1. Văn hoá xưng hô: Hễ có chức có quyền là phải chứng tỏ điều đó, không chỉ phong cách làm việc, phong cách ăn chơi mà cả phong cách cư xử, gần nhất là cách xưng hô với thuộc cấp. Trước đây là đồng cấp, có thể tôi còn gần anh, nay có chức cao hơn là đã có cách biệt thì chuyện xưng hô cũng phải đổi thay. Thế nên mới có chuyện cấp trên gọi cấp dưới bằng mày, tụi bay và xưng tao. Thế mới oai, mới ra dáng, dù "thằng" cấp dưới lớn bé già trẻ thế nào đi nữa.
Sáng qua, có chuyện ghé văn phòng người bạn, trong khi ngồi chờ, thấy một vị mặt to, bụng phệ oang oang với bạn tôi: “Mày kêu thằng L lên đây cho tao!”. Lát sau, thằng L lót tót chạy lên. Trời ơi, thằng L là một ông anh hơn 50 tuổi, chắc chắn ra đời trước cái ông xếp vừa gọi cả chục năm là ít! Tôi nói nhỏ với bạn mình: “Sao xếp cậu xưng hô với anh L kỳ thế!”. Bạn tôi tỉnh bơ: “Kệ, ai biểu chả làm cấp dưới thì ráng chịu!”. Tôi nghe mà xụi lơ.
2. Văn hóa Hà lội: Sở dĩ gọi thế để không oan uổng cho người Hà Nội chính gốc vốn dịu dàng, thanh lịch từ xưa đến nay. Và cũng không gọi là văn hoá Tràng An, vì tội cho người Tràng An, Ninh Bình vốn là đất cố đô Hoa Lư xưa kia (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An mà!). Mà người Ninh Bình giờ vẫn hiền hoà, dễ thương lắm chứ không dữ dội như người Hà Lội hôm nay đâu.
Người Hà Lội nay đi xem bóng đá thì ném đầu chó xuống sân sỉ nhục đội bạn. Xem hội hoa xuân thì cả người già lẫn người trẻ thi nhau cướp lồng chim, phá nát hội hoa. Đi xem Anh đào thì vặt trụi hoa, đến nỗi năm nay nhà chức trách phải huy động đến 500 cảnh sát để bảo vệ 6 cây hoa Anh đào chở từ xứ Phù tang qua (Theo báo Tuổi trẻ ngày 11/4/2009). Rồi những thương hiệu Phở quát, Bún chửi mà có người coi như là một nét văn hoá của Hà thành! Thật hết biết! Không hiểu các cụ Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, những cư dân của đất kinh thành văn vật xưa kia nghĩ gì về một số người đang sống trên mảnh đất này và đang tự nhận mình là cư dân Hà …lội nhỉ?
3. Văn hóa điện thoại: (ĐM thay Alô)
- Reng … Reng … Reng …
- Alô …
- ĐM thằng A hả ?
- … Dạ, không.
- ĐM, A mặt trận phải không?
- … Dạ, không.
- ĐM, dzậy cũng nghe máy!
- …
4. Văn hoá thiệp cưới: Dạo này hay bị giật mình khi nhận thiệp cưới quá. Tuần trước, về nhà, nhận thiệp cưới con đưa, hết hồn vì chẳng biết của ai. Từ tên cô dâu chú rể đến tên hai bên thông gia cũng đều lạ hươ lạ hoắc. Thắc mắc hoài, cứ sợ trí nhớ mình có vấn đề đến độ quên cả anh em bè bạn thì tội chết. Mãi sáng kia, nhân vợ sai đi chợ mua bó rau, gặp người bạn tình cờ kể chuyện mới biết đó là thiệp cưới của con cô B, một người mình đã từng gặp trong chuyến tham quan Tây Nguyên trên cùng một chuyến xe. Thú thật, người mà đến bây giờ mình cũng không còn nhớ mặt. Khổ thế, tuy không quen, nhưng chị đã có lời mời thì dù không đi được cũng phải gởi thiệp mừng cho con cháu chứ. Thế là …
Ngày nay, người có đám vui coi bộ cũng nhàn nhã hơn, bởi người ta không cần phải đi đến tận nơi, gặp tận mặt để gửi thiệp mà chỉ cần gửi qua … đường công văn. Tháng trước, chị văn thư bước vào phòng làm việc hô lên: “Nhận công văn!”, và anh em trong phòng mỗi người được phát một thiệp mời dự đám cưới con một ông phó phòng trên Sở. Lạ là ông phó phòng này nhà ở ngay đây, ngày nào đi đường cũng gặp và ông cũng chẳng biết mình là anh tép riu nào. Ấy thế mà lại được ông mời đi ăn cưới. Vậy mới oách chứ. Cả phòng sung sướng, tự hào đến ủ ê, tê tái. Đau nhất là hôm cả đám lếch thếch dắt nhau đi dự lễ cưới thì lại không có chỗ ngồi, vì số khách ông mời dự phòng đông quá! Cả bọn đành nối đuôi nhau vào gửi phong bì và ra về.
Buồn tình nên rủ nhau ghé vào No1 làm mỗi anh một cốc bia tươi, chứ chả lẽ mang tiếng đi đám cưới mà lại không có mùi bia thì ăn nói sao với vợ con. Quê độ nên bia uống đắng ngắt !