Tránh lẫn lộn chức năng
Việc Đảng dự kiến “sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” cho thấy tính cấp bách của vấn đề.
Chương trình học hiện hành (sản phẩm của cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vừa mới hoàn thành) có rất nhiều thiếu sót và nhược điểm đã bị xã hội phê phán: quá tải đối với học sinh nhưng lại kém hiệu lực, nặng tính hàn lâm khoa cử mà nhẹ tính thực hành, thiếu gắn kết và ứng dụng vào đời sống...
Các thiếu sót và nhược điểm đó đều có chung một nguyên nhân: chương trình được xây dựng thiếu cơ sở khoa học. Chương trình của mỗi môn học được giao cho các chuyên gia của môn học đó soạn thảo mà thiếu sự chủ trì của các nhà giáo dục chuyên ngành phát triển chương trình học.
Bởi thế, các nguyên lý của ngành khoa học này không được áp dụng trong việc xây dựng chương trình học đó, nên mọi mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đều bị bỏ qua.
Bên cạnh đó còn có sự lẫn lộn về chức năng giữa chương trình học với SGK. Quán triệt triết lý và các nguyên lý giáo dục, chương trình học vạch rõ tôn chỉ của nền giáo dục, mục đích của từng cấp học và mục tiêu của từng môn học. Từ đó, chương trình quy định nội dung các môn học (với tổng thời gian dành cho nó), chỉ dẫn các phương pháp dạy học và cách thức đánh giá trình độ học sinh.
Chương trình học chính là văn kiện pháp lý để cung cấp cho giáo viên thực hiện, để quản lý giáo dục và tổ chức thi cử. Tuy nhiên, ở nước ta chương trình học chỉ được dùng làm đề cương biên soạn SGK, rồi trao luôn chức năng của chương trình học cho SGK khi nó được coi là “pháp lệnh”.
Sự lẫn lộn này rất tai hại vì nó ràng buộc giáo viên vào một cuốn SGK duy nhất, mà lẽ ra họ chỉ phải thực hiện đúng chương trình, còn sử dụng SGK nào thuộc về quyền lựa chọn của họ.
Tiến sĩ giáo dục LÊ VINH QUỐC      (Nguồn Tuoitre online: http://tuoitre.vn/Giao-duc/407010/Tim-cach-%E2%80%9Cgo%E2%80%9D-tu-goc.html)