Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Hèn tiểu nhân

Ngày xưa, thế kỷ XIV, khi thấy vua Dụ Tông ăn chơi vô độ, nghiêng ngả theo những kẻ nịnh thần, bỏ bê triều chính để việc nước rối ren, Chu Văn An bèn dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 nịnh thần để yên nước, vua Dụ Tông không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” lui về ở ẩn nơi Chí Linh, Hải Dương.
Thế kỷ XVI, danh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế, sau 8 năm làm quan, thấy triều đình lộn xộn, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về ở ẩn, lập Bạch Vân am, mở trường dạy học bên sông Hàn.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Thi cử

Ngày xưa, thời bọn mình đi thi tú tài là phải lên tuốt SG mà thi, đến ngày cả bọn dắt díu nhau tự đi thi, ngay cả việc khi bắt đầu học tân toán học, rồi thi trắc nghiệm IBM cũng chỉ được các thầy các cô giảng day bộ môn và GS hướng dẫn (bây giờ gọi là GVCN) chỉ bảo vài lần trong trường rồi cứ thế mà thi. Cả một kì thi tốt nghiệp phổ thông 12 năm mà cứ nhẹ như không, hầu như chẳng mấy ai có cha mẹ đưa đón ngoài cổng trường thi cả. Nhẹ, bởi chẳng có chỉ tiêu chỉ tiếc cho các nhà trường, chỉ có mỗi động lực là ai học thì đậu ai không học thì hỏng, mà hỏng thì đi lính, mà đi lính thời đó thì "một xanh cỏ, hai đỏ ngực" (chủ yếu là xanh cỏ). Rồi sau đó ai đậu thì lại tự mình về SG đăng ký thi hoặc ghi danh vào đại học. Cứ thế mà học, cứ thế mà thi, tất cả đều tự thân vận động cả.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Lương ôi là lương!

Đệ tử tui ra trường với tấm bằng Cử nhân đại học chính qui của một trường ĐH công lập thuộc Đại học quốc gia TpHCM, về làm việc ở một cơ quan nhà nước lãnh lương bậc 1/9, hệ số lương 2.34. Cuối tháng, sau khi trừ đủ thứ hầm bà lằng nào là BHXH, BHYT, quĩ tình nghĩa, tình thương, quĩ vì người nghèo, vì trẻ em … thì còn lại triệu rưỡi, đó là tính gộp cả tiền cơ quan cho thêm mấy trăm ngàn mỗi tháng, tính ra mới được khoảng 80 USD.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Treo cờ



Năm ngoái, anh bạn tôi may mắn được mấy người em bà con mời đi một chuyến Châu Âu và nhân tiện thăm gia đình người em ruột đang định cư ở Đan Mạch. Không nói chuyện văn minh hiện đại của Châu Âu như thế nào, chỉ nói chuyện anh và mấy người em bà con đến thăm gia đình người em ruột đang sống ở một vùng khá hẻo lánh ở phía bắc Đất nước Andersen và bia Carlsberg, một nơi rất hiếm người Việt sinh sống. Anh bạn kể:

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009




1.Một chú bé người Mỹ, chỉ được biết đến với cái tên Ben, mỗi cuối tuần vẫn chơi đàn ghita trên đường phố San Franciso với mục đích duy nhất: gây quỹ giúp đỡ trẻ em khuyết tật Iraq . “Mỗi chiếc xe lăn có giá 300 USD. Mục tiêu của tôi là có được 1 triệu USD để có thể giúp đỡ ít nhất 3.333 trẻ em” - cậu bé 11 tuổi chia sẻ trên trang web Iplayforpeace.net (Tôi chơi nhạc vì hoà bình) của mình. Kể từ tháng 2/2009 đến nay, Ben đã giúp chương trình "Xe lăn cho trẻ em Iraq" hơn 22.000 USD. Ben đã có đến 8 năm chơi đàn và từng gây quỹ được 500 USD ủng hộ nan nhân cơn bão Katrina. Ngoài sự ủng hộ của mẹ, Ben đang vận động bạn bè và người lớn khác tham gia giúp đỡ trẻ em Iraq. (theoTuổi trẻ online)

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Chuyện lẻ văn hoá

1. Văn hoá xưng hô: Hễ có chức có quyền là phải chứng tỏ điều đó, không chỉ phong cách làm việc, phong cách ăn chơi mà cả phong cách cư xử, gần nhất là cách xưng hô với thuộc cấp. Trước đây là đồng cấp, có thể tôi còn gần anh, nay có chức cao hơn là đã có cách biệt thì chuyện xưng hô cũng phải đổi thay. Thế nên mới có chuyện cấp trên gọi cấp dưới bằng mày, tụi bay và xưng tao. Thế mới oai, mới ra dáng, dù "thằng" cấp dưới lớn bé già trẻ thế nào đi nữa.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Hoan hô thể dục

