Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Tinh thần Chí Phèo


Từ đầu tháng Chạp trời đã bắt đầu se lạnh, có hôm trời miền Nam mà xuống đến hăm mốt, hăm hai độ, sáng đi bộ mãi mà vẫn chưa thấy mồ hôi; trưa đi làm về đã thấy dưới hiên nhà ai lác đác những chiếc áo len xanh đỏ phơi trong nắng hanh vàng. Nghe ti-vi báo thời tiết miền Bắc có nơi xuống một, hai độ C, rét đến trâu bò cũng lăn ra chết, nghe mà ớn, không biết cái cảm giác lạnh buốt đó kinh khủng như thế nào, chỉ nhớ ngày xưa mợ mình bảo mùa này mà nằm trong ổ rơm, nhai ngô rang thì không gì thú bằng(?)

Chẳng nói cao xa gì về biến đổi khí hậu toàn cầu, chỉ thấy mưa bão, nóng lạnh thất thường, tháng Chạp rồi mà thỉnh thoảng vẫn còn mưa cũng đủ hiểu thiên nhiên đã thay đổi thế nào. Xem ti-vi, ngay cả Pakistan, một đất nước nghèo đói nhất thế giới cũng đã bắt đầu tìm kiếm và ứng dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, dù chỉ là sản xuất gạch thô sơ ven sông. Ở Việt Nam nhiều người nước ngoài bỏ cả ngày chủ nhật lang thang trên bờ biển để nhặt rác... Nhưng người Việt mình dường như vẫn bình chân như vại, người ta vẫn vô tư bỏ rác khắp mọi nơi, trừ nhà mình; vẫn hồn nhiên xả các loại chất thải xuống sông suối, vì nơi đó không phải đất của mình và ngày ngày, từng đoàn người vẫn hùng hổ kéo nhau đi phá rừng, vì rừng đâu của riêng ai...

Mỗi ngày trong dòng người lũ lượt trên đường, người ta dễ dàng nhận thấy hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang để không phải hít thở bầu không khí đầy bụi bẩn, mọi người đều nhận thức được sự ô nhiễm trầm trọng của môi trường và cần thiết phải bảo vệ bản thân mình. Song không mấy người ý thức rằng mình cần phải hành động để góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm đó, bởi họ vẫn nghĩ điều đó là trách nhiệm của mọi người, trừ họ.

Ngày xưa ở làng Vũ Đại, Chí Phèo cứ uống rượu vào là chửi. Hắn chửi trời, có hề gì, trời có của riêng nhà nào?. Chửi đời, cũng chả sao vì đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi cả cái làng Vũ Đại. Cả làng đều bực nhưng chẳng ai lên tiếng, bởi người ta cũng nghĩ rằng: "Chắc nó trừ mình ra".

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Vĩnh biệt Kim đồng chí


Thế là hôm nay bác Kim chính thức về ngủ với giun dế. Trời Bình Nhưỡng ảm đạm thê lương trong tuyết trắng, hàng chục ngàn người Bắc Hàn đứng trong tuyết lạnh mà khóc thương “bác Kim ôi đã thôi rồi...”. Nhìn những gương mặt hốc hác tiều tụy của những người dân Bắc Hàn mà thương xót cho tình yêu lãnh tụ của họ. Họ hốc hác tiều tụy không phải vì đói (đói sao được khi Bắc Hàn là một đất nước giàu có và hùng mạnh nhất thế giới), mà vì quá đau đớn tiếc thương cho chủ tịch kính yêu của mình, nhìn họ đấm ngực, giơ tay lên trời, mặt mũi dúm dó than khóc bằng một một tình yêu vô độ mà mủi lòng, mà cám cảnh. Nhiều người vừa khóc vừa nhảy tưng tưng, không phải làm thế cho đỡ lạnh đâu nhé, đó chính là kiểu khóc được ra đời từ thời "chủ tich vĩnh hằng" Kim Nhật Thành cỡi ngựa về với ông bà ông vải. Tình cảm của họ lại càng đáng trân trọng hơn khi người ta thấy dù khóc thương thảm thiết mũi dãi lòng thòng nhưng họ vẫn xếp hàng ngay ngắn, và mỗi khi máy quay hướng ống kính đến thì họ lại càng cố rú lên thảm thiết hơn, điều này cho thấy họ luôn biết làm chủ cảm xúc của mình, đồng thời cũng biết phân tán sức lực hợp lý cho cuộc "trường chinh than khóc tập thể" kéo dài đến 13 ngày đêm được thành công tốt đẹp.


Mấy hôm nay, không biết trên thế giới này có bao nhiêu tỷ người đeo tang bác Kim, nói mấy tỷ chứ trăm tỷ cũng không lấy gì làm lạ bởi bác Kim là lãnh tụ vô song, một thiên tài chính trị quân sự, văn hóa nghệ thuật, cinéma, bi-da ẩm thực… đủ thứ hằm bà lằng, ngay cả thiên nhiên vô tình là thế mà còn động lòng, rồi cả mấy con chim hoang dại cũng phải cũng chảy dớt dãi vì tiếc thương. Rõ ràng sự ra đi của Kim đã để lại biết bao đau đớn tủi nhục cho muôn loài, không hiểu rồi đây người dân Bắc Hàn sẽ phải sống ra sao khi không có bác, cả những con chim kia sau khi chảy hết dớt khóc thương biết bay về phương nao? Ô hô! May thay! Còn có con trai bác là Kim Jung Un, một chàng trai có gương mặt bầu hậu (nói gọn của bẩu bĩnh phúc hậu), cầm tinh con lợn, lại có chân mạng đế vương đã trở thành "người thừa kế vĩ đại" của vương triều nhà Kim, một người tài năng vào loại khủng, ba tuổi biết bắn súng… nước, bảy tuổi biết lái xe ô tô… nhựa, chín tuổi biết viết bài vè ca tụng ông nội mình, một thiên tài quân sự tầm cỡ vũ trụ (tầm cỡ thế giới không là cái đinh gì!). Thế là nhân dân Bắc Hàn tuy đau thương những vẫn còn "vớt vát" được chút đỉnh, chắc chắn "người thừa kế vĩ đại" chưa tới ba mươi tuổi này sẽ làm cho cuộc sống của nhân dân Bắc Hàn gấp năm gấp mười hôm nay. Từ điểm xuất phát là cái siêu thị của chủ tịch Kim tặng bà con trước khi về với dế, cái siêu thị có bán cá tươi. Trời ơi, thử hỏi trên thế giới này làm quái gì có cái siêu thị nào bán cá tươi cho dân, bọn "tư sản giãy chết" mà nghe chuyện này chắc sẽ khóc lên sằng sặc mà ngất lịm. Rồi, xin lỗi, cũng chẳng có cái đám ma chó nào mà người đi đưa lại được phát sữa nóng… Đám ma mà còn như thế, chả trách người dân Bắc Hàn cứ thích có thật nhiều đám ma hoành tráng hơn thế nữa để được uống sữa...


