Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Nhớ bạn

Hôm nay, 11/11 âm lịch, giỗ đầu của Hào. Cách đây ba hôm nhận được điện báo tin của anh Nhàn, anh rể Hào, mình gọi ngay cho anh Đảng, Đường, T.Hưng và Th, T; anh Đảng gọi thêm cho anh Đoan để hẹn nhau cùng đi, chỉ tiếc T. Hưng bệnh ở SG; Th, Tr bận gì đó nên không đi được.

Nhà Hào, vẫn khu vườn xưa rợp bóng mát nhưng thiếu tay người chăm sóc nên hoang vắng đầy lá rụng, chỉ mấy chậu hoa giấy trước nhà là vẫn vô tư trổ hoa trong nắng và cây mít già bên hiên lặng lẽ vẫn cố nảy vài trái oặt oẹo cuối mùa. Trong nhà, trên bàn thờ di ảnh Hào vẫn đó, vẫn cái nhìn hiền lành với mọi người, chân thật với tất cả và ngơ ngác với đời.

Nhớ ngày xưa khi Hào còn ở tập thể, khu bệnh viện cũ, căn phòng nhỏ tường không trát vữa, chỉ dán bằng những tờ giấy báo ố vàng loang lỗ, tấm bảng đen ngăn đôi căn phòng, bên ngoài kê bộ bàn ghế vừa là chỗ tiếp khách, vừa là chỗ thỉnh thoảng kèm cặp vài ba đứa học trò, bên trong là chỗ ngủ với mấy tấm ván sơ sài ghép lại gọi là giường. Tuềnh toàng thế nhưng lại là nơi tụ họp gắn kết anh em-bè bạn xa gần. Nơi ấy, hàng ngày, Hào một mình lủi thủi đi về đến tội nghiệp, rồi lúi húi nấu nướng, kê mấy cục gạch tạm bợ làm ông đầu rau, củi vơ vội sau nhà chưa khô nên khói đặc cả phòng, nước mắt nước mũi sặc sụa mỗi lần vào bếp. Anh em thúc lấy vợ để có người hủ hỉ đỡ đần, lần nào Hào cũng nhe hàm răng cải mả ra cười khơ khớ rồi giọng đặc sệt Quảng Trị bảo: “Sặp rồi, sặp rồi, chuẩn bị tiền đi là vừa!”. Thế nhưng cái "sặp rồi" đó cứ lùi dần lùi dần, mặc cho mọi người trêu ghẹo, mặc cho biết bao biên bản cam kết được ký, Hào vẫn không có nổi một mảnh tình vắt vai, bởi không ai chịu làm người để cho anh yêu thương chăm sóc, để anh được đem bờ vai gầy guộc của mình ra làm chỗ dựa cho họ. Thực ra, trước đây, có người mai mối, Hào cũng hẹn hò với một cô thợ may, nhưng chỉ được vài lần, sau đó chẳng thấy cô ấy đến nữa.

Nhưng cũng có lần Hào yêu, đấy là lần duy nhất anh em chứng kiến. Hào yêu người ấy bằng một tình yêu ngây thơ chân thành và tin rằng người ấy cũng yêu mình như thế. Những ngày ấy người ta thấy ở anh dáng dấp mới mẻ của một chàng trai mới lớn cùng những buổi hẹn hò cuống quít đầy hăm hở vụng dại. Mỗi chiều ăn uống xong, anh lại chăm chút vuốt ve từng cái quần, cái áo để đến nhà người ấy, nếu chiều ấy anh em có bày độ nhậu ngay tại nhà mình cũng mặc, Hào chẳng lỗi hẹn với người ấy bao giờ. Chẳng biết khi đến đó Hào và người ấy nói gì, nhưng mỗi lần trở về, trên chiếc xe đạp cọc cạch, qua mảnh vườn hoang đầy cỏ dại, tù mù ánh đèn vàng vọt, từ xa, người ta đã thấy Hào vừa đạp xe vừa huýt gió xem chừng vui tươi và yêu đời lắm. Thấy vậy, anh em vừa mừng vừa ái ngại, bởi cô ấy còn trẻ quá, mà Hào thì đã già. Thế nhưng, đùng một cái, cô ấy bỏ đi lấy chồng, anh chồng là bạn học cùng lớp sư phạm ngày xưa, trẻ tuổi, đẹp trai. Anh em hỏi sao lại thế, Hào chỉ mím môi cười nhạt và hôm đám cưới, Hào không đến dự, anh đóng chặt cửa, không gặp ai, một mình nằm chơ vơ trong phòng suốt một ngày như để cố chôn chặt nỗi đau đớn trong lòng mình.

                  ...Ngày nhà em pháo nổ, 
                     Anh cuộn mình trong chăn, 
                     Như con sâu làm tổ, 
                    Trong trái vải cô đơn. 
                     Ngày nhà em pháo nổ, 
                     Tâm hồn anh nhuốm máu, 
                     Ôi nhát chém hư vô! 
                     Ôi nhát chém hư vô!" (Chuyện tình buồn - Phạm Duy). 

Ngày hôm sau Hào vẫn đi làm, vẫn cười cười nói nói nhưng giọng cười, tiếng nói héo hắt và chua xót thế nào ấy. Mọi người đều biết nhát chém hư vô đã khiến anh ngã quỵ và không còn đủ sức che giấu nỗi đau trong lòng mình nữa rồi!

Sau cú sốc đó một thời gian, Hào xin chuyển về PM, nói là để cho gần bà chị. Cách BR hơn hai mươi cây số nhưng tháng nào Hào cũng xuống BR với anh em, khi thì ghé anh Đ, khi thì ghé kiếm TH, Đg và mình. Đó là những lúc trong túi anh có rủng rỉnh dăm ba trăm ngàn tiền bán cháo phổi. Gặp nhau nói chuyện câu trước, câu sau là Hào rủ anh em ra quán. Trước khi uống, bao giờ Hào cũng bảo: “Uộng đi, tợ cọ nhiều tiền lặm, chơi thoải mại”. Hào uống không nhiều, vài ba chai bia là đã ngà ngà say, nhưng thích tụ tập để trò chuyện, đùa giỡn rồi chọc phá nhau đến phát cáu, có lẽ đó là cách để anh vơi bớt nỗi cô đơn chăng? Mỗi lần đùa giỡn, khi bạn bè vặn lại là Hào lại gân cổ: “Cải cho cộ, cải cho cộ!” rồi cười khơ khớ, khơ khớ như một đứa trẻ.

Nhớ có lần vào dịp Tết, Hào từ PM xuống ghé mình chơi rồi rủ đến thăm Tư H. Ngồi nhà Tư H uống rượu, đang vui, tự dưng Hào bảo Tư H: “Chút tui về mà có chuyện gì ông lo cho tui he!”. Tư H vỗ vai cười đùa: ”Yên tâm, cứ uống đi!”. Vài tiếng sau mình nhận điện Tư H, giọng hốt hoảng: ”Cha Hào bị xe đụng rồi”. Tư H luống cuống bảo mình chuẩn bị để xe đến đón đi thăm Hào, rồi lại nhờ anh em trên đó chạy gấp vào trạm xá nơi Hào đang nằm xem tình hình thế nào. Chỉ dăm phút sau, Tư Hùng gọi lại “Thôi, chả tỉnh dậy, dzề rồi, tự té, không sao cả!”. Anh em thở phào nhẹ nhõm, Tư H lại bảo: “Cha này nói linh thiệt!”. Hào sống chân chất, thật thà, hết mình với bạn, không lươn lẹo, bợ đỡ, đôi khi vụng về nên có nhiều người thương nhưng cũng lắm kẻ không thích. Không thích vì Hào không giống họ, không cùng phe với họ.

Thương Hào nên mình nhờ mấy người bạn ở Ủy ban xin cho anh miếng đất thổ cư được trăm mét vuông ở khu vườn thuốc Nam, đi đâu Hào cũng khoe lòng tốt của anh em đối với mình, Hào khoe chân thật và cảm động với chút tình nghĩa ấy. Mình cứ nghĩ đấy sẽ là mảnh đất Hào cất nhà, lấy vợ, sinh con đẻ cái để bà cụ ngoài quê yên lòng khi tuổi đã gần đất xa trời. Thế mà đường tình duyên của bạn vẫn cứ thăm thẳm. Chẳng hiểu sao, do số phận hay do Hào không đẹp trai, tướng tá thấp bé lại không nhanh nhẩu mồm miệng và nhất là lại nghèo nên khó lấy vợ? Nhưng thôi có lẽ thế cũng là cái may, vì nếu có ai gắn bó với bạn mình thì lại thêm một người phải khổ khi bạn mình nằm xuống. Phải chăng vì biết thế nên Hào không mặn mòi lắm với việc lấy vợ, bởi bạn mình có muốn ai khổ vì mình bao giờ đâu!