4g23 sáng, chuông điện thoại báo thức reo. Bật dậy. Rửa mặt. Xúc miệng. Thay quần áo. Xỏ giầy. Đội mũ.
4g30, lão T khều hàng xóm gõ cành cạch vào cánh cổng. Mở cổng, bước ra đường, cũng là lúc ông bà cụ hàng xóm đi lễ vừa qua và chuông nhà thờ cũng gióng lên hồi chuông lễ nhất. Mùa này may là không có mùi hoa sữa ngai ngái, nồng nặc.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Bạn cũ

Hôm qua tình cờ mấy người bạn cũ gọi điện hẹn gặp nhau. Cả nhóm tìm một chỗ yên tĩnh ngồi uống bia và kể chuyện ngày xưa. Nhìn những mái đầu của những chàng trai U60 muối nhiều hơn tiêu cùng những gương mặt mệt mỏi, nhàu nhĩ vì thời gian và vì đủ thứ hệ luỵ của gia đình, cuộc sống, công việc … thấy mà thương quá! Ấy thế mà mỗi khi nhắc đến chuyện ngày xưa, cách nay đã hơn 30 năm, thì lại hừng hực "khí thế" và lại ôm đàn hát vang những bài hát của một thời khờ dại, vô tư nhưng cũng trong trẻo nhất, cái thời mà sau này có người bảo là thời của ngộ nhận - ngộ nhận về tất cả, kể cả chính bản thân mình - chứ không phải là giác ngộ!
Nhưng thôi có hề gì, miễn là ở góc tâm hồn của những chàng trai tóc hoa râm này vẫn còn một chút để lãng mạn, để vui chơi và tiếp tục sống là được rồi.

Giỗ em

Hôm nay (16/3 Âl) giỗ em, trưa nay đi làm về anh chỉ kịp thắp cho em mấy nén hương. Nhiều chuyện buồn và anh cảm thấy mệt mỏi quá, Hùng ơi!

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Obama

"Có ngày tôi là một thiên tài. Có ngày tôi cũng chẳng ra gì". Đó là lời vị tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá về bản thân mình trong một buổi gây quĩ ở Washington D.C. (Theo báo Tuổi trẻ cuối tuần).Có lẽ chẳng cần bình luận gì thêm, nhưng mình thấy thích câu nói thẳng thắn, không màu mè, không màu sắc lãnh tụ này.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Một mình

Lâu lâu đọc lại Nguyễn Bính lại thấy Cụ hay, tài tình và sáng tạo quá! Chỉ vài câu, vài chữ là đã có thể trang trải đến tận cùng cái cô đơn của người nghệ sĩ. Cô đơn đến chua xót, đau đớn... Thích quá nên xin trích lại để thỉnh thoảng một mình nhắm nháp chơi:


Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
(Những bóng người trên sân ga)


Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Năm này, ồ, thế mà vui nhỉ
Những một mình em uống rượu nồng
(Xuân tha hương)


Người có đôi ta rất một mình
Phong trần đâu dám mắt ai xanh
Đêm nay giăng rụng về bên ấy
Gác trọ còn nguyên gió thất tình
(Một mình)

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Chuyện lẻ giáo dục

1. Mấy hôm nay nghe nói sắp tới Hiệu trưởng các trường có quyền quyết định chọn lựa bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy trong nhà trường cho phù hợp. Ôi mừng quá! Thế là cái thời bao cấp đã qua? Thế nhưng khổ nỗi đến bao giờ mới thành sự thật? Lão hàng xóm đang ngồi hè bên, quạt giấy phành phạch vì cúp điện, bỗng chõ mồm qua: “Này, còn lâu, vì phải chờ các cụ nghị gật gù lên xuống theo nhịp của ông chủ tịch Quốc lủi đã chứ. Chớ vội mừng! He, he”.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Tản mạn gánh hàng rong

Tôi nhớ ngày xưa, vào những buổi chiều mưa dầm lạnh lẽo, thỉnh thoảng, mẹ tôi lại "đãi" anh em chúng tôi một bữa cơm chan nước phở. Một gánh phở rong hồng bếp lửa thơm nồng mùi hồi, mùi hành ngò; béo ngậy mùi xương hầm ghé vào mái hiên của những bà mẹ nghèo, trong một xóm nghèo là cả một niềm vui đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.