Tôi đồ rằng cái đám của bác Kim hôm nay rồi sẽ đi vào lịch sử như một lễ hội văn hóa của toàn nhân loại. Cả ngàn năm sau nữa trong những lúc trà dư tửu hậu chắc chắn người đời vẫn còn truyền tụng qua cửa miệng những câu đại loại: “Úi giời ơi, cái đám ma mới hoành tráng làm sao! Úi giời ơi, cái đám ma mới vui vẻ làm sao…”.

Thôi tiễn bác vài dòng, mong bác cùng dòng họ nhà bác mau chóng rủ nhau yên nghỉ đặng chúng sanh được thái bình thạnh trị. Bái biệt!


Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Merry X'mas


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Xinhua hay là xin hùa... theo?

Tiênphong.vn vừa thể hiện sự "nhanh nhẩu" khi cho đăng bài viết ca ngợi tân thủ lĩnh của Bắc Hàn với tựa đề: “Đại tướng Kim Jong-un: ba tuổi bắn súng, tám tuổi lái xe”.

Bài báo tâng bốc: “Khi mới ba tuổi, đại tướng Kim Jong-un đã biết bắn súng. Năm chín tuổi, đại tướng Kim đã có thể bắn trúng mục tiêu di động. Cũng từ năm ba tuổi, đại tướng Kim đã học lái xe. Năm chưa tròn tám tuổi, đại tướng Kim lái chiếc xe tải chở hàng cỡ lớn, vượt qua đoạn đường khúc khuỷu với vận tốc bình quân 120 km/h và tới đích an toàn. Khi mới sáu tuổi, Kim Jong-Un đã cưỡi ngựa thành thục và đua ngựa thắng những vận động viên chuyên nghiệp. Có thể nói không môn nào Kim Jong-un không giỏi. Đại tướng Kim cũng rất giỏi bóng rổ, những kỹ năng của ông khi còn là cậu bé 10 tuổi khiến nhiều VĐV bóng rổ chuyên nghiệp phải ngả mũ kính phục". Rồi có cả một nhà nhân tướng học mà cóc biết của nước nào khi gặp mặt đại tướng khi còn oắt con phải thốt lên: “Đời tôi chưa gặp ai như thế này. Từ đầu tới chân toát lên phong thái của bậc đại tướng. Người này rồi sẽ là thống soái của cả một quốc gia”.

Đọc tin này, anh bạn tui đập bàn la lớn: “Đường đường một tờ báo Đoàn mà lại đi đăng những tin vớ vẩn về một thằng oắt con biết lái xe bắn súng từ lúc vừa nứt mắt, cứ tưởng như thế là tài giỏi, là được giáo dục chu đáo, rồi lại tin cả vào tướng số nữa. Thật là nhảm nhí và vô căn cứ!”.

Tui bảo: “Khoan khoan, ông bảo nhảm nhí thì tui có thể đồng ý, nhưng bảo vô căn cứ là không ổn, bài báo này có nguồn từ 24h/Xinhua đấy nhé, mà ông cũng biết Xinhua là gì chứ”.  Anh bạn tui nghe thế mặt xanh như đít nhái, rồi e... hèm…lầm bầm gì đó xong mất dạng. (Nói nhỏ, anh bạn tui là con rể của một chú Ba trong Chợ Lớn đó nhe!).

Mấy giờ sau, tienphong.vn đã gỡ mất bài báo này. Chắc cũng như anh bạn tui lỡ ăn phải bã của thằng Xinhua nên "xin hùa”, nay thấy xấu hổ nên vội vàng chùi mép?

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Bác Kim?


Mai sau xem lại hình ảnh này họ sẽ nghĩ gì?
Không hiểu đây là tình cảm chân thật của người dân Bắc Hàn hay là chương trình khóc thương tập thể theo chỉ đạo của nhà nước? Nếu khóc theo chỉ đạo thì cũng chẳng có gì là lạ ở đất nước này, còn nếu khóc thiệt tình thì có lẽ bác Kim kia phải người đức độ, tài năng đã đạt đến mức tuyệt đỉnh, mà đỉnh cao của cái tuyệt đỉnh đó là lèo lái con thuyền Bắc Hàn từ nô lệ đói nghèo cập bến bờ của vinh quang và hạnh phúc, khiến Bắc Hàn trở thành một đất nước kiểu mẫu về mọi mặt và được cả thế giới ngưỡng mộ. Chỉ có thế mới lý giải được vì sao khi bác Kim chết người dân Bắc Hàn lại khóc than đau đớn vật vã còn hơn cha chết mẹ chết đến thế! Nhưng kìa sao những người này đau thương vật vã trước ống kính thế mà xa xa đám đông kia vẫn lặng lẽ xếp hàng đứng nhìn? Họ là diễn viên quần chúng còn mấy người này là tài tử chính đang diễn chăng?

Nhưng chắc hẳn bất kỳ người nào nếu đầu óc còn minh mẫn và có chút thông tin thì không thể nào tin rằng Bắc Hàn là đất nước của giàu có và dân chủ, dù chỉ là 1% ý nghĩa của những khái niệm cũ kỹ đó! Thế nên nhìn người dân Bắc Hàn khóc mà thương cho họ, thương cho mấy chục triệu con người bị bưng bít trong u mê nghèo đói. Tội lỗi này thuộc về bác Kim nhà ta, người mắc bệnh hoang tưởng vĩ cuồng, luôn cho rằng đất nước do cha con bác thay nhau trị vì là cái nôi vĩ đại của văn minh loài người. Sự tai hại một khi niềm tin sai lệch là vô bờ bến. Chợt nhớ chuyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Bố Mẹ ở đâu trong dòng người năm ấy?

Người Hà Nội, Hải Phòng bán bớt đồ đạc để ra đi











































Gia đình này từ Nam Định xuống Hà Nội để lên tàu ở ga Hàng Cỏ















Một số đi bằng tàu bay

Xuống "tàu há mồm" để ra chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi Hải Phòng














Lên tàu từ cảng Hải Phòng















Các "Tàu há mồm" chuyển người sang chiến hạm USS Bayfield ở cảng Hải Phòng tháng 9/1954

































Tàu USS Bayfield chở người di cư cập bến Sài Gòn tháng 9/1954

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Phở một triệu - trợ cấp năm chục ngàn và nỗi thèm cơm


Xem chương trình “Lục lạc vàng”, tặng bò cho nông dân nghèo, trên ti-vi thấy chị Huỳnh Thị Ly, một nông dân ở Bến Tre tâm sự với phóng viên trong nước mắt: "Tui phải nhường cơm cho con ăn để nó không phải mang cái bụng lép kẹp đến trường, phần tui lúc nào cũng thèm cơm...". Nghe thế ai cũng khóc! Khóc vì đau cho đồng bào của mình, một nông dân ở thế kỷ 21 lại sống ngay trên vựa lúa của cả nước mà lại thèm… cơm! Xin ai đó đừng vội kết luận rằng trường hợp chị Ly chỉ là cá biệt và hạn hữu!