Rồi Hào làm nhà trên PM, cạnh nhà bà chị, mời anh em lên tân gia, nhậu một trận tưng bừng. Lần này Hào lại cười khơ khớ, khơ khớ và bảo: "Chuẩn bị nhà để lấy vợ đọ". Nghe nói, anh em cũng mừng cho bạn. Cả bọn còn bàn đến chuyện tổ chức cưới xin cho một thằng cha già đầu bạc mới chịu đi lấy vợ như thế nào cho vui và ý nghĩa. Bàn tới bàn lui, nhưng cô dâu là ai thì chú rể già này cứ hẹn lần hẹn lữa chưa cho gặp mặt. Hẹn mãi cho đến ngày Hào đổ bệnh.

Hôm nghe Hào bệnh mình cứ tưởng bệnh thường thôi, chẳng ngờ khi bạn ghé nhờ mình làm cho cái giấy chuyển viện về CR thì đã thấy Hào xuống sắc lắm, nhìn bạn xạm đen, gầy xọp, dáng đi liêu xiêu từ ngoài sân, chiếc áo mỏng trở nên rộng thùng thình phất phơ trong gió, mình đã linh cảm chuyện chẳng lành, thế nhưng Hào vẫn ngây thơ cho rằng không có gì, trong khi hồ sơ bệnh án đã nói rõ. Khổ thế!

Vài tuần sau, khi mình đi cùng PGD lên thăm thì Hào đã yếu lắm rồi, mồm miệng vẩu ra, nụ cười héo hon gượng gạo vì đau đớn mệt mỏi, ánh mắt đã xuộm màu buông xuôi tuyệt vọng. Thương Hào nhưng chẳng ai nói được điều gì ngoài những câu vớ vẩn nhạt nhẽo, bởi lúc này mọi thứ trên đời này, kể cả ngôn từ đều trở nên vô nghĩa và bất lực. Mọi người chợt nghĩ đến tình cảnh của bà mẹ già nơi làng quê Quảng Trị nghèo khó xa xôi kia đang ngày đêm thắt thẻo chờ đợi... Và đó cũng là lần cuối cùng mình gặp Hào.

Hôm nay giỗ đầu của Hào, nhìn mấy cái bàn chổng chơ với vài nhúm khách giữa khu vườn vắng đầy nắng gió, tự nhiên thấy buồn, càng buồn hơn khi sáu, bẩy chục đồng nghiệp của Hào ở ngôi trường cấp ba to đùng gần đó nhưng tuyệt nhiên không một ai đến dự. Anh Nhàn, anh rể Hào, chắc vì áy náy nên cứ phân bua với bọn mình: "Các thầy cô tiếc lắm nhưng vì bận dự đám cưới con của một giáo viên trong trường...". Vâng, đám cưới thì vui hơn và cũng quan trọng thật nhưng chẳng lẽ cả một ngôi trường đủ những ban bệ nào Ban giám hiệu, nào Chi bộ đảng, rồi Công đoàn, Đoàn thanh niên, lại còn Tổ Chuyên môn... mà chẳng cử được ai đến thắp một nén hương, cắm một cành hoa cho người đồng nghiệp xấu số vừa mất tròn một năm hay sao? Chẳng lẽ người ta có thể nhanh chóng lãng quên một người tổ trưởng bộ môn hiền lành chân chất, một người đã từng gắn bó với họ cả chục năm trời từ khi ngôi trường ấy mới được thành lập? Quên nhanh được đến thế sao?

Thôi, tất cả cũng đã qua và Hào cũng chẳng buồn trách gì nữa đâu, tính bạn mình vốn thế mà! Hôm nay, ngày giỗ đầu, mình viết mấy dòng này nhớ bạn như một nén hương lòng của anh em bè bạn gửi đến cho Hào, một người Quảng Trị tốt nhất mà mình từng biết, và cầu mong cho bạn nơi cực lạc xa xăm nào đó, sớm tìm được hạnh phúc thật sự cho mình, cái hạnh phúc mà cả cuộc đời Hào khắc khoải tìm kiếm nhưng vô vọng giữa cái trần gian muôn màu và đầy khổ lụy này.


(trích đăng fb Tran Nam)

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Bộ phong trào

Nhớ cách đây hơn 3 năm, trong lần gặp gỡ các giáo sư và nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, ngày 17/11/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được hơn 4 tháng, tuyên bố sẽ cải cách chế độ tiền lương ngành giáo dục để đến năm 2010 các nhà giáo có thể yên tâm sống bằng đồng lương của mình.

Nghe thế mọi người và cả các nhà giáo đều ngớ người ra tự hỏi: từ trước đến giờ nhà giáo sống bằng gì và từ nay đến 2010 các nhà giáo phải sống ra sao, nếu lương vẫn chưa đủ sống?

Sau khi đưa ra lời tuyên bố hùng hồn đó, ông Bộ trưởng đã tích cực có những biện pháp để chấn hưng ngành giáo dục. Nào là qui đinh đạo đức nhà giáo, rồi các phong trào thi đua, các cuộc vận động, rồi các chuẩn nghề nghiệp, và đủ thứ thông tư thông tiếc … Chạy theo các phong trào, các cuộc vận động của ông, các nhà giáo ta cũng mệt bở hơi tai. Mệt nhưng vẫn vui, giống như người đi đêm thấy được chút tia sáng le lói ở cuối đường. Các thầy cô bảo nhau cố mà sống mà làm việc đến năm 2010 để thấy đời sang trang mới, con cái đỡ khổ, cha mẹ già được báo hiếu …

Thế nhưng cho đến nay, khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến cái thời hạn ông Nhân đưa ra, xem chừng chút hy vọng le lói cách đây gần bốn năm đã tắt ngóm tự bao giờ và thế là cái tương lai xán lạn ông vẽ ra cho các nhà giáo sẽ không thể trở thành hiện thực. Có người bảo ông Nhân hứa hão. Tôi thì không nghĩ ông hứa hão mà chẳng qua ông đã quá hăng tiết và thiếu am hiểu tình thế mà thôi, cũng giống như ông Tiến sĩ Viện trưởng Kinh tế kinh tiếc nào đó dám tuyên bố xanh rờn rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay thì chỉ cần 20-30 năm nữa, Việt Nam ta sẽ là một trong 15 nền kinh tế mạnh nhất thế giới! Đúng là những tuyên ngôn bạt mạng đáng được ghi vào kỷ lục Guiness!

Thôi sự đã thế thì các nhà giáo đành chia tay với giấc mơ vui và cũng xin đừng “nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi” để ông Bộ trưởng thanh thản tìm vui với những phong trào và các cuộc vận động này nọ.

Cầm lòng vậy, đành lòng vậy!

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Nhà thờ chánh tòa Bà Rịa

Ngôi giáo đường cổ kính không còn nữa
Vài năm trước, Bà Rịa còn ngôi nhà thờ rất đẹp được đức Cha người Pháp Errard cho khởi công xây dựng từ năm 1887. Người Bà Rịa đi đâu cũng tự hào về ngôi nhà thờ tồn tại hơn trăm năm mà vẫn vững bền, nguyên vẹn với thời gian. Nó mang vẻ uy nghi của chốn tôn nghiêm, trong nét đẹp cổ kính của kiến trúc Roman phương Tây mà vẫn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi của một ngôi nhà chung, hài hòa giữa một không gian đô thị nhỏ miền Đông Nam bộ.
Nhưng từ khi giáo phận Bà Rịa được thành lập, tách ra từ giáo phận Xuân Lôc, 22/11/2005, giáo dân chưa kịp hưởng trọn niềm vui với Sắc chỉ Tông tòa thiết lập tân giáo phận, thì sau đó ít lâu, bỗng dưng người ta thấy ngôi nhà thờ cổ kính ấy bị đập bỏ để xây dựng ngôi nhà thờ chánh tòa của tân giáo phận Bà Rịa theo lối kiến trúc hiện đại hoành tráng với hàng trăm tỷ đồng.

