Tôi nhớ ngày xưa, vào những buổi chiều mưa dầm lạnh lẽo, thỉnh thoảng, mẹ tôi lại "đãi" anh em chúng tôi một bữa cơm chan nước phở. Một gánh phở rong hồng bếp lửa thơm nồng mùi hồi, mùi hành ngò; béo ngậy mùi xương hầm ghé vào mái hiên của những bà mẹ nghèo, trong một xóm nghèo là cả một niềm vui đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.
Mẹ tôi chỉ dám mua một bát phở nhưng xin thật nhiều nước để sau đó còn chan vào cơm cho cả bốn anh em chúng tôi. Ông hàng phở, có lẽ cũng cám cảnh phận nghèo nên luôn dễ dãi, chiều lòng và hồn hậu ngồi nhìn anh em chúng tôi húp sùm sụp cái bát phở nghèo vốn chẳng nhiều nhặn gì cho cam.
Cái vị thơm nồng của bát phở trong những chiều mưa ngày ấy, cho đến nay, sau gần bốn mươi năm, khi mà mẹ tôi đã ra người thiên cổ và tôi cũng đã già sao vẫn thoang thoảng đâu đây khiến tôi nhớ đến cay xè cả mắt …
Hình ảnh gánh phở rong – khu xóm nghèo – những chiều mưa … sao mà gần gũi, ấp áp và thân thiết đến thế !
Hình như có người đã nói : những người bán hàng rong cũng là một nét văn hóa đặc sắc của xã hội Việt Nam . Tôi nghĩ và thấy đúng lắm. Chính bà cụ già với thúng xôi bên vệ đường mỗi sáng, tiếng rao bánh mì lanh lảnh trong đêm của những chú bé, tiếng kéo lách cách rộn rã của những xe bò bía trước cổng trường … những điều tưởng như nhỏ nhặt tầm thường ấy lại làm chúng ta yêu và nhớ làng xóm, nhớ quê hương đến da diết, nao lòng mỗi lúc đi xa …
Mấy hôm nay, nghe mọi người bàn tán đến ngày 01.01.2008, những người bán hàng rong không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được hành nghề nữa, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng đến cả chục triệu đồng.
Thiết nghĩ: đất nước đi lên, xã hội mở cửa hội nhập cùng bạn bè quốc tế nên nhà nước đặt ra những qui định như thế cũng phải thôi. Thế nhưng sao tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến sáng mai đây không còn thấy bà cụ bán xôi ngồi trước cổng nhà thờ, không còn tiếng rao hờ của chị bán tàu hủ mỗi trưa gắt nắng … Chả lẽ tất cả sẽ đi vào dĩ vãng, không bao giờ trở lại ?
Ngày cuối năm 2007