Bộ y tế đã kết luận mô hình “Cô đỡ thôn bản” góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh ở những vùng núi non hẻo lánh chưa có trạm xá. Vậy mà mỗi “cô đỡ thôn bản” chỉ nhận được trợ cấp mỗi tháng vỏn vẹn 50.000 đồng! Năm chục ngàn mới chỉ mua được 3 kí gạo hoặc chỉ là một chai xịt nách cho thơm của các cô gái thành thị!

Nói vậy để thấy những ai sáng sáng đưa nhau đến tiệm ăn tô phở một triệu đồng liệu có thấy đắng miệng? Nếu thấy đắng thì còn hy vọng, còn vẫn thấy hương vị ngọt ngon của thịt bò Kobe và nước hầm xương thì là hỏng. Bởi đó đâu chỉ là xa hoa, lãng phí mà còn là vấn đề đạo đức.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Ném đá


Nghị Phước đẹp giai và cũng có thể có nhiệt tâm nhưng hơi bị "nổ"
Mấy hôm nay tội nghiệp ông nghị Hoàng Hữu Phước bị ném đá tơi bời bởi ông lỡ dại đề nghị loại bỏ luật lập hội và luật biểu tình ra khỏi nghị trình quốc hội khóa XIII. Của đáng tội ông nghị Phước nhà ta chắc quá láu táu “vì danh dự quốc gia, vì hạnh phúc nhân dân, vì tiền đồ an nguy của tổ quốc” (chữ của ông) nên không để ý rằng cả 2 quyền lập hội và biểu tinh đều được quy định hẳn hoi trong hiến pháp nước CHXHCNVN. Hơn nữa cần phân biệt giữa quyền biểu tình và luật biểu tình. Điều 69, chương V của Hiến pháp đã ghi rõ:Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Vâng, có quyền biểu tinh đấy nhưng biểu tình phải theo quy định của pháp luật. Thế nên việc đề xuất soạn thảo luật biểu tình là hoàn toàn hợp hiến, hơn nữa đó cũng là biện pháp khôn ngoan để quản lý mọi hoạt động biểu tình của người dân nhằm tránh những lo lắng của ông nghị Phước về “các cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay một chủ trương chính sách đạo luật của Chính phủ Việt Nam” (chữ của ông Phước). Khi có luật thì ai muốn biểu tình là phải xin phép, và chắc chắn chẳng nhà nước nào lại dại dột cấp phép cho người khác biểu tình chống lại mình. Vậy nên ông nghị Phước yên tâm nhé! Mà nghe nói cách đây mấy ngày, Myanmar, một đất nước đang bước đầu tái lập nền dân chủ, cũng đã thông qua luật biểu tình rồi đấy ông ạ!

Ném đá ông nghị thì nhiều kể cả kiểu chụp mũ ẩu tả như ông nghị Trương Trọng Nghĩa. Ông này quy chụp rằng ông Phước “nói dân trí thấp là hạ thấp dân trí Việt Nam”. Đây là kiểu thấy sương mù quăng lựu đạn thôi chứ chắc rằng trong bụng ông Nghĩa kia cũng phải công nhận nền dân trí của ta còn thấp. Điều này, người dân bọn tui cũng thấy vậy, bởi cứ nhìn vào quan trí các ông thì hiểu ngay dân trí bọn tui thế nào, vả lại có nước nào dân trí cao mà lại nghèo đâu?

Mấy cục đá bẩn thỉu nhất lại thuộc về mấy ông nhà báo. Ghét ông Phước mấy tờ báo bèn châm biếm ông Phước bằng cụm từ đại biểu quốc hội tự ứng cử. Họ cứ làm như những người tự ứng cử là xấu, là kém chất lượng còn những người được cái gọi là hội nghị hiệp thương của MTTQVN đưa ra ứng cử là danh giá, tài giỏi và đức độ. Đúng là đã ngu lại còn bẩn!

Thảo dân tui thì nghĩ rằng các ông nghị bà nghị còn biết bao điều hệ trọng để làm hơn là hè nhau ném đá một người lỡ dại. Riêng ông nghị Phước thì cũng nên bớt chém gió đi là vừa, có thể ông là người nhiệt tâm, cũng có năng lực song chưa ai thấy ông làm được gì mà chỉ thấy trên trang blog của ông (http://hhphuoc.blog.com) gió đã bị chém tơi bời.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Bảo vệ cái gì đây?

Lễ trao Giấy Chứng nhận chức danh giáo sư ở Văn miếu Quốc tử giám giữa lòng Hà Nội 
mà cũng có một chú công an mặt hầm hầm đứng bên trên nhìn xuống như thế này ư? Hãi!

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Hoan hô Hàn Quốc


Trực thăng và tàu tuần tra Hàn Quốc đang vây hãm tàu cá của Tàu khựa
VNExpress đưa tin ngày 19/11/2011 lực lượng tuần duyên của Hàn Quốc đã điều máy bay trực thăng và tàu tuần tra đến phá “trận địa” của tàu cá Trung Quốc, bắt tổng cộng 15 tàu cá và hơn trăm ngư dân Trung Quốc vi phạm lãnh hải nước này. Nghe bảo bọn này lúc đầu cũng dùng gậy gộc chống trả rất lì lợm nhưng lính đặc nhiệm Hàn Quốc đã ra đòn phủ đầu nên bọn chúng đành phải cụp đuôi. Ngộ một cái là đến giờ này Bắc Kinh cũng chưa thấy gâu gâu gì cả.
Nghe mà khoái chí!

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Điểm danh bằng dấu vân tay!