Nào những ô cửa ghép bằng thủy tinh đủ màu sắc khắc họa những hình ảnh, sự tích trong kinh thánh được đặt từ Ý; nào là bộ chuông sáu cái được đúc từ Đức; rồi những phiến đá cẩm thạch, hoa cương được lôi về từ mọi miền đất nước để ốp tường, lót cầu thang, trang trí, làm trụ rào; rồi những đồ gỗ nội thất có giá hàng chục triệu đồng cho mỗi cái; rồi tranh ảnh, tượng thánh, bệ thờ, đèn chùm … 
Nhà thờ chánh toà mới đang xây dựng
Dự kiến thời gian xây dựng là ba năm, đến giữa năm 2010 sẽ hoàn thành ngôi nhà thờ hoành tráng này và lại tiếp tục khởi công xây dựng tòa nhà cho vị giám mục tiên khởi của giáo phận cũng hoành tráng không kém ngay bên cạnh. Nhà thờ mới to thế nhưng giáo dân sao chẳng thấy vui. Buổi sáng nhìn những cụ ông, cụ bà đi lễ nhất, lưng họ như còng xuống hơn và giữa sự phô phang về đường nét, hình khối với những mái vòm, cột, tháp cao vút của ngôi nhà thờ mới, bóng dáng họ sao trở nên nhỏ nhoi, lạc lõng đến tội nghiệp! Phải chăng vì những gánh nặng mà họ phải oằn lưng chịu đựng? Nhiều người bảo giáo dân còn nghèo, thậm chí có người không có nổi miếng đất cắm dùi, phải chạy ăn từng bữa, con cái nhếch nhác, thất học thì có nên xây ngôi nhà thờ to lớn một cách lãng phí như thế không? Bởi kinh phí xây dựng phần lớn đều trông chờ vào sự đóng góp của giáo dân qua các đợt vận động những viên gạch vàng, viên gạch bạc … Nhà thờ đã kêu gọi thì giáo dân ắt phải mở hầu bao đóng góp, nhưng liệu mấy ai biết rằng trong thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay thì mỗi đồng tiền của họ đều thấm đẫm vị mặn của mồ hôi và cả nước mắt? Chẳng hiểu đức giám mục và các cha nghĩ gì? Chắc các ngài chưa thấu được dân tình, hay các ngài cũng đang mang căn bệnh thời đại: bệnh thành tích, thích làm những công trình kỳ vĩ, bự sự để đua chen cùng 25 giáo phận khác trong cả nước, và cũng để người đời qua đó mà ghi nhớ thời trị vì của các ngài?
Nếu quả vậy thì cũng đành cúi đầu: “Xin Chúa thương xót chúng con, Amen!”.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Văn hóa còi


Đường phố Thái Lan không có tiếng còi xe (Ảnh SD)










Nhớ ngày trước, gần trường học, bệnh viện, bao giờ người ta cũng gắn biển báo cấm bóp còi xe. Ngay trong phạm vi thành phố người ta cũng yêu cầu hạn chế tiếng còi. Mãi thành quen nên mỗi lần qua trường học, bệnh viện hay vào thành phố người đi xe luôn đi chậm lại và hạn chế tối đa việc bóp còi. Nhờ thế mà phố phường có được

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Tôi chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào!

Chắc chắn nhiều người khi nghe Thủ tướng nói thế sẽ cảm thấy lo lắng, vì ở một đất nước mà tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International - TI), xếp hạng 120/180 về chỉ số tham nhũng, trong khi Malaysia hạng 56/180, Thái lan hạng 84/180 mà Thủ tướng lại quá lạc quan cho rằng không cần thiết phải thực thi trách nhiệm và quyền hạn được luật pháp gíao cho, mà cụ thể là quyền miễn nhiệm, cách chức những cán bộ dưới quyền có sai phạm.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Youth (Trẻ) - Samuel Ullman

Bài thơ của Samuel Ullman (1840-1924) định nghĩa rất hay thế nào là trẻ, từng được xem là “cẩm nang bỏ túi” của giới doanh nhân Nhật. Điều thú vị là tác giả người Đức định cư ở Mỹ nhưng bài thơ lại được phổ biến ở Nhật hơn ở Mỹ. (Nguồn: "Tuổi trẻ cuối tuần").

Trẻ không phải là thể trạng mà là trạng thái tâm lý. Đó không phải là việc môi đỏ, má hồng hay đôi chân dẻo dai, mà là sự hăng say, ước mơ cháy bỏng và cảm xúc dạt dào. Nó là sự tươi mát của suối nguồn cuộc sống.

Trẻ nghĩa là khi lòng can đảm vượt qua nỗi rụt rè, thích phiêu lưu hơn sự an nhàn. Người ta không già đi bởi năm tháng mà chỉ già đi vì từ bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm da nhăn, nhưng tâm hồn chỉ hằn nếp khi bạn không còn lòng nhiệt tình. Lo ngại, ngờ vực, tự ti, sợ hãi và chán chường - là những thứ có thể làm cho người trẻ trở nên già.
Dù sáu mươi hay mười sáu, trong trái tim mỗi người đều có chỗ cho sự ngưỡng mộ điều kỳ diệu, sự háo hức trẻ thơ với điều sắp tới, và sự thú vị với trò chơi cuộc sống.
Chừng nào trái tim bạn còn nhận được tín hiệu của cái đẹp, sự hi vọng, niềm vui, nhận chân được sức mạnh của con người và trời đất thì bạn vẫn còn trẻ.
Khi trái tim bạn đóng kín bởi sự bi quan và nghi kỵ thì bạn đã già, dù ở tuổi hai mươi. Còn khi trái tim bạn vẫn rộng mở đón nhận tín hiệu lạc quan thì bạn vẫn trẻ dù ở tuổi tám mươi./.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Em gái


Tháng nào em cũng gọi điện về, mỗi cuộc gọi kéo dài cả giờ đồng hồ, vượt qua hàng mấy ngàn cây số, băng qua những lục địa, đại dương mênh mông, thế mà tiếng nói em vẫn nhẹ bâng và chậm rãi như ngày nào, dẫu rằng lúc này em đã là một người đàn bà ngoài bốn mươi. Ngày xưa nghe cách nói, cách đi đứng, ai cũng bảo số con bé này rồi sẽ sung sướng an nhàn lắm đây. Vậy mà ...
 Bao giờ em cũng hỏi han về sức khoẻ các anh chị, các cháu, rồi giỗ bố, giỗ mẹ thế nào, anh chị có thường xuyên gặp nhau không? Lần nào tôi cũng quanh co, bởi tuy gần nhưng anh em bên này có gặp nhau mấy đâu? Sau những lời hỏi thăm là em nói về gia đình mình, về người chồng hay đau yếu, về hai đứa con gái ngây thơ dễ thương … tất cả đều bằng một giọng điệu thật dịu dàng pha chút tự hào, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng cười ngắn và nhẹ làm tôi hình dung đến nụ cười của mẹ tôi ngày xưa. Lạ một điều là chẳng bao giờ thấy em than vãn về những khó khăn vất vả, về những thiếu thốn vật chất, dẫu cả hai vợ chồng em đều thất nghiệp và cả nhà đang hưởng trợ cấp xã hội của chính phủ.
Nhìn vào bản đồ trên Google, nơi em ở là một thị trấn thuộc một bang miền đông bắc Châu Úc xa xăm và mênh mông, khí hậu nhiệt đới gần giống Việt Nam, nhưng người Việt ở đây thì ít ỏi và thưa thớt. Có phải vì thế mà em hay tham dự các lớp học dành cho người nhập cư để có dịp gặp gỡ những người cùng quê, để có dịp được nói tiếng Việt và được nghĩ về quê nhà.
Lần gọi này em lại kể về chuyện người chị em bạn dâu cũng ở bên đó đang mắc bệnh hiểm nghèo và bị chồng ruồng rẫy. Cả hai đều ít học nên họ đối xử với nhau tàn nhẫn và thô bạo. Điều đó làm em đau lòng và lo lắng. Em hỏi tôi lòng phụ bạc có mang tính di truyền và liệu ngày nào đó em có phải lâm vào tình huống như vậy hay không? Hỏi nhưng rồi em lại tự trả lời. Em bảo em sẽ không để vậy đâu, rồi em cười thật nhẹ. Sau tiếng cười đó là những suy nghĩ gì tôi không rõ, nhưng tôi tin ở em mình, đứa em gái bé bỏng, khờ dại ngày nào sẽ đủ bản lĩnh vượt qua tất cả để sống một cách thanh thản và tự trọng.
Em lại bảo gần đến giỗ cậu rồi (anh em tôi gọi Bố Mẹ bằng Cậu Mợ) và em muốn gửi chút tiền nhờ anh chị làm mâm cơm hộ em. Tôi từ chối bởi em có dư dật gì cho cam. Mỗi tháng cả nhà hưởng trợ cấp xã hội khoảng ngàn rưỡi đô Úc, mà chồng thì bệnh hoạn tật nguyền, hai đứa con thì còn nhỏ và đang đi học. Trăm thứ để lo, trăm thứ để tính, chưa kể đến hoàn cảnh một mình bơ vơ nơi đất khách quê người. Mọi vui buồn chỉ một mình em biết, một mình em hay, không người chia sẻ, không ai đỡ đần. Mỗi lần nghĩ đến điều đó tôi lại muốn khóc, lại thương bố mẹ mình và thương đứa em út lênh đênh xứ lạ.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Người nhà


Chuyện cái ông trung tá hải quân Mỹ dắt nguyên một chiến hạm to đùng sang thăm Việt Nam thế mà cũng thành câu chuyện thời sự buổi tối của ông cụ hàng xóm nhà tui. Ông lão 81 tuổi, vợ mới chết tháng trước, vừa quạt phành phạch cái quạt giấy xua lũ muỗi dai như đỉa đói vừa bảo “Chú nghĩ thế nào về việc cha Lê Bá Hùng, hạm trưởng một tàu khu trục thuộc hạm đội 7 của Mỹ sang thăm Việt Nam? Tui ậm ừ qua chuyện: “Thì chắc trên đường công tác ghé thăm hữu nghị chớ sao Bác?”. Ông cụ xì một tiếng rồi bảo: ”Ai hơi đâu mà hữu nghị hữu nghiếc?”. Tui ngạc nhiên: “Chớ theo bác ổng qua làm gì?”. “Ậy, chả qua lúc này mới hay chớ!”. Tui hỏi lại:” Bác bảo hay là hay làm sao?”. Ông lão thủng thỉnh: ”Nè, chú coi, hải quân Mỹ thì thiếu cha gì người làm hạm trưởng  mà lại phái thằng cha trung tá chánh hiệu Việt Nam này sang.

