Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Treo cờ



Năm ngoái, anh bạn tôi may mắn được mấy người em bà con mời đi một chuyến Châu Âu và nhân tiện thăm gia đình người em ruột đang định cư ở Đan Mạch. Không nói chuyện văn minh hiện đại của Châu Âu như thế nào, chỉ nói chuyện anh và mấy người em bà con đến thăm gia đình người em ruột đang sống ở một vùng khá hẻo lánh ở phía bắc Đất nước Andersen và bia Carlsberg, một nơi rất hiếm người Việt sinh sống. Anh bạn kể:

“Khi đến nơi, mọi người còn đang tay bắt mặt mừng vì lâu ngày mới gặp nhau và chưa hết những hỏi han ban đầu thì đã nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, một người đàn ông và một người đàn bà khoảng ngoài sáu mươi tuổi trên tay bưng một đĩa bánh to và nói với chủ nhà là cậu em tôi: ”Nghe cháu có khách từ Việt Nam sang, vợ chồng tôi làm ít bánh đến chúc mừng”. Mọi người đều ngớ ra! Cậu em liền giới thiệu đây là vợ chồng Ông Bà K. người hàng xóm gần nhất, cách nhà cậu em khoảng trăm mét. Tất cả chúng tôi đều cảm động và nói lời cảm ơn trước tấm chân tình đồng thời mời hai ông bà ở lại cùng dùng bánh, nhưng họ từ chối vì muốn để anh em tôi nói chuyện tự nhiên.
Trưa hôm sau, cậu em tôi dắt mọi người sang thăm ông bà K. để chào và cảm ơn. Mọi người ngạc nhiên khi thấy trước nhà ông bà treo cờ Đan Mạch. Khi được hỏi hôm nay ngày lễ gì mà ông bà treo cờ, Ông K nói rất tự nhiên (dĩ nhiên là được người em phiên dịch lại) là: “Các bạn từ Việt Nam xa xôi đến. Tôi treo cờ để chào đón và như vậy là đất nước Đan Mạch chào đón các bạn”. Một lần nữa chúng tôi lại ngớ người vì lý do treo cờ thật tự nhiên, thân thiện và đẹp đẽ đến thế.”
Anh bạn tôi bảo: “Tất nhiên ai cũng hiểu việc treo cờ tổ quốc ở bất kỳ đất nước nào cũng luôn là một nghi thức trang trọng, thiêng liêng, bởi lá cờ là biểu tượng của cả một đất nước, một dân tộc. Song hiếm có người treo cờ tổ quốc mình với một ý thức tự hào và đầy trách nhiệm công dân như vợ chồng người Đan Mạch ấy? Hơn nữa ý thức đó lại được họ thể hiện một cách giản dị, nhẹ nhàng mà thấm thía cảm động”.