Tuổi trẻ cuối tuần đưa tin: Cơ sở 3 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia tại Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng việc điểm danh bằng dấu vân tay. Mỗi người đều có dấu vân tay riêng, không thể nhờ ai học thay, học hộ được. Phương pháp này rồi sẽ được áp dụng dần trong toàn bộ hệ thống.
Nghe qua tưởng như nói về sự ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý của Học viện nhưng thực ra đây chỉ là phương thức để chống lại hiện tượng học hộ-thi hộ đang ngày càng tràn lan trong giới quan chức, mà toàn là những quan chức chủ chốt, dự nguồn cả đấy!
Người xưa nói: “Lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện” còn nay thì: “Thấy phương tiện mà kinh cho cứu cánh”.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Bệnh hám thành tích


Bệnh hám thành tích của ông chúa đảo Tuần Châu










Đến lúc này theo đồng hồ đếm ngược của trang http://www.new7wonders.com thì chỉ còn hơn 21 tiếng nữa là công bố kết quả chung cuộc việc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trên trang web kia. Không biết 27 quốc gia và lãnh thổ khác thế nào chứ Việt Nam ta thì đang rất nóng, nóng đến cực độ. Cả một chiến dịch tầm cỡ quốc gia cho việc bầu chọn đã được triển khai. Từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức đoàn thể, xã hội, từ các cụ già đến các cháu học sinh… ai ai cũng nhận được lời kêu gọi đại loại kiểu: "Hãy bình chọn ngay cho Hạ Long" hay "Bình chọn cho Hạ Long là yêu nước".... Cứ như kết quả bầu chọn lần này sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc vậy.
Thế nhưng nghe bảo đây cũng chỉ là một trong những chiêu thức làm ăn của một công ty tư nhân nào đó mà thôi, chẳng có U-nét-cô, U-nét-kiếc nào dính dáng vào đây cả. Biết thế nhưng vẫn nhặng cả lên. Người mình vốn thích đông-vui-nhộn nhịp, sợ một mình lạnh lưng! Nhưng nếu thử vào trang web cũng thấy rằng cái công ty này cũng thực khéo nắm bắt tâm lý dân mình. Đưa ra 28 "kỳ quan” ở khắp năm châu bốn bể (Cũng chẳng biết do ai chọn lựa và chọn lựa theo tiêu chí nào, vì nỏ thấy chỗ mô công bố cả!), nhưng chỉ có 12 ngôn ngữ được sử dụng, thế mà đã có mặt tiếng Việt của ta, trong khi một số ngôn ngữ khác thông dụng và nhiều người biết đến hơn như Nga, Hindu, Bengali... vẫn không được chọn. Thế mới ác chứ! Có phải do tiếng Việt ta giàu đẹp quá hay "nhà trò" biết tẩy dân mình sẵn máu ăn thua nên thả mồi bắt cá?
          Mà không ăn thua sao được khi nghe bảo có người lao động nghèo ở đâu đó tuy không biết xài máy tính nhưng đã dám bỏ ra cả chục triệu đồng, kể cả tiền mua quà sinh nhật cho con, để mua thẻ cào điện thoại để nhắn tin bình chọn với số lượng đến mười mấy ngàn lượt (tội nghiệp anh này, kỳ này chắc bị vợ lột da lưng quá!). Chọn vì quá yêu Hạ Long hay chỉ vì đáp lời sông núi? Và nghe đâu ngành Bưu điện Quảng Ninh cũng đang treo giải thưởng cho những người nào có số lượng tin nhắn lên đến trăm ngàn lượt, một triệu lượt, mười triệu lượt... (nên nhớ trước khi táy máy, gần 650 đồng một tin nhắn đấy!)
         Có người bảo thôi thì ai tổ chức cũng kệ, ai lợi dụng kiếm chác cũng mặc, miễn là Hạ Long quê mình lọt vào top 7 của kỳ quan thiên nhiên mới là sướng rồi. Lúc đó cả thế giới sẽ hướng về Việt Nam, điểm đến mới của thiên niên kỷ sẽ rộng mở, khách du lịch khắp nơi sẽ đổ xô vào. Đường bộ ùn tắc. Đường thủy cũng ùn tắc. Rồi ngay cả đường hàng không cũng ùn tắc luôn... Khi đó thì cứ túi ba gang tha hồ mà…khà khà...
         Vâng đã đành là thế, song chỉ băn khoăn rằng với cách huy động toàn dân bình chọn như của ta hiện nay thì dù có được kết quả đi nữa, liệu đã có mấy tác dụng, bởi cái số đông bầu chọn ấy cũng vẫn chỉ là dân mình. Mình bầu cho mình, cũng tựa như mẹ hát con khen hay! Mà như thế thì mục tiêu quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch liệu có được như mong muốn? Đó là chưa kể cái kiểu làm du lịch "chụp giựt" của ta như từ trước đến giờ thì liệu có mấy khách du lịch nước ngoài dám trở lại Hạ Long thêm lần nữa?

          Viết thêm ngày 05/12: Thế là trúng phóc nhé, anh Hạ Long mới nghe tin lọt vào top 7 kỳ quan là đã tăng gía vé rồi. Mấy hôm nay báo chí và bà con kêu oai oái. He leng ei...

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Đường xa nghĩ nỗi...

Mình có ông bạn cùng tuổi (chỉ là tuổi giấy tờ thôi chứ tuổi thật thì lớn hơn, vì ngày xưa để trốn quân dịch nên anh em ta thường phải khai bớt tuổi), chỉ còn hai năm nữa về hưu, thế mà đùng một cái làm đơn xin nghỉ dạy về giải quyết chuyện gia đình! Hỏi thì bảo việc ở quê bức bách quá nên đành phải vậy. Mình bảo sao không xin nghỉ không lương một thời gian mà thu xếp việc nhà? Anh bạn buồn buồn lắc đầu bảo: “Thôi, đã nghỉ là nghỉ hẳn, vì nghỉ không lương thì cũng chẳng biết đến bao giờ mà còn làm khó cho anh em”.

Nói vậy thôi chứ chuyện anh bạn thì ai cũng có thể lờ mờ hiểu ra. Ba mươi sáu năm đứng lớp cũng vào loại lão làng, lại mấy năm đi tăng cường vùng sâu, chỉ còn vài năm nữa về hưu, tưởng đã yên lành, thế mà mới đây lại bị điều đi nơi khác. Tiếng là điều động luân chuyển nhưng thực ra là muốn “thay máu” đội ngũ, vì nghe đâu nơi anh dạy mấy năm nay bị đánh giá là bết bát. Nhưng thói thường xưa nay hễ thua trận thì chém tướng chứ ai lại chém quân. Còn đây tướng vẫn sống phây phây, quân thì bị dập vùi tan tác. Có phải do thân cô thế cô mà anh bạn mình và nhiều người nữa đành phải làm phận chốt? Chỉ tội là con chốt này già yếu quá, nhỡ có qua được bên kia sông chắc cũng chẳng còn hơi sức nào mà hóa kiếp, cứ nhìn cái dáng vốn đã nhỏ bé, nay lại càng nghiêng xuống, liêu xiêu giữa sân trường đầy nắng gió mà cảm thấy bùi ngùi.

Mấy bữa nay, nghe anh bạn xin nghỉ tự dưng mình có cảm giác mệt mỏi rã rời. Cái mệt mỏi của một người thấy kẻ đồng hành với mình đã về đến nhà và từ nay trên những dặm đường còn lại chỉ còn lại một mình anh trơ trọi...