Trong khi ta đang hục hặc với TQ mà lực lượng hải quân ta thì còn yếu, nay cha này sang, hạm trưởng Mỹ nhưng mà gốc Việt và chả nói rõ ràng là chả sinh tại Huế. Thế thì đứt đuôi là người nhà rồi còn gì. Vậy phải chăng ta đang bắt tay với Mỹ để đề phòng thằng Tàu và Mỹ đang cử người nhà sang thăm dò tình hình trước để giúp ta. Cho nên thằng chả mới dám nói sự hiện diện của chúng tôi là để nhấn mạnh cam kết của Mỹ với người dân Việt Nam. He he có “người nhà” cam kết thì yên tâm rồi còn gì, chú!”.Tui giật mình bảo: “Bác suy luận kiểu gì mà kinh thế, ta với Mỹ làm sao là người nhà được, hàng ngày đài báo ta còn chửi Mỹ xa xả, nào diễn biến hoà bình,nào âm mưu nhiều mặt … thì làm sao dám cho cáo vào nhà, hơn nữa ông già của cha này lại là sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam trước đây mà?”. Ông lão quắc mắt nhìn tui như thằng ngố: “ Ủa chú nói lạ! Đã đánh giặc thì người Việt nào cũng phải đánh chứ phân biệt gì người Nam, người Bắc chú?”
Tui ngáp dài bảo:”Thôi Bác đi nghỉ sớm đi, mai còn ra chợ, hơi đâu mà lo nghĩ cái chuyện vĩ mô”. Ông cụ cười hè hè: “Ờ há, ngủ mai còn dậy sớm nấu chè bán chớ! Chú nói có lý, có lý!”.
Nói thế nhưng không biết tối nay ông lão có nằm mơ thấy ông trung tá nọ lái nguyên cái chiến hạm to đùng neo lại bến nước sau nhà để ghé thăm lão không? Thiệt tình!

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Thành Long hay Lý Tiểu Long?



Xem báo thấy tin ngôi sao điện ảnh Thành Long (Jackie Chan), đại sứ tổ chức Operation Smile sang Việt Nam quảng bá cho chương trình phẫu thuật nụ cười dành cho trẻ em với những chi tiết đầy ấn tượng về anh, như nụ cười dễ thương, hành động ga-lăng với phụ nữ, tài dỗ trẻ con nín khóc, và việc tham gia các ca phẫu thuật một cách tận tụy …
Tất cả đều cho thấy một hình ảnh Thành Long thật thân thiện, cởi mở. Rồi nhớ lại những bộ phim của anh cũng vậy. Trong phim bao giờcũng có những màn đấm đá nghẹt thở nhưng luôn được đan xen bằng những chi tiết hài hước gây cười nhằm giảm đi ấn tượng bạo lực, để người xem không cảm thấy căng thẳng, nặng nề. Nhờ thế mà phim anh ăn khách và Thành Long được mến mộ như là người bạn thân thiết của công chúng.
Chợt nhớ về Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Mấy hôm nay kênh CineMax cũng đang giới thiệu bộ phim về cuộc đời Lý Tiểu Long, một diễn viên nổi tiếng, một tài năng võ thuật siêu đẳng của Trung Quốc ở những thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Nhưng thực tình xem cảnh đánh đấm của Lý Tiểu Long tôi vẫn cảm thấy rờn rợn thế nào ấy. Mặt Lý Tiểu Long đanh lại, mắt long lên đầy hận thù, cơ thể gồng lên những cơ bắp cuồn cuộn, rồi anh ta vừa đánh đối thủ vừa rú lên thích thú một cách man dại và mọi quyền cước đều tập trung triệt hạ đối thủ một cách nhanh nhất. Trong phim, Lý Tiểu Long là một sát thủ đích thực.
Có thể tôi không hiểu được cái hay của phim quyền cước nên hình tượng Lý Tiểu Long chẳng những không gợi lên những ấn tượng tốt đẹp mà nó lại gợi lên hình ảnh của những Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị … những kẻ mang dòng máu kiêu ngạo, hiếu chiến, tàn bạo của phương Bắc và gần đây là bóng dáng những anh lính Tàu tràn sang biên giới phía Bắc thẳng tay đập phá trường học, đốt sách giáo khoa, giết thường dân vô tội, cướp bóc tài sản … hồi tháng hai, năm 1979...

Vậy thì Thành Long hay Lý Tiểu Long?

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Dị biệt văn hoá?

Sáng nay xem báo thấy vụ một sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ bị cảnh sát Mỹ hành hung quá tay. Thanh tra cảnh sát Mỹ đã vào cuộc, lãnh sự quán của ta ở San Francisco cũng đã lên tiếng. Vì sao? Vì sinh viên này cầm dao hăm dọa giết một sinh viên cùng phòng. Thế là có chuyện.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Tranh thủ

“Tranh thủ”, trong từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, có nghĩa là “giành lấy về phần mình sự đồng tình, ủng hộ. Ví dụ: Các đảng đối lập ra sức tranh thủ quần chúng”. Còn trong nghĩa Hán-Việt là “tranh đoạt trên tay kẻ khác”.

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Tội cho dân quá!

Sáng nay uống cà phê với mấy ông bạn nghe chuyện có ông Th. gì đó đang phải ngồi chơi xơi nước dài dài vì năng lực ông yếu quá, chẳng làm gì được, đụng chuyện nào hư chuyện đó, lại còn đạo đức tác phong cũng không lấy gì làm “hoành tráng”, nên ở đâu cũng bị dân kiện, dân thưa, dân chửi. Thậm chí trước kia khi còn làm quản lý thị trường, do "ăn uống vệ sinh" quá, ông đã từng bị dân rượt chạy có cờ, phải chui cả vào gầm giường để trốn.

Càm ràm vơ vẩn

Dự hội thảo “Bàn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh” của một trường THCS với tư cách là một phụ huynh học sinh mình cảm thấy vui vì nhiều lẽ. Trước hết, vui vì thấy ngày nay cái “cửa Khổng sân Trình” uy nghiêm im ỉm đã chịu mở toang cánh cửa để sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe những ý kiến đóng góp của phụ huynh, của địa phương, của các vị cựu giáo chức, của hội đồng giáo dục …, dẫu rằng không phải ý kiến nào cũng đúng và mang tinh thần xây dựng. Vui vì mình hiểu được tấm lòng của thầy cô lo cho con cái tụi mình, vui vì hiểu thêm cái nghề giáo tưởng nhẹ bâng, “ngồi mát ăn bát vàng” mà sao cũng gian nan cực khổ quá chừng… Vui nhiều lắm nhưng vui nhất là thấy được cái trách nhiệm của người thầy đối với học trò…

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Tiếng chim lợn

Khi còn nhỏ, mỗi lần nghe tiếng chim lợn kêu đêm mẹ tôi lại thở dài, lo lắng và thắp thêm nén hương lên bàn thờ giữa nhà. Mẹ bảo tiếng chim lợn báo tin rằng có một người sắp sửa từ giã trần gian để trở về với cát bụi và mẹ thắp hương là để tiễn đưa và cầu nguyện cho linh hồn nào đó sớm được siêu thoát. Cứ mỗi lần như thế mẹ lại bồn chồn không nguôi bởi bố tôi ngày ấy là một người lính thường xuyên vắng nhà ...

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Chưa chuẩn

Thật tội nghiệp cho 38 thầy cô ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) khi phải đeo cái Thẻ công chức với hàng chữ "Giáo viên chưa chuẩn" trên ngực mỗi khi đến trường. Chuyện tưởng chừng như xuất hiện ở cái thời xa xưa lắm, thời mà những kẻ phạm tội bị thích chữ lên mặt đưa đi biêu riếu trước bàn dân thiên hạ. Phải chăng việc làm của bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn, trưởng phòng giáo dục cũng nhằm mục đích đó, và như vậy thầy cô chưa chuẩn về trình độ đào tạo cũng là những tội đồ! Khi làm việc này, liệu bà Mẫu Đơn (chắc cũng là một nhà mô phạm) có nhớ lại các nguyên tắc sư phạm, trong đó có nguyên tắc đối xử với đồng nghiệp hay không? Ngày nay, khi cả học sinh người ta cũng kêu gọi phải tôn trọng thì bà trưởng phòng giáo dục lại đi hạ nhục thầy cô giáo trước mắt những học sinh. Nhưng thử hỏi rằng trong hàng chục, hàng trăm cái chưa chuẩn, liệu có cái chưa chuẩn nào nguy hiểm cho bằng chưa chuẩn về tâm hồn, về nhân cách?

