Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Chuyện lẻ giáo dục

1. Mấy hôm nay nghe nói sắp tới Hiệu trưởng các trường có quyền quyết định chọn lựa bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy trong nhà trường cho phù hợp. Ôi mừng quá! Thế là cái thời bao cấp đã qua? Thế nhưng khổ nỗi đến bao giờ mới thành sự thật? Lão hàng xóm đang ngồi hè bên, quạt giấy phành phạch vì cúp điện, bỗng chõ mồm qua: “Này, còn lâu, vì phải chờ các cụ nghị gật gù lên xuống theo nhịp của ông chủ tịch Quốc lủi đã chứ. Chớ vội mừng! He, he”.

2. Tối qua nằm mơ một giấc mơ khủng khiếp như sau: Năm học tới 2009-2010 ông Bộ trưởng Giáo dục lại đẻ thêm 2 cuộc vận động và 1 cuộc thi đua nữa. Thế là giáo giới nhà ta chạy bở mồ hôi tai, miệng hô khẩu hiệu ủng hộ đến viêm cả răng cả lợi. Kinh quá! Các cháu học sinh thì è cổ vác cặp, miệng ra rả học bài như đọc kinh sám hối. Phụ huynh học sinh đầu tắt, mặt tối thì chạy toé khói để kiếm tiền nộp học phí cho con … Cha cha cha, kinh quá, kinh quá! Hú hồn, giật mình tỉnh dậy mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mừng húm, đó chỉ là mơ thôi. Nhưng chưa kịp hoàn hồn, lão hàng xóm vô duyên lại vói qua: “Này coi chừng giấc mơ biến thành sự thật đấy”. Đúng là cái lão khỉ gió, mồm ăn mắm ăn muối!
3. Phổ cập giáo dục là chủ trương đúng đắn, nhưng tiếc là do thói hám thành tích mà việc thực hiện lại đầy hình thức và dối trá. Vì thế mà phổ cập giáo dục đang dần dần giết chết giáo dục. Thử nghĩ mà xem: khi phổ cập Tiểu học thì Trung học cơ sở chết, khi phổ cập Trung học cơ sở thì Trung học phổ thông chết ...Vì đã phổ cập và nhất là phổ cập đúng độ tuổi thì HS không được bỏ học, không được ở lại lớp mà cứ lên lớp năm một dù không đọc được, không viết được. Thành tích này buộc các cơ sở giáo dục phải thực hiện bằng được nếu không thì trừ điểm thi đua, không xét khen thưởng, thậm chí còn phê bình, kiểm điểm. Phòng kiểm điểm trường, Sở kiểm điểm Phòng, Bộ kiểm điểm Sở ... Thế là một ... hai ... ba ... úm ba la dưới dối trên, trên dối trên nữa, mà dù có không muốn dối cũng không được.
Với khí thế hừng hực phổ cập này thì chẳng bao lâu cả nước ta sẽ phổ cập đại học, rồi trên đại học, lúc đó mọi người đều có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hết. Vui quá! Chờ xem ...
May quá hôm nay không có lão hàng xóm ở nhà, nếu có lão lại hóng hớt để lũ trẻ thi nhau bỏ học chờ ngày được phổ cập đại học thì hỏng chuyện.