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! 

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Khổ cho anh Mách nhà mình


Mách khoe: "Cái gì của tui cũng cỡ này hết!"
Mấy tuần nay thế giới showbiz lại dậy sóng với gameshow Cặp đôi hoàn hảo mà tâm điểm lại là anh Mách nhà mình. Từ một lực sĩ thể hình với vẻ mặt ngơ ngơ chân chất, bộ dạng cục mịnh, tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với cái thế giới nghệ thuật, vốn đỏng đảnh và đĩ thõa, Phạm Văn Mách tự tin tham gia Cặp đôi hoàn hảo cùng với người đẹp á quân Việt Nam Idol 2011 Văn Mai Hương và giờ đây, khi trò chơi mới đi được nửa chặng đường, chưa biết ngã ngũ ra sao thì anh lại  hăng hái tuyên bố sẽ bước vào lĩnh vực ca nhạc chuyên nghiệp nếu khán giả cứ tiếp tục ủng hộ như thế(!)

Khổ cho Mách nhà mình, cũng chỉ vì những lời tâng bốc thái quá và cả những lời khen “mát mẻ” của báo chí rồi các ông bà giám khảo trong gameshow Cặp đôi hoàn hảo. Cái giọng sên sến cải lương của Mách được họ đẩy lên thành giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, điêu luyện, hớp hồn… thậm chí còn có lời khen đêu đểu kiểu như “Lực sĩ Phạm Văn Mách hút hồn bằng giọng hát Nhà vô địch thể hình châu Á. Rõ đểu, khen mà cứ như xỏ xiên người ta vậy. Cái khổ là anh Mách nhẹ dạ nhà mình lại tưởng thật nên rất ư là phấn khích và mới đây khi được ông "thần đèn" Phước Sang mời đóng phim, mà là phim Tết mới kinh chớ, thì anh cũng lại hăng hái không kém.

Thật ra nếu anh Mách làm được những điều đó thì quá tốt (mà hoàn toàn có thể làm được, bởi hát cỡ Noo Phước Thịnh mà còn làm được ca sĩ thì Mách ta đây thừa sức), song sợ rằng các phù thuỷ showbiz chỉ đẩy anh ra sân khấu làm trò trong chốc lát để kiếm tiền bỏ đầy túi mình, và khi trò chơi chấm dứt, hào quang sân khấu tắt lịm, giấc mơ hoa về con đường nghệ thuật cũng không còn, thì anh Mách lại trở về trơ trọi với những cơ bắp thoi thóp của mình. Như thế thì quả là tội cho anh Mách lắm!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chuyện chẳng biết vui hay buồn!


Tôi có anh bạn Bắc kỳ, tuy đã “di tản” vào Nam từ năm bẩy sáu,  song vẫn giữ cái kiểu cách lịch sự thơm thảo của dân quê gốc Bắc. Hễ ngồi vào bàn, bất kỳ là cưới hỏi hay giỗ chạp, ăn cơm hay nhậu nhẹt,  anh cũng có thói quen gắp thức ăn cho người này người nọ, đôi khi đầy cả bát, bất kể thân hay sơ, rồi mời mọc “Bác ăn đi! Chú ăn đi!” nhặng cả lên.

Lần một, lần hai, người được mời còn cảm nhận được quan tâm quý trọng nhưng lâu dần nhiều người tỏ rõ sự khó chịu, nhất là các anh Nam bộ. Họ quan niệm rằng đã ngồi vào bàn thì ai thích gì, ăn nấy, sao cứ phải ép, cứ như buộc người ta ăn nhanh để còn dọn dẹp vậy. Thế là bất lịch sự!

Của đáng tội, anh bạn tôi ý đâu phải vậy! Chẳng qua cũng chỉ do cái nếp sống, nếp nghĩ xuất phát từ nỗi ám ảnh một thời về cái đói triền miên nên người ta cho rằng tiếp đãi nhau bằng miếng ăn là cách thể hiện tình cảm quí mến nhất, tử tế nhất. Bởi họ quan niệm có gì quan trọng hơn miếng ăn đâu? Mà quả thật ngay cả trong văn chương các cụ nhà mình cũng còn hằn lại dấu ấn đó. Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa trí thức phong nhã là thế nhưng trong thơ đùa “Bạn đến chơi nhà” cũng chỉ nói đến miếng ăn chứ đâu nói gì đến cầm kỳ thi hoạ. Những  tác phẩm nổi tiếng của giai đoạn 1930-1945 cũng vậy (nhiều người vẫn cho rằng đây là thời kỳ vàng son nhất của văn chương Việt Nam), đều ít nhiều mang nỗi ám ảnh của cái đói. Những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Rồi trong tâm thức dân gian, miếng ăn luôn được coi trọng hàng đầu: “Dĩ thực vi tiên”, “Có thực mới vực được đạo”, “Trời đánh còn tránh bữa ăn” hoặc “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”... Trong từ vựng ta cũng thế, cả một lớp từ gắn liền với chữ ăn, tuy rằng ngữ nghĩa của nó có khi chẳng dính dáng gì chuyện ăn uống cả, như: ăn cắp, ăn cướp, ăn hối lộ, ăn gian, ăn hiếp... (Hay là những hành động này, trước đây, cũng khởi đầu bằng việc tước đi miếng ăn của người khác chăng?).

Tôi cũng là dân Bắc kỳ chánh hiệu, di cư vào Nam khi còn nằm trong bụng mẹ, tuy "hương âm vô cải",  song tính cách cũng đã phai nhạt ít nhiều, thấy kiểu cách anh bạn vậy bèn bảo: “Thôi thì ăn trông nồi ngồi trông hướng, thời nay đã khác trước nhiều rồi, ông liệu mà đổi mới đi, kẻo thiên hạ lại bảo mình hâm”. Anh bạn buồn buồn bảo: “Mình cùng lắm chỉ làm người khác  bực nhất thời, chứ còn lắm kẻ vẫn nghĩ và làm theo nếp cũ hàng mấy chục năm nay, gây tổn hại biết bao nhiêu, sao chẳng ai nói gì?”. Nghe anh bạn nói thế mình chẳng biết nói sao, đành ngậm hột thị cho xong.

Chuyện chỉ có vậy, chẳng biết là vui hay buồn nữa!

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chuyện cười cấm phụ nữ đọc

 Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp đàn bà VN, tặng các bà các cô một chùm vui, nhưng... chỉ để đàn ông mình đọc. Chùm vui này do nhà văn Trang Hạ dịch từ chuyện bên Tàu, nơi mà lắm kẻ cứ nhầm là quê cha đất tổ...


1. Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong… bao lâu!
2. Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!
3. Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt. Kết luận: Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.
4. Một nàng gái ế chạy tới đồn cảnh sát tố cáo: “Tôi đã cẩn thận để tiền trong áo lót, thế mà thằng cha đẹp trai đứng cạnh tôi ở trên xe bus đông đúc đã móc lấy mất tiền của tôi!”. Cảnh sát ngạc nhiên: “Tại sao nó có thể móc tiền được ở một vị trí “nhạy cảm” như thế, mà cô không phát hiện ra?”
Cô nàng gái ế thút thít: “Ai ngờ được là nó chỉ muốn moi tiền?”
Kết luận: Một nhà kinh doanh tài ba là người moi được tiền của khách hàng trong lúc đang khiến khách hàng sung sướng ngất ngây.
5. Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa. Kết luận: Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.
6. Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác! Kết luận: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Adieu, Steve Jobs (1955-2011)

Một người có thể thay đổi thế giới nhưng lại không thể thay đổi số phận

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Không kỷ lục kỷ liếc gì cả?

Cụ bà Nguyễn Thị Trù
Dạo này các bác nhà mình có vẻ sính cái món kỷ lục Guiness gớm. Đi đâu cũng thấy rình mò chuyện kỷ lục. Nào áo cưới dài nhất, tượng con gà lớn nhất, tách cà phê lớn nhất, bánh sinh nhật lớn nhất, bánh giầy bánh chưng lớn nhất, ngay cả chốn thiền môn là nơi tưởng như mọi tham sân si đều rũ bỏ ấy thế mà vẫn có những kỷ lục như tượng Phật lớn nhất, tượng Phật cao nhất, tượng Phật dài nhất, rồi chùa to nhất... Đến anh bạn mình, hiền lành là thế mà cũng đùng đùng đòi làm thủ tục đăng ký kỷ lục người bị vợ chửi nhiều nhất... Lại nhớ, tỉnh mình mới đây có ông quyền giám đốc một ngân hàng to đùng nọ bỗng dưng hứng chí lên muốn "xí" cái kỷ lục người có nhiều bằng... "lụi" nhất. Không may, có kẻ thối mồm nào đó hê lên làm mọi chuyện đổ bể khiến ông phải nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương! Rõ khổ!

Vậy mà sáng nay Vnexpress đưa tin lại có người lại "đách" cần kỷ lục kỷ liếc gì cả. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Trù ngụ ở ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Sè-Goòng. Cụ sinh ngày 4 tháng 5 năm 1893, như vậy tính tới nay đã 118 tuổi, nhiều hơn 4 tuổi so với người giữ kỷ lục già nhất thế giới vừa mới qua đời là cụ bà người Ba Tây Maria Gomes Valentim. Nhiều tuổi thế nhưng khi được các “chiên da” đến bàn chuyện đăng ký kỷ lục thì bà cụ chỉ nhe hàm răng chưa rụng cái nào cười và thú thiệt là bà không biết kỷ lục kỷ liếc là gì và chỉ mong có đủ trầu cau ăn hàng ngày thôi chớ không mong gì hơn!

Chắc là báo chí nói cho văn hoa thế thôi chớ tui hình dung bà cụ vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa quẹt trầu bằng cái gấu quần đen bạc phếch rồi thủng thỉnh nói với đám “chiên da” rằng tau cần đách gì kỷ lục của tụi bay, tau chỉ cần ngày hai bữa đủ cau trầu nhai là sướng rồi! 

Thế mới đã! Vất cha mấy cái kỷ lục kỷ liếc, huy chương huy chiếc gì đó đi, báu gì! Hãy cứ để cụ Trù hàng ngày thanh thản ngồi nhai trầu và vui cùng con cháu là đủ rồi!

Viết thêm: Mới đây nghe nói thầy trò trường ĐH kinh tế Tp HCM lại lập kỷ lục về cái Sơ đồ tư duy to nhất thế giới. Trong buổi nhận bằng kỷ lục, phát hình ì xèo trên HTV, có người đã hứng chí tuyên bố rằng cái sơ đồ tư duy này cho thấy trí tuệ Việt Nam đã ngang tầm thế giới? Trời ơi, có mỗi cái chuyện bỏ công ngồi "mày mò" xếp mấy cái hình của bọn trẻ thôi mà trí-tuệ-trí-tiếc gì ghê gớm thế, nghe mà thất kinh!

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Đãng trí bác học?

GS Châu về dự lễ khai giảng ở trường cũ, ngày 4/9


Báo Tuổi trẻ  ngày 04/9/2011 đưa tin: Ngày 4/9, giáo sư Ngô Bảo Châu đã về thăm lại  trường cũ, Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, để chung vui khai giảng. Phát biểu tại buổi lễ, Ông Ngô Bảo Châu nói: “Cách đây một năm, khi tôi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp, ông có nói với tôi, khi ông được nhắn tin về giải thưởng Fields của tôi, điều đầu tiên ông làm là đến một góc toà nhà của Chính phủ thắp nén hương cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Điều đó với tôi rất cảm động”. Và ngay sau đó khi nhắc đến ông Phạm Văn Đồng và ông Tạ Quang Bửu , GS Ngô Bảo Châu nhắc nhở các em học sinh: “Không có những người như các ông chúng ta không có các ngành khoa học, sự nghiệp nghiên cứu khoa học như hôm nay, cũng như không có khối chuyên Toán. Ta luôn nhớ đến điều đó”. 


Chà chà! Không hiểu Ông Ngô Bảo Châu, thiên tài toán học này có xuất ngôn với hàm ý gì hay chỉ vui miệng “lấy lòng” mà hớ hênh? Bởi theo tôi, tuy rất kính trọng hai ông Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, song hai ông ấy có phải những nhà khoa học tiên phong xuất chúng đâu mà dám bảo là Không có những người như các ông chúng ta không có các ngành khoa học, sự nghiệp nghiên cứu khoa học như hôm nay...”.


Thế mới biết đãng trí bác học vậy đó!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Chờ hỏi Ngọc Hoàng!

            Trên đường giang hồ hành hiệp, Bụt (ông này có từ thời chị em Tấm Cám) bỗng thấy một cháu bé ngồi khóc trước hiên nhà, Bụt bèn rẽ vào hỏi: “Cháu bé, tại sao cháu khóc?”. Nghe hỏi, cháu bé ngẩng lên, quẹt nước mắt trả lời: “Ông ơi, cha mẹ cháu mất rồi, thế là từ nay chẳng còn ai yêu thương vỗ về cháu nữa!”. Thương cháu bé, Bụt ngồi xuống vỗ về an ủi một lúc rồi tiếp tục lên đường. Vừa đi Bụt vừa ngẫm nghĩ và thấy rằng mất đi cha mẹ là mất đi suối nguồn yêu thương cuộc đời, nỗi đau này lớn quá, phải tìm cách nào đó để giúp cháu bé mới được!