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Bạn

Thú thật là cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng nhớ được mình đã gặp Ba Tính ở đâu và Ba Tính ở nhà mình đi học vào lúc nào nữa. Bởi ngày ấy căn nhà ọp ẹp, trống trếnh của tôi như nhà tập thể, lũ bạn khi vui đến ở vài bữa, lúc buồn lại khăn gói ra đi. Lúc ấy đứa nào cũng nghèo nên phải phân tán để tự sống thôi, chuyện đi ở vì thế cũng chẳng ai để ý. Sau này mình biết chuyện về Ba Tính cũng chỉ do anh em kể lại. Nhiều đứa bảo đi đâu Ba Tính cũng hỏi về mày, nó bảo nó học chung với mày, nó xin số điện thoại để gọi, thế mà mày chưa gặp nó à?

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Chuyện nhà lão Phỉnh

Dòng họ lão Phỉnh giàu có tiếng nhiều đời nay. Đến đời lão ngoài việc thừa hưởng cả một dinh cơ năm gian nhà ngói đồ sộ ven khúc sông làng uốn lượn lắm cá tôm, chung quanh kín cổng cao tường với chuồng trâu, ao cá, lại còn bao nhiêu là đất cát ruộng vườn nằm rải rác trong làng! Cả cái gia đình tam đại đồng đường nhà lão đều chung sống trong dinh cơ bề thế đó. Trên hết là vợ chồng lão, rồi kế đến là đám con trai con gái, con dâu con rể, rồi lúc nhúc lau nhau cháu chắt nội ngoại, có lẽ phải đến gần ba chục nhân khẩu. Lão tuy già đầu óc lúc u lúc tỉnh nhưng vẫn quyết nắm giữ vai trò của người chủ đại gia đình chứ không chịu giao lại quyền hành cho đứa con nào, dù rằng con cái lão không hiếm đưa có năng lực và kể cả khao khát chờ đợi ngày lão ra đi cùng với các bậc tiên hiền để thoả sức mà tiếp quản cái cơ ngơi đồ sộ này.
Nhưng lão Phỉnh còn lâu mới chết, lão vẫn khoẻ như vâm, vẫn chuyên quyền và gia trưởng. Lão khoẻ bởi vì ngày nào lão cũng ngậm sâm Cao ly và tẩm bổ đủ thứ sơn hào hải vị, lại còn chăm tập thể dục thể thao nữa chứ! Sáng nào người ta cũng thấy lão xách cái vợt cầu lông ra sân cùng với các mụ sồn sồn áo quần trắng lốp, mỏ đỏ, mắt xanh, tóc phi-dê quăn tít, thích ăn phở hơn ăn cơm. Đã thế tháng một đôi lần lão lại cùng các chiến hữu giàu tiền bạc, có địa vị đến cao lâu để ăn chơi cùng các đào nương thâu đêm suốt sáng.
Khoẻ và phỡn nên lão ra sức củng cố cái địa vị thái thượng hoàng của mình. Lão bắt con cái ngày nào cũng phải họp đại gia đình vào buổi chiều tối để báo cáo những việc đã làm được trong ngày rồi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rồi nghe lão huấn thị về cách đối nhân xử thế, cách tính toán làm ăn ... cứ như là trong trại lính. Lũ con cháu ngán cái trò này đến tận cổ nhưng chẳng đứa nào dám hó hé, trái lệnh. Thế nhưng chúng cũng có cách để trả đũa lão. Chúng hè nhau báo cáo láo, kiểm điểm ma, rút kinh nghiệm hão. Lão tuy còn khoẻ nhưng đã già lại nghễnh ngãng, hơn nữa tính lại thích được nịnh nọt, bợ đỡ nên nghe những lời xiển dương ấy thì ra chiều thú vị lắm. Và thế là lão càng dương dương tự đắc và ra sức khoe mẽ với làng trên xóm dưới về cái tài tề gia, trị an của mình; về cái đại gia đình danh giá, nề nếp, tôn ti trật tự. Thử hỏi cả cái làng này và cả làng bên có nhà nào gia phong qui củ như nhà lão?
Đang yên đang lành thì đùng một cái, chị con dâu trưởng của lão xin xây một bàn thờ thiên trước nhà để thuận tiện cho việc cúng tế trời đất vào những dịp lễ tết. Chỉ thế thôi mà lão đùng đùng nổi giận, đập bàn đập ghế, đỏ mặt tía tai:”Nhà này của ai? Ai là chủ? Tao đã chết chưa mà chúng bay cứt lộn lên đầu? Không, nhất quyết là không! Đứa nào trái lệnh thì cút khỏi nhà tao, chứ không một tấc đất nào được tuỳ tiện, nhà này chỉ một bàn thờ, không có cái thứ hai …” Vợ lão, rồi đám con cháu phân bua, giải bày thế nào lão cũng không nghe. Khóc lóc, van lạy lão cũng mặc. Lão còn đòi gọi cả công an khu vực, dân phòng đến để trấn áp lũ con cháu manh nha mầm mống phản loạn (!) Lão làm dữ nên mọi việc lại yên ắng, đâu lại vào đấy, nhưng lũ con cháu thì oán hận lắm lắm. Chúng bắt đầu sao nhãng học hành, bỏ bê việc làm ăn và lao vào cờ bạc rượu chè trác táng. Hết tiền thì chúng lén lấy các của gia bảo bán đi. Cứ thế nhà lão suy sụp dần mà lão không biết, bởi tất cả đồ đạc của cải trong nhà vẫn y nguyên đó, không mảy may suy suyển. Lão đâu biết rằng tất cả những thứ lão còn thấy sờ sờ ra đó chỉ là hàng giả, hàng nhái mà đám con cháu thuê người chế tác để lừa cái cặp mắt vốn đã kèm nhèm của lão.
Lại đùng một cái còn kinh thiên động địa hơn, khi người ta phát hiện lão Phỉnh đạo mạo, chỉn chu, quyền uy tột đỉnh kia lại có vợ bé vào cái tuổi gần đất xa trời. Hơn thế nữa, lão còn lén cắt một phần đất hương hoả của ông bà tổ tiên để cho gái. Tin dữ lan ra, các con lão Phỉnh tức tối, lồng lộn. Chúng hộc tốc điều tra ngọn ngành. Quả đúng như thế. Thì ra bao nhiêu năm nay lão đã thậm thụt đi lại với con mụ Huê cùng xóm nổi tiếng là lưu manh, đê tiện và đĩ thoã. Cái con mẹ mà người ta thấy lão Phỉnh nhiều khi cũng ra mặt khinh bỉ và căm ghét. Ấy thế mà, ấy thế mà … Có ai ngờ lão lại đổ đốn ra như thế! Sự việc vỡ lở, lũ con lão Phỉnh đến nhà con mụ Huê toan làm dữ. Nhưng cái thứ gái đĩ già mồm đó đã rất đĩnh đạc đưa ra chứng cứ ăn nằm sờ sờ giữa lão với mụ, lại còn trưng cả thư từ hẹn thề mùi mẫn của lão, rồi cả mớ giấy tờ hiến đất cho nó một cách rất ứ đúng luật pháp nữa chứ! Lũ con lão Phỉnh hậm hực đau đớn, nhục nhã đành quay về. Chúng nghĩ bụng để xem phen này lão ăn nói thế nào với con cháu? Làm sao lão còn dám cao đạo nhìn mặt hàng xóm láng giềng?
Nhưng về đến nhà chúng mới hay lão Phỉnh đã treo cổ chết tự bao giờ!
Lão chết vì xấu hổ, uất ức hay vì ân hận? Chẳng ai mà biết được! Chỉ có điều lão chết thì xong thân lão, vì lão cũng đã già và cả đời ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ. Chỉ có đám con cháu lão là khổ, bởi chút gia sản còn sót lại là cái từ đường ấy cũng chỉ còn là một mớ gỗ ván mục ruỗng chẳng đáng giá là bao.

Lão Cự

Ngày xưa, ở làng mình có lão Cự, người thấp đậm, da bánh ít, đầu húi cua gần như trọc lóc, lúc nào cũng trần xì, chỉ mặc mỗi cái quần nái thâm xắn quai cồng đã bạc thếch bạc thác, tướng đi thì uỳnh uỵch, chỉ được mỗi con mắt thì lúc nào cũng hấp ha hấp háy vui vui, hiền hiền không làm bọn trẻ chúng mình sợ hãi. Nhưng nói chung nhìn lão chẳng ra vẻ gì nếu không nói là tầm thường xấu xí so với nhiều người khác. Ở cái vùng quê hẻo lánh, đất cày lên sỏi đá, chó ăn đá gà ăn sỏi này, chỉ mỗi cái gió Lào thổi cũng đủ héo rũ cả người chứ nói gì đến cây cối, ấy thế mà mấy công vườn nhà lão Cự lúc nào cũng xanh ngăn ngắt với rau, chuối, khoai sắn, rồi cả một vườn cây ăn trái mùa nào thức nấy, lại còn có cả cái ao con con thả cá nữa … Mọi thứ trong nhà lão dường như lúc nào cũng sẵn. Bọn trẻ chúng mình thích lắm, những buổi trưa đi học về, trời nắng như đổ lửa, ngồi ngoài giậu rào nhìn vào vườn nhà lão Cự mà mát cả mắt rồi xăm soi xem có quả roi, quả ổi nào rơi rụng thì tìm cách khều ra ngồi ăn với nhau. Thật tình cái vườn nhà lão Cự xanh mượt mà như thế chẳng phải không có nguyên cớ mà rõ ràng là vì lão có đến ba bà vợ. Bà Cả, bà Hai, bà Ba. Cả ba bà đều hay lam hay làm, đầu tắt mặt tối việc nhà cửa, vườn tược đến hàng họ, chợ búa từ sáng sớm đến nhọ mặt người. Nhiều vợ nhưng lạ là lão chẳng có đứa con nào. Không biết có phải vì thế mà lão thân thiện với trẻ con chúng mình hơn những người khác chăng?

Lũ trẻ con bọn mình lúc bấy giờ cũng chẳng hiểu làm sao lão Cự lại có nhiều vợ đến thế, có người bảo rằng lão xấu người nhưng lại đẹp cái khác. Chẳng biết là đẹp cái gì, mà bọn mình cũng chẳng cần biết, chỉ thấy là lạ. Thích lão nhất ở cái tài trị vợ. Lão giao hẹn chỉ cần một trong ba bà gây ra điều lộn xộn trong nhà hay với làng xóm là cả ba bà đều bị phạt đòn. Mỗi lần lão phạt đòn vợ là cả một cuộc vui đối với cả làng, nhất là với lũ trẻ con bọn mình. Lão đánh vợ không cần dấu diếm, đánh công khai giữa bàn dân thiên hạ, giữa ban ngày ban mặt, bởi nhà lão là ba gian nhà tranh vách đất nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, sáng sủa với bốn bên là liếp phên tre chống lên cho mát nên ai cũng có thể nhìn thông thống vào nhà. Giữa nhà là cái giừơng rộng bằng gỗ mít vừa làm chỗ nằm nghỉ trưa của lão, vừa là chỗ cả nhà ăn cơm, uống nước, tiếp khách. Gian bên trái là buồng cho ba bà vợ, gian bên phải là buồng ngủ của lão Cự. Chái sau là bếp núc, chuồng gà chuồng vịt nối liền với cái giếng đá ong và ao cá. Mỗi lần đánh vợ, lão Cự bắt cả ba bà nằm trải sấp trên cái giường ở gian giữa, còn lão ngồi trên cái đầu giường, tay cầm cái roi tre nhìm nhịp, miệng kể tội các bà… Lũ trẻ chúng mình thích lắm, vì những lúc ấy trông lão Cự vừa oai phong vừa ngộ nghĩnh, chả thế mà đứa nào cũng ước lớn lên có nhiều vợ như lão. Cứ hết một lượt kể tội, lão lại vụt xuống một roi trên mông một bà nào đấy, bọn trẻ chúng tôi bên ngoài lại nhao lên “Nhẹ quá, nhẹ quá!”, lão Cự lại quay ra “Tiên sư bay, thế mà nhẹ à!”. Những lúc ấy người ta không hề thấy sự giận dữ trong mắt lão mà chỉ thấy cái gì đó hiền hiền và yêu thương. Sau lưng bọn trẻ con chúng mình lúc ấy thỉnh thoảng lại vang lên một câu nói cay độc của một ông bà nào đấy “Gớm, hay hớm gì cái trò hề của thằng tiệt tự!”. Bọn trẻ chúng tôi chẳng hiểu gì và cũng chẳng màng đến, chỉ mỗi quan tâm đến lão Cự. Mỗi khi ăn đòn người ta thấy các bà vợ của lão Cự cũng khóc, nhưng sau đó lại thấy các bà vui vẻ bảo ban nhau làm lụng việc nhà, chợ búa, cơm nước và lão Cự cũng vẫn bình thường, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, lão vẫn dự đám, đi nhà thờ hoặc sang chơi cờ nhà hàng xóm. Thỉnh thoảng nếu có ai hỏi sao lão tài thế thì lão lại cười hề hề: ”Tài chi tui, chẳng qua là … hề hề …”. Nhưng có người bảo cũng có lúc thấy lão ngồi một mình dưới hiên nhà hút thuốc lào sòng sọc đến tận khuya rồi thở dài thườn thượt…

Có lần lão Cự làm một việc động trời khiến cả làng nhốn nháo. Lần ấy lão đi đâu về không biết nhưng lại mang theo một cái đài bán dẫn (thu thanh). Cả ngày hôm ấy cả làng náo động vì tiếng nhạc, tiếng ca phát ra từ cái đài bán dẫn đó. Có kẻ ganh tị thì bảo lão Cự chơi trội, làm tàng, nhưng có người lại bảo lão là người đầu tiên mang cái văn minh hiện đại đến cho cái làng quê tăm tối này. Tối ấy, lão Cự thắp đèn hoa kỳ ngoài hiên, rồi trải mấy manh chiếu xuống mảnh sân đất nện, pha trà và bày cả bánh cốm nữa. Đàn ông đàn bà và nhất là lũ trẻ chúng tôi xúm đen xúm đỏ dưới sân để nghe những âm thanh phát ra từ cái đài bán dẫn diệu kỳ được lão đặt trang trọng trên chiếc bàn nước và còn cẩn thận phủ thêm một tấm voan, vốn là khăn trùm đầu của một trong ba bà vợ. Tiếng ca tân nhạc cao vút của một ca sĩ nào đó thỉnh thoảng lại chen vào tiếng khọt khẹt, khọt khẹt khiến lão Cự lại phải giở cái khăn voan ra và khẽ lấy tay vê vê cái nút trên chiếc đài bán dẫn, âm thanh lại trong trẻo rõ ràng, những lúc ấy, lão Cự lại bảo có cái gì chặn luồng sóng vào đài. Cả làng thán phục, mấy mụ đàn bà chép miệng tiếc thầm, các lão đàn ông thì hậm hực vì ganh ghét. Thế nhưng chiếc đài bán dẫn chỉ hát được chừng non tháng thì tắt ngóm, chỉ còn mỗi tiếng khọt khẹt, khọt khẹt phát ra đều đặn, nghe bảo lão Cự chạy chữa khối tiền nhưng cuối cùng cũng đành bó tay, có người lại bảo hình như có lệnh trên cấm lão Cự không được sử dụng đài! Nhưng cũng có người bảo, mẹ kiếp, lão vờ làm hỏng để nghe một mình, khốn nạn thế đấy! Làng xóm yên bình trở lại, vắng hẳn tiếng ngấm nguýt xách mé của các ông các bà trong làng, còn bọn trẻ chúng tôi thì cứ thắc mắc không biết bọn người hát hát, nói nói trong đó họ lại đi đâu, về đâu?