Một lúc sau, Bụt lại gặp một cô gái ngồi bên vệ đường úp mặt vào tay và nức nở khóc. Bụt lại dừng chân hỏi: “Cô gái kia, vì sao cô khóc?”. Cô gái sụt sịt trả lời: “Chồng  cháu bỏ cháu đi theo người khác rồi ông ơi, làm sao cháu sống nổi!”. Bụt lại ngồi xuống vừa vỗ về an ủi vừa ngẫm nghĩ: “Mất chồng, không chỉ là mất người chia sẻ, mà đau xót hơn là kẻ thề non hẹn biển với mình nay đã bội ước. Nỗi đau này cũng không phải là nhỏ, ta phải tìm cách giúp kẻo cô ta tuyệt vọng rồi nghĩ quẩn thì khổ!”.

Đi một đỗi nữa, Bụt ngạc nhiên khi thấy mấy cụ già trên dưới bảy mươi ngồi buồn bã bên vệ đường, dưới gốc đa đầu làng, tuy không khóc nhưng vẻ mặt và tinh thần ra chiều đau đớn và thê thiết lắm. Bụt bèn dừng lại hỏi: “Từ sáng đến giờ ta đã gặp bao nhiêu cảnh khổ, trẻ thì mất cha, mất mẹ; vợ thì mất chồng... lòng ta đã đau xót lắm rồi, nay lại gặp các ông. Này, vì cớ gì mà các ông buồn bã như thế?”. Một ông cụ trong nhóm bèn đứng lên bảo: “Người ta đau đớn vì mất đi tình yêu thương còn chúng tôi đau đớn vì không thổ lộ được  tình yêu thương thiết tha sâu nặng trong lòng. Thử hỏi có nỗi đau nào hơn khi yêu mà phải kềm chế, phải lén lút, và tình yêu đó lại bị vùi dập, đày đọa, bóp méo hả ông?”.

Nghe thế Bụt bèn ngửa mặt cười ha hả và phán rằng: “Ta không ngờ các ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, lại gần đất xa trời rồi mà vẫn còn yêu đương lãng mạn đến thế ? Chẳng lẽ các ông không sợ con cháu mình chê cười ư?”. Bụt vừa dứt lời thì đã thấy một chiếc xe ô tô tải trờ tới, thắng kịt, và một nhóm người đằng đằng sát khí trên xe ùa xuống xốc nách lôi xềnh xệch các cụ già lên xe . Thấy sự việc lạ lùng Bụt bèn hỏi: “Tại sao các ngươi lại đối xử với những con người đáng tội này như thế?”. Một tên mắt đeo kính đen, tay cầm ma-trắc khinh khỉnh trả lời: “Lão vừa mù vừa điếc sao mà không biết? Bọn già lẩm cẩm này dạo này nghe ai xúi giục mà cứ bày đặt biểu tình tự phát. Thế là phạm luật, hiểu chưa?”. Bụt ngạc nhiên lẩm bẩm: “Biểu tình tự phát … biểu tình tự phát … là cái quái gì nhỉ?”. Câu hỏi của Bụt rơi vào một quầng bụi và khói khét lẹt của chiếc xe kia để lại. Bụt lại lẩm bẩm: “Cái này chắc phải hỏi Ngọc hoàng mới xong”.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Thà nó cứ là thằng mất dạy!


Tối qua trong bản tin thời sự, VTV đưa tin chủ tịch nước Trung Hoa Hồ Cẩm Đào gửi điện chúc mừng tân Chủ tịch nước, Tân thủ tướng và tân chủ tịch quốc hội của Việt Nam với những lời lẽ hết sức “có cánh”, nào là Việt Nam-Trung Hoa đã có truyền thống hữu nghị lâu đời, là láng giềng bốn tốt, mười sáu chữ vàng… tình hữu nghị ấy đang ngày càng được củng cố bền vững…


Mẹ kiếp, nghe mà bỗng dưng muốn chửi và nhớ tên một bài thơ của Chế Lan Viên “Thà nó cứ là thằng mất dạy

Bài thơ này bác Chế viết để chửi Mỹ, nhưng nếu bác còn sống đến giờ thì hẳn sẽ thấy về sự mất dạy, lưu manh, xảo trá, hai mặt… vân vân và vân vân… thì Mỹ phải vái lạy và gọi thằng Tàu bằng cụ cố tổ.

Tên mất dạy, thôi mày cứ là vũ phu, cứ là thô lỗ…” (thơ CLV). Ừ thà thế mà lại hay và còn đáng mặt là chính nhân quân tử... ngụy.  

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Thật đáng tiếc!

Rừng người hâm mộ cuồng nhiệt

Ngôi sao bóng đá Hàn Quốc Park Ji Sung, đang thi đấu cho đội hình chính thức của MU, niềm tự hào của Châu Á, vừa đến Việt Nam trong một trận đấu từ thiện. Hàng trăm cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt chờ chực ở sân bay Tân Sơn Nhất để mong tận mắt được nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt. Họ mang theo biểu ngữ, ảnh cầu thủ và cả cờ hoa… thế nhưng khi đến nơi chàng Park nhanh chân lên xe và ngồi lạnh lùng nhìn ra bên ngoài với gương mặt không một chút biểu lộ cảm xúc. Xem ti vi mà bỗng thấy tủi thân thay cho những con người hâm mộ cuồng nhiệt Việt Nam!
Sau trận đấu từ thiện với Navibank Sài Gòn lại có họp báo với hàng trăm phóng viên Việt Nam và nước ngoài nhưng nghe bảo Park cũng chỉ ngồi chưa đầy 5 phút và chỉ trả lời các câu hỏi của phóng viên Hàn Quốc thôi(?).
và bộ mặt lạnh lùng vô cảm của Park

Tại sao một ngôi sao tầm cỡ đi làm từ thiện mà lại thiếu thân thiện và cả một chút lịch sự tối thiểu đến thế nhỉ? Hay với anh chàng này thì từ thiện cũng chỉ là một phương tiện khả dĩ để đánh bóng tên tuổi của mình?
Nếu thế thì thật đáng tiếc!

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Nhớ "Người yêu tôi bệnh" của Nguyễn Đức Quang

NS Nguyễn Đức Quang (đứng) 

Khoảng những năm bảy mươi, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt mà đỉnh điểm là mùa hè đỏ lửa 1972 và rải rác đâu đó, những anh em bạn bè cùng trang lứa với chúng tôi, có người đã phải vào Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, sau đó khoác áo lính lên đường và không bao giờ trở lại… Trong hoàn cảnh đó, như một sự giải tỏa, chúng tôi đến với phong trào du ca, bấy giờ là nhóm du ca “Về nguồn”, trụ sở đóng ở văn phòng Hội đồng tỉnh Phước Tuy, đối diện với trường trung học Châu Văn Tiếp, bây giờ là THPT Châu Thành (nhân tiện nói thêm là không biết đến bao giờ người ta mới chịu đổi tên cho ngôi trường này, bởi cái tên Châu Thành hiện tại chẳng ăn nhập vào đâu cả, thậm chí có người còn lầm tưởng tai hại rằng Châu Thành là tên con hay em của ông Châu Văn Tiếp ngày xưa!) và cũng từ đó chúng tôi gần gũi gắn bó hơn với những bài hát du ca (khi đùa thì lái lại là da …) của các Nhạc sĩ Viết Chung, Bùi Công Thuấn, Trầm Tử Thiêng … trong đó có NS Nguyễn Đức Quang, một huynh trưởng của du ca Việt Nam lúc bấy giờ và mãi mãi sau này, với những bài hát tình tự quen thuộc về tuổi trẻ, quê hương, dân tộc như Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Xin nhận nơi này làm quê hương, Hy vọng đã vươn lên, Không phải là lúc, và cả Người yêu tôi bệnh…Lúc bấy giờ phong trào du ca ở Phước Tuy vẫn còn rất mới mẻ song với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nên cứ thứ Bảy, Chủ nhật là anh em chúng tôi lại tụ tập ca hát ở tất cả những nơi nào có thể được như trụ sở Hướng đạo, CPS (chương trình phát triển sinh hoạt học đường mà trụ sở đặt tại trường Trung học Châu Văn Tiếp do thầy Trần Kim Sa làm trưởng nhóm) trụ sở Bình định và phát triển nông thôn, trường trung học Minh Phụng, Châu Văn Tiếp, Sư phạm, nhà thờ … cả dưới những tàn cây bóng mát, hoặc trong những tư gia nào có khuôn viên rộng rãi và khả dĩ chấp nhận chúng tôi. Chỉ với vài cây ghi ta thùng, những tờ nhạc in ronéo nhem nhuốc, cũng đủ để chúng tôi say sưa hát, lúc thì đồng ca, hợp xướng, lúc thì song ca, tam ca rồi cả đơn ca... Ở thời điểm đó, nhạc của Nguyễn Đức Quang luôn hừng hực lửa với cách đặt vấn đề trực khởi như: Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi…/ Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm trong ưu phiền…/ Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn…/ Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó khăn… đã truyền cho lớp người trẻ tuổi đang mất phương hướng như chúng tôi thêm tin yêu vào cuộc sống, xóa đi thân phận nhược tiểu, nhen nhóm lên trong tâm hồn mỗi người lòng tự hào về một dân tộc quật cường; thắp lên trong đêm đen mù mịt của chiến tranh niềm hy vọng về tương lai hòa bình tươi sáng của dân tộc …


Nhưng rồi chiến sự ngày càng ác liệt, cục diện chính trị miền Nam lúc bấy giờ ngày càng trở nên rối rắm phức tạp, dẫu rằng chúng tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó (điều quan tâm nhất bấy giờ của chúng tôi là đất nước ngưng tiếng súng và hòa bình như TCS từng ao ước ”Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm...”). Song hòa bình chưa tới (dẫu NĐQ đã thấy Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến) và như một tất yếu, nhóm du ca chúng tôi tan rã mà chưa kịp có tên tuổi và các thành viên phải tản mát khắp nơi. Người thì trốn lính trên những tầng gác xép áp mái, có người vội thi vào trường sư phạm để được nhận giấy hoãn dịch, người thì về Sài Gòn để tiếp tục lang thang tránh né và có những người phải vào trường sĩ quan Thủ Đức hoặc trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang... Chúng tôi như một đám bèo bọt trôi nổi trên dòng đời, hợp tan theo những biến động thời cuộc. Ở thời điểm đó người ta không thể biết mình sẽ sống chết lúc nào và sẽ ra sao ngày sau? Tất cả đều mịt mờ vô định! Nhưng trong những lúc bi quan nhất bao giờ chúng tôi cũng nhớ đến những bài hát du ca, trong đó có nhạc của Nguyễn Đức Quang: 


Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên đang rực lên trong màn đêm... (Hy vọng đã vươn lên)

Tôi đến với bài hát "Người yêu tôi bệnh" (còn có tên tiếng Anh khi dịch lời sang tiếng Anh là “My lover get sick”) của Nguyễn Đức Quang có muộn hơn và hát trong lần đến thăm người bạn gái đang bị bệnh. Tôi vẫn ngỡ đó chỉ là lời tâm tình của một người con trai khi chăm sóc cho người yêu của mình đang bị ốm. Nhưng đến khi cũng tình cờ biết rằng trên bản nhạc này, NS Nguyễn Đức Quang đã từng ghi dòng chữ Đi làm công tác xã hội là đã chọn một người yêu: Nguyễn Thị Quê Hương”. Vâng, như vậy, người yêu trong “Người yêu tôi bệnh” đâu chỉ là một người yêu bé bỏng cụ thể của tình đôi lứa mà còn là một hình ảnh thiêng liêng và lớn lao hơn, đó là người tình quê hương, người đang ngày đêm quằn quại bởi những vết thương do chiến tranh, chia rẽ, hận thù, đói nghèo gây ra… và từng giờ từng phút đang chờ đợi sự chung tay chăm lo, vun đắp, hàn gắn của mọi con dân nước Việt. Chúng tôi thích bài hát này hơn bắt đầu từ những nhận thức đó:

Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai

Nàng nằm đớn đau tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi
Đã lắm lúc thao thức vì nàng
Yêu nhau đâu đành dở dang
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần

Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu!

Bây giờ thỉnh thoảng có dịp tụ họp bạn bè, chúng tôi vẫn hát lại bài này với ba giọng, nhiều lúc chỉ hát mà không cần đàn đệm. Bài hát cũ nhưng cảm xúc dường như vẫn tinh khôi như ngày nào. Nếu có ai hỏi tại sao thế, thì tôi có thể nói ngay rằng bởi người đẹp Nguyễn Thị Quê Hương yêu dấu kia vẫn còn đó nguyên vẹn căn bệnh trầm kha từ những vết lở lói do sự hoài nghi, chia rẽ và đói nghèo. Và ngày nay, một lần nữa lại đang đứng trước hiểm họa bom đạn chiến tranh do bọn tàu phương bắc cố tình gây hấn.

Hôm nay cũng lại tình cờ hay tin Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã từ trần vào ngày 27/3/2011 tại Little SaiGon, California sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 68 tuổi, tôi xin nhắc lại kỷ niệm nhỏ này như một nén tâm hương thắp cho một người nhạc sĩ tài hoa mà tôi chưa từng gặp, nhưng vô cùng yêu mến.