Thế nhưng cái gia đình yên lành dưới tài tề gia của lão Cự cũng bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Đầu tiên là chuyện bà Ba có chửa. Người ta nghĩ phen này lão Cự phải điên lên vì giận, bởi cái sự chửa của bà Ba là một vết nhơ không thể gột rửa. Bà Ba ngoại tình, bà Ba cắm cái sừng tổ bố lên đầu lão Cự! Nhục quá, nhục quá, phen này thì lão chỉ có nước độn thổ. Điều ong tiếng ve râm ran cả xóm, những khuôn mặt đàn ông đàn bà phởn phơ trước nỗi ê chề của lão. Nhưng không, lão Cự chẳng hề đau, chẳng hề buồn, mà ngược lại lão còn tỏ ra hả hê vui sướng và hạnh phúc ra mặt. Lão đi chợ gánh hàng cho bà Ba, đỡ bà lúc bước lên ngạch cửa, lão cười vang vang cả nhà, lão lợp lại mái nhà, cơi nới thêm gian chái nữa để bà Ba có chỗ lót ổ. Rồi các bà Cả, bà Hai đều rối rít chăm sóc cho bà Ba, các bà bảo nhau gánh vác mọi công việc để bà Ba nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Thế là cả làng lại chưng hửng tẽn tò rồi thì ngạc nhiên. Quái lạ! Sao thế nhỉ? Chả lẽ bao nhiêu năm tịt ngòi, bây giờ lão lại có khả năng đẻ con? Lão là thánh à? Hay là lão chỉ giỏi che đậy cho vết nhơ trên mặt lão? Mấy mụ đàn bà hóng hớt thì năng lui đến nhà lão hơn, mượn cớ là thăm hỏi và mừng cho bà Ba, nhưng kỳ thực là để dò la ngọn nguồn. Bụng bà Ba ngày càng lớn, lão Cự ngày càng vui. Dạo này, thỉnh thoảng lão còn mời được cả lão xã trưởng và tay trung sĩ trung đội trưởng trung đội bảo an về nhà uống rượu. Cả nhà cười vui như tết. Khi cánh đàn ông đàn bà trong làng bắt đầu mệt mỏi vì chờ đợi ngày tàn lụi của nhà lão Cự thì đùng một cái, bà Ba bỏ đi. Ha ha, có thế chứ, cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải thòi ra, vải thưa sao che được mắt thánh! Thế mới biết Giời có mắt! Cả làng lại râm ran xầm xì nào là bà Ba bỏ nhà theo trai, bà Ba bị lão Cự tống cổ ra khỏi nhà, thậm chí có người còn bảo không khéo lão Cự uất vì nhục nên đã giết bà Ba và phi tang không chừng. Có mấy lần lão xã trưởng và tay trung sĩ trung đội bảo an đến nhà, họ không ăn uống, chỉ ngồi một lúc rồi về. Người ta lại đồn họ đến để điều tra vì sự mất tích của bà Ba. Cơ chừng thế này thì không chóng thì chầy thể nào lão Cự cũng bị tóm và rũ tù thôi. Chẳng mấy chốc! Quân giết người! Thế nhưng lão Cự không bị bắt, chí ít là chẳng ai thấy lão bị trói tay dắt đi, chỉ có điều lão Cự cũng biến mất. Cả làng lại râm ran lão đi tìm bà Ba chứ gì hoặc lão nhục quá nên phải trốn khỏi làng. Cả gian nhà và khu vườn nhà lão Cự trở nên trống vắng, cây cối rau cỏ trong vườn dường như cũng không còn xanh nữa dù cho bà Cả, bà Hai vẫn luôn tay chăm sóc. Đàn se sẻ làm tổ ở đầu hồi mọi ngày vẫn ríu ra ríu rít bỗng trở nên im hơi lặng tiếng hơn, chúng buồn hay người buồn mà cảm ra như thế! Rồi cây gạo trước cổng nhà bao năm nở hoa đỏ chót bỗng dưng vàng úa rồi chết. Thiên nhân tương ứng chăng? Chuyện xảy ra ở nhà lão Cự khiến cho cả làng đâm ra lặng lẽ vì người ta không còn ai để soi mói, để dèm pha nữa, tựa như đám hát đã hết trò để xem nên khung cảnh cũng buồn bã hiu quạnh.

Im lặng một thời gian, làng buồn hẳn, mọi câu chuyên khác đều nhạt nhẽo, vô vị, rồi người ta chợt thấy rằng hình như họ đang nhớ lão Cự và nhớ cả cái bà Ba giọng nhẹ mà ngọt như đường phèn hay mang cho lũ trẻ khi thì khúc mía, khi thì rá ổi sẻ chín thơm lừng. Mấy bà hàng xóm thì chợt nhận ra bà Ba tốt đáo để, thỉnh thoảng cần giật tạm vài đồng là bà Ba lúc nào cũng sẵn sàng, không ky bo chắc lép. Từ ngày bà Ba đi rồi làng xóm trống trếnh, đìu hiu hẳn ra. Rồi người ta lại nghĩ ối dào, con trong bụng mình thì mình đẻ, mình đẻ thì mình nuôi, có gì mà phải xấu hổ! Cả lão Cự cũng vậy, cớ gì phải bỏ làng mà đi, mình không có con thì con vợ mình cũng là con mình chứ sao đâu! Tự nhiên người ta trở nên rộng lượng, khoan hòa…

Sau này, chiến tranh lan rộng, nhà tôi rời làng, vào SG, từ đó tôi không biết tin tức gì về lão và các bà vợ nữa. Có bận lâu lắm rồi, tình cờ gặp một người ở làng, tôi có hỏi, nhưng người ấy cũng chẳng biết gì hơn về vợ chồng lão Cự.

Và cho đến bây giờ tôi vẫn không thôi tự hỏi không hiểu làm sao, ngày ấy, bà Ba và lão Cự lại bỏ làng ra đi và bây giờ thì họ đang ở nơi nào còn sống hay đã ra người thiên cổ ?

(Truyện này tôi đã trích đăng trên Fb Tran Nam)


Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Nhậu vai quần chúng

Bạn bè mình nhiều đứa thành đạt, cũng có chút vai vế ông nọ bà kia trong xã hội, chỉ có mình và mấy đứa nữa là nhân viên quèn loong toong. Có lẽ vì thương nhau thời đi học đầy gian khó mà mấy thằng thành đạt lại hay rủ rê mấy thằng thất thểu bọn mình nhậu nhẹt bù khú rồi nhớ chuyện ngày xưa. Những lần đó, bọn thành đạt bao giờ cũng giành quyền trả tiền. Khi thì thằng T giám đốc, khi thằng X phó chủ tịch, lúc là thằng M chủ tịch..., bọn mình chỉ việc có mặt đúng giờ, ăn uống nhiệt tình, tán gẫu thật vui, hò hét cật lực là được, miễn bàn chuyện chính trị chính em gì sất, sau đó nhà ai nấy về, việc ai nấy làm, một hai tháng sau lại gặp.

Nhậu vô tư như thế bọn mình gọi là nhậu vai quần chúng, ví như bên cạnh Kim Siêu Quần trong vai Bao Chửng, Lưu Gia Linh trong vai Võ Tắc Thiên thì còn biết bao kẻ đóng vai quân hầu, quân sĩ, rồi vai quần chúng nhân dân vô danh tiểu tốt chỉ làm mỗi nhiệm vụ đi qua đi lại rồi lăn đùng giả chết chẳng hạn ... Xét cho cùng bất kỳ nơi nào hễ có thủ lĩnh thì phải có quần chúng, không quần chúng thì thủ lĩnh, chứ lãnh tụ cũng chẳng ra quái gì. Mác chẳng từng nói quần chúng là người làm nên lịch sử là gì. Chính quần chúng làm tôn lên vai trò địa vị của thủ lĩnh. Quần chúng làm cho mọi sự việc trở nên qui mô, “hoành tráng” và vĩ đại hơn.

Nhậu mãi như thế, đôi khi nghĩ cũng cảm thấy ái ngại, chả gì bọn mình cũng là người tử tế dù quèn cũng đường đường chính chính có việc làm, có lương tháng, cũng vợ con, nhà cửa hẳn hoi mà cứ đóng vai quần chúng mãi thì mất thể diện quá. Thế làmấy thằng quần chúng quyết định làm cách mạng (dù chỉ một lần thôi). Dành dụm vài tháng, dấu vợ con được một tí và chủ động một cách ngênh ngang mời đám thành đạt đi nhậu một bữa. Thật sung sướng, thật hả hê khi được ở thế chủ động, đóng vai thủ lĩnh, bọn mình ăn nói chững chạc hơn, đi đứng bề thế hơn. Các em tiếp viên nhìn bọn mình lần này cũng khác, kiêng nể một phép. Tiệc gần tàn, bọn mình lớn giọng tính tiền, bọn thành đạt hoảng hồn, đực mặt, trố mắt nhìn (bọn nó tưởng bọn mình trúng gió hay say quá hoá dở hơi gì đó!). Em tiếp viên ưỡn ẹo mang tờ bill lên, bọn mình liếc qua, liếc lại rồi … lé luôn. Bố khỉ! Sao lại lắm thế nhỉ? May sao, thằng bạn thành đạt bên cạnh đã giật vội cái bill trong tay mình và hô lớn “Để đó … tiếp tục … dzô …”. Thế là... cuộc cách mạng bất thành. Và bọn mình lại tiếp tục nhậu trong vai quần chúng.

Thế mới biết làm cách mạng không hề đơn giản chút nào! Thôi thì con sãi ở chùa …

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Hèn tiểu nhân

Ngày xưa, thế kỷ XIV, khi thấy vua Dụ Tông ăn chơi vô độ, nghiêng ngả theo những kẻ nịnh thần, bỏ bê triều chính để việc nước rối ren, Chu Văn An bèn dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 nịnh thần để yên nước, vua Dụ Tông không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” lui về ở ẩn nơi Chí Linh, Hải Dương.
Thế kỷ XVI, danh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế, sau 8 năm làm quan, thấy triều đình lộn xộn, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về ở ẩn, lập Bạch Vân am, mở trường dạy học bên sông Hàn.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Thi cử

Ngày xưa, thời bọn mình đi thi tú tài là phải lên tuốt SG mà thi, đến ngày cả bọn dắt díu nhau tự đi thi, ngay cả việc khi bắt đầu học tân toán học, rồi thi trắc nghiệm IBM cũng chỉ được các thầy các cô giảng day bộ môn và GS hướng dẫn (bây giờ gọi là GVCN) chỉ bảo vài lần trong trường rồi cứ thế mà thi. Cả một kì thi tốt nghiệp phổ thông 12 năm mà cứ nhẹ như không, hầu như chẳng mấy ai có cha mẹ đưa đón ngoài cổng trường thi cả. Nhẹ, bởi chẳng có chỉ tiêu chỉ tiếc cho các nhà trường, chỉ có mỗi động lực là ai học thì đậu ai không học thì hỏng, mà hỏng thì đi lính, mà đi lính thời đó thì "một xanh cỏ, hai đỏ ngực" (chủ yếu là xanh cỏ). Rồi sau đó ai đậu thì lại tự mình về SG đăng ký thi hoặc ghi danh vào đại học. Cứ thế mà học, cứ thế mà thi, tất cả đều tự thân vận động cả.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Lương ôi là lương!

Đệ tử tui ra trường với tấm bằng Cử nhân đại học chính qui của một trường ĐH công lập thuộc Đại học quốc gia TpHCM, về làm việc ở một cơ quan nhà nước lãnh lương bậc 1/9, hệ số lương 2.34. Cuối tháng, sau khi trừ đủ thứ hầm bà lằng nào là BHXH, BHYT, quĩ tình nghĩa, tình thương, quĩ vì người nghèo, vì trẻ em … thì còn lại triệu rưỡi, đó là tính gộp cả tiền cơ quan cho thêm mấy trăm ngàn mỗi tháng, tính ra mới được khoảng 80 USD.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Treo cờ



Năm ngoái, anh bạn tôi may mắn được mấy người em bà con mời đi một chuyến Châu Âu và nhân tiện thăm gia đình người em ruột đang định cư ở Đan Mạch. Không nói chuyện văn minh hiện đại của Châu Âu như thế nào, chỉ nói chuyện anh và mấy người em bà con đến thăm gia đình người em ruột đang sống ở một vùng khá hẻo lánh ở phía bắc Đất nước Andersen và bia Carlsberg, một nơi rất hiếm người Việt sinh sống. Anh bạn kể:

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009




1.Một chú bé người Mỹ, chỉ được biết đến với cái tên Ben, mỗi cuối tuần vẫn chơi đàn ghita trên đường phố San Franciso với mục đích duy nhất: gây quỹ giúp đỡ trẻ em khuyết tật Iraq . “Mỗi chiếc xe lăn có giá 300 USD. Mục tiêu của tôi là có được 1 triệu USD để có thể giúp đỡ ít nhất 3.333 trẻ em” - cậu bé 11 tuổi chia sẻ trên trang web Iplayforpeace.net (Tôi chơi nhạc vì hoà bình) của mình. Kể từ tháng 2/2009 đến nay, Ben đã giúp chương trình "Xe lăn cho trẻ em Iraq" hơn 22.000 USD. Ben đã có đến 8 năm chơi đàn và từng gây quỹ được 500 USD ủng hộ nan nhân cơn bão Katrina. Ngoài sự ủng hộ của mẹ, Ben đang vận động bạn bè và người lớn khác tham gia giúp đỡ trẻ em Iraq. (theoTuổi trẻ online)

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Chuyện lẻ văn hoá

1. Văn hoá xưng hô: Hễ có chức có quyền là phải chứng tỏ điều đó, không chỉ phong cách làm việc, phong cách ăn chơi mà cả phong cách cư xử, gần nhất là cách xưng hô với thuộc cấp. Trước đây là đồng cấp, có thể tôi còn gần anh, nay có chức cao hơn là đã có cách biệt thì chuyện xưng hô cũng phải đổi thay. Thế nên mới có chuyện cấp trên gọi cấp dưới bằng mày, tụi bay và xưng tao. Thế mới oai, mới ra dáng, dù "thằng" cấp dưới lớn bé già trẻ thế nào đi nữa.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Hoan hô thể dục

4g23 sáng, chuông điện thoại báo thức reo. Bật dậy. Rửa mặt. Xúc miệng. Thay quần áo. Xỏ giầy. Đội mũ.
4g30, lão T khều hàng xóm gõ cành cạch vào cánh cổng. Mở cổng, bước ra đường, cũng là lúc ông bà cụ hàng xóm đi lễ vừa qua và chuông nhà thờ cũng gióng lên hồi chuông lễ nhất. Mùa này may là không có mùi hoa sữa ngai ngái, nồng nặc.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Bạn cũ

Hôm qua tình cờ mấy người bạn cũ gọi điện hẹn gặp nhau. Cả nhóm tìm một chỗ yên tĩnh ngồi uống bia và kể chuyện ngày xưa. Nhìn những mái đầu của những chàng trai U60 muối nhiều hơn tiêu cùng những gương mặt mệt mỏi, nhàu nhĩ vì thời gian và vì đủ thứ hệ luỵ của gia đình, cuộc sống, công việc … thấy mà thương quá! Ấy thế mà mỗi khi nhắc đến chuyện ngày xưa, cách nay đã hơn 30 năm, thì lại hừng hực "khí thế" và lại ôm đàn hát vang những bài hát của một thời khờ dại, vô tư nhưng cũng trong trẻo nhất, cái thời mà sau này có người bảo là thời của ngộ nhận - ngộ nhận về tất cả, kể cả chính bản thân mình - chứ không phải là giác ngộ!
Nhưng thôi có hề gì, miễn là ở góc tâm hồn của những chàng trai tóc hoa râm này vẫn còn một chút để lãng mạn, để vui chơi và tiếp tục sống là được rồi.

Giỗ em

Hôm nay (16/3 Âl) giỗ em, trưa nay đi làm về anh chỉ kịp thắp cho em mấy nén hương. Nhiều chuyện buồn và anh cảm thấy mệt mỏi quá, Hùng ơi!

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Obama

"Có ngày tôi là một thiên tài. Có ngày tôi cũng chẳng ra gì". Đó là lời vị tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá về bản thân mình trong một buổi gây quĩ ở Washington D.C. (Theo báo Tuổi trẻ cuối tuần).Có lẽ chẳng cần bình luận gì thêm, nhưng mình thấy thích câu nói thẳng thắn, không màu mè, không màu sắc lãnh tụ này.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Một mình

Lâu lâu đọc lại Nguyễn Bính lại thấy Cụ hay, tài tình và sáng tạo quá! Chỉ vài câu, vài chữ là đã có thể trang trải đến tận cùng cái cô đơn của người nghệ sĩ. Cô đơn đến chua xót, đau đớn... Thích quá nên xin trích lại để thỉnh thoảng một mình nhắm nháp chơi:


Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
(Những bóng người trên sân ga)


Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Năm này, ồ, thế mà vui nhỉ
Những một mình em uống rượu nồng
(Xuân tha hương)


Người có đôi ta rất một mình
Phong trần đâu dám mắt ai xanh
Đêm nay giăng rụng về bên ấy
Gác trọ còn nguyên gió thất tình
(Một mình)

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Chuyện lẻ giáo dục

1. Mấy hôm nay nghe nói sắp tới Hiệu trưởng các trường có quyền quyết định chọn lựa bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy trong nhà trường cho phù hợp. Ôi mừng quá! Thế là cái thời bao cấp đã qua? Thế nhưng khổ nỗi đến bao giờ mới thành sự thật? Lão hàng xóm đang ngồi hè bên, quạt giấy phành phạch vì cúp điện, bỗng chõ mồm qua: “Này, còn lâu, vì phải chờ các cụ nghị gật gù lên xuống theo nhịp của ông chủ tịch Quốc lủi đã chứ. Chớ vội mừng! He, he”.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Tản mạn gánh hàng rong

Tôi nhớ ngày xưa, vào những buổi chiều mưa dầm lạnh lẽo, thỉnh thoảng, mẹ tôi lại "đãi" anh em chúng tôi một bữa cơm chan nước phở. Một gánh phở rong hồng bếp lửa thơm nồng mùi hồi, mùi hành ngò; béo ngậy mùi xương hầm ghé vào mái hiên của những bà mẹ nghèo, trong một xóm nghèo là cả một niềm vui đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Bia lạ

Bài báo ”Biên giới tháng hai (1979-2009)” của Huy Đức trên SGTT số ra ngày 9/2/2009 có chụp ảnh một tấm bia tưởng niệm những người đã hy sinh vì tổ quốc được đặt tại nghĩa trang Vỵ Xuyên (Hà Giang) rất lạ. Bia tưởng niệm thì bình thường nhưng lạ vì cách ghi trên tấm bia đó.
Những người đánh Pháp mà hy sinh thì ghi: CHỐNG PHÁP
Những người đánh MỸ mà hy sinh thì ghi: CHỐNG MỸ
Còn những người đánh Trung Quốc mà hy sinh hồi tháng 2/79 thì lại ghi là BẢO VỆ BIÊN GIỚI.
Không thể hiểu nổi!!!